Mỹ: Bác sĩ bị tố giết vợ sau phẫu thuật thẩm mỹ
Một bác sĩ bị tố đầu độc vợ đến chết sau khi dụ bà này thực hiện một ca phẫu thuật thẩm mỹ nâng mặt.
Một bác sĩ người Mỹ đang bị xét xử với cáo buộc giết vợ bằng cách dụ bà này phẫu thuật thẩm mỹ nâng mặt và đầu độc bà bằng thuốc giảm đau để có thể tiếp tục quan hệ với nhân tình của mình.
Trước tòa, các công tố viên mô tả bác sĩ Martin MacNeill là một kẻ giết người máu lạnh, đồng thời tố cáo vị bác sĩ 57 tuổi này đầu độc vợ mình là bà Michele MacNeill, 50 tuổi để che giấu hành vi ngoại tình của mình.
Vợ chồng bác sĩ MacNeill lúc mới kết hôn
Theo các công tố viên, vào tháng 4/2007, bác sĩ MacNeill đã khuyến khích vợ mình phẫu thuật thẩm mỹ nâng mặt, sau đó đã kê cho bà này nhiều loại thuốc giảm đau với liều mạnh đến mức có thể giết người.
Tám ngày sau khi phẫu thuật nâng ngực, bà Michele MacNeill được con gái phát hiện nằm chết trong bồn tắm. Vị bác sĩ đã phẫu thuật nâng mặt cho bà Michele khai trước tòa rằng ca phẫu thuật không hề có biến chứng nào, đồng thời cho biết bà này không bị đau đến mức cần thêm nhiều thuốc giảm đau đến mức như vậy.
Chuyên gia phân tích pháp lý Lisa Bloom nhận định: “Xét trên quan hệ nhân quả thì vị bác sĩ này không chỉ kê thuốc quá liều cho vợ mình mà ông này còn cố tình làm như vậy.”
Video đang HOT
Trước tòa, bác sĩ MacNeill vẫn khăng khăng không thừa nhận có tội. Luật sư của ông này cho biết MacNeill không có nhà khi vợ ông này tử vong, và cho rằng thuốc giảm đau không thể giết được người ngay tức khắc.
Tuy nhiên, một trong những con gái của bác sĩ này là cô Alexis Somers đã lên tiếng tố cáo cha mình là kẻ sát nhân. Các con gái của bác sĩ này đã được mời tới tòa để làm chứng chống lại cha mình.
Bác sĩ MacNeill tại tòa
Trong một cuộc phỏng vấn, cô Somers tuyên bố: “Ông ta đã sát hại mẹ tôi, một người phụ nữ tuyệt vời, người bạn của tất cả chúng tôi.”
Các công tố viên cho biết động cơ giết vợ của vị bác sĩ này là để công khai mối quan hệ lén lút với cô nhân tình Gypsy Willis, người đã ngang nhiên chuyển vào ngôi nhà này ngay sau khi bà Michele qua đời, thậm chí cô này còn đến dự lễ tang của bà. Công tố viên cho biết MacNeill và Willis đã trao đổi với nhau 20 tin nhắn trong lễ tang này, và sau lễ tang, MacNeill đã rất “hớn hở và tươi cười.”
Các MacNeill và Willis đều đã bị truy tố trong một vụ án khác diễn ra sau khi vợ của vị bác sĩ này qua đời. Vị bác sĩ này đã phải ngồi tù 4 năm ở Texas, nơi các công tố viên cho biết ông ta đã nói với một bạn tù rằng tòa án sẽ không thể chứng minh được cái chết của vợ ông là một vụ giết người và “ông ta có thể thoát tội”.
Nếu bị phán quyết là có tội trong phiên tòa này, MacNeill sẽ phải đối mặt với án chung thân.
Theo Huffington Post
Ngành y phẫn nộ chuyện bác sĩ thẩm mỹ vứt xác bệnh nhân xuống sông
Nhiều bác sĩ, nhà quản lý y tế đã sốc và bức xúc trước sự việc bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở Cơ sở Cát Tường làm chết người rồi vứt xác xuống sông phi tang.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường (giữa) được công an dẫn giải đến tái diễn hiện trường vụ ném xác, phi tang tại cầu Thanh Trì - Ảnh: Minh Sang
"Điên quá rồi! Tôi nghe mà còn choáng, sốc đây", thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm giám định Pháp y Tâm thần TP.HCM, bàng hoàng thốt nên khi được hỏi về vụ việc bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ làm chết người rồi vứt xác phi tang.
Theo bác sĩ Quang, cả chục năm làm giám định tâm thần tội phạm, tiếp xúc với nhiều đối tượng phạm tội, nhiều hành vi rất dã man nhưng chưa bao giờ gặp trường hợp bác sĩ làm chết bệnh nhân rồi vứt xác phi tang như thế.
Với hành vi vứt xác phi tang, về mặt tâm thần học, bác sĩ Quang phân tích, đối tượng thực hiện hành vi trên có thể do rơi vào cơn hoảng loạn không nhận thức. Khi gây ra việc sai trái lớn, đối tượng e sợ bị trả giá và muốn giấu giếm mọi việc. Từ đó, rơi vào cơn cuồng loạn, không có nhận thức hành động và thực hiện hành vi mù quáng, điên rồ.
"Là người làm trong ngành y, nghe câu chuyện này tôi thật sự sốc. Đây là hành động vô nhân đạo. Đáng bị lên án. Thật bàng hoàng! Là tội phạm rồi", ông Quang bức xúc.
Trong khi đó, theo Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lê Hành, Chủ tịch Hội Phẫu Thuật Thẩm mỹ TP.HCM, nguyên Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), việc làm trên là không thể chấp nhận được, phạm tội và không còn đạo đức nghề y.
Bác sĩ Hành đánh giá: "Hiện nay nhiều trung tâm thẩm mỹ rầm rộ mở ra. Trong đó, vì tiền nhiều, lợi nhuận nên nhiều đơn vị hành nghề bất chấp sức khỏe của người đi phẫu thuật thẩm mỹ, làm phẫu thuật không đúng quy trình, chuyên môn để xảy ra rất nhiều tai biến".
Một bác sĩ phụ trách Khoa Tạo hình thẩm mỹ của một bệnh viện ngoại khoa lớn, tuyến cuối của TP.HCM thì bàng hoàng: "Đọc thông tin trên (vụ bác sĩ vứt xác phi tang) cả đêm tôi không thể nào ngủ được. Không thể tin nổi. Bác sĩ là chữa bệnh, làm giảm nỗi đau của người dân, bác sĩ thẩm mỹ bên cạnh đó còn là nghề làm đẹp. Những người làm phẫu thuật thẩm mỹ hành nghề phải có bằng cấp, đào tạo chuyên môn đàng hoàng. Không phải cứ bác sĩ ngoại khoa là phẫu thuật thẩm mỹ được. Là bác sĩ thẩm mỹ, tôi thật sự buồn và bức xúc với hành vi một người tự xưng là bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ gây tiếng xấu cho ngành như thế".
Trong khi đó, tối 22.10, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã thay mặt ngành y tế đã gửi lời chia buồn sâu sắc với gia đình nạn nhân bị bác sĩ thẩm mỹ làm chết và vứt xác phi tang. Bộ Y tế đồng thời cũng gửi lời xin lỗi đến toàn thể người dân vì đã để xảy ra sự việc nghiêm trọng này.
Thứ trưởng Xuyên đã yêu cầu các cơ quan quản lý y tế có liên quan xử lý nghiêm và phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an điều tra làm rõ vụ việc.
Phẫu thuật thẩm mỹ không có chuyên môn gây tai biến là điều chắc chắn Theo Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lê Hành, Chủ tịch Hội Phẫu Thuật Thẩm mỹ TP.HCM, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM: Trong phẫu thuật thẩm mỹ có khả năng xảy ra hai loại biến chứng là biến chứng thẩm mỹ và biến chứng y khoa. Biến chứng thẩm mỹ là vết mổ bị tụ máu, sưng, mủ và xấu. Còn biến chứng y khoa có thể xảy ra với bất kỳ phẫu thuật nào. Các biến chứng này thường do sốc thuốc, dịch truyền, kháng sinh, trúng độc thuốc tê, sai sót trong gây mê. Đặc biệt đối với bệnh nhân có sẵn các bệnh lý nền như cao huyết áp, suyễn, các bệnh liên quan đến tim mạch,... thì tỉ lệ biến chứng, tử vong trên bàn mổ càng cao. Vì vậy, người đi làm phẫu thuật thẩm mỹ cần biết mình có bệnh gì và khai báo rõ ràng bệnh sử, đặc biệt là các bệnh mãn tính, cho bác sĩ biết. Cũng như các loại phẫu thuật khác, phẫu thuật thẩm mỹ phải do bác sĩ có trình độ, chuyên môn thực hiện. Bác sĩ cần khám, xét nghiệm để sàng lọc bệnh, cũng như bắt buộc bệnh nhân phải khai bệnh sử trước khi thực hiện phẫu thuật. Như vậy mới có thể kiểm soát việc phẫu thuật cho an toàn, có hướng xử lý, hạn chế tối đa biến chứng. Hiện nay, có rất nhiều thẩm mỹ viện lơ mơ, hoạt động chui, không có giấy phép hoặc phẫu thuật thẩm mỹ vượt quá chức năng của một trung tâm chăm sóc sắc đẹp. Có những nơi phẫu thuật thẩm mỹ nhưng không có bác sĩ, không có phương tiện phẫu thuật, điều kiện cấp cứu. Nhiều nơi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ tùy tiện, không tuân thủ quy định, quy trình y tế. Ở những thẩm mỹ viện không có đủ điều kiện chuyên môn, hành nghề như thế thì không sớm thì muộn, không nhiều thì ít, tai biến xảy ra là điều chắc chắn không thể tránh khỏi.
Theo TNO
Phẫu thuật cắt mí và những biến chứng Sưng và bầm tím quanh mắt là một trong những tác dụng phụ sau khi nâng mắt. Mù mắt là rủi ro hiếm gặp nhưng vẫn có khả năng xảy ra. Điểm khác biệt giữa phụ nữ phương Đông và Tây chính là đôi mắt. Chị em phương Đông thường có đôi mắt một mí, thiếu nếp gấp nên luôn mơ ước về...