Mục tiêu chính trong chuyến thăm châu Phi của Ngoại trưởng Nga
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đang có chuyến thăm châu Phi với điểm đến là Guinea, Burkina Faso và Cộng hòa Congo.
Ngoại trưởng Burkina Faso Karamoko Jean Marie Traore (phải) và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại cuộc gặp ở Ouagadougou, Burkina Faso, ngày 5/6/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Bình luận về sự kiện này, nhà phân tích chính trị người châu Phi Egountchi Behanzin, Chủ tịch sáng lập tổ chức quốc tế Liên đoàn Bảo vệ châu Phi, cho rằng chuyến thăm châu Phi của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thể hiện ý định rõ ràng của Tổng thống Vladimir Putin nhằm tăng cường quan hệ ngoại giao với lục địa này, bất chấp căng thẳng địa chính trị và áp lực của phương Tây đối với các nước châu Phi liên quan đến hợp tác với Nga.
Sáng kiến chiến lược này xuất hiện vào thời điểm các động lực địa chính trị đang trải qua những thay đổi đáng kể, mang đến cho Nga cơ hội duy nhất để khẳng định quan hệ đối tác và hỗ trợ cũng như mở rộng mạng lưới liên minh với các nước châu Phi.
Chính sách châu Phi của Nga
Theo chuyên gia Behanzin, Nga có một hình ảnh rất tích cực, được một số nhà lãnh đạo và quan trọng hơn là nhiều người dân châu Phi đánh giá cao. Sự đánh giá cao này có thể là do một số yếu tố lịch sử và đương đại.
Video đang HOT
Về mặt lịch sử, trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã hỗ trợ các nước châu Phi chống thực dân hóa và nhiều phong trào giải phóng ở châu Phi, để lại ấn tượng lâu dài về tinh thần đoàn kết chống đế quốc. Ngày nay, Nga đang trên nền tảng lịch sử này để khẳng định mình là một đối tác đáng tin cậy, tôn trọng chủ quyền của các quốc gia châu Phi.
Như vậy, chuyến công du của ông Lavrov có thể được coi là sự ghi nhận và tôn trọng lẫn nhau giữa Nga và các đối tác châu Phi. Ngoại trưởng Lavrov đã vượt qua các cuộc thảo luận ngoại giao hời hợt; thể hiện thiện chí thực sự trong việc làm sâu sắc thêm quan hệ song phương và hiểu rõ nhu cầu cũng như nguyện vọng cụ thể của mỗi quốc gia trên châu lục này.
Sự tôn trọng lẫn nhau đó rất quan trọng trong bối cảnh nhiều nước châu Phi đang tìm cách đa dạng hóa quan hệ đối tác để tránh phụ thuộc quá mức vào các cường quốc thuộc địa cũ như Pháp và Anh, cũng như vào các thể chế phương Tây.
Mục tiêu chính trong chuyến thăm
Một trong những mục tiêu chính trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga lần này là tăng cường hợp tác kinh tế và quân sự. Về mặt kinh tế, Nga coi châu Phi là lục địa của tương lai với thị trường mở rộng. Đầu tư của Nga vào các lĩnh vực khai thác mỏ, năng lượng và cơ sở hạ tầng có thể kích thích nền kinh tế của các quốc gia, đồng thời mang lại cho Nga các nguồn tài nguyên và cơ hội kinh tế.
Ví dụ, trong trường hợp ở Guinea, sau sáu thập kỷ quan hệ ngoại giao với quốc gia này, Nga đã phát triển hợp tác kinh tế và đang có mức tăng trưởng đáng chú ý nhờ động lực từ Hội nghị thượng đỉnh Nga – châu Phi tại St. Petersburg vào tháng 7/2023.
Trước đó, bất chấp những nỗ lực của cả hai nước, hợp tác kinh tế đã bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt do Mỹ và EU áp đặt đối với Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, Nga vẫn tiếp tục tăng cường đầu tư vào Guinea, với các dự án trong các lĩnh vực quan trọng: năng lượng, khai thác mỏ, y tế và cơ sở hạ tầng.
Đến năm 2024, Nga vẫn là nước đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế xã hội của Guinea. Ví dụ, công ty RUSAL của Nga, công ty hàng đầu thế giới trong ngành nhôm (với gần 5,5% sản lượng nhôm toàn cầu và 3,8% sản lượng alumina) có mặt ở Guinea (sử dụng gần 4.000 lao động) và góp phần tạo việc làm cho người dân địa phương, góp phần tăng cường hiện diện của Nga, sẵn sàng đóng vai trò kinh tế quan trọng với các đối tác châu Phi.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (thứ 3, trái) trong cuộc gặp người đồng cấp Guinea Morissanda Kouyate (thứ 3, phải) ở Conakry ngày 3/6/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Về mặt quân sự, hợp tác với các nước châu Phi có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với Nga. Là nhà cung cấp vũ khí lớn, Nga không chỉ có thể cung cấp thiết bị quân sự mà còn cung cấp dịch vụ huấn luyện phù hợp với nhu cầu của các nước châu Phi. Sự hỗ trợ quân sự này giúp các quốc gia châu Phi như Burkina Faso, nơi đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất an ninh, tăng cường an ninh nội bộ và chống các mối đe dọa như khủng bố. Đối với Nga, các thỏa thuận quân sự này cũng củng cố hiện diện và ảnh hưởng của nước này ở châu Phi, góp phần xây dựng mạng lưới liên minh toàn cầu.
Cuộc chiến chống chủ nghĩa thực dân mới là một chủ đề trọng tâm khác của chuyến thăm này. Nga tự coi mình là người bảo vệ chủ quyền quốc gia và phản đối các hoạt động thực dân kiểu mới. Lập trường này gây tiếng vang mạnh mẽ với nhiều quốc gia châu Phi đang tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của chủ nghĩa đế quốc, cũng như để kiểm soát hoàn toàn vận mệnh kinh tế và chính trị của mình. Bằng cách hỗ trợ cuộc đấu tranh này, Nga thể hiện mình không chỉ là một đồng minh chiến lược mà còn là một đối tác về ý thức hệ.
Cách tiếp cận và tầm nhìn đa cực của Nga
Cách tiếp cận này phù hợp với tầm nhìn rộng lớn hơn của Nga về một thế giới đa cực. Với tầm nhìn này, mỗi quốc gia cần có quyền tự do lựa chọn đối tác và xác định chính sách của mình mà không chịu áp lực từ bên ngoài. Đối với các nước châu Phi, điều này có nghĩa là có nhiều quyền tự chủ hơn và khả năng đàm phán các thỏa thuận phản ánh thực sự lợi ích và nguyện vọng của họ.
Chuyên gia Behanzin kết luận, có thể nói rằng chuyến công du châu Phi của ông Lavrov thể hiện một bước quan trọng trong chiến lược của Moskva nhằm tăng cường mối quan hệ với lục địa này. Nó phản ánh mong muốn đa dạng hóa quan hệ đối tác quốc tế, tôn trọng và ủng hộ khát vọng chủ quyền của các quốc gia châu Phi và đặc biệt là thúc đẩy trật tự thế giới đa cực.
Đối với Nga, đây còn là cơ hội để củng cố vị thế trên trường quốc tế. Đối với các nước châu Phi, sự kiện là cơ hội để mở ra lĩnh vực hợp tác và phát triển mới trong khuôn khổ tôn trọng, hỗ trợ lẫn nhau vì chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào chính trị nội bộ của các quốc gia châu Phi.
Ngoại trưởng Lavrov cảnh báo Nga có thể bãi bỏ lệnh hạn chế về tên lửa
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết nước này sẽ tăng cường kho vũ khí hạt nhân và dỡ bỏ các hạn chế tự áp đặt đối với tên lửa nếu Mỹ triển khai bệ phóng tên lửa tầm ngắn và tầm trung tới châu Âu hoặc châu Á.
Hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars RS-24 của Nga. Ảnh: Sputnik
Trong một bài phỏng vấn với tập đoàn truyền thông Rossiya Segodnya xuất bản ngày 30/5, khi được hỏi Moskva sẽ phản ứng thế nào nếu Mỹ triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung trên mặt đất ở châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng quốc tế đang ở mức chưa từng có, Ngoại trưởng Lavrov trả lời: "Chúng tôi sẽ phản ứng lại nếu Mỹ thực hiện kế hoạch triển khai tên lửa". Nhà ngoại giao cấp cao giải thích Nga sẽ buộc phải dỡ bỏ các lệnh cấm đơn phương mà nước này đã tuân thủ ngay cả khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) năm 1987 mang tính bước ngoặt.
"Chúng tôi không loại trừ các bước bổ sung trong lĩnh vực răn đe hạt nhân vì tên lửa Mỹ được triển khai sẽ có khả năng tấn công các trung tâm chỉ huy và các bộ phận trong kho vũ khí hạt nhân của chúng tôi", ông Lavrov nhấn mạnh.
INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km) trên mặt đất.
Năm 2019, Mỹ đã hủy bỏ thỏa thuận trên với cáo buộc Nga vi phạm thoả thuận. Về phần mình, Moskva đã phủ nhận các cáo buộc và đình chỉ việc tham gia thoả thuận sau khi Washington rút khỏi.
Trong một tuyên bố với Rossiya Segodnya, Ngoại trưởng Lavrov cho biết Moskva và Bắc Kinh đã nhất trí tăng cường hợp tác nhằm chống lại hành vi làm suy yếu sự ổn định quốc tế của Washington. Đầu tháng 5, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra một tuyên bố chung, lên án "những bước đi gây bất ổn cao, đe dọa trực tiếp đến an ninh của Nga và Trung Quốc".
Moskva tuyên bố đang phát triển các hệ thống tên lửa mới để đáp trả việc chuyển giao ATACMS do Mỹ sản xuất và các tên lửa tầm xa khác do phương Tây cung cấp cho Ukraine.
Ngoại trưởng Nga bình luận về vai trò của Trung Quốc với Hội nghị hòa bình cho Ukraine Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho biết Nga đang cân nhắc ý tưởng tổ chức hội nghị quốc tế hòa bình về giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine với sự tham gia của cả Moskva và Kiev, như sự tiếp nối những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tạo điều kiện giải quyết cuộc khủng hoảng này. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh:...