Mỹ: Boeing đối mặt nguy cơ bị truy tố liên quan đến 2 vụ tai nạn máy bay 737 MAX
Bộ Tư pháp Mỹ ngày 14/5 thông báo Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing có thể bị truy tố liên quan đến hai vụ tai nạn máy bay 737 MAX 8 hồi năm 2018 và 2019 làm tổng cộng 346 người thiệt mạng.
Máy bay Boeing 737 MAX . Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Boeing đã vi phạm nghĩa vụ trong một thỏa thuận năm 2021, vốn giúp nhà sản xuất máy bay này tạm thời không bị truy tố hình sự về các vụ tai nạn nêu trên.
Trong hồ sơ trình lên tòa án tại bang Texas, Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng Boeing đã không “thiết kế, triển khai và thực thi chương trình tuân thủ và đạo đức để ngăn chặn và phát hiện các hành vi vi phạm luật chống gian lận của Mỹ trong suốt quá trình hoạt động của mình”. Theo hồ sơ, Boeing có thể bị truy tố và Chính phủ Mỹ đang xác định cách thức xử lý vấn đề này.
Hồ sơ nói trên bao gồm một lá thư, trong đó Bộ Tư pháp Mỹ nêu rõ họ đã yêu cầu Boeing giải thích bản chất và hoàn cảnh của vi phạm, cũng như các hành động để giải quyết vụ việc trước ngày 13/6. Chính phủ Mỹ sẽ xem xét phản hồi của Boeing để xác định có tiến hành truy tố hay không. Bộ Tư pháp Mỹ sẽ quyết định việc này trước ngày 7/7.
Video đang HOT
Hồi tháng 10/2018, một máy bay Boeing 737 MAX 8 do hãng hàng không Lion Air vận hành đã rơi trên vùng biển Indonesia, khiến toàn bộ 189 hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Đến tháng 3/2019, một chiếc Boeing MAX 8 do hãng Ethiopian Airlines cũng đã rơi chỉ 6 phút sau khi cất cánh từ sân bay Addis Ababa (Ethiopia), cướp đi sinh mạng của 157 người.
Thân nhân các nạn nhân trong hai vụ tai nạn trên cùng luật sư của họ lập luận rằng Boeing đã vi phạm thỏa thuận năm 2021 với các công tố viên về việc điều chỉnh để tuân thủ quy định. Các công tố viên liên bang trước đó đã đồng ý yêu cầu thẩm phán hủy bỏ cáo buộc hình sự đối với Boeing, với điều kiện công ty tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận hoãn truy tố trong thời hạn 3 năm.
Tuy nhiên, ngày 5/1 – chỉ hai ngày trước khi thỏa thuận năm 2021 hết hạn, một máy bay Boeing 737 MAX 9 mới do hãng Alaska Airlines vận hành đã bị bung một phần thân trong quá trình bay. Giới chức Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra sâu rộng để xem xét liệu vụ việc này có liên quan vấn đề vi phạm thỏa thuận hay không.
Vào tháng 1/2021, Boeing chấp nhận chi trả 2,5 tỷ USD để dàn xếp cuộc điều tra hình sự về hành vi của công ty xung quanh các vụ tai nạn trong hai năm 2018 và 2019 liên quan máy bay 737 MAX.
Nhà sản xuất máy bay Mỹ đã đồng ý bồi thường cho người thân của nạn nhân và xem xét lại các hoạt động tuân thủ của mình như một phần của thỏa thuận với các công tố viên.
Ông Paul G. Cassell – luật sư đạ diện cho gia đình các nạn nhân – đánh giá thông báo mới của Bộ Tư pháp Mỹ là “bước đầu tiên tích cực”. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng cơ quan này “cần có hành động tiếp theo để buộc Boeing phải chịu trách nhiệm”. Ông cho biết các gia đình nạn nhân sẽ tổ chức cuộc họp với Bộ Tư pháp Mỹ vào ngày 31/5 tới để trình bày chi tiết đề xuất về “biện pháp khắc phục thỏa đáng đối với hành vi vi phạm của Boeing”.
Boeing bỏ xa Airbus tại triển lãm hàng không lớn nhất tại Trung Đông
Vào ngày thứ 4 của Triển lãm hàng không Dubai 2023, triển lãm hàng không lớn nhất tại Trung Đông, tập đoàn chế tạo máy bay Boeing của Mỹ nhận được đơn đặt hàng 295 máy bay, trong khi hãng đối thủ Airbus của Pháp nhận được đơn đặt hàng 86 chiếc.
Máy bay Boeing 737 trưng bày tại Triển lãm hàng không Farnborough, Anh, ngày 18/7/2022. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Số đơn đặt hàng của Boeing gần gấp ba lần so với tại Triển lãm hàng không Dubai 2021 và xấp xỉ con số 356 tại Triển lãm hàng không Paris 2023. Trong khi đó, số đơn đặt hàng của Airbus giảm đáng kể so với con số 846 chiếc nhận được tại Triển lãm hàng không Paris 2023 và 408 chiếc tại Triển lãm hàng không Dubai 2021.
Vào ngày đầu tiên của triển lãm, Boeing đã nhận được đơn đặt hàng lớn là 90 chiếc máy bay thân rộng 777 từ hãng hàng không Emirates Airline của Dubai với giá niêm yết 52 tỷ USD, sau khi nhận được đơn hàng 11 tỷ USD từ công ty con của hãng này là hãng hàng không giá rẻ FlyDubai với 30 máy bay 787 Boeing Dreamliners trong lần đặt hàng đầu tiên.
Nhu cầu lớn của các hãng hàng không với máy bay thân rộng cho thấy triển vọng lạc quan của Dubai về nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trên những chuyến bay dài cũng như tầm quan trọng của thị trường Trung Đông đối với mẫu máy bay này.
Các đơn đặt hàng cho thấy vị thế của Dubai là trung tâm quá cảnh hàng đầu, với mục tiêu bảo vệ và tăng thị phần trong bối cảnh sự cạnh tranh gia tăng từ các hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Saudi Arabia.
Hãng hàng không của Thổ Nhĩ Kỳ và Đức là SunExpress có đơn đặt hàng Boeing lớn thứ hai sau Emirates, với 56 chiếc máy bay thân hẹp 737-8 và 34 chiếc 737-10.
Tiếp đến là Ethiopian Airlines với 41 chiếc 737-8 và 26 chiếc 787-9 và FlyDubai với 30 chiếc 787-9, SCAT Airlines của Kazakhstan với 7 chiếc 737-8, và Royal Jordanian cùng với Royal Air Maroc, với số đơn đặt hàng tương ứng là 4 chiếc và 2 chiếc 787-9.
Trong khi đó, hãng chế tạo máy bay của châu Âu đối mặt với những lo ngại về giá và hoạt động của động cơ Rolls-Royce sử dụng cho máy bay A350 của hãng.
Đơn đặt hàng lớn nhất mà Airbus nhận được là từ AirBaltic, với 30 chiếc máy bay thân hẹp A220-300. Ethiopian Airlines đặt mua 11 chiếc máy bay thân rộng A350-900, trong khi EgyptAir mua 10 chiếc cùng loại.
Emirates ngày 16/11 đặt mua 15 chiếc A350-900, với giá 6 tỷ USD, một đơn hàng có giá trị thấp hơn nhiều so với ước tính trước đó, sau khi Chủ tịch của hãng là Tim Clark chỉ trích về giá và yêu cầu bảo dưỡng đối với động cơ Rolls-Royce được sử dụng cho máy bay A350.
Rolls-Royce khẳng định động cơ XWB-84 của máy bay A350-900 là tốt nhất về hiệu quả, độ bền và độ tin cậy.
Boeing khẳng định tính an toàn của các dòng máy bay 777 và 787 Dreamliner Vài ngày sau khi một trong những kỹ sư cáo buộc Boeing "cắt xén" quy trình sản xuất máy bay để đẩy nhanh tốc độ bàn giao, ngày 15/4, nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới này đã lên tiếng bảo vệ các cuộc thử nghiệm chất lượng và an toàn đối với hai dòng máy bay 777 và 787 Dreamliner...