Mỹ cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ sắp tiến hành chiến dịch quân sự vào Syria
Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai lực lượng chỉ huy đặc nhiệm mặc quân phục, các đơn vị pháo binh, và dân quân đồng minh tới các vị trí chiến lược dọc biên giới với Syria.
Ảnh minh họa. Nguồn: THX/TTXVN
Các quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại rằng Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh dân quân đang chuẩn bị một cuộc tấn công quy mô lớn vào lãnh thổ Syria do lực lượng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn kiểm soát, theo một bài báo độc quyền từ Wall Street Journal công bố ngày 17/12.
Bài báo dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, có một sự gia tăng đáng kể lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ gần thành phố Kobani, nơi có đa số dân cư người Kurd nằm sát biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, làm dấy lên lo ngại rằng xung đột có thể xảy ra ngay lập tức.
Một quan chức Mỹ cảnh báo: “Một chiến dịch xuyên biên giới có thể sắp xảy ra”, đồng thời lưu ý rằng động thái này giống với các cuộc triển khai của Thổ Nhĩ Kỳ trước khi tiến hành cuộc tấn công vào Đông Bắc Syria năm 2019.
Theo bài báo, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai lực lượng chỉ huy đặc nhiệm mặc quân phục, các đơn vị pháo binh, và dân quân đồng minh tới các vị trí chiến lược dọc biên giới. Các quan chức Mỹ lo ngại rằng một cuộc tấn công mới không chỉ làm gia tăng bất ổn trong khu vực mà còn phá hoại nỗ lực duy trì an ninh trước các tàn dư của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Trước tình hình leo thang, bà Ilham Ahmed, một lãnh đạo cao cấp trong chính quyền dân sự của người Kurd tại Syria, đã gửi thư cho Tổng thống đắc cử Donald Trump, kêu gọi gây áp lực lên Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để từ bỏ kế hoạch tấn công.
Trong bức thư, bà Ahmed cảnh báo rằng cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến hơn 200.000 thường dân người Kurd phải di tản, đe dọa các cộng đồng Kitô giáo trong khu vực và làm sâu sắc thêm khủng hoảng nhân đạo.
Bà nhấn mạnh: “Nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc xâm lược, hậu quả sẽ rất thảm khốc”.
Bà cũng nhắc nhở ông Trump về lời hứa của Mỹ đối với các lực lượng người Kurd, những đồng minh kiên cường trong cuộc chiến chống IS. “Sự lãnh đạo quyết đoán của ngài có thể ngăn chặn cuộc xâm lược này và bảo vệ phẩm giá, an toàn cho những người đã đứng vững vì hòa bình và an ninh”, bức thư viết.
Các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), do người Kurd lãnh đạo và hợp tác với quân đội Mỹ để tiêu diệt IS, hiện đang bị lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ bao vây từ phía đông và phía tây Kobani.
Một phát ngôn viên của SDF cho biết các cuộc đàm phán ngừng bắn do Mỹ làm trung gian đã đổ vỡ trong tuần qua mà không đạt được thỏa thuận.
Video đang HOT
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã tới Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần trước để cố gắng giảm căng thẳng. Tuy nhiên, ông không nhận được bất kỳ cam kết nào từ phía Tổng thống Erdogan trong việc hạn chế hoạt động quân sự nhắm vào lực lượng người Kurd.
Mối đe dọa gia tăng trong bối cảnh chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sụp đổ vào ngày 8/12, tạo ra khoảng trống quyền lực và làm bùng phát xung đột giữa người Kurd Syria và các phe nhóm phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu coi SDF là phần mở rộng của Đảng Công nhân Kurdistan (PKK), tổ chức bị Ankara coi là khủng bố.
Tuy nhiên, việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục gây sức ép lên lực lượng người Kurd có thể làm suy yếu thêm an ninh khu vực, đẩy các đồng minh vào thế khó.
Hiện tại, Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Washington từ chối bình luận về báo cáo này.
Cơ hội và mất mát của các cường quốc tại Syria
Trong nhiều thế kỷ qua, các cường quốc đã chiến đấu để tranh giành ảnh hưởng ở vùng lãnh thổ ngày nay được gọi là Syria, mỗi bên đều tìm thấy phần thưởng ở vị trí chiến lược của mình.
Cuộc đấu tranh đó vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay.
Các thành viên lực lượng đối lập sau khi giành quyền kiểm soát thủ đô Damascus, Syria ngày 8/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Trong cuộc nội chiến kéo dài 13 năm ở Syria, Iran, Nga và nhóm chiến binh Hezbollah của Liban đã hậu thuẫn cho chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad, trong khi Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác hậu thuẫn cho nhiều nhóm đối lập khác nhau.
Hiện tại, sau một cuộc tiến công chớp nhoáng của quân nổi dậy và sự sụp đổ nhanh chóng của chính phủ của ông al-Assad, các cường quốc đang tranh giành lợi thế bên trong đường biên giới Syria. Lần đầu tiên sau nhiều năm, bầu trời không còn máy bay ném bom của Syria và Nga, nhưng các cuộc không kích của Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ vẫn tiếp diễn.
Dưới đây là những quốc gia đã có mặt ở Syria, và những gì họ có thể đạt được và mất đi khi chính quyền Tổng thống Assad sụp đổ.
THỔ NHĨ KỲ:
Thổ Nhĩ Kỳ có hai mối quan tâm chính ở Syria: Người Kurd và người tị nạn.
Miền Đông Syria là nơi sinh sống của một nhóm người Kurd đông đảo, mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ coi là đồng minh với các nhóm ly khai người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc gia này cũng đang tiếp nhận gần 4 triệu người tị nạn Syria, và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan rất muốn họ trở về nhà.
Thổ Nhĩ Kỳ, nơi từng là thủ phủ của Đế chế Ottoman rộng lớn bao gồm phần lớn Syria, đã ủng hộ một loạt các nhóm đối lập khác nhau nắm giữ lãnh thổ dọc theo biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Một trong những nhóm đó, Hayat Tahrir al Shams (HTS), đã chỉ huy cuộc tấn công lật đổ ông al-Assad. Nhóm này cũng được hưởng lợi từ sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.
Không rõ liệu Thổ Nhĩ Kỳ có chấp thuận thành quả của HTS hay không. Tuy nhiên, mối quan hệ gần gũi nhất của Ankara là với Quân đội Quốc gia Syria (SNA), lực lượng này gần như hoạt động như một lực lượng ủy nhiệm cho Thổ Nhĩ Kỳ, và đổi lại, họ đã đẩy người Kurd Syria, mà người Thổ Nhĩ Kỳ coi là mối đe dọa an ninh, ra khỏi biên giới. Chỉ trong vài ngày qua, lực lượng đối lập do HTS lãnh đạo, giành quyền kiểm soát thủ đô Damascus, giao tranh đã bùng phát giữa SNA và người Kurd ở đông bắc Syria, tập trung ở Manbij, một thành phố do người Kurd kiểm soát gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện có vẻ là thế lực nước ngoài có quyền tiếp cận và ảnh hưởng nhiều nhất với các nhóm vũ trang hiện đang nắm quyền và ở vị trí thuận lợi để theo đuổi các mục tiêu riêng của mình ở Syria. Điều đó có thể đồng nghĩa với các cuộc tấn công tiếp theo nhằm vào người Kurd Syria và sự trở về của những người tị nạn hiện đang ở Thổ Nhĩ Kỳ.
ISRAEL
Israel đã tiến hành ba cuộc chiến với Syria và có nhiều cuộc xung đột vũ trang hơn nữa. Nước này nắm giữ phần lớn lãnh thổ miền núi ở phía tây nam Syria được gọi là Cao nguyên Golan, mặc dù không được Liên hợp quốc và nhiều quốc gia khác công nhận.
Binh sĩ Israel được triển khai gần vùng đệm ở Cao nguyên Golan ngày 8/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Trong cuộc nội chiến Syria, Israel thường xuyên tiến hành các cuộc không kích vào kho vũ khí và nhân sự được cho là của Iran và Hezbollah tại Syria. Vào tháng 4, nước này đã ném bom một tòa nhà Đại sứ quán Iran tại Damascus, giết chết các quan chức quân sự và tình báo cấp cao của Iran
Chỉ vài giờ sau khi chính quyền Assad sụp đổ, Israel đã đưa quân vào Cao nguyên Golan, tiến xa hơn khu phi quân sự trong lần đầu tiên công khai xâm nhập vào lãnh thổ Syria kể từ cuộc Chiến tranh tháng 10/1973. Nước này cũng đã tiến hành các cuộc không kích vào các kho vũ khí hóa học bên trong Syria, cùng với các địa điểm phòng không và tên lửa.
Israel tuyên bố những hành động của mình chống lại Hamas và Hezbollah là công cụ lật đổ chính quyền Tổng thống Assad. Nhưng không rõ liệu một chính quyền mới ở Damascus có khiến Israel an toàn hơn không.
IRAN
Mối quan hệ giữa Iran và Syria đã có từ gần 50 năm trước, khi Tổng thống Syria lúc bấy giờ là Hafez Assad ủng hộ Iran trong cuộc chiến kéo dài 8 năm với Iraq. Khi Iran xây dựng một mạng lưới các nhóm có cùng chí hướng trên khắp Trung Đông để đối trọng với Mỹ và Israel, Syria là quốc gia duy nhất trở thành một phần của cái mà Iran gọi là "Trục kháng cự".
Syria đã trở thành tuyến đường tiếp tế trên bộ chính của Iran để vận chuyển vũ khí cho Hezbollah ở Liban. Đổi lại, Iran cử các cố vấn quân sự đến hỗ trợ Tổng thống Assad trong cuộc nội chiến, cùng với các chiến binh từ đồng minh Hezbollah và hai lữ đoàn dưới sự chỉ huy của Lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran.
Với việc ông Assad buộc phải chạy trốn khỏi Syria, Iran sẽ mất đi phần lớn đòn bẩy quân sự của mình ở Liban và Syria.
Người dân Syria tại thủ đô Damascus ngày 8/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN
NGA
Mối quan hệ giữa Nga và Syria có từ thời Liên Xô. Vào cuối Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ khẳng định sự hiện diện của mình ở các nước Arab, Nga coi chính phủ Tổng thống Assad là một đồng minh quan trọng ở Trung Đông, một đồng minh có thể tạo ra sức mạnh đối trọng với sự hiện diện của Mỹ.
Trong cuộc nội chiến Syria, Nga đã ưu tiên hỗ trợ để duy trì quyền lực cho đồng minh. Họ cũng coi nhà lãnh đạo Syria là thành trì chống lại chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo từ Al Qaeda và Nhà nước Hồi giáo. Nga đã bán vũ khí cho chính phủ Assad, triển khai các chiến binh từ nhóm quân sự tư nhân Wagner, mở rộng căn cứ hải quân ở Tartus và mở một căn cứ không quân gần Damascus.
Với sự sụp đổ của chính quyền Assad, Nga có thể mất đi phần lớn ảnh hưởng của mình ở Syria, nhưng các nhà phân tích cho rằng có lẽ họ sẽ cố gắng giữ lại căn cứ Tartus, đây là cảng Địa Trung Hải duy nhất của Hạm đội Biển Đen. Họ đang có những cử chỉ hòa giải đối với lực lượng đối lập hiện đang kiểm soát đất nước và cho biết còn quá sớm để đưa ra bất kỳ quyết định nào về số phận của các căn cứ quân sự của mình ở Syria.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan và Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi tại hội nghị Ngoại trưởng theo định dạng Astana về Syria, ở Doha, Qatar, ngày 7/12/2024. Ảnh: IRNA/TTXVN
MỸ
Mối quan hệ Mỹ - Syria chưa bao giờ đặc biệt thân thiện. Washington đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Syria vào năm 1967 trong cuộc chiến tranh Arab - Israel, và đưa Syria vào danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố vào năm 1979.
Mối quan tâm chính của Mỹ tại Syria hiện nay là đánh bại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, lực lượng vẫn hiện diện ở vùng đông bắc và trung tâm của đất nước. Năm 2019, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump đã rút hầu hết lực lượng Mỹ khỏi Syria, nhưng vẫn còn khoảng 1.000 lính Đặc nhiệm ở lại và họ hợp tác chặt chẽ với quân đội người Kurd Syria.
Tổng thống Biden cho biết hôm 8/12 rằng quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích ở Syria để ngăn IS trỗi dậy trong khoảng trống quyền lực do việc lật đổ ông al-Assad tạo ra. Ông cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ khu vực "nếu có bất kỳ mối đe dọa nào đến từ Syria trong giai đoạn chuyển tiếp".
Syria và sự khởi đầu mới hay hỗn loạn tiếp diễn? Trong khi các lực lượng bên ngoài như Mỹ, Nga, và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục duy trì ảnh hưởng của mình, các nhóm vũ trang nội bộ như HTS và SDF đang kiểm soát các khu vực khác nhau. Với sự đa dạng sắc tộc và tôn giáo, nguy cơ nội chiến và tình trạng hỗn loạn là rất cao. Người dân...