“Mùi của quỷ” nguy hiểm như thế nào?
“Mùi của quỷ” khiến nạn nhân không còn khả năng suy nghĩ mà chỉ biết phục tùng mệnh lệnh của kẻ tấn công như một con rối.
Trong bộ phim tài liệu “Loại ma túy đáng sợ nhất thế giới”, phóng viên Ryan Duffy đã tới Colombia để phỏng vấn những người buôn bán loại ma túy ghê gớm này và những người đã từng là nạn nhân của nó, và người anh gặp đầu tiên là Demencia Black, một tay anh chị chuyên buôn bán ma túy ở Bogota.
Trên chuyến xe đi dọc đường phố Bogota, Black tiết lộ rằng Scopolamine có tác dụng mạnh đến mức chỉ vài phút sau khi nạn nhân bị thổi vào mặt, người đó sẽ hoàn toàn ngấm thuốc mà không hề hay biết và “bạn có thể dẫn họ đi tới bất cứ đâu bạn muốn, giống như là dắt một đứa trẻ vậy”.
Một nguyên nhân khiến thứ thuốc này trở nên vô cùng đáng sợ là nó rất dễ sử dụng. Black nói rằng Scopolamine trông chẳng khác gì cocaine thông thường, tuy nhiên chỉ cần một gam loại thuốc “Mùi của quỷ” này cũng đủ để giết chết từ 10-15 người.
Tay giang hồ Black kể về “công hiệu” của “Mùi của quỷ”
Điều nguy hiểm của Scopolamine là nó không khiến nạn nhân bị bất tỉnh hay có biểu hiện gì khác lạ, bề ngoài họ trông vẫn rất bình thường, nhưng thực ra họ đang bị điều khiển như một con rối bởi kẻ tấn công. Đó là lý do khiến Black gọi loại thuốc này là “thứ khủng khiếp hơn cả bệnh than”.
Duffy cũng phỏng vấn một cô gái 21 tuổi hành nghề mại dâm ở Bogota, và cô này cho biết cô thường dùng Scopolamine để “thôi miên” khách làng chơi và cướp tài sản của họ. Hãng thông tấn Reuters cho biết ở Bogota đã từng có vụ 3 cô gái trẻ tuổi “săn” những quý ông mê của lạ bằng cách bôi Scopolamine lên ngực để dụ khách hàng của mình liếm vào.
Dưới tác dụng gần như ngay lập tức của “Mùi của quỷ”, những người đàn ông này đã ngoan ngoãn đưa mã ngân hàng của mình cho họ. Ba gái mại dâm trên đã nhốt họ trong nhà suốt nhiều ngày trời để rút sạch tài khoản của họ.
Tay giang hồ Black giải thích: “Scopolamine biến con người thành những &’xác sống’ và ngăn chặn trí nhớ hình thành trong não bộ của họ, thế nên sau khi thuốc hết tác dụng, nạn nhân sẽ không thể nào nhớ được những việc đã xảy ra.”
Vậy điều đó đã xảy ra như thế nào? Làm thế nào mà một loại ma túy không những có thể khiến con người quên sạch những gì vừa xảy ra mà còn có thể sai khiến họ phục tùng mệnh lệnh của kẻ tấn công một cách ngoan ngoãn?
Cảnh sát Colombia bắt giữ một băng tội phạm chuyên sử dụng “Mùi của quỷ” ở Bogota
Trí nhớ của con người được hình thành trong bộ não thông qua một loại hóa chất có tên gọi là Acetylcholine. Khi Scopolamine ngấm vào trong cơ thể nạn nhân, nó sẽ cạnh tranh với Acetylcholine và lấn lướt loại hóa chất não bộ này, từ đó phong tỏa toàn bộ các cơ quan thụ cảm Acetylcholine bên trong bộ não, đồng nghĩa với việc chiếc chìa khóa để hình thành trí nhớ đã không thể khớp với ổ khóa trong bộ não.
Cơ chế ngăn chặn trí nhớ ngay từ giai đoạn hình thành này đã biến Scopolamine trở thành một thứ vũ khí phổ biến của những kẻ hiếp dâm và cướp bóc. Điều khiến cảnh sát đau đầu là các nạn nhân của loại thuốc nguy hiểm này không thể nhớ được và mô tả lại hình ảnh của kẻ đã tấn công mình.
Ngày 3/5/2012, anh Andres Gomez, 29 tuổi ở Bogota đã bị 2 cô gái sử dụng “Mùi của quỷ” để điều khiển anh, buộc anh giao nộp hết tiền bạc, tài sản và giấy tờ cho họ trong khi đang uống rượu ở một hộp đêm.
Video đang HOT
Anh tỉnh lại vào sáng hôm sau trong một công viên xa lạ mà không thể nhớ nổi chuyện gì đã xảy ra với mình. Khi được người dân đưa tới bệnh viện, anh mới biết mình đã bị đầu độc bằng Scopolamine.
Một đoạn phóng sự của VICE kể về câu chuyện của anh Gomez:
Tiến sĩ Camilo Uribe, chuyên gia hàng đầu thế giới về ma túy cho biết: “Khi một bệnh nhân bị thôi miên, người đó sẽ nhớ lại được những gì đã xảy ra. Nhưng với Scopolamine, điều đó là không thể bởi ký ức không bao giờ được ghi lại.”
Còn việc nạn nhân bị tê liệt khả năng phản kháng và ngoan ngoãn phục tùng mệnh lệnh của kẻ tấn công lại có liên quan đến một bộ phận khác của bộ não có tên gọi là hạch hạnh nhân (amygdala).
Bác sĩ Jean Browman giải thích: “Hạch hạnh nhân là một trong hai nhóm dạng hạch trong bộ não chịu trách nhiệm xử lý khả năng phản ứng của cơ thể. Một trong những khả năng của hạch hạnh nhân là phong tỏa một phần suy nghĩ của não bộ để chúng ta có thể thực hiện những hành động tức thời trong tình huống khẩn cấp. Trong một số trường hợp khả năng này có thể cứu mạng chúng ta.”
Tuy nhiên, đây cũng chính là con dao hai lưỡi, bởi khi hạch hạnh nhân phong tỏa suy nghĩ của bộ não dưới tác dụng của Scopolamine, cơ thể chúng ta sẽ không còn khả năng cân nhắc thiệt hơn và chỉ biết hành động theo những gì được chỉ bảo.
Mặc dù bọn tội phạm mới chỉ biết đến Scopolamine để phục vụ cho các tội ác của chúng trong thời gian gần đây, song loại thuốc này đã được nhiều cơ quan chống tội phạm trên thế giới bí mật sử dụng ngay từ đầu thế kỷ 20.
Trong những năm đầu thế kỷ 20, các bác sĩ đã bắt đầu sử dụng Scopolamine cùng với morphine và thuốc gây mê để tạo ra trạng thái “ngủ lơ mơ” cho các sản phụ trong quá trình sinh nở. Dưới tác dụng của các loại thuốc này, sản phụ sẽ ít cảm thấy đau đớn hơn, tuy nhiên họ sẽ rơi vào trạng thái mơ màng, thẫn thờ, mất phương hướng, ảo giác và hay quên. Những sản phụ này lúc tỉnh lại sau khi sinh thường không thể nhớ được những gì đã xảy ra.
Scopolamine từng được dùng để giảm đau trong quá trình sinh nở (Ảnh minh họa)
Năm 1916, bác sĩ sản khoa Robert House ở vùng Texas, Mỹ phát hiện ra rằng loại thuốc này còn có một tác dụng khác thường nữa: tuy không thể nhớ được những gì đã diễn ra trong khi sinh con, các bà mẹ mới sinh này lại thể trả lời các câu hỏi một cách chính xác đến kinh ngạc và thường đưa ra những lời nhận xét trung thực quá mức.
Khi bác sĩ House hỏi chồng của một sản phụ về chiếc cân để cân trọng lượng cháu bé mới sinh, người chồng không nhớ nên đã hỏi vợ. Bà vợ vẫn đang trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê trả lời: “Nó ở trong bếp, trên một cái đinh ở phía sau bức tranh.”
Bác sĩ House kết luận rằng “trong mọi trường hợp, bệnh nhân luôn trả lời theo sự thật. Qua rất nhiều trường hợp khảo nghiệm, tôi có thể kết luận rằng tôi có thể buộc bất kỳ ai đưa ra câu trả lời thật cho bất cứ câu hỏi nào.”
Với những tác dụng phụ không mong muốn gây ra cho trẻ sơ sinh, kỹ thuật giảm đau này đã bị loại bỏ từ giữa thập niên 1960, tuy nhiên trước đó loại thuốc Scopolamine trên lọt vào mắt của Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA.
Năm 1922, CIA đã mời bác sĩ House sử dụng kỹ thuật này trong một cuộc thẩm vấn các tội phạm tình nghi, và 2 nghi phạm đến từ Dallas đã tình nguyện tham gia thử nghiệm này nhằm chứng minh cho sự vô tội của họ, mặc dù nhà chức trách vẫn coi tội trạng của họ là “rõ ràng”.
Sau khi được tiêm thuốc, cả 2 nghi phạm này đều bác bỏ những cáo trạng của mình, và sau đó họ đều được tòa án tuyên vô tội. Một tù nhân sau đó đã xác nhận giả thuyết của House: “Sau khi lấy lại được ý thức, tôi bắt đầu nhận ra rằng trong suốt thời gian thử nghiệm, tôi chỉ muốn trả lời bất cứ câu hỏi nào mình nghe thấy, và có vẻ như bộ não của tôi chỉ tập trung vào các dữ liệu thực tế để trả lời một câu hỏi và tôi trả lời một cách tự nguyện mà không hề có ý chí dựng lên câu trả lời.”
Sau thành công của thử nghiệm, House kết luận rằng bệnh nhân dưới tác dụng của Scopolamine “không thể nói dối” vì loại thuốc này “sẽ làm suy nhược bộ não tới mức hủy diệt ý chí suy luận, và người ta sẽ không còn sức mà suy nghĩ hay lập luận nữa.”
Thử nghiệm và kết luận trên của bác sĩ House đã nhận được sự chú ý rộng rãi của CIA, và ý tưởng về một loại “thuốc sự thật” được triển khai trong bí mật.
Cụm từ “thuốc sự thật” xuất hiện lần đầu tiên trong một bài báo về thử nghiệm của bác sĩ House trên tờ Los Angeles Record vào năm 1922. Tuy nhiên sau một thời gian triển khai, CIA nhận ra rằng hiệu quả mà loại thuốc này mang lại không thể nào sánh được với những tác dụng phụ mà nó gây ra.
Theo báo cáo của CIA, vì loại thuốc này gây ra quá nhiều tác dụng phụ nên nó đã không còn được coi là “thuốc sự thật” nữa. Một trong những tác dụng phụ nguy hiểm nhất của loại thuốc này là tình trạng ảo giác, rối loạn nhận thức, buồn ngủ và các hiện tượng sinh lý như đau đầu, tim đập nhanh, giảm tầm nhìn khiến đối tượng không thể tập trung vào mục đích trọng tâm của cuộc thẩm vấn.
Ngoài ra, những tác dụng mà Scopolamine gây ra đối với sức khỏe sinh lý kéo dài triền miên hơn rất nhiều so với những tác dụng về tinh thần. CIA cho biết chỉ có một số ít trường hợp cảnh sát sử dụng Scopolamine vào mục đích thẩm vấn được công khai, tuy nhiên có bằng chứng cho thấy một số lực lượng cảnh sát có thể đã sử dụng loại “thuốc sự thật” này một cách rộng rãi.
Theo Khampha
Mùi của quỷ: Thứ ma túy đáng sợ nhất thế giới
Gần đây có nhiều thông tin cho rằng ở Việt Nam đã xuất hiện loại thuốc "Mùi của quỷ", một loại ma túy đáng sợ nhất thế giới có nguồn gốc từ Colombia.
Loại thuốc "Mùi của quỷ" mà nhiều người cho rằng mới xuất hiện gần đây ở Việt Nam thực ra là một loại ma túy có nguồn gốc từ Colombia và một số quốc gia Nam Mỹ được coi là đáng sợ nhất thế giới bởi khả năng làm tê liệt ý thức của con người, biến nạn nhân thành một "xác chết biết đi" và ngoan ngoãn nghe theo mệnh lệnh của kẻ sai bảo.
Ở Colombia, loại thuốc "Mùi của quỷ" này có tên gọi là Scopolamine, một loại thuốc được chiết xuất từ loài cây rất phổ biến ở nước này có tên gọi là cây Borrachero với dược tính cực mạnh có thể xóa sạch trí nhớ của nạn nhân và khiến họ không thể hành động theo lý trí của mình.
Cái tên "Borrachero" trong tiếng Colombia có nghĩa là "làm bạn say", và đây là loài cây dại thường thấy trong các khu rừng, thậm chí là trên đường phố ở Bogota, Colombia. Cây Borrachero có hoa màu trắng và vàng, rất giống với cây hoa loa kèn thường thấy ở Đà Lạt của Việt Nam.
Cây Borrachero rất giống với cây hoa loa kèn ở Đà Lạt
Loài cây này tiết ra chất Scopolamine tự nhiên nguy hiểm đến mức ở các vùng nông thôn Colombia, các bà mẹ thường cảnh báo con mình không được ngủ quên dưới những bông hoa loa kèn màu trắng và màu vàng rực rỡ này, bởi chỉ cần hít phải phấn hoa của nó thôi cũng đã khiến trẻ con gặp phải những giấc mơ lạ lùng.
Còn khi được chiết xuất và xử lý bằng hóa chất đặc biệt thành một loại bột trắng không mùi, không vị, Scopolamine còn gây ra những hậu quả khủng khiếp hơn thế rất nhiều. Bởi đây là loại bột tan rất nhanh trong nước nên bọn tội phạm ở Colombia thường pha nó vào nước hoặc rắc lên thức ăn để đầu độc nạn nhân.
Các phóng viên của Reuters cho hay, nạn nhân sau khi ăn hoặc uống phải loại bột này sẽ trở nên dễ sai khiến đến mức họ ngoan ngoãn dẫn bọn tội phạm về nhà mình để khuân hết đồ đạc và rút hết tiền trong tài khoản ngân hàng cho chúng. Còn các nạn nhân là phụ nữ có nguy cơ bị cưỡng hiếp tập thể mà không hề hay biết, thậm chí có thể bị bán cho các động mại dâm.
Trước thông tin về loại thuốc "Mùi của quỷ" khủng khiếp này, phóng viên Ryan Duffy của hãng tin VICE đã cất công bay tới Bogota, Colombia để tìm hiểu và có những trải nghiệm thực tế về loại thuốc nổi tiếng này cho thỏa trí tò mò.
Phóng viên Ryan Duffy tìm hiểu về "Mùi của quỷ" ở Bogota, Colombia
Sau khi đến Colombia và gặp gỡ người dân địa phương, quan chức cảnh sát, chuyên gia về thực vật học, các đối tượng buôn bán ma túy và trực tiếp phỏng vấn những người được cho là nạn nhân của "Mùi của quỷ", Ryan Duffy đã xây dựng bộ phim tài liệu "World's Scariest Drug" (Loại ma túy đáng sợ nhất thế giới) và thu hút 7 triệu lượt xem và bình luận trên Youtube vào tháng 5/2012.
Trước đó, Tiến sĩ Stephen M. Pittel, một nhà tâm lý học nổi tiếng ở Mỹ đồng thời là người tiên phong nghiên cứu văn hóa ma túy ở San Francisco đã viết "có những báo cáo cho thấy nhiều vụ cưỡng hiếp, trộm cắp, bắt cóc và các tội phạm khác ở Mỹ và Canada đều được thực hiện bằng Burundanga, một hình thức của loại thuốc Scopolamine đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ ở Colombia như một loại vũ khí và công cụ gây án của bọn tội phạm nhắm vào du khách."
Năm 1995, tờ Wall Street Journal cho biết việc sử dụng thuốc Burandanga đã gia tăng một cách nhanh chóng trong các băng đảng tội phạm người Colombia nhập cư ở Mỹ, và hiện nay chúng đang sử dụng loại thuốc này như một hình thức tiền bạc để trao đổi.
Wall Street Journal cho biết: "Thông thường, nạn nhân sẽ được mời một loại đồ uống đã được pha sẵn hợp chất này. Điều tiếp theo mà nạn nhân nhớ được là tỉnh dậy ở một nơi xa lạ và không có một chút ký ức nào trong đầu về những việc vừa xảy ra. Rồi sau đó họ sớm phát hiện ra rằng mình đã trao trang sức, tiền bạc, chìa khóa ô tô, thậm chí là rút tiền từ các tài khoản ngân hàng cho những kẻ tấn công mình."
Hạt của cây Borrachero dùng để chiết xuất Scopolamine
Một nạn nhân tên là Mel ở Naples, bang Florida, Mỹ kể lại trên tờ Daily Mail: "Điều đó đã xảy ra với bà dì ngoài lục tuần của tôi ở Medellin. Có ai đó đã sử dụng loại bột này thổi vào mặt bà, rồi sau đó dẫn bà đến ngân hàng, nơi bà tự nguyện rút sạch tài khoản tiết kiệm để trao cho hắn. Sau đó bà không thể nào nhớ được kẻ đó là ai."
Đó chính là lý do mà trong vài năm gần đây, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phát đi lời cảnh báo cho các du khách nên cẩn trọng với "bọn tội phạm ở Colombia sử dụng các loại thuốc gây tê liệt để tạm thời khống chế du khách và những người khác."
Ở Bogata, Colombia và California, Mỹ, thuốc Burundanga thường được tẩm trong các thanh kẹo cao su, chocolate hoặc pha trong đồ uống hay phủ trên một mẩu giấy. Chỉ cần một liều rất nhỏ của loại thuốc này có thể khiến nạn nhân hoàn toàn quy phục, còn liều lớn hơn có thể gây nên tình trạng mất tri giác ngay lập tức và hội chứng mất trí nhớ ngắn hạn khiến nạn nhân không thể nào nhớ được những sự kiện vừa xảy ra.
Bộ Ngoại giao và Thương mại Quốc tế Canada cũng đã khuyên công dân nước mình không nên du lịch tới những khu vực nông thôn hẻo lánh ở Colombia. Chính phủ Canada thì cảnh báo rằng nếu du khách tới Colombia thì nên tránh "đi tới các quán bar một mình" và "không bao giờ để đồ uống hay thức ăn của bạn lại mà không có người trông nom".
Bột Scopolamine sau khi được xử lý bằng hóa chất đặc biệt
Thủ đoạn phổ biến nhất mà bọn tội phạm thường áp dụng đối với các du khách đó là giả vờ đến hỏi đường trên một tấm bản đồ, rồi nhân lúc nạn nhân sơ ý thì thổi loại bột Burundanga được giấu trong một mảnh giấy vào mặt nạn nhân. Tuy nhiên bọn chúng cũng thường rất thận trọng khi áp dụng thủ đoạn này bởi Scopolamine có thể gây ra tình trạng hôn mê kéo dài và các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe cho nạn nhân, thậm chí là tử vong.
Trên trang web của mình, Bộ Ngoại giao Colombia cũng cảnh báo những người có ý định "du lịch tới Colombia cần phải thận trọng với Scopolamien, thường được gọi là Burundanga, một loại chất hoàn toàn tan trong đồ uống hoặc được trộn trong thuốc lá hay thổi vào mặt" vốn được sử dụng rất phổ biến trong các vụ cướp tài sản và bắt cóc tại các quán rượu ở địa phương. Colombia cũng là một trong những quốc gia có tỉ lệ tội phạm bắt cóc cao nhất thế giới.
Theo Khampha
Dùng điện thoại thôi miên thực ra là "mùi của quỷ" Tự đưa hết tài sản cho người khác trong tình trạng vô thức thực ra không phải bị thôi miên mà là do chất "mùi của quỷ". Thời gian qua, có rất nhiều nạn nhân trình báo cơ quan công an rằng họ đã bị thôi miên đến mức ngoan ngoãn tự đưa hết tài sản cho người khác trong tình trạng vô...