Mỹ, Anh ép Nga “buông” Syria?
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron được cho là sẽ cùng một số đồng minh khác tìm cách gây sức ép buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin quay lưng lại với đồng minh Bashar al-Assad trong cuộc họp thượng đỉnh G-8 sắp tới.
Phe nổi dậy đang vui mừng vì được Mỹ cung cấp vũ khí.
Động thái trên được đưa ra sau khi cả Mỹ và Anh đều lên tiếng khẳng định chắc chắn rằng quân đội trung thành với Tổng thống Assad đã nhiều lần sử dụng vũ khí hóa học, trong đó có chất sarin gây tê liệt thần kinh, trong cuộc nội chiến ở Syria dù ở trên quy mô nhỏ.
Theo tờ Daily Mail của Anh, Tổng thống Obama và Thủ tướng Cameron được cho là sẽ cảnh báo Tổng thống Putin rằng, họ đã chuẩn bị sẵn sàng để can thiệp quân sự vào Syria trừ khi ông chủ điện Kremlin ngừng ủng hộ cho chính quyền của Tổng thống Assad.
Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Italia Enrico Letta cũng sẽ phối hợp hành động với hai nhà lãnh đạo Anh, Mỹ trong “cuộc chiến” gây sức ép với Tổng thống Putin – đồng minh lớn của ông Assad.
Trong một phát biểu ám chỉ rõ ràng đến Nga, một nguồn tin từ Anh cho biết: “Áp lực sẽ được đặt lên không chỉ Tổng thống Assad”.
Hai nhà lãnh đạo Obama và Cameron đã thỏa thuận với nhau về chiến lược gây sức ép với ông Putin trong cuộc điện đàm diễn ra tối ngày 13/6. Anh và Pháp sẽ phối hợp hành động cùng với các đồng minh khác trong cuộc họp thượng đỉnh G-8 diễn ra ở Bắc Ireland vào tuần tới.
Một nguồn tin từ Nhà Trắng hôm qua (14/6) cũng tiết lộ, Tổng thống Obama sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Nga Putin vào thứ Hai (17/6) và trong cuộc gặp này, ông Obama sẽ tìm cách thuyết phục ông chủ điện Kremlin rằng, việc ông này ủng hộ lật đổ Tổng thống Assad là vì lợi ích của cả Nga.
“Nga cũng có lợi ích khi tham gia cùng chúng tôi trong việc gây sức ép buộc Tổng thống Assad ngồi vào bàn đàm phán theo cách ông này sẵn sàng từ bỏ quyền lực và vị thế ở Syria”, phó cố vấn an ninh của Tổng thống Obama – ông Ben Rhodes cho biết.
Video đang HOT
Theo lời ông Rhodes, ông chủ Nhà Trắng sẽ đưa ra những lập luận “dựa trên lợi ích” để thuyết phục người đồng cấp Putin về vấn đề Syria trong cuộc gặp tuần tới. Tổng thống Obama sẽ nói với người Nga rằng “họ có thể bảo vệ tốt nhất cho lợi ích của mình bằng cách trở thành một phần trong giải pháp chính trị thực tế, giúp tạo ra một quá trình chuyển tiếp từ chính quyền của ông Assad”.
Cố vấn an ninh Rhodes cho biết thêm, “không ai có ảo tưởng rằng” cuộc đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo Obama và Putin về cuộc xung đột ở Syria sẽ diễn ra dễ dàng.
“Điều mà Nga khẳng định công khai với chúng tôi là họ không muốn chứng kiến tình hình đi theo vòng xoáy trôn ốc theo hướng đi xuống, họ không muốn chứng kiến sự bất ổn và hỗn loạn trong khu vực, họ không muốn thấy những phần tử cực đoan giành được một vị trí ở Syria”, ông Rhodes cho biết.
Phương Tây do Mỹ dẫn đầu vẫn mâu thuẫn sâu sắc với Nga trong vấn đề xử lý cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài hơn hai năm qua ở đất nước Syria.
Mâu thuẫn khó gạt bỏ
Sở dĩ nói Tổng thống Obam và đồng minh sẽ khó lòng thuyết phục Moscow thay đổi lập trường trong vấn đề Syria bởi giữa hai bên có cách nhìn nhận vấn đề khác nhau ngay từ khi cuộc nội chiến ở đất nước này bùng lên hồi tháng 3 năm 2011.
Cuộc khủng hoảng ở Syria chứng kiến mâu thuẫn sâu sắc giữa hai phe cường quốc với một bên là Nga-Trung và bên kia là Mỹ và phương Tây. Trong khi phương Tây muốn lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad thì Moscow đã công khai phản đối nỗ lực này. Nga tuyên bố sẽ không để Syria biến thành Libya thứ hai.
Cả Nga và Mỹ đều “tố” nhau có mục đích, ý đồ riêng trong vấn đề Syria. Washington cho rằng, Nga muốn bảo vệ chính quyền Syria để giữ “căn cứ” duy nhất của họ còn lại ở khu vực Trung Đông. Đáp lại, Moscow cáo buộc, Mỹ đang muốn phá đổ chính quyền của Tổng thống Assad để dựng lên một chính quyền mới phục vụ lợi ích cho họ.
Xuất phát từ mâu thuẫn như trên, cả Nga và Mỹ đều không thể tìm được tiếng nói chung trong vấn đề Syria. Điều này vẫn được thể hiện rất rõ trong diễn biến mới nhất về tình hình Syria. Tình báo Mỹ hôm 13/6 tuyên bố, họ tin chắc rằng quân của Tổng thống Assad đã nhiều lần sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến ở Syria.
Tuy nhiên, tuyên bố trên đã nhanh chóng vấp phải sự hoài nghi và chế nhạo của giới quan chức Nga.
“Người Mỹ đang cố gắng cung cấp cho chúng tôi những thông tin về việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học. Nhưng tôi phải nói thẳng rằng những thứ mà người Mỹ cung cấp cho chúng tôi chẳng có chút gì là thuyết phục. Thậm chí những thứ đó còn khó được gọi là sự thực”, cố vấn cấp cao của điện Kremlin – ông Yury Ushakov hôm qua đã nói như vậy.
Mạnh mẽ hơn, ông Alexei Pushkov – người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nga, còn bác bỏ ngay lập tức những đánh giá của Mỹ về việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học, gọi đó là những thông tin “bịa đặt”.
Tuy nhiên, dựa trên lý do chính quyền của ông Assad đã bước qua “lằn ranh đỏ” về vấn đề vũ khí hóa học, Mỹ tuyên bố sẽ cung cấp “sự giúp đỡ trực tiếp về mặt quân sự” cho phe nổi dậy Syria. Cụ thể là Mỹ sẽ cung cấp vũ khí cho lực lượng này. Washington cũng đang xem xét khả năng áp đặt vùng cấm bay ở khu vực biên giới phía nam giữa Syria và Jordan để bảo vệ dân thường và phe nổi dậy trước những cuộc tấn công mạnh mẽ của quân chính phủ.
Thủ tướng Anh hôm 13/6 cho biết, ông chưa đưa ra quyết định gì về việc có cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy Syria hay không.
Tuy nhiên, giới chức tình báo cảnh báo ông Cameron rằng, Anh có thể sẽ phải gánh chịu những mất mát “cao không thể chấp nhận được” khi thực hiện các cuộc không kích nhằm áp đặt vùng cấm bay ở Syria bởi Tổng thống Assad sở hữu trong tay các hệ thống phòng không tinh vi do Nga và Iran cung cấp.
Theo vietbao
Mỹ vẫn ủng hộ mạnh mẽ Philippines về Biển Đông
Philippines hôm qua (14/6) đã lên tiếng hoan nghênh một nghị quyết của Thượng viện Mỹ trong đó chỉ trích những hành động gây nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông đồng thời kêu gọi tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc tranh chấp đang hết sức nóng bỏng ở khu vực biển này.
Nghị quyết của một số Thượng nghị sĩ Mỹ cho rằng Trung Quốc là nước gây ra các vụ việc nguy hiểm ở Biển Đông.
Hôm 10/6, một nhóm các Thượng nghị sĩ có uy tín của Mỹ đã đệ trình lên Thượng viện Nghị quyết 167 trong đó lên án việc Trung Quốc sử dụng vũ lực và có những hành động khiêu khích ở Biển Đông.
Phản ứng trước động thái trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines - ông Raul Hernandez đã cho biết tại một cuộc họp báo: "Chúng tôi hiểu rằng nghị quyết đó vẫn chưa trải qua tiến trình cần thiết trước khi được Thượng viện Mỹ thông qua. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá cao thực tế về việc một số Thượng nghị sĩ Mỹ cảm thấy cần thiết phải bày tỏ quan điểm của họ về một vấn đề căn bản đang gây ảnh hưởng đến hòa bình và sự ổn định trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương".
Theo lời ông Hernandez, nghị quyết của các Thượng nghị sĩ Mỹ đã tái khẳng định "sự ủng hộ mạnh mẽ" của Mỹ - một đồng minh lâu năm thân thiết của Philippines, cho việc giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông thông qua phương pháp tiếp cận hòa bình, dựa trên luật pháp như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Nghị quyết 167 được trình lên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã đổ lỗi cho Trung Quốc về việc đã gây ra nhiều vụ việc "nguy hiểm" ở Biển Đông và biển Hoa Đông trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ với các nước khác như Philippines, Việt Nam và Nhật Bản.
Trung Quốc đang đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Đây là điều không thể chấp nhận đối với những nước có lợi ích liên quan trong khu vực và cả đối với cộng đồng quốc tế.
"Philippines đặc biệt đánh giá cao hành động của Mỹ trong việc tái khẳng định sự ủng hộ cho việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các cuộc tranh chấp, trong đó có cả biện pháp thông qua tòa án quốc tế, cũng như việc nước này lên án sử dụng vũ lực", phát ngôn viên Hernandez nói thêm.
Trong một động thái bất ngờ gây choáng váng cho cả Trung Quốc và cộng đồng quốc tế, Manila hồi tháng 1 đã tuyên bố đưa vụ tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông ra giải quyết ở tòa án quốc tế. Mục đích của Philippines là tìm kiếm một phán quyết của tòa án quốc tế trong đó khẳng định đường 9 đoạn của Trung Quốc là hoàn toàn phi pháp và phi lý.
Bắc Kinh đã phản đối bước đi của Manila trong việc để một cơ quan của Liên Hợp Quốc can thiệp vào cuộc tranh chấp, nói rằng những lập luận của Philippines là yếu về mặt pháp lý và chứa đựng những lời cáo buộc không thể chấp nhận được.
UNCLOS là một công ước ra đời năm 1982 và được 163 ký kết. Công ước này nhằm mục đích hướng dẫn các nước sử dụng những vùng biển ngoài khơi và đặt ra các giới hạn lãnh thổ cho những nước ven biển. Cả Philippines và Trung Quốc đều tham gia công ước này.
Ông Hernandez đã cảm ơn các Thượng nghị sĩ Mỹ về sự ủng hộ của họ dành cho nỗ lực của Mỹ ở trong khu vực nhằm "đảm bảo tự do hàng hải, duy trì hòa bình, ổn định đồng thời tôn trọng các nguyên tắc của luật quốc tế đã được công nhận rộng rãi".
Theo vietbao
Vì Mỹ, Trung Quốc quay lưng với đồng minh thân nhất? Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa kết thúc cuộc họp thượng đỉnh không chính thức kéo dài hai ngày 7 và 8/6. Trong cuộc họp này, hai nhà lãnh đạo đã bàn về một loạt vấn đề nổi cộm, trong đó có vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhất...