“Mục sở thị” kho tập kết gỗ được chặt hạ trên các …
Hàng trăm cây xanh bị chặt được chuyển về một bãi tập kết khổng lồ có diện tích chừng 10ha kéo dài gần 500 mét. Bãi tập kết được quây kín tôn, cổng khóa và luôn có bảo vệ túc trực.
Hàng trăm cây xanh bị chặt được chuyển về một bãi tập kết khổng lồ có diện tích chừng 10ha kéo dài gần 500 mét. Bãi tập kết được quây kín tôn, cổng khóa và luôn có bảo vệ túc trực. Các cây được đưa về đây để chờ tái sử dụng hoặc bán đấu giá.
Trước thắc mắc của dư luận về quy trình thu hồi, tập kết gỗ và cây sau khi tiến hành chặt hạ, thay thế cây xanh, ngày 23/3, phóng viên đã có buổi “mục sở thị” tại vườn ươm và kho chứa gỗ Cầu Diễn, thuộc quản lý của Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh – địa điểm tập kết gỗ, cây xanh sau chặt hạ, thay thế tại một số tuyến phố của Thủ đô những ngày vừa qua.
Khu vườn ươm Cầu Diễn (Nam Từ Liêm), thuộc quyền quản lý của Xí nghiệp quản lý cắt sửa cây xanh ( Công ty TNHH một thành viên cây xanh Hà Nội), nằm trên đường K2, cách quốc lộ 32 vài trăm mét, là điểm ươm, trồng và tập kết những cây xanh được đánh chuyển trên các tuyến phố của thủ đô. Ngay bên cạnh lối đi dẫn vào vườn là khu vực tập kết gỗ, dài chừng hai trăm mét. Gỗ được xếp gọn gàng với nhiều chủng loại, kích thước, to nhỏ khác nhau, chủ yếu là xà cừ và bằng lăng.
Báo cáo của Công ty TNHH Một thành viên công viên cây xanh Hà Nội cho biết, tổng số gỗ, củi thu hồi do công tác chặt hạ, thay thế cây trên các tuyến phố: Nguyễn Trãi, Phố Huế, Hàng Bài, Nguyễn Chí Thanh những ngày qua là 186,932 mét khối gỗ xà cừ; 31,699 mét khối gỗ khác và 23,425 mét khối củi.
Số gỗ xà cừ được tập kết chờ xử lý. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN
Trước thắc mắc của phóng viên về một số cây gỗ có đường kính khoảng 40 đến 50 cm, chất lượng gỗ nạc, bị cắt thành khúc nhỏ, ông Đỗ Ngọc Hoàng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội giải thích, mặc dù làm như vậy sẽ khiến giảm giá thành của gỗ khi đấu giá. Song, do địa hình của một số tuyến ngõ, phố nhỏ hẹp, không thể thi công bằng cơ giới, phương tiện chuyên chở có hạn, nên đơn vị chức năng buộc phải chia nhỏ ra để vận chuyển.
Video đang HOT
“Làm như vậy rất tốn công, sẽ đội giá thành cho việc chặt hạ, đôi khi có nhiều cây công ty còn phải bù lỗ, để vận chuyển về tới điểm tập kết theo quy định”, ông Hoàng nói.
Về thông tin cho rằng, trên địa bàn Hà Nội có xuất hiện một số xe chở gỗ di chuyển về phía một số làng nghề sản xuất gỗ trên địa bàn Hà Tây (cũ), ông Đỗ Ngọc Hoàng khẳng định, đó không phải là xe của Công ty. Đối với nhiệm vụ thu hồi gỗ, Công ty đã làm theo quy trình nhiều năm nay gồm: Biên bản xác nhận tại hiện trường, dưới sự giám sát, kiểm tra nhập gỗ bởi các đơn vị chức năng của thành phố. Ngoài ra, Ban duy tu các công trình hạ tầng của thành phố cũng cắt cử cán bộ giám sát, đo, đếm gỗ ngay từ hiện trường. Khi xe chở gỗ về đến kho còn phải đối chiếu một lần nữa giữa các bên, trước khi nhập kho. Như vậy, sẽ không có chuyện gỗ chạy “nhầm”, không đúng địa chỉ, ông Hoàng quả quyết.
Nhiều phóng viên có mặt tại bãi tập kết của Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN
Liên quan đến quy trình đấu giá gỗ, ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng của thành phố chưa triển khai đấu thầu. Thường khoảng 3 tháng, các cơ quan liên quan của thành phố như: Sở Tài chính, Ban duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật của thành phố, công ty cây xanh, sẽ tổ chức đấu giá công khai theo quy định của pháp luật.
Giá trị của một mét khối gỗ cũng được tính theo giá thị trường. Số tiền thu được từ đấu giá gỗ sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước, sau đó khấu trừ vào kinh phí duy tu, cắt tỉa, trồng mới do Công ty thực hiện cho thành phố.
Theo quan sát của phóng viên, ngay cạnh cổng vào Vườn ươm Cầu Diễn là khu vực trồng 128 cây hoa sữa vừa được đánh chuyển từ đường Nguyễn Chí Thanh về ươm, trồng. Những cây này đã được trồng trên đất tốt, cắt tỉa hết cành lá, quấn vải nhựa đen, nhằm hạn chế sự bốc hơi nước của cây. Các cây sống sẽ được tái sử dụng theo quy hoạch của thành phố
Theo NTD
"Mở kho" lưu giữ hàng trăm cây xanh bị chặt hạ, đánh chuyển
Hàng trăm mét khối gỗ xà cừ, hàng trăm gốc hoa sữa, bằng lăng... bị chặt hạ, đánh chuyển hai bên tuyến phố khiến dư luận bức xúc vừa qua, được tập kết ở khu vườn rộng lớn hàng chục hecta ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Trước băn khoăn của dư luận, hàng trăm mét khối gỗ khi chặt hạ cây xanh trên các tuyến đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh, Hàng Bài, Phố Huế, Nguyễn Thái Học... hiện giờ đang ở đâu, sử dụng vào mục đích gì, ngày 23/3, Công ty TNHH một thành viên cây xanh Hà Nội đã quyết định "mở kho" cho phóng viên vào phản ánh.
80% cây đánh chuyển sống sót
Ông Đỗ Ngọc Hoàng, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên cây xanh Hà Nội cho biết, tổng số cây bị chặt hạ trên đường Nguyễn Trãi là 520 cây, trong đó có 95 cây xà cừ với khối lượng gỗ trên 179m3. Công ty TNHH một thành viên cây xanh Hà Nội cũng là đơn vị đánh chuyển, chặt hạ hàng trăm cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh gây ồn ào trong thời gian qua. Ông Hoàng đưa ra số liệu cụ thể, trong giấy phép đơn vị này được cấp phép đánh chuyển chặt hạ 382 cây.
Hơn 100 cây xanh được đánh chuyển từ đường Nguyễn Chí Thanh về vườn ươm
Trước khi có lệnh dừng của UBND TP Hà Nội, công nhân của Công ty cây xanh Hà Nội đã chặt hạ 111 cây, đánh chuyển 128 cây trên đường Nguyễn Chí Thanh. Trong tháng 12/2014, trên Phố Huế, Hàng Bài, cũng có 115 cây bị chặt hạ, đánh chuyển. Toàn bộ cây xanh bị đánh chuyển, gỗ cây bị chặt hạ trên các tuyến đường trên được tập kết toàn bộ về Xí nghiệp sản xuất cây xanh - cây hoa - cây cảnh ở quận Nam Từ Liêm.
Gần 130 cây xanh bị đánh chuyển trên đường Nguyễn Chí Thanh được trồng ở một góc trong vườn ươm Xí nghiệp sản xuất cây xanh - cây hoa - cây cảnh ở quận Nam Từ Liêm. Trong số này phần lớn là cây hoa sữa, còn lại là bằng lăng. Các gốc cây được quấn kín bằng lớp vải đen để giữ ẩm. Mỗi gốc cây nằm cách nhau khoảng một mét. Ông Nguyễn Xuân Hanh - Giám đốc Xí nghiệp sản xuất cây xanh - cây hoa - cây cảnh cho biết, những cây hoa sữa, bằng lăng này được đưa về đây vài ngày nay.
"Cây bị đánh chuyển, đem về đây trồng sống sót khoảng 80%. Sau một thời gian chăm sóc, cây khỏe mạnh, thành phố sẽ có kế hoạch đem đi trồng lại trên các tuyến phố ở Hà Nội", ông Nguyễn Xuân Hanh nói.
"Núi" xà cừ ngồn ngộn giữa vườn ươm
Chiều ngày 23/3, theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, gần 200m3 gỗ xà cừ trên đường Nguyễn Trãi còn nằm ngổn ngang hai bên đường dẫn vào khu vườn ươm rộng hàng chục hecta ở quận Nam Từ Liêm. Những thân cây lừng lững hai bên đường Nguyễn Trãi giờ bị cắt nhỏ thành nhiều khúc gỗ đỏ au, ngái ngái mùi nhựa và xen lẫn những cây có phần gốc bị mục ruỗng đến mức có thể dùng tay bẻ vỡ vụn thành nhiều mảnh.
Hàng trăm mét khối gỗ xà cừ được tập kết ở vườn ươm chờ ngày đấu giá
Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Ngọc Hoàng, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên cây xanh Hà Nội cũng khẳng định quá trình đấu giá từ cành củi đến thân cây cũng phải trải qua quy trình rất chặt chẽ theo quy định của UBND TP Hà Nội. Ông Hoàng liệt kê thành phần tham gia thu hồi củi gỗ có đầy đủ ban bệ của thành phố.
Chỉ tay vào đống gỗ cao gần 5m, ông Hoàng cho biết, khối lượng thu hồi bằng thước đo đối với tất cả các khúc gỗ, củi. Trong đó, gỗ được quy định với các khúc có đường kính trung bình trên 20cm, còn lại được xác định là củi. Đối với khúc gỗ, củi bị mục nát, mối mọt nếu không thu hồi, các bên phải chụp ảnh lại hiện trạng, làm biên bản thống nhất hủy.
Theo ông Hoàng trên cơ sở khối lượng củi, gỗ tại bãi, Công ty cây xanh sẽ tổng hợp báo cáo Sở Tài chính về khối lượng chủng khoại, kích thước và hiện trạng củi gỗ thu hồi. Cùng đó là công tác khảo giá thị trường làm cơ sở thực hiện đấu thầu gỗ, củi. Thông qua công ty đấu giá độc lập sẽ bán đấu giá theo quy định của Nhà nước. Về khối lượng gỗ, củi còn chất đống ở vườn ươm, ông Hoàng cho biết, đến nay chưa đấu giá.
Quang Phong - Tiến Nguyên
Theo Dantri
Hà Nội: Chi 35 triệu đồng cho việc chặt hạ một cây xà cừ Theo đơn giá thanh toán sản phẩm dịch vụ công ích đô thị năm 2015, để chặt hạ một cây xà cừ có đường kính trên 120 cm, ngân sách thành phố sẽ chi 25 triệu đồng tiền chặt, 10 triệu đồng tiền đào gốc. Đơn giá thanh toán sản phẩm dịch vụ công ích đô thị năm 2015 cho lĩnh vực duy...