Muốn buông điện thoại, hãy tắt kết nối mạng
Cứ về đến nhà, tôi tắt ngay kết nối mạng của điện thoại và để xa tầm tay của mình. Nhờ thế, tôi có thể toàn tâm toàn ý làm việc khác mà không phải chốc lát lại liếc nhìn điện thoại rồi mải mê lướt như trước.
“Buông điện thoại 1 giờ/ ngày” tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất khó thực hiện. Bởi nhiều người trong chúng ta đã quá quen với việc lướt điện thoại mọi lúc mọi nơi.
Đến khi rời điện thoại ra là thấy bứt rứt khó chịu, đứng ngồi không yên. Vì thế, để tập buông dần chiếc điện thoại mỗi ngày, cần phải có sự quyết tâm lẫn những phương pháp hợp lý.
Tôi đã nhiều lần thất bại khi thử nghiệm buông điện thoại. (Ảnh minh họa)
Tôi là một bà mẹ có con nhỏ và đọc khá nhiều thông tin về việc ảnh hưởng của điện thoại đối với các mối quan hệ trong gia đình, đặc biệt là thời gian dành cho con.
Nhưng rồi, nhiều lần thử nghiệm, muốn rời chiếc điện thoại khi về nhà để toàn tâm toàn ý chơi đùa với con của tôi đều thất bại. Bởi, dù quyết tâm lắm, cất điện thoại ở trên tủ, hai mẹ con cùng tô màu nhưng chỉ cần nghe âm báo của tin nhắn trên facebook, zalo, tôi lại vớ ngay điện thoại để xem.
Từ xem tin nhắn bình luận, tôi bị cuốn vào những thông tin được chia sẻ rôm rả trên facebook lúc nào không hay. Cứ như thế, hết lần này đến lần khác, thậm chí ngay cả khi không có tin nhắn đến, cứ 15 phút, tôi lại mở điện thoại xem có ai tương tác, “like” “bình luận” dòng trạng thái của mình trên Facebook không. Cứ như thế, nỗ lực rời xa chiếc điện thoại của tôi gần như thất bại.
Video đang HOT
Tôi nhận ra, ngày xưa mình cũng dùng điện thoại nhưng không bị cám dỗ như bây giờ. Bởi điện thoại thời ấy chỉ có chức năng nghe gọi, tất cả đều tính cước phí nên chỉ thực sự dùng đến khi cần.
Còn bây giờ chỉ cần một chiếc smartphone có kết nối mạng internet trong tay, người dùng có hàng tá thú vui giải trí hoàn toàn miễn phí. Chúng ta bị hấp hẫn vì điện thoại và có thể cắm cúi hàng giờ vào đó mà quên đi những mối quan hệ thật xung quanh.
Bởi thế, để có thể buông dần chiếc điện thoại, ít nhất 1 giờ/ngày, tôi nghĩ điều cần làm trước tiên là hãy tắt kết nối mạng khi về nhà. Chúng ta vẫn có thể nhận cuộc gọi và tin nhắn bình thường cho công việc nhưng không bị cuốn vào những thứ đầy cám dỗ trên mạng.
Nhiều người thường đùa, điện thoại thông minh không kết nối mạng chẳng khác gì điện thoại “cục gạch” vì chỉ dùng nghe và gọi. Nhưng tôi lại thấy điều này có tác dụng khá lớn trong nỗ lực buông điện thoại mỗi ngày. Khi đang chú tâm vào việc khác, những tiếng chuông báo tin nhắn từ facebook, zalo không thể len lỏi để làm chúng ta mất tập trung nữa.
Tắt kết nối mạng của điện thoại ngay khi về nhà đã giúp tôi buông dần điện thoại. (Ảnh minh họa)
Tôi đã thử cách này hơn một tháng và thấy thực sự hiệu quả. Cứ về đến nhà, tôi tắt ngay kết nối mạng của điện thoại và để xa tầm tay của mình. Nhờ thế, tôi có thể toàn tâm toàn ý nấu ăn hay chơi với con mà không phải chốc lát lại liếc nhìn điện thoại rồi mải mê lướt như trước.
Tất nhiên, thời gian đầu sẽ thấy bứt rứt nhưng khi quen dần cộng với quyết tâm thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, tôi thường xuyên đọc các bài báo cảnh báo các nguy cơ khi dùng điện thoại nhiều hay ảnh hưởng của điện thoại đối với con trẻ để tự nhắc nhở mình.
Quả thật, khi buông được chiếc điện thoại, ít nhất là khi về nhà, tôi thấy cuộc sống của mình nhẹ nhàng hơn. Và quan trọng, tôi không thấy mình áy náy, có lỗi khi không dành nhiều thời gian cho con. Tất nhiên việc tắt kết nối mạng chỉ đóng vai trò hỗ trợ, điều quan trọng chính là nỗ lực của mỗi người. Các bạn hãy thử theo cách của tôi đã làm, biết đâu sẽ thành công ngoài mong đợi.
Thúy Quyên (Khánh Hòa)
Theo phunuonline.com.vn
Buông điện thoại để dành thời gian cho con: nói thì dễ
Buông điện thoại xuống, dành thời gian cho con- điều ấy nói thì dễ nhưng làm thì khó bởi trong cái smartphone ấy là công việc, là ngân hàng, thậm chí là... bữa ăn của con.
Không phải tự nhiên mà nhiều người từng mang cảm giác như bị cô lập trên một hoang đảo nếu ngày hôm ấy đến công sở mà bỏ quên điện thoại ở nhà. Trên mạng xã hội, nhiều người phải kêu lên: Làm sao để "cai" điện thoại? Người khác, trong chuyến du lịch đâu đó ở chốn xa hun hút, mừng rỡ: Mình vừa có những ngày thật sự sống! Ai cũng biết mình cần phải buông điện thoại xuống, không chỉ cho con mà còn cho bản thân mình. Nhưng, mấy ai làm được?
Sóng điện thoại không tốt cho trí não của con, cha mẹ chăm chú vào điện thoại mà giảm trò chuyện với con sẽ dễ khiến con bị trầm cảm... tất cả những điều ấy tôi đều biết, đều đọc và nghe mỗi ngày trên báo đài. Tôi tin rằng không chỉ tôi mà nhiều bà mẹ khác cũng biết, nhưng hình ảnh ông bố, bà mẹ cầm điện thoại trên tay mãi vẫn còn đó là có lý do của nó.
Nhiều người bị lệ thuộc vào điện thoại
Thời 4.0, cái điện thoại không còn chỉ là phục vụ cho việc nhắn tin, gọi điện nữa. Cả thế giới bây giờ gói gọn trong cái smartphone ấy. Tìm hiểu về đối tác ư, điều đầu tiên nên làm là vào trang xã hội của người đó. Bữa sáng ư, vào các ứng dụng gọi thức ăn đặt hàng. Nồi cá kho bị cháy ư, vào YouTube tra cứu cách xử lý. Sữa của con hết ư, các cửa hàng trực tuyến giao hàng mọi lúc mọi nơi, chỉ cầm cầm điện thoại lên đặt hàng. Con bỗng dưng có biểu hiện lạ thường về sức khoẻ ư, bác sĩ trực tuyến ở kia. Muốn xem con ở nhà trẻ ăn, ngủ thế nào, chỉ cần cầm điện thoại lên, hình ảnh của con được truyền qua camera hiện lên trước mặt... Rồi hàng nghìn mối quan hệ xã hội, tất cả đều gói trong cái điện thoại ấy.
(Ảnh minh hoạ)
Người ta có biết mình bị lệ thuộc smartphone không? Biết chứ. Nhưng chẳng phải xã hội càng hiện đại, thế giới càng được gói vào trong chiếc smartphone hay sao?
Vậy nên, câu hỏi rằng "buông điện thoại 1 giờ/ngày, được không?", tưởng dễ mà không dễ. Dẫu vậy, điều ấy chỉ là khó chứ không phải bất khả. Cũng như cách yêu thương bản thân và yêu thương người khác, có lẽ mỗi người chúng ta cần phải học, phải tập, mỗi ngày.
Minh Nhiên (Gò Vấp, TP.HCM)
Theo phunuonline.com.vn
Khinh cô gái nhà nghèo, mẹ chồng lịm người khi thấy con trai đưa vợ sắp cưới về ra mắt Không được bố mẹ đồng ý, anh đã dọn ra ngoài ở cùng với cô. Bây giờ, dù chưa có một đám cưới nhưng bà cũng chẳng có người con trai đó, vì anh và cô đã không về lại gia đình khi không có sự đồng ý của cha mẹ. Cô hận, hận không nói thành lời và câm nín bỏ đi...