Mức thu nên thấp hơn các tuyến BOT
Đồng tình với đề xuất thu phí cao tốc đầu tư bằng ngân sách, nhưng Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam (VATA) Nguyễn Văn Quyền lưu ý, mức thu trên những tuyến này không nên cao hơn phí trên các tuyến đường có sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, tức các tuyến BOT.
Quan điểm của ông thế nào về việc thu phí đường bộ cao tốc được đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước?
- Hiện nay, VATA có 43 Hiệp hội cơ sở cấp tỉnh và khu vực, trên 1.300 doanh nghiệp hội viên, trong đó có gần 700 công ty Cổ phần; hơn 400 hợp tác xã… Với lực lượng hùng hậu của những người làm việc liên quan đến vận tải bằng ô tô, VATA được Bộ GTVT xin ý kiến bằng văn bản về việc thu phí trên đường cao tốc xây dựng từ ngân sách. Mới đây, chúng tôi đã có văn bản cho ý kiến về vấn đề này gửi Bộ GTVT.
Hiệp hội chúng tôi cho rằng, việc thu phí trên một số tuyến cao tốc được đầu tư bằng tiền ngân sách là cần thiết, sẽ giúp hoạt động giao thông hợp lý hơn, đồng thời tăng thêm nguồn thu cho Nhà nước để tiếp tục đầu tư vào hạ tầng.
Ngoài ra, việc thu phí trên cao tốc do Nhà nước đầu tư nếu được thực hiện sẽ có tác dụng điều tiết giao thông, khiến hài hòa lưu lượng giữa các tuyến đường. Thí dụ hiện nay trên tuyến TP Hồ Chí Minh – Trung Lương, khi tạm dừng thu thì lưu lượng xe dồn vào đường này, gây ùn tắc giao thông, giảm hiệu quả đầu tư. Việc lưu thông quá đông trên đường cao tốc cũng có nguy cơ tai nạn cao hơn. Nếu tuyến này thu phí, chắc chắn lượng xe sẽ được phân bổ ra hướng Quốc lộ 1, tạo nên sự hợp lí về lưu lượng, giúp điều tiết giao thông tốt hơn.
Ông Nguyễn Văn Quyền
Video đang HOT
Theo ông, nếu thu thì nên thu ở mức nào?
- Tôi cho rằng, việc thu phí ở những tuyến nào cần được cân nhắc kỹ. VATA đề xuất không thu trên những tuyến đường độc đạo, tức phải đảm bảo quyền lựa chọn của người dân. Không thể có đúng một con đường mà anh lại thu phí là không được, người dân sẽ phản ứng mạnh. Thứ hai, mức thu phí trên những tuyến đường này nên thấp hơn nhiều so với trên các tuyến đường có sự tham gia đầu tư của tư nhân, tức các tuyến BOT. Mức phí cụ thể thế nào cần được Bộ GTVT, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan bàn bạc, thống nhất. Ngoài ra, cần cân nhắc việc có nên thu với những tuyến đường chỉ mở rộng thêm hay không? “Anh” chỉ mở rộng đường mà thu thì mức thu bao nhiêu, hay là không không thu,.. đều cần được bàn tính kỹ.
Có một số ý kiến lo ngại, nếu chủ trương này được thông qua sẽ xuất hiện tình trạng phí chồng phí, thưa ông?
- Đúng là hiện nay chủ xe phải nộp một số loại thuế, phí, nhưng hiện nay nguồn lực Nhà nước đang còn hạn chế, việc chủ xe đóng các loại phí này không nhiều so với số tiền nhà nước đã bỏ ra. Đồng thời, có lợi ích là đường sá tốt, rộng hơn với chủ xe. Tôi cho rằng, nguyên tắc cơ bản nhất là làm sao hài hòa giữa lợi ích của người dân và Nhà nước.
Thu phí thì nên thu nhưng phải đảm bảo quyền lợi của người dân, xây dựng cơ chế thu làm sao để người dân hài lòng, không làm thêm gánh nặng tài chính trên vai người dân thì sẽ được đông đảo cộng đồng lái xe ủng hộ.
Trân trọng cảm ơn ông!
Đề xuất thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư
Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị quyết của UBTVQH quy định về phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Ảnh minh họa
Bộ Tài chính cho biết mục đích, quan điểm xây dựng Nghị quyết nêu trên nhằm huy động kịp thời, hợp lý nguồn lực từ người sử dụng đường cao tốc nhằm có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng mới và bảo trì các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Theo đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của UBTVQH theo 02 Phương án.
Phương án 1: Quy định thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo quy định pháp luật về giá.
Theo Bộ Tài chính, phướng án 1 này có các ưu điểm: Thứ nhất , phù hợp với Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam, phía Đông giai đoạn 2017 - 2020;
Thứ hai, khuyến khích thu hút nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng hạ tầng đường bộ;
Thứ ba, công khai, minh bạch và dễ nhận được sự đồng thuận của người dân và chủ phương tiện.
Tuy nhiên, phương án này cũng có nhược điểm là: Có ý kiến cho rằng, đường cao tốc do Nhà nước đầu tư quy định thu phí dịch vụ (theo cơ chế giá) là không đúng bản chất; Bộ Giao thông vận tải và địa phương phải thành lập công ty để quản lý thu phí dịch vụ đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Phương án 2: Quy định thu phí sử dụng đường cao tốc thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, theo quy định pháp luật về phí, lệ phí
Phương án 2 có ưu điểm: Đảm bảo nguyên tắc tại Luật Phí và lệ phí: Dịch vụ công do Nhà nước cung cấp thu phí.
Nhưng các nhược điểm là: Thứ nhất, không phù hợp với Nghị quyết số 52/2017/QH14, trong đó, giao Chính phủ: Đối với những dự án thành phần sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công nghiên cứu áp dụng phương án thu giá dịch vụ hợp lý để thu hồi vốn Nhà nước đầu tư .
Thứ hai, không khuyến khích thu hút nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng hạ tầng đường bộ. Lý do, cùng sử dụng dịch vụ đường cao tốc như nhau, chủ phương tiện trả mức phí sử dụng đường cao tốc sẽ thấp hơn mức phí dịch vụ.
Qua phân tích ưu, nhược điểm của 02 phương án nêu trên, để đảm bảo công khai, minh bạch, đồng bộ với thu phí dịch vụ hoàn vốn các dự án BOT, Bộ Tài chính chọn Phương án 1: Trình UBTVQH ban hành Nghị quyết quy định thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo quy định pháp luật về giá.
Dự kiến mức phí khoảng 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn
Bộ Tài chính cũng cho biết các tác động về mặt kinh tế - xã hội như sau: Theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải trên cơ sở phân tích dữ liệu sử dụng 05 tuyến đường cao tốc hiện hành, kết quả lượng hóa chi phí vận hành và chi phí thời gian của phương tiện cho thấy so với lưu thông tuyến trên quốc lộ song hành, phương tiện lưu thông trên các tuyến cao tốc sẽ được lợi bình quân theo xe đơn vị là 2.518 đồng/km/xe tiêu chuẩn.
Như vậy, nếu phải nộp phí khoảng 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn thì chủ phương tiện vẫn hưởng lợi khoảng 1.500 đồng/km.
Hệ thống đường cao tốc do Nhà nước đầu tư hiện nay (tổng dài 196 km), nếu thực hiện thu phí dịch vụ đường cao tốc với mức thu là 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn thì dự kiến hàng năm sẽ thu được khoảng 2.142 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn quan trọng bổ sung cho việc đầu tư cải tạo hệ thống đường cao tốc hiện hành, cũng như bổ sung vốn đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc mới.
Hơn 12.000 tỷ đồng xây dựng tuyến cao tốc Phan Thiết Dầu Giây Sáng 30/9, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức Lễ khởi công xây dựng dự án thành phần đoạn Phan Thiết - Dầu Giây thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 tại xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh,...