Muốn chồng giữ vợ: Hãy làm cho anh ấy.. ghen!
Anh và chị có hai năm yêu nhau khi học chung trường Đại học, ra trường kiếm việc làm, mất ba năm ổn định công việc rồi mới làm đám cưới.
Cuộc sống hôn nhân không phải màu hồng. Hai người đều hiểu rõ điều đó và cùng nhau vun vén cho tổ ấm nhỏ bé trước sóng gió cuộc đời. Những trắc trở trong công việc. Gánh nặng cơm áo gạo tiền. Những bức bối phát sinh trong căn phòng trọ chật hẹp. Hai người đều động viên nhau cố gắng vượt qua.
Đến khi tích cóp đủ mua một căn hộ, chị quyết định sinh con. Chưa kịp thư thả sau một thời gian vất vả như điên để kiếm tiền, anh và chị lại bị cuốn vào vòng quay của tã, sữa và những đêm thức trắng dỗ dành con. Con trai lớn vừa tròn 3 tuổi, đi học mẫu giáo thì chị sinh đứa con gái nhỏ. Lại tít mù với tã, sữa và trắng đêm mất ngủ. Có lúc chị hoang mang, không biết đến bao giờ mình mới rảnh rỗi được đôi chút. Buổi sáng loay hoay với hai đứa con nhỏ, chị chỉ kịp tô vội một lớp son môi. Tóc cả năm mới ra tiệm tỉa tót một lần. Quần áo cũ kỹ với một đôi giày duy nhất cho tất cả trang phục. Chị chẳng dám ngắm nhìn mình trong gương, tự cảm thấy mình bơ phờ, xấu xí như tấm màn cửa ủ rũ lâu ngày không giặt.
Chồng chị từ lúc nào cũng không còn thói quen nhìn vợ. Anh đã quen với người phụ nữ là mẹ của hai con lúc nào cũng đầu bù tóc rối, áo sực nức mùi sữa, mùi dầu ăn, mùi mồ hôi. Anh cũng quen với những lời cáu gắt bực bội của chị. Anh ngủ với con trai lớn, chị ngủ với con gái nhỏ. Hai vợ chồng có khi cả tháng mới gần gũi một lần, trong sự chóng vánh và hồi hộp vì sợ con thức dậy giữa chừng.
Chị cảm thấy cuộc sống vợ chồng như vậy không ổn, nhưng đành chấp nhận vì không thể thay đổi. Chị luôn tự nhủ khi con cái lớn hơn một chút, chị sẽ có thời gian “tút tát” lại nhan sắc, hâm nóng lại tình cảm vợ chồng. Nhưng tận trong thâm tâm chị luôn cảm thấy mất tự tin, thấy phiền muộn vì dường như mình ngày càng xấu xí, luộm thuộm, bẳn gắt khác hẳn với hình ảnh tươi trẻ, nhẹ nhàng trước đây. Chị mơ hồ lo sợ chồng có nhân tình. Chị cảnh giác trước những biểu hiện có vẻ khác lạ của chồng.
Càng để ý thì chị càng thấy dường như chồng có nhiều thay đổi. Buổi sáng anh thường đi làm sớm, buổi chiều lại hay có những cuộc họp đột xuất. Anh không cho con trai nghịch điện thoại như trước. Thi thoảng anh dành cho chị những cái ôm siết lạ lùng, như là đang hối hận cho một lỗi lầm nào đó. Chị chạnh lòng suy nghĩ. Nhưng công việc 8 tiếng ở cơ quan và sự tất bật con cái làm chị không có thời gian để điều tra, theo dõi. Hơn thế nữa, chị sợ một sự xác tín. Chị sợ sự thật đau lòng khi phơi bày có thể hạ gục chị và làm tổn thương hai đứa con của chị.
Video đang HOT
Anh vẫn phụ chị chăm sóc con. Anh vẫn quan tâm lo lắng cho chị. Anh vẫn đem tiền về đều đặn và có phần nhiều hơn trước. Chị sống trong sự thấp thỏm như chỉ chờ một ngày nào đó sấm sét giáng xuống gia đình mình. Nhiều lần chị truy hỏi anh một số điện thoại lạ, bắt anh giải thích cho những lần về trễ. Chị quay đi quay lại cái điệp khúc: “Anh có bồ phải không?” khiến cho anh phát điên, chị thì hằn học dằn dỗi, con cái khóc bù lu bù loa. Không khí gia đình căng như dây đàn. Cuối cùng sau một trận cãi vả nổ trời với vợ, anh dằn giọng dứt khoát: “Anh thề với em là anh không làm gì có lỗi với em hết. Nếu em còn lằng nhằng như thế này nữa thì anh ra ngoài ngoại tình thật, lúc đó em đừng có trách”.
Chị biết anh nói thật, nên nén lòng thôi những dằn vặt tra khảo. Rồi con cái lớn lên, chị dần bớt bận rộn. Chị bắt đầu có thời gian đắp mặt nạ dưỡng da, mua sắm váy áo hợp mốt, chăm chút cho mái tóc một thời làm bao anh say đắm. Chị đọc sách, nghe nhạc, xem phim, tinh thần thoải mái, cởi mở, tươi tắn hẳn lên. Chị nói chuyện với chồng con cũng nhẹ nhàng hơn trước. Thường xuyên có một lọ hoa tươi trên bàn và những bữa ăn “hoành tráng” cuối tuần do chính tay chị nấu nướng. Một lần nọ, một người bạn của anh chị, vốn là anh chàng có tính “ruột để ngoài da” đã thốt lên trước mặt anh: “Tui thấy vợ ông càng ngày càng đẹp ra đó nha!”.
Lúc đó anh chỉ cười, nhưng sau thì chị thấy anh có vẻ nghĩ ngợi. Chị bắt gặp cái nhìn kín đáo của anh liếc về phía chị mỗi khi chị diện váy đi làm, hay sửa soạn đi đám cưới. Anh bắt đầu đòi đi theo chị trong những dịp tiệc tùng. Anh quan tâm đến chị nhiều hơn. Anh để ý các số điện thoại và tin nhắn trong máy điện thoại của vợ, điều mà từ trước đến nay anh chưa bao giờ làm.
Chị thấy vừa buồn cười vừa… cảm động trước biểu hiện ghen tuông của anh. Vậy ra anh cũng sợ mất vợ, cũng cho rằng vợ mình ra ngoài có thể có những người đàn ông khác săn đón. Chị không giải thích bằng lời, mà bằng những hành động cụ thể hết lòng vun vén cho gia đình, đặt anh và hai đứa con ở vị trí ưu tiên số một. Anh dần yên tâm và thoải mái hơn. Hạnh phúc của gia đình chị nhiều lần tưởng chừng bên bờ vực thẳm, nay lại càng gắn bó sâu đậm và khắng khít.
Cô đồng nghiệp trẻ tuổi của chị khóc lóc và tuyên bố sẽ li dị chồng, vì chồng cô ngoại tình trong thời gian cô sinh con, ở cữ. Chị an ủi cô ấy rằng cuộc sống hôn nhân có những giai đoạn rất “nhạy cảm”, khi mà người ta dễ yếu lòng, lạc lòng. Chồng cô có lẽ trong một giây phút nào đó mà sa ngã, nếu tha thứ được cô hãy tha thứ. Cô gái ấy hỏi lại chị: “Tại sao trong lúc vợ đang phải đầu tắt mặt tối lo cho đứa con còn đỏ hỏn của anh ấy thì anh ấy lại ngoại tình? Tại sao trong lúc vợ chăm con nhỏ rạc cả người thì chồng lại vui vẻ âu yếm nhân tình? Anh ấy không biết thông cảm, không phụ giúp vợ trong giai đoạn khó khăn thì tại sao lại đòi hỏi em phải thông cảm cho anh ấy?”
Chị không trả lời được, chỉ cảm thấy hôn nhân thời hiện đại sao quá chông chênh. Có biết bao nhiêu mối nguy chực chờ rình rập gia đình bé nhỏ. Trong giai đoạn khó khăn thì người trong cuộc mệt mỏi, bực bội, dễ sinh sự gấu ó rồi sa vào một vòng tay khác êm đềm, dễ chịu hơn. Trong giai đoạn thảnh thơi, nhàn rỗi, vợ hoặc chồng cũng có thể vì “nhàn cư vi bất thiện” hay “sướng quá hóa rồ” mà đi tìm những cảm giác mới lạ. Hai chữ “ngoại tình” như thứ trái cây hấp dẫn thỉnh thoảng lại rớt xuống trước mặt mời gọi người ta nếm thử và … dính độc. Điều quan trọng là bản lĩnh của mỗi người, là cái tình cái nghĩa để cùng nhau vượt qua sóng gió.
Gia đình là một chiếc thuyền. Ngoại tình chính là lý do “nặng ký” nhất làm cho con thuyền nhanh đắm. Dù sau đó những người trên thuyền có tiếp tục ở lại cùng nhau thì tất cả mọi người đều đã bị ướt. Và trên thuyền không phải chỉ có người đầu ấp tay gối mà trong một lúc nào đó mình bất mãn, mình phản bội. Trên thuyền còn có những đứa con.
Theo PNO
Đàn ông cũng phải học cách giữ vợ
Trước giờ tôi chỉ thấy báo đài, các bà các chị hoặc rỉ tai hoặc ồn ào bàn tán chuyện làm sao để giữ được chồng, chưa mấy khi thấy ai nói đàn ông cũng cần giữ vợ, tại sao thế nhỉ? Hay hạnh phúc gia đình chỉ có phụ nữ là cần, là muốn giữ gìn thôi?
Theo vốn sống mà bản thân tôi tích góp được suốt ba bốn chục năm có mặt trên đời thì, tôi nhận thấy, hạnh phúc chẳng dành riêng cho một ai, chẳng phải của riêng ai, nên ai cũng cần có ý thức giữ gìn lấy nó. Hạnh phúc không phải một đặc quyền, mà là điều muốn có, muốn giữ được phải lao tâm khổ tứ.
Hạnh phúc gia đình cũng vậy. Kết hôn, có con cái, xây dựng một tổ ấm trọn vẹn không thể là việc của mỗi đàn bà. Đàn bà có hưởng "tư lợi" từ những điều này đâu, đàn ông cũng có phần đấy chứ. Cho nên, đừng xem giữ gìn hạnh phúc là chuyện của mỗi phụ nữ chúng tôi!
Hạnh phúc gia đình là cảm giác vui sướng, thỏa mãn vì được cho và nhận. Cho đi những yêu thương và nhận lại sự quan tâm, chăm sóc. Nói hoa mỹ là vậy, diễn giải thực tế ra thì, nếu một anh chồng được vợ là lượt quần áo cho từ tối hôm trước để sáng hôm sau có cái mặc đi làm, được vợ vào bếp nấu cho những món ngon để ních đầy cái dạ dày đang háu đói, được vợ đẻ cho những đứa con lít nhít xinh xinh để có đứa gọi là bố, thì anh ta trước hết cần có thái độ biết ơn, trân trọng, chớ xem đó là điều nghiễm nhiên.
Cô ấy làm vậy vì yêu anh chứ không phải cô ấy làm vậy vì đó là bổn phận. Cho nên, hãy tìm cơ hội để đền đáp vợ. "Rình" buổi nào cô ấy thấy mệt mà thẽ thọt: "Cưng ơi hôm nay đừng nấu cơm chi cho mệt, anh đưa em đi ăn hàng" hay tuyệt hơn là vào bếp thay cô ấy. Tắm cho các con ư? Chuyện nhỏ! Đi đổ rác hả? Có khó gì đâu. Chân yếu tay mềm như vợ còn làm được, dư sức khỏe như chồng chỉ búng tay cái "choách!" là xong.
Phụ nữ rất thích được chia sẻ, ưa nói nhiều đến mức rát cả tai. Nhưng chẳng phải lỗi của họ. Tại tạo hóa đấy, tạo hóa sinh ra họ với phần não điều khiển ngôn ngữ "hoành tráng" hơn hẳn đàn ông. Đàn ông đừng lấy đó làm phiền nhiễu, khó chịu. Hãy biến đặc điểm này của phụ nữ trở thành điểm quan trọng để các ông... giữ vợ, giữ hạnh phúc gia đình.
Lúc nào cô ấy thích chia sẻ, dù toàn chuyện không đâu, cứ kiên nhẫn mà lắng nghe, miệng cười tủm tỉm hoặc thật tươi, hay mặt tỏ ra nghiêm trọng thì còn tùy câu chuyện, nhưng ánh mắt nhất định cần chăm chú và thi thoảng phải gật đầu, bám sát những gì vợ đang nói để chêm được vài câu, thế là ổn. Có ông nào định phản pháo rằng "cứ phải nghe mãi thế có mà chết vì mệt!" thì hãy nghĩ xa hơn, biết đâu lại chẳng có "thằng" khác đang sẵn sàng chết mệt để chiếm được người vừa xinh đẹp, vừa đảm đang, tháo vát như nàng đấy!
Một cô bạn lấy chồng Pháp ở nước ngoài lâu ngày về Việt Nam của tôi, hôm rồi trong bữa ăn tụ tập mấy gia đình bạn bè với nhau thì tỏ vẻ rất ngạc nhiên khi thấy "đám vợ" thì lúi húi xào nấu, bày biện, rảnh tay tí lại quát con "đi ra chỗ khác chơi" trong khi "đám chồng" chém gió chán chê lại rủ nhau "đánh pes". Cô ấy bảo mỗi khi cô ấy nấu ăn cho chồng đều nhận được từ anh ấy lời cảm ơn, chồng cô thường vào bếp cùng vợ, coi đó như khoảng thời gian rất ngọt của hai người với nhau. Không chỉ riêng chồng cô, đàn ông Pháp đều như vậy. Hay vì thế họ mới nổi tiếng được trên thế giới là ga lăng?
Tôi thì vẫn sính nội hơn sính ngoại, nên chẳng bàn đến chuyện đàn ông Pháp thế nào. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, những người đàn ông Việt nói trên - những người bạn của tôi, chồng của bạn tôi - họ chưa biết cách giữ người phụ nữ của mình. Có thể những lúc chỉ có hai vợ chồng, họ vẫn nấu ăn và đỡ đần cho vợ. Nhưng khi tụ tập đông người, là lúc để thể hiện sự nâng niu, tình yêu với vợ của mình (phụ nữ vốn phô trương, thích được quan tâm chỗ đông người) thì họ lại không làm được như thế!
Theo Dantri