Mỹ-Ấn tăng cường vũ khí: Trung Quốc nóng gáy!
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vừa đề nghị với người đồng cấp Ấn Độ về việc hợp tác hai bên phát triển 7 công nghệ quốc phòng tiên tiến
Mỹ – Ấn Độ mặn nồng với hợp tác quốc phòng
Tuần đầu của tháng 8/2014, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã có chuyến công du Ấn Độ đầu tiên sau khi Thủ tướng Narendra Modi nhậm chức hồi tháng 5/2014. Tại đây, trong buổi làm việc với người đồng cấp Arun Jaitley và các quan chức cấp cao khác, phía Mỹ đã đề nghị đến 7 chương trình hợp tác giữa hai bên.
Theo những gì ông Hagel tiết lộ với báo chí, 7 chương trình mà Lầu Năm Góc đề đạt sẽ tập trung vào các công nghệ liên quan đến sử dụng thuật toán để dự báo tấn công từ bên ngoài, giám sát thông minh. Mỹ còn cung cấp cho Ấn Độ các chương trình an ninh mạng, công nghệ tên lửa chống tăng Javelin, tên lửa đất đối không Hawk 21, máy phóng từ tính giúp máy bay lớn có thể cất cánh từ tàu nhỏ…
Ngoài ra, Mỹ còn đề xuất các dự án hợp tác nghiên cứu phát triển vũ khí công nghệ cao với các công ty quốc phòng, công nghệ của Ấn Độ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi
Ông Hagel trả lời trước báo chí: “Ấn Độ là một đối tác lớn của Mỹ trong ngành công nghiệp quốc phòng, và Mỹ chưa từng đề xuất một chương trình hợp tác tương tự với bất kỳ quốc gia nào trước đó.”
Trước đó, dưới thời chính quyền tiền nhiệm của ông Modi, Mỹ đã từng đề đạt tới 10 dự án hợp tác, tuy nhiên không có tiến triển nào cho đến nay. Nhiệm vụ lần này của ông Hagel là hâm nóng mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước, cải thiện niềm tin chiến lược của hai bên.
Video đang HOT
Có thể thấy rằng, chuyến thăm lần này và những cơ hội mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ mang đến đã “gãi trúng chỗ ngứa” của chính quyền ông Modi, khi vị Thủ tướng này đang quyết tâm đẩy mạnh việc sản xuất vũ khí nội địa, giảm sự phụ thuộc nhập khẩu nước ngoài và tìm đường xuất khẩu vũ khí Ấn Độ.
Mỹ đang giúp Ấn Độ quảng cáo vũ khí
Thời gian vừa qua, đặc biệt từ sau khi Thủ tướng Narendra Modi lên nhậm chức, Ấn Độ trở thành một cái tên đáng chú ý trong các cuộc ngoại giao con thoi của các nước lớn. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên đặt chân lên Ấn Độ của ông Modi. Họ mang đến những cơ hội hợp tác kinh tế, cơ sở hạ tầng. Modi ghi nhận điều đó nhưng ông khẳng định: tiền và chủ quyền là hai thứ hoàn toàn tách biệt.
Khi Trung Quốc hợp tác với Ấn Độ, cả hai bên sẽ có lợi, nhưng Trung Quốc vẫn duy trì quan điểm bành trướng về chủ quyền với các quốc gia khác trong khu vực, trong đó có Ấn Độ, thì New Dehli vẫn trước sau như một: đề cao cảnh giác và quyết liệt bảo vệ chủ quyền.
Quan điểm này của ông Modi đã mở ra cho các quốc gia đối thủ với Trung Quốc một cơ hội, và Nhật Bản, Mỹ nhanh chóng nắm lấy cơ hội đó. Nhật là quốc gia đầu tiên ông Modi sẽ tới thăm ngoại giao. Và giữa hai quốc gia này đã liên tiếp có những hợp tác từ kinh tế, xã hội, và đặc biệt là quốc phòng.
Tên lửa chống tăng hiện đại Javelin mà Mỹ dự kiến sẽ hợp tác sản xuất cùng Ấn Độ
Tới Mỹ, bản thân cường quốc này không phải bây giờ mới săn đón Ấn Độ dưới thời của ông Modi mà trước đó, từ khi cuộc tranh cử tại đất nước Tây Á này diễn ra với khả năng chiến thắng cao của ông Narendra Modi, Washington đã có một loạt biện pháp lấy lòng chính trị gia này.
Cho đến thời điểm này, đề nghị hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Ấn Độ mang đến nhiều ý nghĩa hơn là một sự hợp tác đôi bên cùng có lợi đơn thuần.
Trong 7 dự án mà Mỹ đề nghị, điểm nhấn ở chỗ Washington muốn New Dehli cùng hợp tác phát triển vũ khí hiện đại. Điều này cho thấy trình độ khoa học công nghệ của Ấn Độ đã đạt đến những bước tiến mới, có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn Mỹ.
Điều này sẽ mang lại cho Ấn Độ nhiều lợi thế. Trong đó có việc quảng bá cho chính những sản phẩm vũ khí mà họ chuẩn bị chào bán ra thị trường. Bởi Ấn Độ đã thành công với thương hiệu tên lửa Brashmos khi hợp tác với Nga, và nay là một loạt vũ khí Mỹ. Họ đã có thể chứng tỏ rằng ngành công nghiệp quốc phòng nội địa có những ưu điểm mà khách hàng khi tìm đến sẽ có vô vàn lựa chọn với những đặc tính của Mỹ hoặc của Nga, với chất lượng hoàn toàn đảm bảo và giá cực cạnh tranh.
Nếu như có một quốc gia lo ngại cho điều này thì đó chỉ có thể là Trung Quốc, bởi chính giới quốc phòng Ấn Độ đã khẳng định vũ khí của họ sẽ rẻ hơn vũ khí của nước láng giềng và chất lượng thì hơn nhiều lần. Ấn Độ sẽ là một cái tên mới đầy thách thức trên thị trường xuất khẩu vũ khí.
Tiêm kích hạng nhẹ Tejas của Ấn Độ tự sản xuất
Còn Trung Quốc, ngành quốc phòng nội địa của họ dù luôn được quảng bá đầy uy lực nhưng những thứ họ từng bán được chỉ được những thị trường nghèo, ít tiềm lực kinh tế như châu Phi hoặc một số nước Mỹ Latinh.
Bản thân sự hợp tác với Nga, dù có mối giao hảo rất tốt nhưng đến thời điểm này, Bắc Kinh mới chỉ có được hợp đồng cung cấp linh kiện vũ khí cho Nga trong bối cảnh Ukraine bạo loạn.
Trục quốc phòng Mỹ – Ấn – Nhật đang hình thành
Tiếp đến, việc Washington đề đạt những hợp tác mà chưa từng có tiền lệ này cho thấy họ rất có thiện chí với quốc gia Tây Á này. Nhìn vào những hoạt động ngoại giao qua lại song phương, những hứa hẹn hợp tác thời gian gần đây giữa Mỹ – Ấn Độ, Ấn Độ – Nhật Bản đã cho người ta có thể mường tượng về việc hình thành một vành đai mới trong chiến lược chuyển trục của Mỹ.
Từ Thái Bình Dương, nước Mỹ bắc cầu nối tới Nhật Bản, và xuyên sang Ấn Độ Dương với cường quốc Ấn Độ. Họ tạo thành một trục ba nước cô lập Trung Quốc vòng trong vòng ngoài, chặn mọi nẻo thoát biển từ hướng Đông sang Tây.
Việc Mỹ lấy lòng Ấn Độ, trao công nghệ quốc phòng cho Ấn Độ không nằm ngoài dụng ý tạo dựng lòng tin và xây dựng định hướng chiến lược.
Quân đội Mỹ – Ấn Độ trong một trại huấn luyện chung
Ngoài ra, lôi kéo sự ủng hộ của Ấn Độ về phía mình, Mỹ đã có thể coi như nhất tiễn hạ song điêu, vừa cô lập Trung Quốc, và cũng bắn hạ ước vọng thành lập tam giác Á – Âu của Nga với ba đỉnh là Nga – Trung – Ấn.
Nhưng nhìn nhận một cách khách quan thì bản thân mơ ước này của Nga đã quá viển vông, họ có mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, truyền thống gắn bó với Ấn Độ, nhưng để Trung – Ấn ngồi vào cùng một chiến tuyến, đó sẽ là một câu chuyện viễn tưởng nếu Bắc Kinh không từ bỏ tham vọng về chủ quyền với lãnh thổ Ấn Độ.
Thực tế cho thấy, Mỹ sẽ không có cơ hội xích lại với Ấn Độ nếu như Trung Quốc không quá hung hăng và tham lam. Bắc Kinh khôn khéo trong cách sử dụng đồng tiền của mình, nhưng lòng tham của họ chỉ khiến họ bớt bạn thêm thù mà thôi.
Và đến thời điểm này, có lẽ Bắc Kinh chỉ toàn kẻ thù. Còn những người đứng bên cạnh Trung Quốc lúc này, có lẽ chỉ vì trong túi Trung Quốc còn nhiều tiền.
Theo Đất Việt