Mỹ cấm nhập bông từ binh đoàn Tân Cương
Chính quyền Trump cấm nhập khẩu bông từ Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương, nơi bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức.
Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) hôm 2/12 cho biết lệnh không thông quan do cơ quan này ban hành sẽ cấm nhập khẩu bông và các sản phẩm bông từ Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC).
Lệnh cấm nhắm vào XPCC, công ty sản xuất 30% bông của Trung Quốc vào năm 2015, được đưa ra sau khi Bộ Tài chính Mỹ hồi tháng 7 cấm tất cả giao dịch bằng đồng đôla với binh đoàn này.
XPCC được thành lập năm 1954 tại Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, với mục tiêu phát triển khu vực biên giới, thúc đẩy kinh tế, đảm bảo ổn định xã hội và hòa hợp dân tộc, cũng như củng cố hệ thống biên phòng. Binh đoàn này là một tổ chức kinh tế – quốc phòng độc đáo, có cấu trúc hành chính riêng và thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước tại các thành phố trực thuộc, tách biệt với chính quyền khu tự trị Tân Cương.
Công nhân đi bộ bên hàng rào được gọi là trung tâm giáo dục kỹ năng nghề ở Dabancheng, Tân Cương, Trung Quốc năm 2018. Ảnh: Reuters .
Brenda Smith, trợ lý điều hành của giám đốc CBP, cho biết các lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính nhắm vào cơ cấu tài chính của XPCC, còn sắc lệnh của CBP sẽ buộc các công ty may mặc và nhập khẩu sản phẩm bông phải loại sợi bông do XPCC sản xuất khỏi nhiều tầng lớp trong chuỗi cung ứng của họ.
Video đang HOT
Vào tháng 9, CBP xem xét lệnh cấm nhập khẩu rộng hơn nhiều đối với tất cả các sản phẩm bông và cà chua từ Tân Cương, nhưng do bất đồng quan điểm từ nội bộ chính quyền Tổng thống Donald Trump, họ quyết định công bố lệnh cấm ở phạm vi nhỏ hơn đối với các sản phẩm từ các thực thể cụ thể, gồm hai nhà sản xuất bông và may mặc nhỏ hơn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ Kenneth Cuccinelli, người giám sát CBP, nói trong một cuộc họp báo rằng lệnh cấm nhập khẩu bông trên toàn khu vực Tân Cương đang tiếp tục được nghiên cứu.
“Những sản phẩm bông giá rẻ mà bạn có thể mua cho gia đình và bạn bè trong mùa lễ này, nếu đến từ Trung Quốc, có thể được tạo ra bởi lao động cưỡng bức”, Cuccinelli nói.
Các nhà sản xuất hàng may mặc Mỹ đã chỉ trích lệnh cấm quy mô lớn hơn là bất khả thi, nhưng các nhóm sản xuất quần áo và bán lẻ hôm 2/12 ra tuyên bố chung hoan nghênh lệnh cấm XPCC của CBP và cho biết họ đang ở “tuyến đầu nỗ lực để đảm bảo lao động cưỡng bức không ảnh hưởng chuỗi cung ứng của chúng tôi hoặc hàng hóa vào Mỹ”.
Trung Quốc chưa bình luận về lệnh cấm này của CBP.
Các nhóm, gồm Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ, và Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia, cho biết việc chấm dứt tình trạng lao động cưỡng bức ở Trung Quốc không thể đạt được trước sức ép đơn phương của Mỹ mà cần phải có “cách tiếp cận toàn thế giới”.
Liên Hợp Quốc trích dẫn các báo cáo cho biết khoảng một triệu người Hồi giáo bị giam giữ trong các trại cải tạo ở Tân Cương đã chịu các hình thức lao động cưỡng ép khác nhau. Trung Quốc phủ nhận việc ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ, nói rằng các trại này là trung tâm đào tạo nghề cần thiết để chống lại chủ nghĩa cực đoan.
Lệnh cấm mới nhất của CBP nằm trong số những động thái mà chính quyền Trump xúc tiến trong những tuần cuối cùng nhằm củng cố lập trường cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc, khiến Tổng thống đắc cử Joe Biden khó có thể xoa dịu căng thẳng Mỹ – Trung.
Biden đã cam kết làm việc với các đồng minh của Mỹ để gây áp lực lên Trung Quốc nhằm kiềm chế các hành vi vi phạm nhân quyền và thương mại, trong khi Trump trong những tuần gần đây gia tăng hành động chống lại các công ty nhà nước lớn của Trung Quốc, cấm họ tiếp cận với công nghệ và các khoản đầu tư của Mỹ.
Trung Quốc công bố sách trắng về Tân Cương
Trung Quốc ca ngợi thành công của các chương trình dạy nghề và việc làm ở Tân Cương trong sách trắng mới công bố.
Sách trắng về Tân Cương do chính phủ Trung Quốc công bố hôm nay ca ngợi các chương trình đào tạo việc làm, đồng nghĩa với cải thiện cuộc sống ở khu tự trị.
Tân Cương đã "triển khai mạnh mẽ các dự án việc làm, tăng cường đào tạo nghề, mở rộng các kênh và năng lực việc làm", sách trắng có đoạn, thêm rằng việc đào tạo nghề cho hàng triệu người ở đây đã cải thiện chất lượng của lực lượng lao động. "Tân Cương đã xây dựng được một lực lượng lao động lớn dựa trên tri thức, kỹ năng và sự sáng tạo, đáp ứng các yêu cầu của kỷ nguyên mới", sách trắng viết.
Một trạm an ninh gần nơi được cho là trung tâm đào tạo nghề ở ngoại ô thành phố Hòa Điền, Tân Cương, Trung Quốc, ngày 30/5/2019. Ảnh: AFP.
Sách trắng cho hay công tác đào tạo ở các trung tâm đào tạo nghề gồm dạy viết và nói tiếng phổ thông Trung Quốc, đào tạo tay nghề lao động và phổ cập các kiến thức về cuộc sống đô thị. Sau khi được đào tạo, người dân ở Tân Cương đã bắt đầu hoạt động kinh doanh hoặc làm việc trong các nhà máy.
Thống kê cho thấy mỗi năm từ 2014-2019, Tân Cương đã tổ chức "các khóa đào tạo" cho trung bình 1,29 triệu lao động thành thị và nông thôn, đồng thời cho biết các chính sách việc làm đã "đáp ứng được nhu cầu của người dân và cải thiện đời sống của họ". Sách trắng cũng cảnh báo về tồn tại một số lao động tay nghề thấp và "những kẻ khủng bố, ly khai và tôn giáo cực đoan" tìm cách lôi kéo người dân không học tiếng Trung Quốc, "từ chối tiếp cận khoa học hiện đại và từ chối nâng cao kỹ năng nghề của họ".
Hải quan Mỹ đầu tuần này công bố hạn chế mới đối với bông và sản phẩm may mặc từ Tân Cương do lo ngại chúng được sản xuất bởi "lao động cưỡng bức". Thông báo do Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) đưa ra dưới dạng Lệnh hủy bỏ (WRO), trên thực tế không phải là lệnh cấm nhập khẩu, nhưng hàng hóa bị thuộc dạng WRO sẽ bị trả về hoặc tiêu hủy nếu CBP xác định chúng được sản xuất bởi lao động bị cưỡng bức.
Quyền thứ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ Ken Cuccinelli cáo buộc các trung tâm đào tạo nghề ở Tân Cương là "trại tập trung" và với động thái siết các sản phẩm từ Tân Cương mới đây, cơ quan này đang chống lại một loại hình "nô lệ hiện đại" được Trung Quốc sử dụng để sản xuất hàng hóa, sau đó nỗ lực nhập khẩu vào Mỹ.
Trước cáo buộc đưa người Duy Ngô Nhĩ và người dân tộc thiểu số Hồi giáo vào các trại tập trung, Trung Quốc khẳng định các cơ sở là "trung tâm đào tạo nghề" và họ đang phản ứng hợp pháp với mối đe dọa từ chủ nghĩa tôn giáo cực đoan.
Tổng thống Mỹ Trump tháng trước ký ban hành Đạo luật Chính sách Nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ, trong đó kêu gọi trừng phạt những người chịu trách nhiệm giam hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác ở Tân Cương, gồm Bí thư đảng ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc.
Bắc Kinh từng nhiều lần cảnh báo sẽ hành động trả đũa nếu ông Trần bị nhắm mục tiêu trừng phạt, gọi các động thái của Washington về Tân Cương là "can thiệp thô bạo" vào vấn đề nội bộ của nước này.
Bắc Kinh đầu tuần này tuyên bố sẽ có "hành động kiên quyết" đáp trả các động thái liên quan cáo buộc lao động cưỡng bức ở Tân Cương. Trong sách trắng về Tân Cương hồi tháng 3/2019, Trung Quốc cũng khẳng định chính quyền mạnh tay trấn áp đối với chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan theo đúng luật pháp ở khu tự trị này và cho biết gần 13.000 phần tử khủng bố bị bắt ở đây kể từ 2014.
Những 'điểm nóng' đẩy Mỹ - Trung vào vòng xoáy Chiến tranh Lạnh Đóng cửa tổng lãnh sự quán là bước tiếp theo trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung, đẩy quan hệ song phương xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Mỹ hôm 21/7 yêu cầu nước này đóng cửa Tổng lãnh sự quán ở Houston trong 72 giờ. Bắc Kinh gọi đây là "sự leo thang chưa...