“Mục sở thị” cách đánh bắt tôm bằng rọ bát quái ở Sơn La
Về vùng hồ thủy điện Sơn La lần này, ông bạn thân rủ theo thuyền đi đánh bắt tôm. Tôi háo hức nhận lời, bởi vừa được du ngoạn, lại vừa “mục sở thị” cách đánh bắt tôm bằng rọ bát quái…
Theo thuyền đi đánh bắt tôm
Khoảng 5 giờ chiều, khi mặt trời nghiêng bóng khuất dần sau dãy núi Mường Chiên, chúng tôi cùng lên thuyền ra sông thả rọ tôm bát quái. Tìm được vũng hủm khuất gió, ông bạn neo thuyền lại để cho mồi vào từng rọ và lần lượt thả xuống hồ, một đầu dây được buộc vào cọc sát bờ. Vừa thả hết dây này đến dây khác, ông bạn vừa tiết lộ: Đánh bắt tôm bằng rọ bát quái thú vị lắm, rọ này chỉ bắt tôm to, còn tôm nhỏ sau khi chui vào ăn mồi vẫn chui qua mắt lưới ra ngoài bình thường, thế nên vẫn giữ được nguồn tôm chưa đến tuổi khai thác.
Video đang HOT
Ngư dân ven hồ thủy điện Sơn La đi thu rọ tôm.
Hôm nào trời động, tôm cá đi ăn nhiều có thể đánh bắt được mấy chục cân tôm to, bình thường cũng khoảng 4 đến 5 kg. Nếu bán đổ tại thuyền thì khoảng 200 ngàn đồng/kg, còn nếu mang ra Thành phố thì giá có thể lên tới 300 ngàn đồng/kg. Trước đây, khi chưa có rọ bát quái, bà con thường đánh tôm bằng vó bè, vó đèn, quét vét tất cả tôm to, tôm nhỏ cùng các loài thủy sinh khác, vừa lãng phí vừa chịu giá rẻ, lại làm hại môi trường sống của thủy sản. Bây giờ, tuy bắt ít hơn nhưng chất lượng tôm tốt hơn, bán lại được giá hơn.
Thả rọ xong, chúng tôi quay lại bến đậu, neo thuyền, giăng lưới bắt cá, nấu cơm, chờ sáng sớm hôm sau đi thu rọ. Nửa đêm, trời giông, mưa to, sấm chớp, ông bạn thức giấc cầm đèn pin đi buộc lại thuyền, đóng lại các ô cửa khoang thuyền mà ra vẻ phấn khởi: “Sấm sét, mưa gió thế này mai trúng quả đấy!”. Tảng sáng, mặt trời vừa ló rạng, thuyền đánh tôm từ các hủm ven sông thuộc các xã Mường Giàng, Chiềng Bằng, Chiềng Ơn… nổ máy phành phạch rẽ nước ra sông.
Khu vực ai thả rọ chỗ nào thì tiến về hướng đó mà không sợ bị nhầm lẫn. Mọi người vui vẻ, vì trúng mẻ tôm. Chúng tôi cũng lúi húi kéo mẻ đầu tiên, vừa kéo chưa đến nửa lồng đã thấy tôm nhảy lạo xạo tung tóe nước, khiến chúng tôi vô cùng thích thú. Vớt hết rọ này đến rọ khác, hết buổi sáng, chúng tôi cũng hoàn thành việc thu rọ tôm với thành quả là 10 kg tôm tươi đang giãy đành đạch. Để lại 3 kg để thưởng thức, còn lại về bến Pá Uôn bán cho tư thương từ Hải Phòng lên mua cũng được 1 triệu đồng.
Bến thuyền Pá Uôn buổi sáng mùa này luôn tấp nập kẻ bán, người mua tôm, trở thành chợ đầu mối đưa thủy sản sông Đà đi tiêu thụ khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh. Hàng chục chiếc xe tải đông lạnh đang chờ tiếp hàng. Những lồng, túi tôm các thuyền được tư thương mua gom lại cho vào một chiếc giỏ lớn, quang gánh lên bờ, nước vẫn còn chảy tràn lấp lánh trong nắng sớm. Từ chiếc giỏ lớn này, tôm sẽ được san vào từng chiếc giỏ sắt nhỏ, có lưới bao, xếp chồng lên nhau đều tăm tắp trong thùng xe đông lạnh, đủ chuyến lại rời bến về xuôi.
Đôi nét về rọ bát quái
Theo những người giàu kinh nghiệm, rọ bát quái đánh bắt tôm trên hồ sông Đà được cải tiến, đan bằng lưới mắt thưa khoảng 1cm, được căng ngăn bởi những khung sắt vuông hoặc tròn có đường kính rộng cỡ 30 cm, mỗi lồng dài 5 m và cứ khoảng 40 cm ngăn một ngăn để dễ gấp gọn, tạo thành nhiều khoang nhưng thông nhau, mỗi ngăn có cửa chéo để cho tôm chui vào mà không thể chui ra. Anh Lò Văn Phanh ở xã Chiềng Ơn (Quỳnh Nhai) giải thích nôm na: “Đây là một dạng lưới lồng, có nhiều cửa kiểu như giỏ nhiều ngăn để tôm cá chui vào mà không có đường ra. Nó giống ma trận nên gọi là bát quái!”.
Mỗi ngăn, trước khi thả đều phải cho mồi bằng xương động vật chặt nhỏ nướng vàng thơm để dụ tôm vào, hai đầu đều được thắt nút và nối bằng dây ni lông dài buộc chặt vào cọc, cây ven bờ hoặc thả phao làm tiêu. Mỗi lồng như vậy có giá khoảng 200 đến 300 ngàn đồng.
Phần lớn bà con đã cải tiến từ lồng lưới sang làm bằng lồng sắt hệt lồng bẫy chuột hoặc lồng tre đan mắt thưa, xâu chuỗi lại với nhau, kiểu này đầu tư ít nhưng hiệu quả, được bà con dùng phổ biến. Mỗi thuyền đầu tư 30 đến 50 lồng, nghĩa là đầu tư khoảng 10 triệu đồng là có thể mưu sinh trên lòng hồ.
Cần quản lý, khai thác đúng mức
Những con tôm sông to gần bằng ngón tay săn chắc, tươi rói, được chủ nhà rửa sạch rang với xả ớt, rắc thêm chút lá chanh thái nhỏ, múc ra đĩa, thơm lừng, nóng hôi hổi, nhìn thật bắt mắt. Câu nói “Đi núi ăn thủy sản” có vẻ hơi ngược, nhưng lại đang là sự thật, bởi tôm, cá tự nhiên sống trên lòng hồ sông Đà phong phú, trở thành hàng hóa và là món đặc sản sạch, mời gọi du khách thưởng thức.
Đánh tôm bằng rọ bát quái trên lòng hồ sông Đà hiện nay đã trở thành một nghề mới, mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho ngư dân vùng hồ. Được biết, riêng khu vực địa phận huyện Quỳnh Nhai đã có hàng trăm hộ dân đầu tư rọ bát quái, nhà ít 10 rọ, nhà có vốn đầu tư đến 50 rọ.
Nếu mực nước hồ thủy điện ổn định, có sự vào cuộc của ngành thủy sản hướng dẫn, đầu tư phương tiện đánh bắt, tìm thị trường đầu ra ổn định, chắc chắn nghề đánh bắt tôm bằng rọ bát quái sẽ trở thành nghề có thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo ở vùng hồ sông Đà. Song, cần có sự quản lý, khai thác đúng mức; cơ quan chuyên môn hướng dẫn bà con cách đánh bắt tôm sạch, không dùng mồi có chất độc hại, khai thác có tổ chức, khuyến khích bà con nuôi thêm tôm, cá lồng bè, làm phong phú thêm nguồn lợi thủy sản nước ngọt, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con vùng định cư ven hồ sông Đà.
Theo Anh Đức (Báo Sơn La)