Muốn ‘cuộc sống dễ dàng’, giới trẻ Trung Quốc đua nhau đi thẩm mỹ
“Đập mặt đi xây lại” dần trở thành lựa chọn của số đông thế hệ Z tại Trung Quốc khi họ muốn cả cơ hội việc làm lẫn chuyện tình yêu thêm khởi sắc.
Zing.vn trích dịch bài đăng trên South China Morning Post, đề cập đến câu chuyện người trẻ thế hệ Z tại Trung Quốc đổ xô đến các trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ, mong mỏi có được ngoại hình lung linh hơn vì quan niệm “có vẻ ngoài là có tất cả” ăn sâu.
Vừa hoàn thành kỳ thi đại học “sinh tử”, Lin Li, sống tại tỉnh Nam Kinh (Trung Quốc), đã lên mạng xã hội để bày tỏ mong muốn phẫu thuật thẩm mỹ. Cô gái muốn chỉnh hình sống mũi và tạo mắt hai mí trước khi bắt đầu cuộc sống sinh viên.
Bài đăng của nữ sinh 17 tuổi thu hút hơn 1.000 phản hồi chỉ trong vòng 2 tuần. Cộng đồng mạng Trung Quốc hào hứng liệt kê một loạt các trung tâm phẫu thuật nhận được nhiều lời khen ngợi. Ngược lại, một số người khuyên Lin không nên can thiệp dao kéo ở độ tuổi sớm như vậy.
Câu chuyện của cá nhân Lin Li là minh chứng tiêu biểu cho việc nhiều người trẻ thế hệ Z tại Trung Quốc đang lũ lượt tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ như phương án tối ưu để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Khái niệm “tốt đẹp” hơn nghĩa là các mối quan hệ đời sống, trường lớp được mở rộng, nhiều cơ hội việc làm xuất hiện và chuyện tình cảm tiến triển.
Thế hệ trẻ Trung Quốc coi phẫu thuật thẩm mỹ là cách giúp cuộc sống dễ dàng hơn.
Cơ hội việc làm và tình yêu rộng mở nhờ phẫu thuật thẫm mỹ
Tại khu trung tâm mua sắm sầm uất ở Nam Kinh, thủ phủ của tỉnh Giang Tô, các công ty làm đẹp dựng hàng loạt quầy quảng cáo dọc lối đi, đưa ra các lời mời hấp dẫn, mời mọc phụ nữ thử nghiệm các lựa chọn từ căng da mặt đến tiêm botox.
Các dịch vụ đông khách nhất bao gồm loại bỏ mụn dầu đen, thu nhỏ lỗ chân lông, phẫu thuật cắt mí mắt.
Ding, một chuyên gia tư vấn sắc đẹp, cho hay chỉ trong vòng một tháng, cô đã nhận được nhiều câu hỏi từ những học sinh vừa tốt nghiệp trung học có quan tâm đến việc chỉnh sửa gương mặt.
“Kỳ nghỉ hè trước khi bắt đầu đại học là thời điểm tốt để các tân sinh viên thực hiện chuyện ‘chỉnh chang’ lại sắc đẹp. Họ sẽ có đủ thời gian để phục hồi và chuẩn bị cho cuộc sống ở ngôi trường mới”, bà Ding chia sẻ.
Hàng loạt trung tâm làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ “mọc” lên như nấm tại Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu của phụ nữ nước này.
Năm ngoái, con số tham gia phẫu thuật thẩm mỹ tại Trung Quốc đã đạt đến mốc 20 triệu người, theo báo cáo của So Young, công ty chuyên về nghiên cứu thị trường của ngành công nghiệp này.
Video đang HOT
Trong số đó, có đến 64% số người sinh sau năm 1990 với số lượng đông đảo đến từ thế hệ Z (những người sinh từ sau năm 1997).
Wan Neng – Phó giám đốc khoa phẫu thuật thẩm mỹ tại một bệnh viện, cho biết mùa cao điểm thường bắt đầu vào tháng 8. Nhiều sinh viên cùng với cha mẹ, có mặt tại phòng khám từ rất sớm.
“Sự bùng nổ của thị trường này tại Trung Quốc xuất phát từ việc thu nhập của người dân tăng lên, ảnh hưởng từ hình ảnh các ngôi sao nổi tiếng thường xuyên xuất hiện khiến khát khao sở hữu ngoại hình xinh đẹp ngày càng mãnh liệt”, ông Wan đánh giá.
Cha mẹ ủng hộ dù nhiều rủi ro
Các bậc cha mẹ Trung Quốc cũng có cái nhìn cởi mở hơn về việc đụng chạm dao kéo. Đây cũng là lý do khiến nhu cầu phẫu thuật, làm đẹp tại đất nước tỷ dân tăng vọt.
Luật pháp nước này quy định trẻ em dưới 18 tuổi phải nhận được sự đồng ý của phụ huynh mới được phép tiến hành phẫu thuật chỉnh hình.
“Thẩm mỹ, tạo hình lại gương mặt không còn là điều cấm kỵ trong tư tưởng của nhiều cha mẹ Trung Quốc hiện đại. Nhiều người coi đó là cách để tăng sự tự tin, cũng như thể hiện sự tôn trọng và hỗ trợ con cái”, ông Wan phân tích.
Li Qian, bác sĩ tại Bệnh viện Chăm sóc Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em Nam Kinh, cảnh báo chuyện phẫu thuật thẩm mỹ đòi hỏi nhiều yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt.
Song, điều này thường bị bỏ qua bởi những người coi trọng ngoại hình hơn là sức khỏe.
Hình ảnh trước và sau khi phẫu thuật được trưng bày ngoài một viện thẩm mỹ tại Nam Ninh, Trung Quốc.
Bất chấp nhiều quy định chặt chẽ, nhiều phòng khám và bác sĩ tại Trung Quốc vẫn hoạt động không giấy phép, chất lượng yếu kém và thường xuyên phóng đại về hiệu quả của việc chỉnh hình, làm đẹp.
Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, hơn 2.700 trường hợp liên quan đến kinh doanh phẫu thuật thẩm mỹ bất hợp pháp đã bị xử lý kể từ giữa năm 2017.
Để ngăn chặn nhiều nguy cơ bất thường, ủy ban đang xem xét xây dựng hệ thống đánh giá và quản lý đội ngũ các bác sĩ làm đẹp tại nước này, đồng thời công khai danh sách “đen” những cơ sở kém chất lượng.
Một số chuyên gia cũng đặt câu hỏi về sự cần thiết của việc can thiệp dao kéo.
“Những người trẻ tuổi nên học cách chứng minh giá trị bản thân của mình thông qua năng lực, sự chăm chỉ và hiểu rằng vẻ đẹp đến từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Họ nên suy nghĩ cẩn thận thay vì mù quáng chạy theo xu hướng”, bà Li khẳng định.
Ảnh: SCMP.
Theo Zing
Thế hệ Z ở Mỹ làm đám cưới: Cha mẹ không cần bỏ tiền, cứ để con tự lo
Thay vì trông chờ vào các bậc phụ huynh, nhiều người Mỹ thuộc thế hệ Z cho biết họ muốn tự bỏ tiền tổ chức đám cưới trong tương lai.
Năm 2018, một nhóm chiến lược marketing có tên Juv Consulting thực hiện cuộc khảo sát với 201 người Mỹ thuộc thế hệ Z (Gen Z, sinh từ năm 1997 trở về sau) từ 14-23 tuổi để tìm hiểu suy nghĩ của họ về chuyện cưới xin.
Khảo sát cho thấy 87% người được hỏi nói sẽ kết hôn trong tương lai và muốn cùng bạn đời tự bỏ tiền túi ra tổ chức đám cưới mà không nhờ vả đến cha mẹ hai bên.
Kết quả này cho thấy sự thay đổi trong cách nghĩ của người trẻ tại xứ cờ hoa về một đám cưới lý tưởng. So với các thế hệ trước thường nhờ cậy sự giúp đỡ của phụ huynh, Gen Z muốn lễ cưới được tổ chức bằng tiền riêng và mang dấu ấn của chính họ.
Zing.vn trích dịch bài viết trên Bloomberg về quan niệm khác biệt của những thanh thiếu niên Gen Z ở Mỹ đối với chuyện cưới xin.
Gen Z ở Mỹ không muốn ngửa tay xin tiền cha mẹ để làm đám cưới. Ảnh: DiningOut Events.
Cha mẹ không cần lo
Theo kết quả nghiên cứu của nhóm Juv Consulting, 92% người được hỏi cho rằng ổn định tài chính trước khi lập gia đình là rất quan trọng.
Hơn thế, nói về đám cưới trong tương lai, 33% những người từ 14-23 tuổi trả lời rằng họ muốn tự lo liệu cùng bạn đời. Chỉ 5,5% trông chờ cha mẹ giúp đỡ tiền nong.
Trong tất cả các nhóm tuổi tham gia khảo sát, bao gồm cả nhóm 14-23 tuổi, 91% cặp vợ chồng dù ít hay nhiều vẫn có đóng góp trong khoản tiền cưới xin. 9% chi trả toàn bộ mà không cần sự giúp đỡ của cha mẹ.
Còn trong cuộc khảo sát được thực hiện với các cặp đã kết hôn năm ngoái, gần 10% các đôi gần như không bỏ đồng nào cho ngày trọng đại của mình.
Lauren Kay, phó tổng biên tập của The Knot - một thương hiệu chuyên lập kế hoạch cho các đám cưới - cho biết các cặp vợ chồng ngày nay có xu hướng tự chi trả tiền cho đám cưới của mình.
"Chúng tôi đã chứng kiến những người kết hôn ở độ tuổi muộn hơn. Họ thường có công việc, thu nhập ổn định nên đủ khả năng tự lo liệu chuyện cưới hỏi", bà Kay nói.
Các cặp vợ chồng trẻ có xu hướng tự chi trả cho đám cưới của mình. Ảnh: Ani Castillo.
Muốn tổ chức đám cưới theo cách riêng
53% số người được khảo sát cho biết họ muốn tổ chức đám cưới theo cách riêng.
Bà Kay nói rằng người trẻ ngày nay suy nghĩ khác về đám cưới và không còn rập khuôn trong các phong tục truyền thống. Họ muốn đám cưới độc đáo, lãng mạn theo ý mình.
Dù 73% người được hỏi thuộc Gen Z cho biết họ coi trọng các đám cưới và lễ đính hôn truyền thống, chỉ 18% lên kế hoạch đám cưới của mình theo mô típ cũ.
Hơn 80% mong muốn có một đám cưới theo kiểu kết hợp giữa những phong tục truyền thống với sự sáng tạo, độc đáo của riêng họ. 40% Gen Z nói muốn học hỏi các cách tổ chức tiệc cưới của những nền văn hóa, quốc gia khác.
Bà Kay nói giới trẻ ngày nay nghĩ ra vô vàn cách để tạo dấu ấn riêng trong ngày trọng đại. Nhiều cặp lấy cảm hứng thiết kế tiệc cưới từ bộ phim ăn khách Game of Thrones. Một số khác tạo ra những trò chơi thú vị.
Gen Z muốn đám cưới mang đậm dấu ấn cá nhân. Ảnh: The Knot.
Dùng đám cưới để quyên góp từ thiện
Gần 60% số người được hỏi thuộc thế hệ Z cho biết họ muốn biến đám cưới thành nơi quyên góp từ thiện như một cách để khiến ngày trọng đại của mình trở nên ý nghĩa hơn.
"Gen Z có ý thức xã hội cao và quan tâm nhiều hơn đến những người kém may mắn. Họ thể hiện sự cảm thông với những tổ chức mình ủng hộ và muốn mọi người chia sẻ những giá trị chung với mình", bà Kay nói.
Gen Z hiện chiếm hơn 25% công chúng truyền thông ở Mỹ và trở nhóm đối tượng đông đảo nhất, theo dữ liệu của Nielsen .
Đến năm 2020, thế hệ này dự kiến sẽ chiếm 40% tổng số người tiêu dùng, tác động không nhỏ đến gần 4 tỷ USD ngân sách không cố định, theo nghiên cứu tháng 5/2018 từ Meredith Corp.
Không ít đôi trẻ muốn kêu gọi mọi người quyên góp từ thiện thông qua đám cưới. Ảnh: India Earl.
Theo Zing
"Khó hiểu hơn cả crush" 10 đề thi văn Trung Quốc thách thức mọi IQ, đến cả dân bản xứ cũng phải vắt óc Hy vọng bạn sẽ giữ được bình tĩnh sau khi đọc xong hết 10 đề thi đại học môn Văn của tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) dưới đây! Kỳ thi đại học tại Trung Quốc hàng năm luôn là tâm điểm chú ý của cư dân mạng nước này và nhiều quốc gia châu Á khác. Tại "đất nước tỷ dân", đề thi...