Muốn tinh giản biên chế hiệu quả phải đánh giá được đội ngũ cán bộ
“Muốn tinh giản phải dựa trên cơ sở đánh giá thực chất của đội ngũ cán bộ, công chức. Còn như cắt giảm theo con số cơ học 10-15% sẽ thiếu cơ sở khoa học, có khi không đáp ứng được yêu cầu của đất nước hiện nay”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng nói khi trao đổi với Dân Việt.
Hôm nay (30.10), Quốc hội sẽ nghe và thảo luận về Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Dân Việt đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội xung quanh vấn đề này.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng.
Khi nghiên cứu về báo cáo của Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước, ông thấy nổi lên vấn đề gì?
- Qua nghiên cứu tôi thấy báo cáo đó chưa đưa ra được đánh giá về chất lượng của đội ngũ công chức, viên chức hiện nay. Đây là vấn đề tôi quan tâm có thể sẽ có phát biểu trước Quốc hội.
Tôi cho rằng muốn cải cách, tổ chức bộ máy, tinh gọn biên chế, một trong những yếu tố quan trọng nhất đó là con người. Nếu như chất lượng của đội ngũ cán bộ không đảm bảo thì tinh giản sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của bộ máy. Muốn tinh giản phải dựa trên cơ sở đánh giá thực chất của đội ngũ cán bộ, công chức. Còn như cắt giảm theo con số cơ học 10-15% sẽ thiếu cơ sở khoa học, có khi không đáp ứng được yêu cầu của đất nước hiện nay.
Tại sao trong tổ chức bộ máy của chúng ta phải sinh ra nhiều bộ phận, nhiều cục, nhiều đơn vị, nhiều tầng nấc trung gian?
- Thực ra việc này là do xuất phát từ thực tế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của bộ máy hành chính nhà nước. Trong một số lĩnh vực hiện nay khi bàn thảo chúng ta vẫn đặt vấn đề cần phải có con người, có bộ máy mới thực hiện được việc đó. Ví dụ như sắp tới Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật An ninh mạng. Đây là vấn đề rất mới, muốn bảo vệ an ninh mạng thì phải có lực lượng để làm nhiệm vụ. Lực lượng này được tổ chức như thế nào, đòi hỏi chất lượng ra sao, tuyển chọn con người như thế nào đó là những vấn đề phải bàn.
Video đang HOT
Quan điểm của tôi là tinh giản biên chế tùy từng chỗ, từng lĩnh vực chứ không phải tinh giản đại trà. Muốn tinh giản một cách thực chất thì phải đánh giá được đội ngũ cán bộ, tinh giản phải đi liền với cơ cấu tổ chức lại bộ máy.
Theo thống kê trong bộ máy hành chính của chúng ta tỷ lệ người có bằng tiến sĩ khá lớn. Tuy nhiên có thể thấy ở một số bộ, ngành có tỷ lệ cán bộ là tiến sĩ lớn như vậy nhưng trong lĩnh vực đó lại vẫn tồn tại nhiều bức xúc, hoạt động chưa đạt được yêu cầu đạt ra.
Một trong những vấn đề gây bức xúc dư luận hiện nay là tình trạng trong một cơ quan, lãnh đạo nhiều hơn nhân viên, nhiều cấp phó, rồi chuyện bổ nhiệm người thân nhưng không đủ tiêu chuẩn, báo cáo của Đoàn giám sát đã chỉ ra nhiều không thưa ông?
- Trong số liệu thấy chỉ có một số bộ ngành, địa phương có nhiều lãnh đạo, nhiều cấp phó chứ không phải tất cả. Chuyện phát sinh số lượng cấp phó là do sáp nhập một số ngành, đơn vị vào với nhau. Tuy nhiên đây cũng là vấn đề đặt ra khi chúng ta tổ chức bộ máy phải tiến hành sắp xếp ngay lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, trong đó có đội ngũ cán bộ lãnh đạo làm sao đảm bảo hoạt động đúng theo quy định, đồng thời tránh công việc phân ra nhiều người phụ trách. Như vậy sẽ không có sự kết nối, khi xử lý công việc phải qua nhiều bộ phận làm ảnh hưởng đến hoạt động của lĩnh vực đó.
Ban chấp hành T.Ư lần thứ 6 khóa XII đã ra Nghị quyết về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhưng điều quan trọng phải sớm được thể chế hóa thưa ông?
- Tất nhiên việc đầu tiên phải thể chế hóa Nghị quyết của Ban chấp hành T.Ư trong hoạt động lập pháp, từ đó triển khai tổ chức mô hình bộ máy cho phù hợp với cải cách hành chính theo tinh thần Chính phủ kiến tạo. Điều đó có nghĩa là chuyển từ Nhà nước điều hành theo kiểu trực tiếp như trước đây sang tạo môi trường, tạo thể chế cho các lĩnh vực hoạt động theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Tăng cường sự giám sát, sự kiểm tra nhưng không can thiệp quá sâu vào các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tôi nghĩ cách làm phải hết sức thận trọng, phải có giải pháp cụ thể bởi như Tổng Bí thư nói đây là vấn đề rất khó, rất nhạy cảm. Không thể ngay một lúc chúng ta tổ chức, sắp xếp được bộ máy theo yêu cầu đề ra. Cần phải làm thận trọng, khách quan. Nhìn dưới góc độ quốc phòng, an ninh thì đây là vấn đề dễ gây bức xúc xã hội, dễ gây phát sinh ra những vấn đề mâu thuẫn, chính vì thế cần phải có sự quan tâm làm sao tạo được sự đồng thuận lớn, tránh những chuyện người dân bức xúc có phản ứng tiêu cực. Từ đó, kẻ xấu sẽ lợi dụng xuyên tạc, chống phá làm ảnh hưởng đến việc tổ chức lại bộ máy của chúng ta.
Trên cơ sở của cuộc giám sát lần này Quốc hội sẽ đưa ra Nghị quyết, tuy nhiên còn phải bàn thảo nhiều để đi tới sự thống nhất. Khi có Nghị quyết của Quốc hội, đi cùng với đó là rà soát lại hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức bộ máy, bên cạnh đó sửa đổi, bổ sung một số luật để thực hiện mục tiêu và yêu cầu như Ban chấp hành T.Ư đề ra. Tôi nghĩ việc này phải làm quyết liệt nếu không sẽ không đáp ứng được yêu cầu xây dựng đất nước trong tình hình mới khi mà chúng ta đã hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Để việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, tinh giản biên chế hiệu quả, theo ông cần phải chú trọng vào vấn đề gì?
- Cải cách tổ chức bộ máy phải gắn liền với trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Lâu nay chúng ta nói cải cách bộ máy nhưng bộ máy càng phình ra, chính là chúng ta chưa xác định được trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm của cơ quan chuyên môn trong tổ chức, quản lý bộ máy. Chính vì thế mới phát sinh ra chuyện thừa biên chế, biên chế không đúng cơ cấu, đội ngũ cán bộ không đáp ứng được yêu cầu.
Gắn liền với sắp xếp, tổ chức bộ máy điều rất quan trọng là xác định vị trí việc làm, trên cơ sở đó mới xác định được số lượng công chức, viên chức trong bộ máy thế nào. Tôi rất tâm đắc với quan điểm của chúng ta hiện nay, một việc chỉ do một cơ quan đảm nhiệm, một cơ quan có thể đảm nhận nhiều việc, một công chức, viên chức có thể đảm nhận và làm được nhiều việc. Từ yêu cầu đó đòi hỏi việc nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức.
Xin cảm ơn ông!
Theo báo cáo của Đoàn giám sát, so sánh thời điểm 2011 với tháng 12.2016, tại các tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, số công chức giữ vị trí quản lý từ cấp phòng trở lên (gồm cả hàm) tăng từ 12.216 lên 13.556, tỷ lệ từ 1/6 lên 1/5. Tương tự ở các vụ, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tăng từ 3.871 lên 4.619, tỷ lệ là 1/2 và 4/7.
Theo Danviet
Cán bộ bị tinh giản thành ra... "lên chức" dù đã thôi việc 1 năm
Một cán bộ công tác tại đơn vị thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bạc Liêu đã được Giám đốc Sở này ký quyết định cho thôi việc từ tháng 3/2016. Tuy nhiên, hơn một năm sau, tháng 9/2017, Sở này lại thu hồi quyết định rồi cho thuyên chuyển qua đơn vị khác.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, trên cơ sở tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP, ông Hồ Văn Chiêu, cán bộ Đoạn quản lý đường bộ và đường sông thuộc Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Bạc Liêu, được cho thôi việc ngay và hưởng chính sách theo quy định.
Ngày 29/3/2016, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bạc Liêu đã ký quyết định số 146 cho ông Hồ Văn Chiêu thôi việc theo Nghị định 108.
Tuy nhiên, điều đáng nói là cũng trong ngày 29/3/2016, Đoạn quản lý đường bộ và đường sông có báo cáo số 104 cho rằng, trong khi Sở GTVT chưa có quyết định cho nghỉ việc thì ông Chiêu đã được nhận vào làm phụ trách kế toán tại Ban quản lý dự án Xây dựng dân dụng và công nghiệp tỉnh Bạc Liêu (gọi là Ban QLDA công nghiệp).
Ban QLDA công nghiệp cũng có công văn số 64 ngày 24/3/2016 xác nhận ông Hồ Văn Chiêu đang làm việc hợp đồng thời vụ ngoài biên chế.
Qua tìm hiểu của PV Dân trí, từ ngày 14/12/2015, Ban QLDA công nghiệp đã bổ nhiệm ông Chiêu phụ trách kế toán tại Ban này như báo cáo của Đoạn quản lý đường bộ và đường sông.
Tuy nhiên, hơn 1 năm sau, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bạc Liêu bất ngờ thu hồi quyết định số 146về việc cho ông Hồ Văn Chiêu thôi việc. Và ngày 15/9/2017, Giám đốc Sở GTVT ký quyết định số 348 thuyên chuyển "ngược" ông Chiêu đến công tác tại Ban QLDA công nghiệp tỉnh Bạc Liêu.
Ông Hồ Văn Chiêu được nhận vào làm kế toán Ban quản lý dự án vào năm 2015...
Nói về việc trên, ông Ngô Công Hầu- Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bạc Liêu cho biết, ngày 22/12/2015, Bộ Nội vụ có công văn số 6067 về việc thẩm tra danh sách tinh giản biên chế cho tỉnh Bạc Liêu. Sở Nội vụ đã thông báo đến Sở GTVT tỉnh Bạc Liêu để thực hiện việc ra quyết định cho nghỉ việc và làm thủ tục cho nghỉ việc đối với ông Hồ Văn Chiêu (công tác tại Đoạn quản lý đường bộ và đường sông thuộc Sở GTVT tỉnh Bạc Liêu).
"Theo quy định, ông Chiêu được thôi việc ngay và được hưởng chính sách theo quy định từ nguồn kinh phí của đơn vị là Đoạn quản lý đường bộ và đường sông. Do đó, Giám đốc Sở GTVT đã ký quyết định số 146 ngày 29/3/2016 về việc cho ông Chiêu thôi việc ngay để hưởng chính sách theo Nghị định số 108 của Chính phủ", ông Hầu nói.
Ông Hầu xác nhận, có việc Đoạn quản lý đường bộ và đường sông có báo cáo số 104, cũng như Ban QLDA công nghiệp cũng có công văn số 64 như nói trên.
"Căn cứ Khoản 3, Điều 12, Nghị định số 108 của Chính phủ thì Đoạn quản lý đường bộ và đường sông chưa trả tiền trợ cấp thôi việc cho ông Chiêu, nên ông Chiêu vẫn còn đầy đủ quyền lợi của viên chức tại Đoạn quản lý đường bộ và đường sông Bạc Liêu.
Ngoài ra, ông Hồ Văn Chiêu có đơn yêu cầu xin không thực hiện chính sách tinh giản biên chế; đồng thời, xin chuyển công tác về Ban QLDA công nghiệp tỉnh Bạc Liêu để tiếp tục công tác. Ngày 4/10/2017, Ban này có quyết định số 202 tiếp nhận ông Chiêu", ông Hầu lý giải.
Huỳnh Hải
Theo Dantri
Nhất thể hóa Bí thư và Chủ tịch: Sẽ hết lo chồng chéo, lấn sân (?) Theo GS -TS Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia, chừng nào còn bộ máy cồng kềnh thì không tránh khỏi việc lấn sân, Đảng làm thay Nhà nước. Trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh - Đà Nẵng vừa rồi chỉ là bề nổi. Lãnh đạo nhiều nơi cũng có tình trạng không đoàn kết cũng do...