Mỹ cấp vũ khí cho Iraq: Hãy coi chừng!
Mỹ vừa quyết định trang bị vũ khí cho lực lượng người Kurds ở Iraq với hy vọng đẩy lùi phiến quân Hồi giáo đang hoành hành tại miền bắc. Sự đánh cược mới của Mỹ làm người ta nhớ lại những gì Washington từng hỗ trợ Taliban.
Mỹ vừa quyết định trang bị vũ khí cho lực lượng người Kurds ở Iraq
Phải đợi gần 2 tháng kể từ khi phong trào Nhà nước Hồi giáo và Trung Đông (IS) nổi lên tại Iraq và chiếm được rất nhiều thành phố quan trọng ở miền bắc, Tổng thống Mỹ Barack Obama mới quyết định ra tay. Mặc dù lấy cớ là để ngăn chặn tội ác diệt chủng của phiến quân Iraq ở miền bắc, nhưng thực chất là để bảo vệ lợi ích của Mỹ tại Iraq. Thực vậy, chỉ đến khi phiến quân IS tiến sát thủ phủ Erbil trong vùng tự trị của người Kurds, Obama mới cho phép không quân sử dụng vũ lực. Thành phố Erbill là nơi Mỹ có sự hiện diện ngoại giao và các cố vấn cho lực lượng Iraq. Quan trọng hơn cả, khu tự trị người Kurds ở miền bắc Iraq là nơi cung cấp một số lượng dầu khí lớn cho Mỹ. Đây là nơi chưa nhiều dầu nhất tại Iraq.
Sau 4 ngày cho phép không quân tấn công các mục tiêu của phiến quân IS, ngày 12/8, Tổng thống Obama tiếp tục cử 130 cố vấn quân sự đến miền bắc Iraq để nghiên cứu nhu cầu của cư dân địa phương về hỗ trợ nhân đạo kế tiếp. Chính xác là nhóm cố vấn này sẽ tới Erbill để giúp lực lượng người Kurds chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo.
Chưa dừng lại ở đó, Tổng thống Obama còn vừa chuyển giao trực tiếp vũ khí cho lực lượng thiểu số người Kurds. Trước đây, chính phủ Mỹ chỉ bằng lòng bán vũ khí cho chính quyền Iraq ở Baghdad. Hiện không rõ cơ quan nào cung cấp vũ khí hay những loại vũ khí gì được chuyển giao. Tuy nhiên, một viên chức Mỹ giấu tên nói rằng Lầu Năm Góc không làm việc này. Cơ quan tình báo CIA trước đây từng thực hiện những nỗ lực vũ trang thầm lặng kiểu này. Các giới chức Mỹ khi tiết lộ tin tức này cho báo chí đã yêu cầu được giấu tên vì không muốn công khai thảo luận.
Việc Mỹ trực tiếp trợ giúp lực lượng Kurds cho thấy mức độ lo ngại ở Washington về các thắng lợi của IS trong khu vực phía bắc Iraq và cũng phản ánh quan điểm của chính phủ Mỹ là người Iraq phải tự giải quyết vấn đề an ninh của họ. Biện pháp hỗ trợ mới này được đưa ra trong lúc các tay súng người Kurds hôm 11/8 tái chiếm hai thị trấn từ tay phiến quân IS, một phần nhờ vào các cuộc không kích của Mỹ trong vùng.
Các nhà quan sát cho rằng đây là lựa chọn tốt nhất của Mỹ tại thời điểm này. Khi bật đèn xanh cho không quân tấn công lực lượng IS, Tổng thống Obama nhắc đi nhắc lại rằng ông sẽ không đưa bộ binh vào Iraq và nhất quyết không để Mỹ bị kéo vào cuộc khủng hoảng tại Iraq hiện nay. Việc “lấy độc trị độc” là cách làm khôn ngoan nhất của Chính quyền Obama. Tuy nhiên, đây lại được coi là cú đặt cược đầy mạo hiểm của Mỹ tại Iraq.
Tình hình Iraq hiện rối như canh hẹ, vừa khủng hoảng an ninh lại vừa khủng hoảng chính trị. Việc trang bị vũ khí cho một phe, trong một nước có chiến tranh thường không phải chính sách tốt. Mỹ có thể nhìn thấy lực lượng người Kurds như chỗ dựa có thể tin cậy, để đẩy lùi quân IS, bảo vệ người Thiên Chúa giáo, các cộng đồng thiểu số, giữ ổn định Iraq và nhất là bảo đảm được những lợi ích của mình. Có điều, vấn đề không đơn giản, vì người Kurds vẫn mơ ước thành lập một nhà nước, tập họp người dân rải rác ở nhiều nước từ Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Iran và Syria.
Bài học lịch sử về việc Mỹ từng hỗ trợ lực lượng Taliban ở Afghanistan vẫn còn nguyên giá trị. Mượn tay Taliban để đẩy lùi người Nga ra khỏi Afghanistan, Mỹ đang hàng ngày phải chịu những tổn thất do Taliban gây cho. Hệ quả của việc Mỹ cung cấp vũ khí cho lực lượng người Kurds, phải trong 1 hay 2 thập niên tới mới thấy hết. Tuy nhiên, trong tình thế hiện nay, Mỹ không thể có chọn lựa nào khác.
Theo PetroTimes