Mỹ bị tố không kích nhầm hai nhân viên sứ quán Serbia ở Libya
Ngoại trưởng Serbia hôm nay tố Mỹ trong lúc không kích một trại huấn luyện nghi của Nhà nước Hồi giáo ở Libya đã làm hai nhân viên sứ quán nước này, bị bắt cóc từ tháng 11, thiệt mạng.
Chiến đấu cơ F-16 của Mỹ. Ảnh: Reuters.
Sladjana Stankovic, phụ trách thông tin liên lạc, và Jovica Stepic, tài xế, bị bắt cóc ngày 8/11 sau khi đoàn xe ngoại giao của họ, trong đó có cả đại sứ Serbia tại Libya, bị tấn công ở thành phố ven biển Sabratha.
Hai người được cho là thiệt mạng khi chiến đấu cơ Mỹ hôm qua ném bom một trại huấn luyện nghi của Nhà nước Hồi giáo (IS) ở tây Libya. Đợt không kích làm hơn 40 người thiệt mạng và có thể đã tiêu diệt phiến quân tên Noureddine Chouchane liên quan đến hai vụ tấn công đẫm máu năm ngoái ở Tunisia.
“Chúng tôi đang chờ nhận dạng các nạn nhân, do đó, chúng tôi chưa thể chính thức xác nhận thông tin”, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Serbia Ivica Dacic phát biểu tại một cuộc họp báo.
Video đang HOT
Theo ông Dacic, chính phủ Serbia đang đàm phán về việc thả hai con tin. “Những kẻ bắt cóc quan tâm đến tiền”, ông nói, cho biết thêm gia đình con tin và chính phủ đều “không thể” đáp ứng yêu cầu của bọn chúng. Serbia sẽ trao công hàm phản đối Mỹ vì không thông báo cho nước này trước khi không kích.
Các nhà ngoại giao và công dân nước ngoài là mục tiêu bắt cóc của phiến quân Hồi giáo, hầu hết để đòi tiền chuộc hoặc trao đổi lấy những tay súng đang bị chính phủ nước ngoài giam.
Serbia có quan hệ ngoại giao với cả chính phủ Libya được quốc tế công nhận, thủ phủ ở thành phố miền đông Tobruk, và chính quyền tự xưng tại thủ đô Tripoli.
Như Tâm
Theo VNE
Đoàn xe IS bị máy bay lạ không kích ở Libya
Một nhân chứng cho biết máy bay không xác định hôm qua tấn công đoàn xe IS, gần thành phố ven biển Sirte ở Libya.
Lính cứu hỏa cố gắng dập tắt đám cháy do IS gây ra tại một bồn chứa dầu ở cảng Es Sider, Libya ngày 6/1. Ảnh: Reuters
Nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã kiểm soát Sirte trong nhiều tháng và sử dụng nó như một căn cứ để từ đó mở rộng sự hiện diện tại Libya.
Reuters hiện chưa thể xác nhận lời kể của nhân chứng. Lực lượng không quân đồng minh với một trong các chính phủ đang cạnh tranh quyền lãnh đạo ở Libya, đóng tại phía đông đất nước, cho biết họ không thực hiện bất kỳ cuộc không kích nào.
Cũng trong ngày hôm qua, một phát ngôn viên của lực lượng bảo vệ cơ sở dầu Libya cho biết ba tàu đã cố gắng tấn công cảng dầu Zueitina. Các lính canh đã đẩy lùi cuộc tấn công trước khi tàu vào cảng. Họ thiêu cháy một con tàu, người phát ngôn Ali al-Hassi nói. Ông cho biết IS bị nghi ngờ là bên đứng sau vụ việc.
IS đang lợi dụng khoảng trống an ninh tại Libya, nơi nhiều nhóm đối thủ đấu đá nhau để tranh giành quyền lực và tài nguyên dầu, kể từ khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ năm 2011. Hồi đầu tuần, IS tấn công vào cảng dầu chính Es Sider và Ras Lanuf, nằm giữa Zueitina và Sirte.
Liên Hợp Quốc hiện cố gắng tranh thủ ủng hộ để tiến hành kế hoạch thành lập một chính phủ thống nhất tại Libya, tuy nhiên, họ vấp phải sự phản đối từ các phe phái ở nước này.
Vụ không kích được cho là diễn ra gần thành phố ven biển Sirte. Đồ họa: FT
Phương Vũ
Theo VNE
Mỹ không kích thủ lĩnh IS ở Libya, hơn 40 người chết Các chiến đấu cơ của Mỹ sáng 19 tháng 2 dội bom thành phố Libya tây Sabratha, được cho là nhằm tiêu diệt thủ lĩnh IS. Reuters dẫn thông tin từ phát ngôn viên của quân đội Mỹ cho hay, mục tiêu của các cuộc không kích là một thủ lĩnh IS người Tunisia, liên quan tới các cuộc tấn công ở Tunisia...