Muốn xuất khẩu thanh long ruột đỏ LĐ1, phải trả phí 100 đồng/kg
Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (Long An) vừa gửi công văn lên Cục Hải quan TP.HCM yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long phải tuân thủ các quy định về quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với giống thanh long ruột đỏ LĐ1.
Cụ thể, ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc công ty này cho rằng, doanh nghiệp khác muốn xuất khẩu giống này phải chia sẻ quyền SHTT mà Hoàng Phát đã đăng ký độc quyền từ Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam.
Ông Huy yêu cầu Cục Hải quan TP.HCM giám sát các lô hàng thanh long ruột đỏ xuất khẩu. Nếu là giống LĐ1, đơn vị xuất khẩu phải trả cho Hoàng Phát 100 đồng/kg.
Bằng bảo hộ giống LĐ1 của công ty Hoàng Phát
Trong quá trình giám sát các lô hàng xuất khẩu, nếu phát hiện nghi ngờ là giống LĐ1, Cục Hải quan TP.HCM phải chặn lô hàng lại. Chủ hàng phải kiểm tra lại giống. Nếu kết quả là giống LĐ1 thì phải liên lạc với Hoàng Phát để giải quyết. Ngược lại, nếu ra giống khác, Hoàng Phát sẽ chịu trách nhiệm bồi thường các thiệt hại cho chủ lô hàng đó, ông Huy nói.
Ông Huy cho rằng, việc yêu cầu các doanh nghiệp chia sẻ quyền tác giả đối với giống LĐ1 nhằm đảm bảo quyền lợi của tác giả và nông dân Việt Nam. Vì hiện nay, đã xảy ra tình trạng giống được mua bán tràn lan, thậm chí Campuchia đã trồng giống thanh long ruột đỏ LĐ1 với số lượng lớn. Trong tương lai, nếu nước này đẩy mạnh xuất khẩu thì quyền lợi của doanh nghiệp Việt sẽ bị hạn chế.
Theo ông Huy, cái khó hiện nay là giống LĐ1 đã được trồng tràn lan trong nông dân. Thậm chí hom giống còn được cho không hoặc bán với giá rẻ bèo, 2.000 – 3.000 đồng/hom.
Bằng mắt thường, rất khó để phân biệt với các giống thanh long ruột đỏ khác. Hoàng Phát được Viện cấp một bộ mã gen của giống LĐ1. Muốn xác định nguồn gốc lô trái cây buộc phải thực hiện phân tích mã gen, ông Huy nói.
Trước đó, Phòng Giám sát quản lý Cục Hải quan TP.HCM phát hành công văn Thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ liên quan đến hàng hóa xuất khẩu đối với thanh long ruột đỏ giống LĐ1 theo đơn yêu cầu giám sát của Công ty Hoàng Phát.
Theo nội dung công văn này, Hoàng Phát phản ánh, hiện nay có một số công ty tại Việt Nam đang xuất khẩu quả thanh long có dấu hiệu xâm phạm giống cây mà Hoàng Phát đã đăng ký độc quyền. Hoàng Phát đề nghị Hải quan thực hiện việc kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền SHTT theo quy định của pháp luật.
Hoàng Phát yêu cầu doanh nghiệp phải chia sẻ tác quyền nếu muốn xuất khẩu thanh long ruột đỏ LĐ1
Video đang HOT
Trên cơ sở đó, Phòng Giám sát quản lý đề nghị các đơn vị trực thuộc lưu ý thực hiện việc kiểm tra, giám sát về SHTT đối với sản phẩm là trái thanh long ruột đỏ LĐ1 mà Công ty Hoàng Phát đã yêu cầu.
Đồng thời chú ý danh sách các công ty bị nghi ngờ xuất khẩu hàng hóa xâm phạm quvền SHTT do Hoàng Phát cung cấp để xử lý theo đúng quy định về kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền SHTT.
Theo ông Trương Quang An, Giám đốc HTX thanh long Tầm Vu (huyện Châu Thành, Long An), giống LĐ1 hiện đã được khá nhiều nhà vườn sử dụng. Dù biết rằng LĐ1 là giống độc quyền của doanh nghiệp nhưng khi HTX hoặc đơn vị thu mua trái thì rất khó để phân biệt (khó giám sát truy xuất ).
Theo ông An, diện tích thanh long ruột đỏ hiện đã xấp xỉ thanh long ruột trắng. Sản phẩm này có giá cao hơn nhiều so với thanh long ruột trắng tuy nhiên thị trường xuất khẩu còn hạn chế, chủ yếu xuất tươi sang Trung Quốc.
Trao đổi nhanh với Dân Việt, ông Trần Xuân Định- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết: Việc áp dụng quyền sở hữu trí tuệ đối với các giống cây trồng do tổ chức, cá nhân nghiên cứu, lai tạo ra được thực hiện theo Luật Sở hữu trí tuệ. Theo đó, tổ chức, cá nhân được bảo hộ về quyền tác giả đối với giống cây trồng đó.
Tuy nhiên, khi hỏi cụ thể việc Công ty Hoàng Phát Fruit có được thu phí xuất khẩu 100 đồng/kg đối với giống LĐ1 không, ông Định cho biết, cần liên hệ với Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng để nắm cụ thể.
Trước đó, tháng 5.2017, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam đã tiến hành chuyển giao bản quyền giống thanh long ruột đỏ LĐ1 do Viện lai tạo cho Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit với giá 5 tỷ đồng, thời hạn bảo hộ đến năm 2037.
Đây là lần thứ hai Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam chuyển giao giống được bảo hộ bản quyền sau giống thanh long ruột tím hồng LĐ5 cho Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu vào năm 2013.
Theo Danviet
Trung Quốc thu hoạch rộ thanh long, trái "rồng" Việt đi đâu về đâu?
Báo chí Trung Quốc đưa tin, những ngày qua, nông dân ở huyện Trường Hưng (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) nhộn nhịp thu hoạch thanh long. Việc nước ngày mở rộng diện tích thanh long cũng khiến lượng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc dự báo sẽ chững lại.
Tham vọng về cây thanh long của Trung Quốc
Cụ thể, trang GiuangMing online thông tin, thanh long ở huyện Trường Hưng là loại thanh long ruột đỏ, được trồng trong nhà kính. Trong vòng hai năm qua, chính quyền địa phương này đã nổ lực để giảm nghèo cho người dân địa phương, trong đó có việc xây dựng các mô hình nông nghiệp như trồng thanh long, giới thiệu các kỹ thuật mới trong nông nghiệp, tăng cường kinh doanh nông sản online và phát triển du lịch nông nghiệp....
Nông dân Trung Quốc đóng gói thanh long vừa thu hoạch tại tỉnh Chiết Giang. Ảnh: Xinhua.
Nhờ đó, nhiều mô hình trồng thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao đã được hình thành. Sản lượng thu hoạch cũng ngày càng lớn. Chính quyền địa phương này còn đặt tham vọng sẽ phát triển trồng nội địa, giảm lượng thanh long nhập khẩu vào Trung Quốc trong những năm tới.
Đại diện Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cũng cho biết, hiện nay diện tích trồng thanh long của Trung Quốc là khoảng 35.555 ha, tương đương với diện tích trồng thanh long của Việt Nam.
Quảng Tây là địa phương có diện tích trồng lớn nhất với khoảng 10.666 ha, kế đó là các địa phương như Quảng Đông, Quý Châu, Hải Nam, Vân Nam, Phúc Kiến... Diện tích trồng và sản lượng thanh long của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong một vài năm tới.
Trung Quốc bắt đầu thu hoạch từ tháng 5 - 11 hằng năm, không chênh lệch nhiều so với mùa vụ của Việt Nam. Quảng Tây cũng là một trong số các địa bàn chính tiêu thụ thanh long Việt Nam, bên cạnh các tỉnh Quảng Đông, Vân Nam.
Một công nhân chăm sóc thanh long tại vườn sinh thái nông nghiệp Xuanxin ở làng Nanwuhui của Thạch Gia Trang, thủ phủ của tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc). Việc trồng thanh long trong khu vườn này bắt đầu vào năm 2013 với 4ha. Ảnh: Xinhua
Đó chính là lý do thời gian gần đây thanh long Việt Nam thường xuyên gặp khó về đầu ra. Thời điểm hiện tại, giá bán buôn thanh long trên thị trường Trung Quốc bắt đầu xu hướng chững lại và giảm nhẹ.
Ông Trương Quang An - Chủ nhiệm HTX Thanh long Tầm Vu (Long An) cho biết, đang vào vụ thu hoạch nên giá thanh long hiện khá rẻ. Trái loại 1, đóng vào thùng xuất khẩu có giá từ 14.000 - 15.000 đồng/kg đối với thanh long ruột trắng, 26.000 - 27.000 đồng/kg đối với thanh long ruột đỏ.
Còn giá mua tại vườn (mua xô) thấp hơn nhiều. Thanh long ruột trắng chỉ đạt 8.000 đồng/kg trong khi thanh long ruột đỏ bán xô có giá 13.000 đồng/kg.
"Điều đáng lo ngại là Trung Quốc đã trồng thanh long từ nhiều năm nay và họ bắt đầu cho thu hoạch. Do đó, lượng nhập từ Việt Nam có thể giảm. Hiện thanh long ruột đỏ của Việt Nam phụ thuộc gần như hoàn toàn vào Trung Quốc nên nếu thị trường này giảm mua, doanh nghiệp Việt Nam có nước... đổ bỏ", ông An nhận định.
Thanh long trồng ở Trung Quốc là loại ruột đỏ, được trồng trong nhà kính. Ảnh: Xinhua.
"Cửa" ra cho thanh long ruột đỏ ngày càng hẹp
Theo ông An, hiện thanh long ruột trắng của Việt Nam còn có thể xuất khẩu sang nhiều thị trường khác ngoài Trung Quốc trong khi ruột đỏ gần như chỉ xuất khẩu sang thị trường này. Chưa kể, thanh long ruột trắng còn có thể chế biến sấy khô, làm nước ép..., trong khi thanh long ruột đỏ nếu ép nước sẽ không để được lâu vì đổi màu, sấy khô cũng bị "bầm tím" nên rất khó bán.
"Do 2 năm qua Trung Quốc tăng mua ruột đỏ nên bà con đã chặt ruột trắng để chuyển sang ruột đỏ rất nhiều. Bây giờ Trung Quốc vào mùa thu hoạch ruột đỏ, nếu họ giảm mua sẽ rất khó cho nông dân Việt Nam", ông An lo lắng.
Để tăng cường xuất khẩu bền vững sang thị trường rộng lớn này, mới đây, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) thực hiện bộ cẩm nang Xuất khẩu thanh long vào thị trường Trung Quốc.
Theo Cục Xúc tiến thương mại, Trung Quốc dành một số ưu tiên như giảm 50% thuế VAT cho nhập khẩu thanh long tại cửa khẩu Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Quảng Tây). Tuy nhiên, tại cửa khẩu này, Trung Quốc kiểm soát việc nhập khẩu thanh long qua đường biên mậu thông qua việc chỉ cấp phép cho một số doanh nghiệp nhập khẩu thanh long với số lượng nhất định và theo kế hoạch cụ thể.
Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây vào Trung Quốc qua các cửa khẩu thuộc địa bàn tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), từ ngày 1.4.2018 vừa qua, các doanh nghiệp phải tuân thủ quy định về nhãn mác nguồn gốc, xuất xứ...
Phần lớn thanh long ruột đỏ của Việt Nam hiện nay chỉ xuất khẩu được sang Trung Quốc. Ảnh: Thuận Hải.
Theo đó, các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu hoa quả từ Việt Nam khi làm thủ tục xin "Giấy phép kiểm dịch động thực vật nhập khẩu" tại cơ quan quản lý kiểm nghiệm, kiểm dịch nhập khẩu Quảng Tây cần cung cấp thêm "hình ảnh chụp bao bì chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm".
Thông tin bao gồm tên sản phẩm hoa quả, nguồn gốc xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh. Doanh nghiệp có thể dán thêm nhãn để bổ sung các thông tin kể trên đồng thời có mã vạch, QR code hoặc tem chống hàng giả để có thể kiểm tra bất cứ lúc nào.
Như vậy, Trung Quốc đang ngày càng siết chặt hơn việc nhập khẩu trái cây từ Việt Nam vào thị trường này, các yêu cầu về chất lượng cũng ngày càng nâng cao hơn.
Ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty Huy Long An (tỉnh Long An), cho rằng, Việt Nam không thể bỏ qua thị trường Trung Quốc mà phải xem đây là thị trường béo bở, vì nhu cầu nhập khẩu nông sản, thực phẩm ngày càng tăng.
Tuy nhiên, doanh nghiệp phải "hiểu thị trường" thì mới có thể tận dụng và phát triển được các lợi thế như gần đường biên mậu, dễ dãi hơn trong các tiêu chuẩn về chất lượng... Trung Quốc cũng đang ngày càng siết chặt các vấn đề về chất lượng cũng như tăng dần các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc.
Theo Danviet
Hà Đông: Bao giờ xử lý dứt điểm bãi xe "chui" trên đất dự án khu nhà ở Văn La? Theo phản ánh của người dân, thời gian qua khu đất của dự án Khu nhà ở Văn La, phường Phú La (quận Hà Đông) mọc lên một bãi trông giữ xe ôtô không phép nhưng chưa được cơ quan chức năng xử lý dứt điểm. Bãi xe không phép tại khu nhà ở Văn La, phường Phú La (quận Hà Đông). Ảnh:...