Muốn đào tạo ngành Y, trường phải gắn với người bệnh
GS.TS Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng, các trường ĐH ngoài công lập, công lập có được đào tạo được ngành y dược hay không phải xét đến người bệnh. Còn nếu như coi thường việc gắn với người bệnh và chỉ nghĩ đến đào tạo lý thuyết hoặc đào tạo những kiến thức mang tính hàn lâm, theo tôi chưa đủ để trở thành nơi đào tạo y.
GS.TS Phạm Mạnh Hùng (ảnh) chia sẻ với phóng viên Dân trí quan điểm về việc các trường ngoài công lập tham gia đào tạo mã ngành y dược.
Đào tạo y khoa phải gắn sinh viên với người bệnh!
Thưa GS, mới đây Bộ Giáo dục – Đào tạo đã cấp phép thêm cho một trường dân lập tham gia đào tạo mã ngành bác sĩ đa khoa và dược sĩ đại học. Quan điểm của GS về vấn đề này như thế nào?
Hiện nay, nhu cầu về số lượng cán bộ y tế là cần thiết bởi nhân lực y tế đang rất thiếu, nhất là cán bộ giỏi, chuyên môn cao. Việt Nam mới có 7,5 bác sĩ/1 vạn dân, con số này thấp hơn rất nhiều các nước trong khu vực và trên thế giới. Việc khuyến khích các cơ sở tiến hành vấn đề đào tạo, tham gia đào tạo cho ngành y tế là cần thiết, đúng với chủ trương xã hội hóa của Đảng, Nhà nước.
Tuy vậy, vấn đề đào tạo cán bộ y tế, đặc biệt là đào tạo đội ngũ thầy thuốc, bác sĩ, điều dưỡng thì cần phải có các tiêu chuẩn, tiêu chí đặc biệt. Bởi vì sau này khi ra trường người ta thực hiện các công việc trên con người, thao tác trên con người, liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người, do đó nó khác hẳn với nghề nghiệp khác.
Quan điểm của cá nhân tôi, khi đào tạo đội ngũ thầy thuốc, trong đó có bác sĩ, điều dưỡng, các loại hình đào tạo khác như nữ hộ sinh, điều quan trọng nhất ngay từ khi bước vào trường người sinh viên phải gắn bó với nghề nghiệp của mình. Nghề nghiệp ấy chính là phục vụ bệnh nhân.
Cho nên ngay từ ngày đầu bước chân vào ngành y, tất cả mọi sinh viên trong lĩnh vực y phải gắn bó với người bệnh. Gắn bó ở đâu? Chính là môi trường bệnh viện, nơi những người bệnh đang chịu đau đớn và người ta cần sự thương yêu của cán bộ y tế. Cho nên, tiêu chí đầu tiên trong đào tạo nhân lực y tế là gắn với người bệnh.
Như GS chia sẻ, với đào tạo nhân lực ngành y tế, việc gắn bó sinh viên với người bệnh là vô cùng quan trọng. Vậy GS nhìn nhận như thế nào về việc đào tạo y khoa của các trường dân lập, khi họ chưa có “sân sau” là các bệnh viện công lập, nơi mà sinh viên y khoa các trường công lập được thực hành, được thầy giáo là các bác sĩ lâm sàng vừa dạy lý thuyết trên giảng đường, vừa cầm tay chỉ việc khi học tập tại bệnh viện?
Tôi cho rằng, các trường ngoài công lập, công lập có được đào tạo được ngành y dược hay không phải xét đến tiêu chí này. Còn nếu như coi thường việc gắn với người bệnh và chỉ nghĩ đến đào tạo lý thuyết hoặc đào tạo những kiến thức mang tính hàn lâm, theo tôi chưa đủ để trở thành nơi đào tạo y. Môi trường gắn liền với bệnh viện họ có thể tạo ra bằng liên kết, nhưng nó phải có kinh nghiệm và truyền thống, chứ không phải ngày một ngày hai làm được điều này.
Khó “thắt chặt” đầu ra do cơ chế thị trường!
Thưa GS, ông đánh giá như thế nào về quan điểm mở rộng đầu vào, thắt chặt đầu ra của sinh viên y khoa sẽ đảm bảo được chất lượng bác sĩ?
Video đang HOT
Nếu nói rằng, mở rộng đầu vào thắt chặt đầu ra, tôi cho rằng đó là giải pháp chưa hoàn hảo. Trước hết, những người làm công tác y cần được tuyển chọn theo một tiêu chí nhất định chứ không tuyển chọn chung chung. Thậm chí ở nhiều nước, họ đặt ra tiêu chuẩn tuyển chọn khắt khe.
Trước đây, ngành quân y Việt Nam tiến hành tuyển chọn bác sĩ quân y cùng khắt khe. Bản thân tôi là giáo viên của Học viện quân y đã đi đến từng nhà các cháu có nguyện vọng thi vào quân y để kiểm tra về mặt nhân thân, mặt đạo đức. Không chỉ kiểm tra trực tiếp cháu, mà còn phải nghe ngóng cả hàng xóm, gia đình, nghe các thầy dạy các cháu đánh giá. Trên cơ sở ấy, giáo viên chúng tôi phải bảo lãnh các cháu mới thi được vào ngành quân y. Như thế, công tác tuyển chọn đầu vào hết sức cần thiết.
Tôi thử hỏi, nếu tuyển một thanh niên trước đây đã đánh bạn què tay vào ngành y, liệu người ấy sau này có đủ đạo đức để thương yêu, phục vụ người bệnh hay không? Tính cách, đạo đức là vô cùng quan trọng.
Hơn nữa, nghề y là một nghề thực hành nên cần phải có năng khiếu và tay nghề. Trên thực tế, có người không thể mổ, có người không làm được công tác trong các labo. Vì thế, việc tuyển chọn rất quan trọng.
Hơn nữa phải nhớ, trong cơ chế thị trường hiện nay chúng ta lại cứ tưởng rằng ra trường mới thắt chặt đầu ra là một điều rất khó. Tôi không tin rằng, mở rộng đầu vào, thắt chặt đầu ra là một giải pháp thành công.
Có ý kiến cho rằng, chỉ cần đủ các tiêu chí là có thể mở ngành đào tạo y dược bởi người đào tạo cũng là những nhà khoa học trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, sinh học. Quan điểm của GS về vấn đề này như thế nào?
Tôi cho rằng, đối với đội ngũ thầy giáo, nhất là trong đào tạo y dược phải là có truyền thống, kinh nghiệm. Bởi ngoài kiến thức, nhiệt huyết còn phải có phương pháp giảng dạy. Tôi xin ví dụ, nhiều người nói y học cũng sẽ cần những khoa học cơ sở như hóa học, lý học, toán học, vì vậy có thể dạy nó dễ dàng tại các trường đại học tổng hợp? Sự thật không phải vậy. Ngay từ những ngày đầu, các sinh viên y đã phải kết hợp với các kiến thức khoa học liên quan đến các kiến thức y học sau này của họ.
Chẳng hạn ở khoa sinh học, người ta cũng dạy về chu trình Krebs – đó là một kiến thức chung cho người làm sinh học. Nhưng với sinh viên y, thầy dạy phải truyền tải để sinh viên có ý thức liên hệ chu trình Krebs với nhiều bệnh chuyển hóa di truyền, như bệnh đái tháo đường – một bệnh rất phổ biến hiện nay.
Cho nên, đừng nên nghĩ rằng bất cứ thầy nào giỏi về vấn đề khoa học tự nhiên là có thể dạy được những kiến thức khoa học cơ bản cho sinh viên y khoa.
Cơ sở vật chất để đào tạo nhân lực ngành y cũng đòi hỏi những điều đặc biệt. Ngành y có điều đặc biệt, gắn với sự sống và sự chết. Sinh viên y phải được đào tạo để biết cấu tạo cơ thể con người. Nếu như sinh viên chỉ tiếp xúc với các mô hình giảng dạy bằng học cụ nhân tạo mà không tiếp xúc với bệnh nhân, với xác bệnh nhân, tham gia vào những cuộc khám nghiệm tử thi thì khó lòng có được cái tâm do những người thầy vĩ đại nhất của sinh viên y khoa – đó là những bệnh nhân đã dạy họ. Vì vậy, quan điểm cá nhân tôi cần khuyến khích việc đào tạo nhưng đào tạo y cần phải được xem xét một cách cẩn thận.
Xin cảm ơn GS!
Hồng Hải (thực hiện)
Theo Dantri
Cho nghỉ việc giáo viên trường quốc tế mắng học sinh "ngu như bò"
Cho con học được hơn 2 tháng, nhiều phụ huynh lớp 1/3 ở chi nhánh Trường dân lập quốc tế Việt - Úc (VAS), số 1L Phan Xích Long, quận Bình Thạnh (TPHCM) mới tá hỏa khi con về kể chuyện bị cô giáo chủ nhiệm mắng chửi "ngu như bò" hoặc cấm tiểu tiện, đại tiện và uống nước trong giờ học...
Mắng học sinh "ngu như bò" và dạy học sinh nói dối
Chị L., phụ huynh có hai con sinh đôi cùng học lớp 1/3 của trường VAS chia sẻ, qua nhiều lời giới thiệu chị đã chọn ngôi trường này để hi vọng con mình sẽ phát triển nhân cách dù học phí khá đắt. "Ngày 10/8 nhập học, nhà trường cam kết học sinh sẽ được học trong môi trường nhân văn, lấy học sinh làm trung tâm nên chúng tôi cũng cảm thấy yên tâm", chị L. chia sẻ.
Trường dân lập quốc tế Việt - Úc (VAS), chi nhánh số 1L Phan Xích Long, quận Bình Thạnh (TPHCM)
Học được 2 tháng thì cách đây 3 ngày, con chị tình cờ tiết lộ với mẹ rằng ở lớp bạn nào viết chữ không đẹp sẽ bị cô H., giáo chủ nhiệm lớp mắng "ngu như bò". Lúc này chị L. giật cả mình và đem câu chuyện mà con mình kể chia sẻ với các phụ huynh cùng lớp. Thật bất ngờ, chỉ một lát sau khi dò hỏi, nhiều phụ huynh phản hồi là con mình cũng bị tình trạng như vậy.
Không dừng ở đó, tìm hiểu thì các bé còn cho biết cô chủ nhiệm còn tịch thu bình không cho các em uống nước; trong suốt buổi học dù các em muốn tiểu tiện, đại tiện cũng không được đi vệ sinh; rồi cô chủ nhiệm thường xuyên xách lỗ tai, nhéo, đánh học sinh bằng thước kẻ...
Chưa dừng lại ở đó, buổi trưa, em nào không ngủ, nếu là con gái sẽ bị cô giáo dọa cắt tóc, nếu là con trai sẽ bị cô giáo lấy thỏi son trét lên mặt, bắt đứng cuối lớp rồi để các học sinh khác chê cười, lêu lêu biến thành con gái cho... chừa. Đến tận giờ ăn xế, các em mới được cô giáo chùi, rửa mặt cho hết vết son. Em nào chưa ngoan thì bị cô phạt đứng phơi nắng ngoài sân...
Bức xúc khi nghe con kể lại như vậy, sáng 14/10, các phụ huynh lên trường gặp hiệu trưởng và ban giám hiệu để phản ánh. Bất ngờ là buổi chiều đón con, chị L. lại nghe con kể trong ngày hôm đó, cô chủ nhiệm kêu từng bạn lên "tra hỏi" tại sao lại đưa chuyện đó về kể cho ba mẹ.
"Cô chủ nhiệm kêu cháu N. con trai tôi lên rồi nói là cô chửi bạn khác chứ có chửi em đâu. Em mách ba mẹ như vậy là sai rồi. Chưa dừng lại ở đó, khi con gái tôi đang ngồi vươn vai thì cô lấy thước kẻ đánh vào người cháu. Tôi chấp nhận cô giáo đánh nếu cháu có lỗi. Đằng này cô trút bực dọc lên đầu các cháu khi phụ huynh phản ánh với ban giám hiệu là điều không nên", chị L. bức xúc kể.
Còn phụ huynh của em T.B. thì cho biết ban đầu em rất thích đi học nhưng thời gian gần đây em rất sợ đến lớp. Theo lời các học sinh trong lớp, T.B. là học sinh bị cô giáo phạt đứng ngoài nắng nhiều nhất đến 9 lần.
Nhiều phụ huynh lớp 1/3 đều chung tâm trạng lo lắng cho con của mình. Theo các phụ huynh thì các cháu bị phạt nhưng về không kể cho ba mẹ một phần do cô chủ nhiệm dọa các cháu không được kể. Phần nữa do các cháu còn nhỏ chưa ý thức được hình phạt đó đúng hay sai mà chỉ nghĩ đó là trò đùa ở trường. Đến khi chị giải thích rằng hành động của cô giáo là không đúng, thậm chí xúc phạm, các cháu mới hiểu ra và kể hết mọi chuyện.
Sẽ thay đổi giáo viên chủ nhiệm
Bà Trần Thị Phương Dung - Hiệu trưởng VAS chi nhánh 1L Phan Xích Long làm việc với phụ huynh
Chiều 15/10, trong cuộc gặp với một số phụ huynh lớp 1/3, bà Trần Thị Phương Dung - Hiệu trưởng VAS chi nhánh 1L Phan Xích Long - xác nhận sự việc phụ huynh phản ánh là có thật. Nhà trường rất tiếc đã để xảy ra điều đó.
Bà Dung cho biết cô giáo chủ nhiệm tên là H. Cô H. mới được trường nhận vào nên có thể phương pháp sư phạm còn yếu. Bản thân bà Dung đã làm việc với cô H. và cô H. thừa nhận khuyết điểm nóng vội khi xử lý tình huống với học sinh.
"Tôi làm việc trong ngành giáo dục 30 năm và chưa bao giờ gặp phải tình trạng này. Sự việc phụ huynh phản ánh thường xảy ra vào buổi trưa khi người giám sát, bảo mẫu ra ngoài", bà Dung cho hay.
Bà Dung cho biết thêm nhà trường nhận thấy việc trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lí của con và niềm tin của phụ huynh với trường. Do đó ban giám hiệu trường sẽ cho cô H. nghỉ việc vào ngày 24/10. Trong thời gian này, trường sẽ giám sát lớp 1/3 để tránh chuyện đáng tiếc.
Tuy nhiên, trước áp lực của phụ huynh không để cô H. phụ trách lớp 1/3, bà Dung cho biết thứ 2 tuần tới sẽ có một cô giáo dự khuyết thay thế cô H. Ngày 24/10 trường sẽ phân công cô giáo khác chính thức chủ nhiệm lớp 1/3.
Mặc dù phía nhà trường cho biết sẽ thay giáo viên nhưng ít nhất 7 phụ huynh của lớp 1/3 cho biết sẽ tìm trường khác cho con học. Các phụ huynh cho rằng đã tin tưởng nên gửi con vào trường VAS nhưng chuyện các em bị hành xử như thế ngay trong trường thì không thể đổ trách nhiệm hết cho giáo viên chủ nhiệm là xong.
Sau khi sự việc diễn ra, phóng viên Dân trí đã liên lạc bằng điện thoại đến đại diện của trường Quốc tế Việt Úc chi nhánh 1L Phan Xích Long nhưng không ai nghe máy.
Theo giới thiệu trên website của trường thì VAS được thành lập năm 2004, hiện trường có 6 cơ sở ở TPHCM với gần 4.500 học sinh từ mầm non đến lớp 12. Theo một phụ huynh có con học lớp 1 ở đây cho biết tiền học phí của con mình là 100 triệu đồng/năm, ngoài ra còn tiền giáo trình 5 triệu đồng, cơ sở vật chất 7 triệu đồng, tiền ăn 25 triệu đồng... Tổng cộng tiền đóng khoảng 150 triệu đồng/năm.
Hà Minh
Theo Dantri
Giáo viên trường quốc tế Việt Úc mắng học sinh lớp 1 là "ngu như bò" Giáo viên lớp 1/3 của chi nhánh Phan Xích Long chửi học sinh là &'ngu như bò' nếu các cháu viết chữ không đẹp, không đúng kích cỡ mà giáo viên đưa ra. Chất lượng Việt Nam vừa nhận được phản ánh của chị L - phụ huynh của 2 cháu H.N, L.A hiện đang học tại lớp 1/3 của hệ thống trường...