Muốn lấy đất “nhà đầu tư nhỏ” giao “nhà đầu tư lớn”, Đà Nẵng bị dân phản ứng
Hàng chục nhà đầu tư đã mua đất gần 10 năm nay nhưng nay TP Đà Nẵng định thu hồi những lô đất này để giao cho nhà đầu tư lớn khiến cho các “nhà đầu tư nhỏ” này phản ứng quyết liệt vì cho rằng không được đối xử công bằng.
Ngày 14/11, Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng – ông Nguyễn Ngọc Tuấn – đã có buổi tiếp xúc với hàng chục hộ dân đã mua tổng cộng 65 lô đất tại dự án Đông Nam Tượng Đài (thuộc phường Hòa Cường Bắc, Hải Châu, Đà Nẵng). Nội dung buổi tiếp xúc này, lãnh đạo TP Đà Nẵng muốn nghe ý kiến của các hộ dân đã mua đất ở dự án này đối với việc thu hồi lại và giao cho nhà đầu tư khác, đó là Công ty TNHH Công viên Châu Á.
Theo trình bày của đại diện Ban giải tỏa đền bù số 1, khi thu hồi 65 lô đất của các hộ dân ở dự án Đông Nam Tượng Đài để giao cho nhà đầu tư khác, TP sẽ bố trí lại cho các hộ dân tại 7 vị trí trên khắp các quận của TP với các lô đất có giá trị tương đương.
Người dân trong diện thu hồi đất tại dự án Đông Nam Tượng Đài xem bản đồ các lô đất dự kiến sẽ được TĐC
Video đang HOT
Sau khi nghe đại diện Ban giải tỏa đền bù số 1 trình bày phương án đền bù, tái định cư cho các hộ dân này, các hộ dân trình bày quan điểm của mình. Ông Đặng Xuân Tấn (một trong những người đầu tiên mua đất tại dự án này) cho biết: Đây là đất không thuộc diện thu hồi. điểm 2 Điều 40 Luật đất đai 2003 cũng như điểm 1 điều 73 Luật đất đai 2013 đã thể hiện đây là khu đất không thuộc diện thu hồi.
“Nếu nhà nước muốn ưu đãi cho nhà đầu tư lớn thì chỉ cần 50ha mặt đất và 34 ha mặt nước với giá thuê đất bằng 0 trong vòng 70 năm là ưu ái quá lớn, phần 65 lô với hơn 3ha chỉ chiếm hơn 5% tại sao phải lấy nữa. Phải chăng 5% nhưng là vì đất phía mặt sông, đẹp, giá trị nên muốn ghép vào luôn chăng?”, ông Tấn phát biểu.
Ông Tấn cho rằng, hầu hết các nhà đầu tư vào khu đất này đều không có nhu cầu TĐC: “Tôi mua đất ở đây là để công ty làm ăn, kinh doanh sinh lợi nhuận; không mua để ở và đất ở đây cũng không có mục đích đất ở. Tôi không có nhu cầu TĐC”.
Cũng theo ông Tấn, nhiều người dân vay ngân hàng để mua đất ở đây kinh doanh, nếu nhận đất TĐC thì bán sẽ không có người mua. Ông Tấn đề nghịTP Đà Nẵng nên áp dụng luật, nếu thu hồi thì trả lại tiền để người dân trả ngân hàng.
“Tóm lại là tôi muốn TP hãy vì dân, làm đúng luật, thỏa thuận mua lại của nhà đầu tư, trả bằng tiền mặt. Tôi không phải là nguồi buôn bán bất động sản nên không thể nhận đất. Nếu nhà “đầu tư lớn” mua lại dân, đây là khoản đầu tư có lợi nhuận cao”, ông Tấn phát biểu.
Phát biểu của ông Tấn đúng tâm lý của hàng chục nhà đầu tư có mặt tại buổi đối thoại nên ông nhận được những tràng pháo tay hưởng ứng.
Một nhà đầu tư khác đến từ Hà Nội mua 2 lô đất diện tích 1.000m2 khi hay tin lãnh đạo TP tổ chức cuộc đối thoại này, ông phải bay gấp vào Đà Nẵng để nói lên ý kiến của mình. Nhà đầu tư này cho rằng khi mua đất là muốn ổn định; và đây là đất đã được quy hoạch, đã được lãnh đạo TP bảo hộ cho quyền sử dụng đất.
TP quy hoạch khu vực ổn định và bán cho các nhà đầu tư, sau đó có nhà đầu tư khác lớn hơn đến thì lấy lại. Câu hỏi đặt ra là TP làm công tác thu hồi và TĐC thì sẽ đặt quyền lợi cho ai trước, nhà đầu tư nhỏ đến trước hay nhà đầu tư lớn đến sau trong khi hai nhà đầu tư cùng cam kết đúng mục đích TP Đà Nẵng đặt ra.
“Vấn đề quyền lợi nhà đầu tư khi đầu tư bất động sản vào Đà Nẵng sẽ được bảo hộ như thế nào, nếu lãnh đạo TP Đà Nẵng không có phương án đền bù hoặc phương án đền bù không thỏa đáng, gây cảm giác ép buộc đối với các nhà đầu tư đã đầu tư tại khu đất này thì liệu các nhà đầu tư khác đến từ các thành phố khác có đặt ra câu hỏi: “Đầu tư bất động sản tại Đà Nẵng có phải là đầu tư mạo hiểm hay không?”, nhà đầu tư đến từ Hà Nội vào đặt câu hỏi. Và đây là vấn đề mà lãnh đạo TP Đà Nẵng thật cân nhắc, thận trọng khi làm công tác quản lý đất đai, công tác quy hoạch, thu hồi đất… làm sao thu hút đầu tư vì môi trường đầu tư lành mạnh, công bằng.
Với bất động sản, vị trí rất quan trọng, là giá trị hình thành trong tương lai. Tại cuộc đối thoại, các hộ dân cho rằng nếu đất của họ nằm trong danh mục bị thu hồi của Luật đất đai thì mới có thể áp dụng được. Khi không nằm trong danh mục thu hồi đất của Luật đất đai thì lãnh đạo TP Đà Nẵng phải thật cẩn trọng đối với nhu cầu, nguyện vọng của người dân cũng như tạo một sân chơi an toàn, công bằng cho các nhà đầu tư.
Các hộ dân cũng cho rằng, nếu TP Đà Nẵng thu hồi đất của họ phục vụ múc đích công cộng, an ninh quốc phòng hay có chỉ đạo của Chính phủ thì vấn đề sẽ khác, họ sẽ vui vẻ chấp nhận. Đằng này, thu hồi của nhà đầu tư nhỏ để giao cho nhà đầu tư lớn cùng mục đích thì hầu hết các hộ dân có mặt tại buổi đối thoại đều không đồng ý.
Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng – ông Nguyễn Ngọc Tuấn – cho rằng lãnh đạo TP cân nhắc lắm mới tổ chức cuộc họp này. Ông cho rằng, lãnh đạo TP Đà Nẵng quan niệm nhà đầu tư nào cũng là nhà đầu tư, mục đích của cuộc họp này cũng muốn lắng nghe ý kiến của các hộ dân. Hơn nữa, hai bên đặt vấn đề rồi cùng bàn, nếu chưa hợp lý thì bàn.
Ngoài ra, cuộc họp cũng là để lãnh đạo TP lắng nghe ý kiến các hộ dân muốn gì. Ông Tuấn cũng yêu cầu các cán bộ của TP khi thu hồi đất và bố trí TĐC thì phải đặt mình vào vị trí của người dân để giải quyết chứ không phải là cơ quan quản lý Nhà nước muốn làm gì thì làm.
Cuộc họp đầu tiên không thể giải quyết hết các vấn đề mà cần phải có thời gian để hai bên tiếp tục trao đổi và gặp nhau ở 1 điểm nên ông Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị người dân trong dự án có yêu cầu, nguyện vọng gì đối với việc thu hồi và TĐC này thì gởi vào email của cán bộ phụ trách tổng hợp lại trình lãnh đạo TP có ý kiến và sẽ đối thoại nữa. Chậm nhất đến ngày 25/11 đến sẽ tiếp tục đối thoại để tìm tiếng nói chung.
Công Bính
Theo Dantri