Mỹ, Anh do thám cả thế giới trò chơi điện tử
Không chỉ theo dõi thư điện tử và các cuộc thoại, tình báo Mỹ và Anh còn do thám cả thế giới trò chơi điện tử trực tuyến trên toàn cầu với lý do chống khủng bố.
Phần mềm trò chơi trực tuyến World of Warcraft được bán tràn lan đã vô tình trở thành công cụ theo dõi của tình báo Mỹ, Anh.
Thông tin trên vừa được tờ The New York Times của Mỹ, Guardian của Anh và ProPublica công bố ngày 9/12 dựa trên những tư liệu tờ Guardiancó được.
Các thông tin đăng tải nêu rõ tình báo Mỹ và Anh đã do thám thế giới trò chơi điện tử trực tuyến trên toàn cầu vì lo ngại các phần tử khủng bố có thể sử dụng công cụ phổ biến này để lên kế hoạch cho các vụ tấn công.
Video đang HOT
Dẫn nguồn từ các tài liệu mật mới được tiết lộ của cựu nhân viên tình báo Edward Snowden, The New York Times cho biết các điệp viên đã tạo ra các nhân vật tham gia vào trò chơi điện tử Second Life, Microsoft’s Xbox Live hay World of Warcraft để giám sát, tuyển mộ những người cung cấp tin và thu thập dữ liệu.
“Do lo ngại các mạng lưới khủng bố hoặc tội phạm có thể sử dụng các trò chơi để bí mật liên lạc, chuyển tiền hoặc lên kế hoạch tấn công, các nhân viên tình báo đã thâm nhập vào thế giới của những nhân vật ảo đó”, bài báo viết.
Có vẻ như các công ty sở hữu các trò chơi điện tử trực tuyến không hay biết gì về hoạt động này của tình báo Anh, Mỹ.
“Chúng tôi hoàn toàn không biết gì về việc này. Nếu đúng là có các hoạt động do thám thì chúng được tiến hành bí mật và không hề được chúng tôi cho phép”, người phát ngôn của công ty giải trí Blizzard Entertainment, đơn vị tạo ra trò chơi World of Warcraft,cho biết.
Trong khi đó, người phát ngôn của hãng phần mềm nổi tiếng Microsoft từ chối đưa ra bình luận. Kỹ sư Philip Rosedale, người sáng lập trò chơi Second Life, và người đang sở hữu bản quyền trò chơi này cũng từ chối trả lời báo chí vào thời điểm này.
Các thông tin trên được công bố sau khi 8 công ty công nghệ thông tin hàng đầu có trụ sở tại Mỹ kêu gọi Washington kiện toàn các đạo luật giám sát sau vụ rò rỉ thông tin mật của cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden.
Theo Dantri
Thụy Điển giúp Mỹ do thám giới lãnh đạo Nga
Báo chí Thụy Điển dẫn lời cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden cho biết, cơ quan tình báo tín hiệu Thụy Điển (FRA) đã do thám giới lãnh đạo Nga và chia sẻ thông tin thu thập được với Mỹ.
Theo báo chí Thụy Điển, sở dĩ FRA được Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) coi là "đối tác hàng đầu" trong số các đối tác tình báo nước ngoài khác trong chương trình thu thập thông tin tình báo toàn cầu của mình là bởi Thụy Điển có thể tiếp cận được đường truyền cáp của Nga.
Thông tin trên được Edward Snowden, cựu nhân viên tình báo Mỹ, tiết lộ với đài truyền hình Thụy Điển Sveriges (SVT).
Theo một tài liệu của NSA được đề ngày 18/4/2013 do Snowden hé lộ thì, "FRA đã cung cấp cho NSA...thông tin "độc" về các mục tiêu ưu tiên cao của Nga, như ban lãnh đạo, giới chính trị".
Một tài liệu khác cho biết trước một cuộc họp với giới chức FRA, quan chức của NSA đã cơ ngợi những đối tác xứ Scandinavia của mình. "Cảm ơn Thụy Điển vì công việc họ đang làm với mục tiêu Nga...và FRA đã là đối tác hàng đầu làm việc với Mục tiêu Nga, trong đó có ban lãnh đạo Nga", đài SVT cho hay. "Do FRA được tiếp cận với mạng cáp nên họ đã có những báo cáo SIGNT hiếm có về tất cả các lĩnh vực này", tài liệu cho biết khi dùng từ SIGNT để viết tắt cho "tình báo tín hiệu".
Tuy nhiên SVT không nêu cụ thể tên cá nhân hoặc tổ chức nào ở Nga là đối tượng bị theo dõi của FRA, cũng như phương thức thu thập thông tin cụ thể, mặc dù có đề cập đến mạng cáp.
Năm 2011, trang web WikiLeaks đã hé lộ một loạt bức điện tín ngoại giao của Mỹ, cho thấy FRA có khả năng theo dõi khoảng 80% lưu lượng internet của Nga đi qua Thụy Điển. Nước này cũng đã phê chuẩn luật nghe lén mới, cho phép thực hiện nghe lén một khi có áp lực của Washington. Theo luật, hiện FRA cũng được phép theo dõi liên lạc qua cáp để phát hiện "các mối đe dọa ngoại bang" đối với Thụy Điển
Theo Dantri
Úc chia sẻ thông tin người dân với tình báo nước ngoài Cơ quan tình báo Úc đã bí mật chia sẻ thông tin về người dân trong nước với các cơ quan tình báo nước ngoài. NSA bí mật cấy mã độc vào 50.000 hệ thống máy tính ở khắp thế giới - Ảnh minh họa Reuters Tờ Guardian ngày 2.12 dẫn các tài liệu mật do cựu nhân viên Cơ quan An ninh...