Mục tiêu kép cho sản xuất và xuất khẩu hậu dịch COVID-19
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời phỏng vấn TTXVN về những kế hoạch của Bộ Công Thương nhằm đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa ổn định sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu.
Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN)
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam phải đối mặt với đại dịch COVID-19 với sức công phá lớn gây thiệt hại không nhỏ tới sản xuất trong nước cũng như xuất khẩu.
Trước bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã chủ động triển khai đồng bộ, liên tục các giải pháp từ rất sớm với 2 trọng tâm chính là vừa phòng chống kiểm soát dịch, vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội.
Triển khai Chỉ thị số 19/CT-TTg về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN về những kế hoạch cụ thể của Bộ Công Thương trong thời gian tới nhằm đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa ổn định sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu.
- Trước bối cảnh dịch COVID-19 đã bước đầu được khống chế, Bộ Công Thương dự báo thế nào về các thị trường xuất khẩu trong tình hình mới, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Thời gian qua, dịch COVID-19 bùng phát và ngày càng diễn biến phức tạp khiến xuất khẩu của Việt Nam đã có sự chuyển dịch về thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu ở các thị trường mới.
Thống kê cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ đạt 19 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu sang Canada đạt 975 triệu USD, tăng 13%; Mexico đạt 798 triệu USD, tăng 61%; Brazin đạt 511 triệu USD, tăng 11%; Chile đạt 287 triệu USD, tăng 93%; Argentina tăng 55%; Colombia tăng 93%; Panama tăng 73% và Peru tăng 82%.
Ngoài ra, các thị trường khác có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh gồm các nước và vùng lãnh thổ Trung Quốc đạt 9,35 tỷ USD, tăng 22,8%; Nhật Bản đạt 5 tỷ USD, tăng 7,8%; Australia đạt 924 triệu USD, tăng 11,6%.
Các thị trường có kim ngạch xuất khẩu giảm tập trung ở khu vực châu Âu, cụ thể xuất khẩu sang EU (tính cả Anh) đạt 9,61 tỷ USD, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu sang Pháp đạt 771,6 triệu USD, giảm 19%; Italy đạt 758,7 triệu USD, giảm 17,4%; Tây Ban Nha đạt 551,6 triệu USD, giảm 6,4%; sang Anh đạt 1,28 tỷ USD, giảm 6,6%.
Do dịch COVID-19 nên từ cuối tháng 3, nhiều nhà nhập khẩu từ Hoa Kỳ và các nước EU đã thông báo hoãn, giãn tiến độ giao hàng, thậm chí hủy các đơn hàng đang chuẩn bị giao do nhiều nước yêu cầu đóng cửa các thành phố, người dân được yêu cầu ở nhà, dẫn đến hàng hóa không bán được.
Đối với các thị trường khác, các tác động đến với xuất khẩu của Việt Nam bao gồm hoạt động logistics, thông quan hàng hóa bị ảnh hưởng do phải thực hiện kiểm dịch y tế nghiêm ngặt.
Hơn nữa, việc đóng cửa đối với xuất nhập cảnh ảnh hưởng tới hoạt động giao dịch khiến làm việc trao đổi của doanh nghiệp Việt Nam và đối tác, nhất là với các hoạt động giao dịch phải có sự trao đổi làm việc trực tiếp; nhu cầu nhập khẩu giảm.
Video đang HOT
Trong bối cảnh đó, kết quả xuất khẩu sang các thị trường phụ thuộc nhiều vào diễn biến kiểm soát dịch bệnh tại thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Để thúc đẩy xuất khẩu, giữ ổn định mục tiêu tăng trưởng, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới.
Trước mắt là kết nối hoạt động xuất nhập khẩu trở lại với thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và chuẩn bị sẵn sàng để triển khai thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) khi Hiệp định được phê chuẩn.
- Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 19/CT-TTg về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới; yêu cầu Bộ Công Thương thúc đẩy ký kết hợp đồng xuất khẩu với các nước EVFTA và chuẩn bị sẵn sàng điều kiện cần thiết, nhất là các hàng hóa có lợi thế và tiềm năng xuất khẩu để triển khai ngay sau khi các nước dỡ bỏ phong tỏa, mở cửa trở lại. Bộ trưởng cho biết về những giải pháp cụ thể để triển khai yêu cầu này?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Để thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg, Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc trong việc xây dựng các giải pháp hậu dịch bệnh COVID-19.
Cụ thể, yêu cầu các Cục, Vụ phụ trách sản xuất tập trung rà soát lại tình hình sản xuất ở từng ngành, nhất là các ngành trọng điểm như dệt may, da giày, điện tử, sản phẩm cao su, đồ gỗ, chế biến thực phẩm, phân bón, hóa chất…để có kế hoạch cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất và sẵn sàng đẩy mạnh xuất khẩu khi tình hình dịch bệnh ở các nước được kiểm soát tốt hơn.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Để thúc đẩy xuất khẩu, giữ ổn định mục tiêu tăng trưởng, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm phát triển thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới.
Đặc biệt, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Kế hoạch hành động để chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định EVFTA. Kế hoạch hành động này xác định rõ mục tiêu, các nhiệm vụ chủ yếu và các bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện với lộ trình cụ thể.
Về phía Bộ Công thương, ngày 20 tháng 3 năm 2020, Bộ đã ban hành Quyết định số 932/QĐ-BCT triển khai một số hoạt động chuẩn bị cho phê chuẩn và thực thi Hiệp định EVFTA giai đoạn từ nay đến khi Hiệp định có hiệu lực.
Đối với các hoạt động xúc tiến thương mại, Bộ đã xây dựng một số đề án xúc tiến thương mại, lên kế hoạch khả thi, phương án triển khai cụ thể để có thể tiến hành các hoạt động.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương còn tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối giao thương ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát thành công tại các nước.
Mặt khác, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt tại các thị trường có thể sớm hết dịch như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc; đồng thời, tiếp tục triển khai hình thức kết nối giao thương trực tuyến và nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến.
Nhằm kịp thời thông tin thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ Công thương đã thiết lập cơ chế liên kết bảo đảm trao đổi thông tin thông suốt với các Tham tán thương mại, các Vụ thị trường nước ngoài, Cục Xuất Nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Hiệp hội ngành hàng, Trung tâm xúc tiến thương mại địa phương và các doanh nghiệp trên cả nước trên các ứng dụng Internet.
- Xin Bộ trưởng cho biết để hoạt động xuất khẩu được triển khai ngay khi các nước dỡ bỏ phỏng tỏa và mở cửa trở lại, vậy câu chuyện bảo đảm nguồn cung và vận chuyển, cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất và xuất khẩu sẽ được Bộ Công Thương giải quyết như thế nào?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Ở giai đoạn đầu, dịch COVID-19 lan rộng ở Trung Quốc gây khó khăn cho các doanh nghiệp của Việt Nam trong việc tìm kiếm nguyên liệu.
Vì thế, Bộ đã chỉ đạo hệ thống Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài rà soát, tìm hiểu thông tin các thị trường có khả năng cung ứng nguồn nguyên liệu thay thế cho các ngành sản xuất trong nước.
Cùng với đó, yêu cầu các Cục, Vụ liên quan làm việc thường xuyên với các Hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất lớn để nắm rõ nhu cầu, kế hoạch sản xuất kinh doanh cụ thể của các doanh nghiệp.
Đến nay, nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất từ thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc đang ngày càng ổn định khi dịch COVID-19 được kiểm soát khá tốt ở 2 thị trường này thời gian gần đây.
Sau dịch bệnh, khi các thị trường phục hồi cũng là thời điểm nhu cầu hàng hóa tăng cao so với thời điểm dịch bệnh. Do vậy, việc kiểm soát dịch tốt sẽ mang lại lợi thế cho Việt Nam so với các quốc gia khác khi có thể sớm khôi phục các hoạt động sản xuất, chuẩn bị nguồn cung hàng hóa.
Một số giải pháp gần đây của Chính phủ về miễn giảm, tạm hoãn các loại thuế, phí, lãi suất ngân hàng, bảo hiểm xã hội là rất cần thiết, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu ngay khi dịch bệnh được đẩy lùi.
Đáng lưu ý, tại các buổi làm việc với các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã khuyến nghị doanh nghiệp có kế hoạch hợp lý trong việc giãn tiến độ sản xuất, cho người lao động nghỉ việc luân phiên để duy trì sản xuất và đảm bảo mỗi lao động vẫn có việc làm để có thu nhập tối thiểu.
Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng cần cố gắng áp dụng các biện pháp để bảo quản, bảo đảm chất lượng nguyên phụ liệu chưa sản xuất và thành phẩm chưa thể xuất khẩu.
- Thưa Bộ trưởng, phải chăng trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và chưa có hồi kết, việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng xuất khẩu tại thị trường nội địa liệu có phải là giải pháp trong tình hình hiện nay?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Mặc dù dịch COVID-19 đã được khống chế nhưng vẫn diễn biến phức tạp nên việc đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa đối với hàng xuất khẩu cũng là giải pháp được tính đến, nhất là đối với một số mặt hàng nông sản có thời gian bảo quản không lâu cũng như có tính mùa vụ.
Thực tế, hiện vẫn có nhiều mặt hàng chưa khai thác hết tiềm năng tiêu dùng của thị trường nội địa với hơn 90 triệu dân. Do vậy, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phải có kế hoạch và giải pháp cụ thể để thúc đẩy thương mại trong nước, đặc biệt là trong giai đoạn hậu dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, thị trường nội địa cần được coi là động lực quan trọng để phục vụ tăng trưởng của năm 2020 và những năm tiếp theo khi thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu trong ngắn hạn để kịp thời có giải pháp điều hành, bình ổn thị trường.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đề nghị Vụ Thị trường trong nước sớm chuẩn bị phương án triển khai các hoạt động kết nối cung cầu sau dịch nhằm tạo thuận lợi tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước tại các kênh phân phối truyền thống và hiện đại thông qua thực hiện các đề án, chương trình, mục tiêu về phát triển thương mại và thị trường trong nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!./.
Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc giảm mạnh, chỉ đạt 36,92 tỷ USD
Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc thông báo trong tháng Tư vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của nước này chỉ đạt 36,92 tỷ USD, giảm 24,3% so với cùng thời điểm của năm ngoái.
Cảng hàng hóa ở Busan của Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 1/5, Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc thông báo trong tháng Tư vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của nước này chỉ đạt 36,92 tỷ USD, giảm 24,3% so với cùng thời điểm của năm ngoái.
Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu cũng chỉ đạt 37,87 tỷ USD, giảm 15,9%.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc cho biết đây là lần đầu tiên cán cân thương mại của nước này đã bị thâm hụt 950 triệu USD, ghi nhận mức tăng trưởng âm sau 99 tháng.
Nguyên nhân là do nhu cầu nhập khẩu trên thế giới trong tháng Tư vừa qua đều giảm trong bối cảnh chịu tác động từ đại dịch COVID-19 và số ngày làm việc thực tế cũng ngắn hơn. Nếu tính theo số ngày làm việc thực tế, lượng hàng xuất khẩu trung bình mỗi ngày giảm 17,4%.
Trong tháng Hai và Ba vừa qua, lượng hàng xuất khẩu của Hàn Quốc chỉ ghi nhận mức giảm ở thị trường Trung Quốc, song đến tháng Tư vừa qua đã lan sang cả các thị trường chủ chốt khác như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Đổi lại, do nhu cầu về các sản phẩm vật tư y tế có xuất xứ từ Hàn Quốc tăng nên xuất khẩu các sản phẩm sinh học và chăm sóc sức khỏe của nước này đã tăng 29%, xuất khẩu máy vi tính cũng tăng 99,3% do xu thế làm việc tại nhà trở nên phổ biến trên quy mô toàn cầu.
Theo nhận định của bộ trên, ngành chế tạo của Hàn Quốc trên thực tế vẫn hoạt động tương đối bình thường nếu so sánh với các nền kinh tế lớn khác trên thế giới.
Tuy nhiên, do lượng hàng hóa nhập khẩu giảm nên mới dẫn đến thâm hụt cán cân thương mại và đây chỉ là "hiện tượng nhất thời."
Ngoài ra, xuất khẩu của Hàn Quốc giảm mạnh một phần là do đơn giá giảm (-15%), lượng hàng hóa xuất khẩu trung bình theo ngày nếu bỏ qua yếu tố số ngày làm việc thực tế, vẫn ở mức -2,9%.
Phát biểu với báo giới cùng ngày, Bộ trưởng Sung Yun-mo khẳng định rằng: "Khi Hàn Quốc kiểm soát được đại dịch COVID-19, xuất khẩu chắc chắn sẽ tăng trở lại"./.
Cao su Đồng Phú: Lợi nhuận 2 tháng đầu năm giảm mạnh Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú (HoSE: DPR) công bố sản lượng cao su khai thác và thu mua 2 tháng đầu năm đạt 863 tấn, giảm 40% so với cùng kỳ và mới hoàn thành 5,4% kế hoạch năm. Tổng sản lượng tiêu thụ đạt 1.036 tấn, giảm 43% và hoàn thành 6,9% kế hoạch năm. Công ty ghi nhận...