‘Mỹ can thiệp Hong Kong là không cần thiết, không phù hợp’
Trưởng Đặc khu Hong Kong Carrie Lam cho hay khoảng 1.400 công ty Mỹ ở Hong Kong được hưởng lợi từ “mối quan hệ song phương tích cực” giữa Hong Kong và Mỹ.
Sau một tuần chứng kiến người biểu tình ở Hong Kong kêu gọi Mỹ ủng hộ phong trào dân chủ của họ và thông qua một dự luật được đề xuất tại Quốc hội Mỹ về ủng hộ nhân quyền ở Hong Kong, Trưởng Đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) ngày 10-9 cho rằng sự can thiệp của Mỹ “hoàn toàn không cần thiết” và “cực kỳ không phù hợp”, theo hãng tin UPI (Mỹ).
Tại buổi họp báo ngày 10-9, bà Lam nói với báo giới rằng Hong Kong bảo vệ nhân quyền theo Luật Cơ bản của TP này – văn kiện mang tính hiến pháp của Hong Kong năm 1997, trong đó cung cấp mức độ tự trị cao trong các vấn đề pháp lý và chính trị cho Hong Kong theo chính sách “một quốc gia, hai chế độ” dàn xếp với Trung Quốc đại lục.
Người biểu tình Hong Kong vẫy cờ Mỹ khi họ kéo tới tổng lãnh sự quán Mỹ tại Hong Kong ngày 8-9. Ảnh: SCMP
“Can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Hong Kong về những gì chúng tôi đang làm theo Luật Cơ bản bảo vệ các quyền tự do- điều này hoàn toàn không cần thiết. Chúng tôi tự biết mình có nghĩa vụ và trách nhiệm tuân thủ các quy định trong Luật Cơ bản”, bà Lam nhấn mạnh.
Trưởng Đặc khu Hong Kong nói rằng việc một quốc gia khác can thiệp vào các vấn đề của Hong Kong là “cực kỳ không phù hợp”.
“Tôi hy vọng không có thêm ai ở Hong Kong tìm cách tiếp cận để yêu cầu Mỹ thông qua dự luật này”, bà Lam nói, nhắc tới Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong được trình ra Quốc hội Mỹ hồi tháng 6.
Bà Lam thề sẽ không để Mỹ trở thành bên liên quan trong vấn đề nội bộ của Hong Kong, chỉ trích dự luật này là sự can thiệp không cần thiết. Bà Lam cũng bày tỏ “vô cùng lấy làm tiếc” trước Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong.
Theo đó, dự luật sẽ mở đường cho Washington trừng phạt các quan chức đàn áp quyền tự do cơ bản ở Hong Kong bằng các biện pháp như đóng băng tài sản của họ ở Mỹ, cấm nhập cảnh vào Mỹ. Dự luật này được lưỡng đảng ủng hộ và một số nghị sĩ Mỹ gọi dự luật này là ưu tiên cho phiên họp mới của Quốc hội, bắt đầu hôm 9-9.
Dự luật sẽ yêu cầu Mỹ đánh giá quyền tự trị của Hong Kong hằng năm nhằm xác định xem liệu các lợi ích được đưa ra trong Đạo luật Chính sách Mỹ-Hong Kong năm 1992 có nên tiếp tục hay không.
Hôm 8-9, một đám đông người biểu tình ước tính khoảng 250.000 người đã tập trung trước Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Hong Kong để kêu gọi ủng hộ, đánh dấu tuần thứ 14 liên tiếp thành phố 7,5 triệu dân này chìm trong làn sóng biểu tình.
Nữ lãnh đạo Hong Kong hôm 10-9 nói rằng việc rút lại dự luật dẫn độ không có nghĩa là ngay lập tức có thể chấm dứt các buộc biểu tình mà phải khởi động đối thoại.
Video đang HOT
“Bạo lực nên chấm dứt vì lợi ích của Hong Kong, nhưng trong tương lai để hàn gắn rạn nứt trong xã hội và mang lại hòa bình chúng tôi sẵn sàng tham gia đối thoại trực tiếp với mọi người. Chúng tôi đang chuẩn bị tiếp cận cộng đồng để có cuộc đối thoại trực tiếp này với mọi người. Ưu tiên hàng đầu nhằm đạt được mục tiêu mang lại hòa bình và trật tự cho Hong Kong là cho tất cả chúng tôi, tất cả người dân Hong Kong và nói không với bạo lực”, bà Lam nói.
Tuy nhiên, người biểu tình không có xu hướng hạn chế phong trào biểu tình của mình cho tới khi tất cả yêu cầu của họ được đáp ứng. Ngoài yêu cầu rút hoàn toàn dự luật dẫn độ, trong đó cho phép đưa người phạm tội sang Trung Quốc đại lục xét xử, người biểu tình còn yêu cầu lập ủy ban điều tra độc lập vào các hành động của cảnh sát khi trấn áp biểu tình, tha bổng những người biểu tình bị bắt, loại bỏ từ “bạo động” khi nói về người biểu tình và tổ chức bầu cử phổ thông để chọn ra các chính trị gia của Hong Kong.
Trưởng Đặc khu Hong Kong Carrie Lam tại buổi họp báo ngày 10-9. Ảnh: REUTERS
Theo báo South China Morning Post (SCMP), hôm 8-9 hàng ngàn người biểu tình tập trung trước tổng lãnh sự quán Mỹ ở Hong Kong nhằm yêu cầu thông qua dự luật, trước khi một số người biểu tình có hành vi bạo lực.
Phong trào chống chính quyền Hong Kong bước vào tuần thứ 14 đã làm rung chuyển TP này, dẫn tới nhiều vụ đụng độ bạo lực với cảnh sát và hơn 1.000 vụ bắt giữ. Cảnh sát đã dùng hơi cay, đạn cao su và đạn túi đậu để trấn áp người biểu tình.
Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong hiện đang được xem xét bởi các ủy ban quốc hội Mỹ và hiện chưa có thời gian cụ thể trình dự luật này trước các nhà lập pháp.
Ngày 17-9, Ủy ban hành pháp quốc hội về Trung Quốc dự kiến tổ chức một cuộc điều trần với sự tham dự của Hoàng Chi Phong, thủ lĩnh phòng trào biểu tình ở Hong Kong và ca sĩ Denise Ho Wan-sze cùng lãnh đạo sinh viên ĐH Hong Kong Sunny Ho.
Buổi điều trần sẽ “đo lường những diễn biến tại Hong Kong và tương lai quan hệ Mỹ-Hong Kong” trước làn sóng biểu tình hiện nay, và “những căng thẳng leo thang do sự bạo lực của cảnh sát gây ra và các mối đe dọa mà chính phủ Trung Quốc đặt ra với quyền tự trị của Hong Kong”.
Các nhà lập pháp của Viện dân biểu Mỹ được cho đang lên kế hoạch đưa ra thêm dự luật đình chỉ xuất khẩu các thiết bị và dịch vụ kiểm soát bạo động cho cảnh sát Hong Kong.
Hôm 10-9, bà Lam cũng cho hay khoảng 1.400 công ty Mỹ ở Hong Kong được hưởng lợi từ “mối quan hệ song phương tích cực” giữa Hong Kong và Mỹ.
“Bất kỳ thỏa thuận nào mà chúng tôi có hay bất cứ quy định đặc biệt nào áp dụng cho Hong Kong từ người Mỹ không chỉ dành riêng cho lợi ích của Hong Kong. Tuy nhiên, để can thiệp vào vấn đề nội bộ của Hong Kong… điều này hoàn toàn không cần thiết”, bà Lam nhấn mạnh.
THIÊN THANH
Theo PLO
Trung Quốc tuyên bố 'không ngồi xem' biểu tình Hong Kong
"Nếu Chủ tịch Tập trực tiếp và đích thân gặp những người biểu tình thì đó sẽ là cái kết có hậu và sáng tỏ cho vấn đề Hong Kong", Tổng thống Trump viết trên Twitter ngày 15-8.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15-8 đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp những người biểu tình ở Hong Kong, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
"Nếu Chủ tịch Tập trực tiếp và đích thân gặp những người biểu tình thì đó sẽ là cái kết có hậu và sáng tỏ cho vấn đề Hong Kong", ông Trump viết trên Twitter ngày 15-8.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước các phóng viên khi chuẩn bị lên chiếc Không lực Một ngày 13-8. Ảnh: REUTERS
Tổng thống Trump nhắc lại đề nghị này với các phóng viên Nhà Trắng sau đó vào ngày 15-8, thêm rằng ông sẽ sớm có cuộc điện đàm với ông Tập.
Trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ đã đề nghị gặp riêng ông Tập để thảo luận vấn đề Hong Kong, sau khi gọi ông Tập là "nhà lãnh đạo vĩ đại, rất tôn trọng người dân của mình" và "một người đàn ông tốt đảm trách công việc khó khăn".
Hôm 14-8, Tổng thống Trump cũng đã liên kết yêu cầu Bắc Kinh xử lý nhân đạo tình hình biểu tình Hong Kong vào đàm phán thương mại song phương.
Cùng ngày sau dòng Twitter của ông Trump, Đại sứ Trung Quốc tại Anh Liu Xiaoming ngày 15-8 cảnh báo Trung Quốc sẽ sử dụng sức mạnh để dập tắt làn sóng biểu tình ở Hong Kong nếu tình hình xấu đi sau khi một số người biểu tình có dấu hiệu của khủng bố, theo hãng tin Reuters.
"Nếu tình hình ở Hong Kong xấu hơn... chính quyền trung ương sẽ không giương mắt ngồi xem. Chúng tôi có đủ biện pháp và đủ sức mạnh trong phạm vi của Luật cơ bản để dập tắt bất cứ cuộc bạo loạn nào một cách nhanh chóng", ông Liu cảnh báo.
Ông Liu khẳng định Trung Quốc sẽ không để những thành phần bạo lực đẩy Hong Kong xuống vực sâu.
Ảnh vệ tinh cho thấy các phương tiện quân sự của Trung Quốc tập trung tại một sân vận động ở Thâm Quyến, gần ranh giới với Hong Kong. Ảnh: CNN
Đại sứ Trung Quốc tại Anh cáo buộc các thế lực nước ngoài xúi giục các cuộc biểu tình bạo lực ở Hong Kong, cảnh báo rằng những nỗ lực "thâm hiểm" của họ đã bị để ý và rằng cuối cùng họ sẽ tự làm hại chính mình.
"Các thế lực nước ngoài phải chấm dứt can thiệp các vấn đề của Hong Kong. Chấm dứt thông đồng với các cuộc tấn công bạo lực - họ không nên đánh giá sai tình hình và đi vào con đường sai trái, bằng không họ sẽ nhấc hòn đá và chỉ tự thả xuống chân mình", ông Liu nói.
Vị quan chức Trung Quốc thêm rằng: "Bằng chứng cho thấy tình hình sẽ không diễn biến xấu như vậy nếu không có sự can thiệp và kích động của các thế lực bên ngoài. Hong Kong là một phần của Trung Quốc. Không quốc gia nào được phép can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Hong Kong".
Ông Liu cáo buộc truyền thông phương Tây không công bằng trong việc đưa tin và nhập nhằng đúng sai, theo Reuters.
Tuyên bố của ông Liu đưa ra sau khi Cảnh sát vũ trang nhân dân của Trung Quốc (PAP) đang tiến hành các cuộc tập trận tại một sân vận động thể thao ở Thâm Quyến, gần ranh giới với Hong Kong.
Binh sĩ Trung Quốc đi theo đội hình tại Trung tâm thể thao vịnh Thâm Quyến ở Thâm Quyến ngày 15-8. Ảnh: REUTERS
Tờ Global Times của Trung Quốc hôm 15-8 cũng cho biết Bắc Kinh để ngỏ khả năng can thiệp bằng vũ lực.
"Nếu Hong Kong không thể khôi phục luật pháp của mình và bạo động gia tăng thì chính quyền trung ương sẽ đưa ra các hành động trực tiếp dựa vào Luật cơ bản", Global Timesviết, đồng thời nói thêm rằng việc triển khai PAP ở Thâm Quyến là "lời cảnh báo rõ ràng".
Cảnh sát Hong Kong ngày 15-8 cho biết đã bắt giữ 748 người trong một loạt cuộc biểu tình bạo lực kể từ tháng 6.
17 người bị bắt giữ vào tối 14-8 khi những người biểu tình bao vây và tấn công các đồn cảnh sát ở quận Sham Shui Po và Tin Shui Wai. Cảnh sát đã sử dụng hơi cay trong cuộc đối đầu với người biểu tình.
Hôm 14-8, sau hai ngày bị ảnh hưởng nghiêm trọng do làn sóng biểu tình, Sân bay quốc tế Hong Kong cuối cùng đã nối lại hoạt động. Đây là một trong những sân bay nhộn nhịp nhất thế giới.
Ngày 14-8, Sân bay quốc tế Hong Kong đã nối lại hoạt động sau hai ngày bị ảnh hưởng nghiêm trọng do làn sóng biểu tình. Hiện hành khách đã có thể làm thủ tục lên máy bay sau khi được kiểm tra vé và hệ thống làm thủ tục lên máy bay một cửa cũng đã được mở để hành khách đi qua.
Biểu tình ở Hong Kong bùng nổ từ đầu tháng 6 khi Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) nỗ lực thông qua dự luật dẫn độ cho phép người dân Hong Kong trình diện trước các tòa án hình sự ở Trung Quốc đại lục.
Người dân Hong Kong lo dự luật sẽ giúp Trung Quốc dễ dàng bắt giữ người tại Hong Kong với nhiều lý do, kể cả lý do chính trị, đồng thời làm suy yếu sự độc lập của hệ thống tư pháp Hong Kong.
Trái lại, chính quyền Hong Kong cho rằng dự luật dẫn độ sẽ góp phần hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật hiện tại của Hong Kong. Bà Lam kiên quyết từ chối đáp ứng bất cứ yêu cầu nào từ người biểu tình ngoài việc đình chỉ dự luật vào lúc này.
THIÊN THANH
Theo PLO
Hong Kong chuẩn bị rút dự luật dẫn độ gây tranh cãi Lãnh đạo Hong Kong sẽ tuyên bố rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi, đáp ứng yêu cầu của những người biểu tình sau nhiều tuần bất ổn tại đặc khu này, theo SCMP. SCMP dẫn ngồn tin thân cận cho biết Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam sẽ gặp mặt các đồng minh thân cận trong một cuộc họp...