Mua vàng ngày Thần Tài, khách lỗ ngay gần 1 triệu đồng mỗi lượng
Chênh lệch giữa giá mua vào – bán ra được một số đơn vị kinh doanh nới rộng ngày Thần Tài. Nếu bán vàng ngay sau khi mua hôm nay, khách lập tức lỗ gần 1 triệu đồng/lượng.
Như những năm trước, ngày Vía Thần Tài năm nay (mùng 10 tháng Giêng âm lịch) tiếp tục chứng kiến cảnh người dân xếp hàng dài từ sáng sớm tại các điểm kinh doanh để mua vàng cầu may.
Loạn giá vàng
Lực mua tăng mạnh khiến giá vàng miếng trong ngày “nhảy múa” trái chiều giữa các đơn vị kinh doanh với doanh.
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay (14/2), Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn – SJC (đơn vị độc quyền sản xuất vàng miếng trên thị trường) niêm yết giá loại vàng này ở mức 36,75 – 37,08 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). So với chốt phiên chiều qua, mức giá sáng nay giảm 50.000 đồng ở chiều bán, và giảm tới 150.000 đồng chiều mua vào.
Đến đầu giờ chiều, giá vàng miếng giao ngay có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng khoảng cách chênh lệch giữa giá mua và giá bán tiếp tục được các đơn vị kinh doanh nới rộng.
Cụ thể, tại thị trường Hà Nội, giá vàng miếng được SJC bán ra ở mức 37,02 triệu đồng/lượng, giảm thêm 60.000 đồng so với buổi sáng. Trong khi đó, giá mua vào đã bị đẩy xuống mức 36,55 triệu/lượng, giảm sâu 200.000 đồng. Như vậy, khoảng cách giữa giá mua và giá bán vàng miếng tại SJC đã được đẩy lên mức 470.000 đồng/lượng. Trong khi ngày hôm qua (13/2), mức chênh lệch này chỉ là 220.000 đồng mỗi lượng.
Người dân xếp hàng từ sáng sớm chờ mua vàng ngày Vía Thần Tài năm nay. Ảnh: Việt Hùng.
Tình trạng đẩy cao khoảng cách chênh lệch giá mua và bán cũng diễn ra tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, khi đơn vị này đã đẩy khoảng cách chênh lệch giá vàng miếng SJC lên mức 900.000 đồng/lượng vào đầu giờ chiều nay.
Hiện tại, giá vàng miếng rao ngay được DOJI niêm yết ở mức 36,6 – 37,5 triệu đồng/lương, tăng 150.000 đồng ở chiều bán nhưng giảm mạnh 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào.
Đây chưa phải mức chênh lệch mua – bán vàng cao nhất mà các đơn vị kinh doanh đưa ra trong ngày Thần Tài năm nay.
Hiện tại, Ngân hàng TPBank, một trong số ít ngân hàng vẫn duy trì hoạt động kinh doanh vàng đang niêm yết giá bán lẻ vàng SJC ở thị trường miền Bắc là 36,55 – 37,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Điều này đồng nghĩa với việc nếu khách hàng mua vàng sau đó bán ra ngay tại đây sẽ lập tức bị lỗ gần 1 triệu đồng cho mỗi lượng bán.
Nếu so với mức chênh lệch giá mua và giá bán các đơn vị kinh doanh vàng đưa ra hồi năm ngoái, mức chênh lệch năm nay đều cao hơn 30-40%.
Một số đơn vị kinh doanh vàng khác cũng nới rộng khoảng cách mua – bán vàng miếng trong ngày hôm nay như PNJ niêm yết ở mức 36,6 – 37,35 triệu đồng/lượng tại thị trường Hà Nội, chênh lệch 750.000 đồng/lượng; Sacombank-SBJ niêm yết ở mức 36,65 – 37,07 triệu đồng/lượng, chênh nhau 420.000 đồng/lượng.
Video đang HOT
Trong khi đó, Bảo Tín Minh Châu là đơn vị hiếm hoi duy trì giá vàng miếng SJC ổn định trong ngày này. Hiện các cửa hàng của BTMC niêm yết giá vàng miếng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 37,1 – 37,3 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Theo chia sẻ của các nhân viên tại đây, sở dĩ giá vàng miếng SJC tại BTMC ngày hôm nay không có nhiều biến động bởi sản phẩn chủ lực của doanh nghiệp là vàng trang sức với các loại nhẫn trơn, vàng phong thủy… Thực tế, giá vàng rồng Thăng Long và vàng 9999 tại doanh nghiệp này có những thay đổi mạnh trong ngày hôm nay so với vàng miếng.
Doanh nghiệp giải thích vì giá mua giảm
Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn tại Hà Nội cho biết khoảng cách chênh lệch giữa giá mua và giá bán bị đẩy cao trong ngày hôm nay không phải do vàng tăng giá mà chủ yếu do chiều mua vào được công ty giảm mạnh.
“Giá vàng bán ra không tăng nên quyền lợi của khách hàng không hề bị ảnh hưởng, còn chiều mua vào bị giảm thực chất là do quy luật cung cầu. Doanh nghiệp kinh doanh rất hạn chế việc mua vào trong ngày này mà chủ yếu tập trung bán ra sản phẩm đã chuẩn bị từ nhiều tháng trước đó vì vậy giá đầu vào mới giảm mạnh”, vị này cho biết.
Ông cũng chia sẻ sau ngày Thần Tài, chắc chắn khoảng cách giữa giá mua và giá bán vàng miếng sẽ được thu hẹp về như mức bình thường.
Mục đích giảm giá mua vào cũng là để hạn chế việc người dân mua vàng sau đó bán ra ngay như những năm trước. Bởi doanh nghiệp luôn khuyến khích người dân mua với mục đích, nhu cầu chính đáng thay vì chỉ mua lấy may.
Đại diện các doanh nghiệp khác cũng khẳng định giao dịch trong ngày hôm nay chủ yếu là ở chiều bán trong khi rất hạn chế người đi bán vàng trong ngày nay vì vậy việc doanh nghiệp hạ giá mua vào không ảnh hưởng nhiều tới thị trường và người dân.
Theo ghi nhận của Zing.vn, từ sáng sớm hôm nay, hàng trăm người đã chờ sẵn trước cửa các hiệu vàng lớn trên “phố vàng” Trần Nhân Tông (Hà Nội) để chờ mua vàng cầu may. So với cùng kỳ những năm trước, lượng khách tìm tới mua vàng tại “phố vàng” trong sáng nay tăng khá mạnh. Các đơn vị kinh doanh tại đây cho biết lượng vàng bán ra trong sáng nay đều tăng so với năm trước.
Trong ngày Vía Thần Tài năm nay, hầu hết doanh nghiệp vàng cũng đã thực hiện đúng cam kết trước đó của mình là không tăng sốc giá vàng trong ngày.
So với những phiên giao dịch trước đó, giá vàng miếng rao ngay hôm nay tại một số đơn vị còn có xu hướng giảm nhẹ. Tuy nhiên, do giá mua vào bị các doanh nghiệp giảm mạnh dẫn tới chênh lệch giá mua và giá bán được nới rộng lên tới gần 1 triệu đồng mỗi lượng.
Theo news.zing.vn
Ngày Thần Tài, doanh nghiệp vàng bội thu, người mua thua thiệt?
So với ngày thường, doanh số bán ra ngày Thần Tài của các doanh nghiệp kinh doanh vàng có thể cao hơn từ vài chục cho tới vài trăm phần trăm nhờ tâm lý mua vàng cầu may đầu năm.
Theo quan niệm dân gian, người mua vàng và trang sức vàng bạc đá quý trong ngày Vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm) sẽ được nhiều may mắn, phúc lộc, sung túc cho cả năm, đặc biệt là những người làm ăn buôn bán.
Vì vậy, từ lâu, cứ vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch, hình ảnh hàng dài người xếp hàng từ sáng sớm đi mua vàng đã trở nên quen thuộc.
Một ngày đóng góp 5% doanh thu cả năm
Nắm bắt tâm lý này, các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn như SJC, Bảo Tín Minh Châu, DOJI, PNJ hay Phú Quý... đều tung ra hàng loạt chương trình, sản phẩm để thu hút khách hàng mua vàng.
Như trong ngày vía Thần Tài năm 2018, đại diện Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận - PNJ cho biết tính đến cuối giờ chiều ngày 25/2/2018 (tức ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch), doanh số của tất cả cửa hàng PNJ trong ngày đạt hơn 750 tỷ đồng, tăng gần 40% so với ngày Thần Tàinăm trước đó.
Theo báo cáo tài chính của doanh nghiệp này, trong cả năm 2018 toàn bộ hệ thống cửa hàng của PNJ ghi nhận doanh thu đạt 14.680 tỷ đồng. Như vậy, chỉ riêng doanh thu trong ngày Thần Tài năm vừa qua đã đóng góp tới hơn 5% tổng doanh thu cả năm.
Trong khi đó, phía DOJI không cung cấp con số chính xác nhưng cũng cho biết doanh số bán ra đã tăng 50% so với năm 2017, ước đạt 290.000 sản phẩm vàng các loại...
Nhiều doanh nghiệp khác cũng khẳng định, ngày Thần Tài chính là ngày có doanh thu cao nhất trong mỗi năm kinh doanh.
Ngày vía Thần Tài hàng năm đều là ngày các doanh nghiệp kinh doanh vàng ghi nhận doanh số kỷ lục. Ảnh: Tùng Tin.
Năm nay, chia sẻ với Zing.vn, các doanh nghiệp đều cho biết đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho ngày Thần Tài từ trong năm vì dự báo nhu cầu mua vàng của người dân sẽ còn tăng mạnh.
Đại diện PNJ cho biết công ty đã tăng cường hàng trăm nhân viên bán hàng tại các cửa hàng khu vực trung tâm. Bên cạnh đó, hình thức thanh toán nhanh sẽ được doanh nghiệp này áp dụng để hạn chế thời gian chờ của một khách hàng.
Doanh nghiệp cũng có kế hoạch sẽ mở cửa bán hàng từ 6h sáng để đón những khách hàng đến sớm thay vì 8h30 như ngày thường.
Phía DOJI cũng cho biết đã chuẩn bị trên 300.000 sản phẩm vàng, tăng 30% so với năm ngoái để nắm bắt ngày Thần Tài năm nay. Doanh nghiệp này cũng cam kết sẽ mở cửa từ 6h sáng cho đến khi hết khách trong ngày.
Khách ngán cảnh xếp hàng
Tuy việc mua vàng ngày Thần Tài cầu may vẫn được nhiều người ủng hộ, nhiều người cũng tỏ ra lo ngại vì những năm trước phải xếp hàng rất lâu mới đến lượt vào mua.
Bà Nguyễn Thị Trâm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết do nhà làm ăn kinh doanh nên năm nào đến ngày Thần Tài bà cũng đi mua vàng để lấy may. Và năm nào muốn mua đúng ngày bà Trâm phải xếp hàng nhiều giờ đồng hồ mới có thể mua được vàng.
"Tôi chỉ mua một vài chỉ vàng lấy may thôi, nhưng đến sớm vẫn cứ phải xếp hàng rất mệt. Năm ngoái tranh thủ ngày Thần Tài vào dịp cuối tuần nên tôi đi mua sớm được, năm nay vào giữa tuần nên chắc sẽ lại phải xếp hàng dài", bà Trâm chia sẻ.
Trong khi đó, anh Hoàng Mạnh (32 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết năm nào anh cùng vợ cũng đi chọn mua vàng vào ngày Thần Tài. Cũng như nhiều người, năm ngoái vợ chồng anh ra phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng) để mua vàng nhưng do ra muộn nên vợ chồng anh phải xếp hàng rất lâu mới đến lượt mua. Năm nay thay vì ra phố mua vàng, anh Mạnh đã lựa chọn việc mua vàng qua kênh bán online của các cửa hàng lớn. Theo đó, anh chỉ cần đặt mua và hẹn ngày, địa điểm giao vàng là sẽ được nhận vàng tại nhà.
Người dân phải xếp hàng nhiều giờ để được vào bên trong mua vàng ngày Thần Tài. Ảnh: Việt Hùng.
Chị Hoài Thương (27 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết dù muốn tự mình đi mua vàng để lấy may nhưng ngày Thần Tài năm nay vào dịp giữa tuần nên chị không thể xin nghỉ. Thay vì ra cửa hàng mua chị quyết định mua vàng online từ các đại lý.
Theo đó, chị đã đặt mua 5 chỉ vàng loại 24K và yêu cầu giao trong sáng ngày 14/2 đúng ngày Thần Tài.
Các doanh nghiệp vàng cũng khẳng định so với mọi năm, doanh số bán hàng qua kênh online năm nay tăng mạnh.
"Tuy vẫn chưa chiếm tỷ trọng cao so với bán tại cửa hàng nhưng nhìn chung lượng đặt hàng qua kênh online năm nay tăng khá. Chúng tôi đã chạy chương trình cho phép khách hàng đặt mua trước từ ngày 5/2", đại diện một doanh nghiệp kinh doanh vàng cho biết.
Lấy lý do bảo mật số liệu kinh doanh, vị này từ chối tiết lộ doanh số cụ thể bán hàng qua kênh online tính đến ngày 13/2.
Liệu còn cảnh sáng mua, chiều rớt giá?
Cùng với việc lượng người mua vàng tăng mạnh, những năm trước cũng diễn ra tình trạng chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra vàng miếng bị các đơn vị kinh doanh nới rộng. Như năm 2018, nếu mua vàng vào ngày Thần Tài và bán ngay sau đó, khách lập tức lỗ từ 500.000 đồng cho tới 700.000 đồng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đều tăng khá mạnh giá bán trong ngày này. Ngày Thần Tài cũng là thời điểm giá vàng miếng niêm yết ở mức cao nhất trong cả năm 2018, với giá bán ra trên 37,4 triệu đồng mỗi lượng, chênh lệch giá mua và giá bán đều trên 500.000 đồng/lượng.
Tuy nhiên, năm nay nhiều doanh nghiệp khẳng định sẽ giữ bình ổn giá vàng và hạn chế hiện tượng tăng giá đột biến.
Đại diện PNJ khẳng định, giống như năm trước, năm nay doanh nghiệp này vẫn giữ cam kết bình ổn giá vàng trong ngày Thần Tài để người mua không phải chịu thiệt khi bán lại vào ngày hôm sau.
Theo ghi nhận, nếu so với thời điểm trước ngày vía Thần Tài năm trước, giá vàng bán ra năm nay đang thấp hơn khoảng 300.000-400.000 đồng/lượng.
Sáng ngày 13/2, giá vàng miếng giao ngay tại thị trường Hà Nội được SJC niêm yết ở mức 36,95 - 37,17 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 20.000 đồng ở cả 2 chiều so với cuối ngày 12/2. Đến cuối ngày 13/2, giá vàng miếng tiếp tục giảm về mức 36,78 - 37,04 triệu đồng/lượng, mức khá thấp so với cùng thời điểm năm ngoái. Chênh lệch giữa giá mua và giá bán cũng không bị đẩy lên quá cao như những năm trước đó.
Trong khi giá vàng giao ngay tại thị trường TP.HCM được công ty này giao bán ở mức thấp hơn 20.000 đồng/lượng.
Các đơn vị kinh doanh lớn khác như Bảo Tín Minh Châu, DOJI, PNJ, Phú Quý... đều ghi nhận mức giá tương tự với vàng miếng vào chiều ngày 13/2, trước thời điểm ngày vía Thần Tài năm Kỷ Hợi 2019.
Theo zing
"Phố vàng" Hà Nội nhộn nhịp ngày vía Thần Tài Ngày 14/2, (tức 10/1 âm lịch) ngày vía Thần Tài, nhiều người dân ở Hà Nội chờ xếp hàng từ lúc 6h sáng mua vàng cầu may. Có mặt tại con phố tập trung nhiều cửa hàng buôn bán, kinh doanh trang sức nhất Hà Nội là Trần Nhân Tông, dễ dàng chứng kiến cảnh dòng người đổ tới mua vàng rất đông....