Mỹ bí mật chuẩn bị chiến tranh chống Iran
Tờ New American của Mỹ dẫn bình luận của các nhà phân tích hàng đầu nước Mỹ cho biết, chính quyền Obama đang bí mật chuẩn bị cuộc chiến chống Iran.
Những nhà bình luận này cho rằng không có bằng chứng nào thể hiện ý đồ đó rõ hơn khi Tổng thống Obama ngày 25.3 tuyên bố thời gian cho các hoạt động ngoại giao đang gần hết.
Binh lính Mỹ được tăng cường ở vịnh Persian.
Cách đây một tuần, trong cuộc họp báo với Thủ tướng Anh David Cameron tại Wasington, Tổng thống Obama cảnh báo cơ hội cho một giải pháp ngoại giao đang “sắp hết”.
Mặc dù ông Obama tuyên bố vẫn còn “thời gian và không gian” cho một giải pháp ngoại giao chứ không phải một cuộc tiến công quân sự, nhưng khẳng định cơ hội cho giải pháp đó đang biến mất.
Video đang HOT
Ngày 26.3, Ngoại trưởng Hillary Clinton đề nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nói với Iran rằng, Iran còn cơ hội cuối cùng để giải quyết cuộc xung đột một cách hòa bình bằng cách đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán với nhóm P5 1 gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức. Nếu không, một cuộc tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran sẽ diễn ra trong những tháng tới. Trước đó, Obama yêu cầu Israel kiềm chế tấn công quân sự chống Iran để cho phép các biện pháp cấm vận có cơ hội thể hiện hiệu quả, nhưng nhấn mạnh hành động quân sự vẫn là lựa chọn có thể xảy ra.
Ngày 29.3, mạng tin tức nước Nga cũng cho biết, Mỹ đã phái đến khu vực vùng Vịnh Persian một nhóm quân đổ bộ để thi hành nhiệm vụ trực chiến, gồm cả một tàu chở máy bay lên thẳng. Các chiến hạm chở Tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến viễn chinh này đã rời căn cứ Norfolk.
Quân vụ thông tin của Hải quân Mỹ nhấn mạnh rằng, hải đoàn này được phái đi hành quân “để tham gia vào các hoạt động đảm bảo an ninh trên các vùng biển, đối phó với các tình huống khẩn cấp, tăng cường hợp tác khu vực về đảm bảo an ninh và sự hiện diện tiền tiêu của lực lượng hải quân trong các khu vực do các hạm đội phản ứng nhanh 5 và 6 chịu trách nhiệm”.
Đặc biệt, khu vực chịu trách nhiệm của Hạm đội 5 bao gồm cả vùng Vịnh Persian và Biển Arập. Theo một số nhà phân tích, lệnh “sẵn sàng các nguồn lực phòng thủ quốc gia” gần đây của Tổng thống Obama như một bằng chứng cho thấy Mỹ đang chuẩn bị chiến tranh với Iran.
Theo Dân Việt
Bí mật về nhóm quan chức đao phủ của Mỹ
Theo thông tin mới được tiết lộ, Mỹ có một ban bí mật gồm các quan chức chính phủ cao cấp chuyên soạn thảo danh sách những đối tượng cần giết hoặc bắt giữ rồi sau đó báo cáo lên Tổng thống.
Awlaki - chiến binh Mỹ liên quan tới Al Qaeda
Không có một tài liệu công khai nào ghi lại hoạt động hay quyết định của ban bí mật trên, vốn trực thuộc Hội đồng An ninh quốc gia của Nhà Trắng, một số quan chức đương nhiệm lẫn đã về hưu của Mỹ cho biết. Không có một luật nào quy định việc thành lập ban trên cũng như không có quy tắc nào được vạch ra để họ theo đó mà hoạt động.
Chính ban bí mật trên đã đưa ra quyết định đưa Awlaki - chiến binh người Mỹ có liên quan tới mạng lưới khủng bố Al Qaeda vào danh sách mục tiêu. Awlaki đã bị tiêu diệt trong một cuộc không kích của Mỹ tại Yemen vào cuối tháng trước.
Vai trò của Tổng thống trong việc ra lệnh hoặc phê chuẩn quyết định nhằm vào một công dân nào đang trở nên mờ nhạt. Phát ngôn viên Nhà Trắng Tommy Vietor từ chối thảo luận bất cứ điều gì liên quan tới quá trình này.
Các quan chức về hưu và đương nhiệm của Mỹ cho biết, với những gì họ được biết thì Awalaki - kẻ mà Nhà Trắng cho là nhân vật chủ chốt của Al Qaeda tại Bán đảo Ả rập, thành viên của Al Qaeda đóng tại Yemen, là người Mỹ duy nhất bị đưa vào danh sách những kẻ phải bị bắt hoặc thủ tiêu của chính phủ Mỹ do có liên quan tới các phần tử nổi dậy.
Nhà Trắng mô tả việc tiêu diệt Awlaki như một sự thể hiện quyết tâm của Tổng thống Obama trong việc xử lý những kẻ đe dọa nước Mỹ. Tuy nhiên, quá trình dẫn tới việc thủ tiêu Awlaki đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cả phe tả lẫn phe hữu.
Trong một bước ngoặt mang tính châm biếm, Obama - từng lên án người tiền nhiệm George W.Bush về việc mở rộng quyền hành pháp trong cuộc chiến chống khủng bố, hiện đang bị tấn công vì dùng chiến thuật tương tự. Đó là những lý lẽ biện minh hợp pháp bí mật và các bản tin tình báo kín.
Phe Tự do chỉ trích rằng việc dùng máy bay không người lái tấn công một công dân Mỹ là một vụ giết người không hợp tình hợp lý. Trong khi đó, phe bảo thủ chỉ trích Obama vì từ chối không công bố quan điểm pháp lý của Bộ Tư pháp, vốn được cho đã phê chuẩn việc tiêu diệt Awlaki. Họ cáo buộc Tổng thống Obama là đạo đức giả, nhấn mạnh rằng chính quyền của ông luôn khăng khăng phải công bố những bản ghi nhớ pháp lý thời chính quyền Bush về việc cho phép dùng các kỹ thuật thẩm vấn gồm cả tra tấn nhưng chính chính quyền của ông lại từ chối công bố lý do thủ tiêu một công dân mà không theo quy chuẩn.
Một số chi tiết về việc chính quyền Obama đã nằm vào Awlaki như thế nào, đã xuất hiện hôm 4/10 khi quan chức Dân chủ hàng đầu thuộc Ủy ban tình báo Hạ viện Dutch Ruppersberger được các phóng viên chất vấn về vụ giết người.
Theo VietNamNet