Muốn ly dị khi chồng vỡ nợ
Trong đầu tôi luôn nghĩ đến việc ly dị. Chồng mở xưởng cùng anh trai và đã lỗ vài tỷ đồng, song không hề cho tôi biết. Giờ tôi đã mất niềm tin và tình cảm với anh.
Tôi 34 tuổi, đã lập gia đình và có con. Chồng tôi 38 tuổi. Năm 2010, chồng tôi hùn vốn với anh chồng và một người bạn mở xưởng. Mấy năm vừa qua, xưởng làm ăn thua lỗ. Anh ấy đã giấu tất cả cho đến khi mọi việc vỡ lở. Số tiền lỗ khoảng 7 tỷ đồng, chia đều cho 3 người. Người bạn hùn đã thanh toán nợ và kết thúc hợp tác. Chồng tôi vẫn quản lý hoạt động của xưởng, tiền thu được mang ra trả nợ. Anh chồng tôi thì lo khoản nợ ngân hàng bằng ngôi nhà của gia đình vợ anh ấy.
Trước vỡ nợ, anh chồng tôi mua một ngôi nhà mới mà theo những người khác nói là anh đã lấy một phần tiền từ xưởng. Tôi không rõ vấn đề này vì mọi thu chi không hề minh bạch.
Hiện tôi đã bán nhà mình để thanh toán nợ cho chồng. Nhà này có hơn 50% từ tiền tôi dành dụm trước và sau khi kết hôn. Từ ngày đó, chồng trợ cấp mỗi tháng 1-5 triệu, có tháng không, nhưng vẫn có trách nhiệm với con và gia đình. Tôi rất mệt mỏi vì tình cảm với chồng và niềm tin với gia đình chồng mất dần. Giờ tôi chỉ cố gắng vì con. Tôi nên làm thế nào trong tình huống này? (Lan Anh)
Video đang HOT
Ảnh minh họa: Life.wevorce.com.
Trả lời
Chào bạn,
Hôn nhân là sự gắn kết hai con người trên cơ sở tình yêu, sự đồng cảm và hòa hợp về tâm hồn. Nhưng để cuộc hôn nhân bền vững và phát triển còn cần đến cả hai người sự tận tâm và có trách nhiệm vun đắp cho tổ ấm. Nếu chỉ một bên gánh vác, cuộc hôn nhân đó sẽ bị mất cân bằng và trở thành gánh nặng cho người phải chịu trách nhiệm về mọi việc trong gia đình.
Qua chia sẻ của bạn, tôi có thể cảm nhận được bạn là người vợ rất tận tâm với gia đình và cũng luôn đồng hành bên chồng. Kể cả lúc anh ấy đang đứng trước bờ vực phá sản thì bạn vẫn sẵn sàng chấp nhận những thách thức lớn nhất để đứng bên anh ấy. Điều lớn nhất đối với bạn chính là niềm tin vào gia đình nhà chồng đã không còn nữa, cụ thể là anh trai chồng trong quá trình làm ăn đã không minh bạch tài chính. Tất nhiên đó chỉ là phỏng đoán bởi hiện giờ tìm được chứng cứ là điều rất khó khăn.
Tôi hiểu bạn đang rất thất vọng về cách ứng xử của anh chồng dẫn tới sự thất vọng vào chồng mình. Nhưng bạn thấy ở đây rõ ràng chồng bạn đã rất cố gắng để làm ăn kinh tế. Tôi nghĩ sau chuyện phá sản này, chính anh ấy cũng khủng hoảng không ít khi toàn bộ công sức đã tiêu tan nhanh chóng và phải làm lại từ đầu. Có thể chính anh ấy cũng thất vọng giống như bạn nhưng với tư cách là em trai, chồng bạn sẽ cảm thấy khó xử khi người thân của mình đã làm như vậy.
Mọi chuyện đã xảy ra rồi, đó cũng là bài học để anh ấy rút kinh nghiệm cho chính mình. Vì vậy, ở trong hoàn cảnh này, có lẽ anh ấy cần được thông cảm và động viên để bước tiếp qua giai đoạn khó khăn này hơn là sự trách móc và xa lánh.
Như bạn nói, cho dù việc chu cấp cho gia đình không đều đặn và chỉ là số tiền nhỏ bé, nhưng chồng bạn vẫn có trách nhiệm với gia đình. Đó là điều cần thiết nhất ở người bạn đời mà bạn đang có. Có thể lúc này anh ấy đang gặp khó khăn nhưng biết đâu với sự kiên nhẫn và bản lĩnh, anh ấy sẽ vực dậy được sự nghiệp và thay đổi cuộc sống của mình. Bắt đầu đi từ con số không thì mới khó khăn, nhưng chồng bạn đã có sẵn kinh nghiệm và trải qua thất bại, tôi tin rằng anh ấy sẽ thay đổi nếu như nhận được sự động viên tích cực từ gia đình.
Tôi biết khi tài chính khó khăn thì lúc này mọi gánh nặng gia đình sẽ dồn lên vai bạn. Việc lo lắng tiền ăn học cho con, cho gia đình, công việc đối nội đối ngoại đều cần đến tài chính nên có lẽ bạn rất mệt mỏi. Khả năng của chồng bạn lúc này sẽ khó khăn trong việc đóng góp tài chính nhưng anh ấy hoàn toàn có thể hỗ trợ bạn trong các công việc khác như chăm sóc dạy dỗ con, dọn dẹp nhà cửa…
Trong thời điểm nước sôi lửa bỏng này, bạn hãy bình tĩnh lại xem xét mình cần gì nhất, có phải là gia đình hay không? Nếu câu trả lời là có thì bạn hãy ở bên anh ấy và động viên để chồng mạnh mẽ hơn. Một người chồng có trách nhiệm và biết yêu thương gia đình ắt hẳn sẽ không phải là người để vợ con phải khổ, chỉ cần bạn biết cách động viên khích lệ và tạo niềm tin, giúp anh ấy có thêm động lực cố gắng. Sự bình tĩnh nhẹ nhàng chia sẻ tâm sự sẽ giúp anh ấy giải tỏa bớt áp lực và lúc đó chính bạn cũng sẽ được tiếp thêm sức mạnh. Thái độ chán nản và mệt mỏi sẽ chỉ khiến cho cuộc sống gia đình thêm ngột ngạt căng thẳng và cả hai sẽ càng chìm trong sự bế tắc mà thôi.
Chúc bạn mạnh mẽ và sáng suốt.
Chuyên viên tư vấn Vũ Ánh Tuyết
Trung tâm tư vấn tình cảm Linh Tâm
Theo VNE