Mùa vàng La Pán Tẩn
Mới đây, Big 7 Travel công bố 50 địa điểm đẹp nhất thế giới năm 2020 dựa trên bảng khảo sát trên 1,5 triệu người dùng Pinterest, Instagram; trong đó, hình ảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái, Việt Nam) xếp thứ 21.
Đồi Mâm xôi.
Lên hết đèo Khau Phạ, đi qua những cung đường đẹp, bên này là vách núi, bên kia là thung lũng với những thửa ruộng bậc thang nối tiếp nhau ẩn hiện trong mây… là đến La Pán Tẩn. La Pán Tẩn cách Mù Cang Chải 16km, nhưng là điểm dừng chân của du khách, bởi từ nơi đây có thể dễ dàng đi ngắm ruộng lúa bậc thang La Pán Tẩn và Đồi mâm xôi.
La Pán Tẩn nhỏ xíu xiu, chỉ vài chục mét là hết khu phố, cái chợ nhỏ xíu cũng đã nghỉ bán dẫu mới 4 giờ chiều, dăm hàng quán bán đồ mỹ nghệ và tạp hóa, nói chung là chẳng có quán cà-phê quán nhậu để bù khú trong khi chờ đợi lên đường ngắm lúa. Ở đây, có khoảng 50 chiếc xe thồ do chính các thanh niên người H Mông túc trực để chở khách tham quan. Họ tương đối hiền lành, không chèo kéo khách, chỉ chờ đợi khách kêu với giá quy định: Ba điểm tham quan ruộng lúa La Pán Tẩn, Đồi Mâm Xôi và Rừng trúc là 200 ngàn đồng, còn nếu đi hai điểm là 150 ngàn đồng. Chúng tôi dặn xe đi La Pán Tẩn và Đồi Mâm Xôi với cự ly đi khoảng 7 cây số cho sáng hôm sau.
Được biết, sự hút khách ở La Pán Tẩn ở độ cao 2.000 mét, chính là nơi đây có tới 700ha ruộng bậc thang và còn rực rỡ vào mùa Xuân với những ngọn đồi hoa đào rừng. Chúng tôi thấy rất nhiều cây hoa đào dọc đường đi và chắc chúng sẽ trở thành những cây hoa rất đẹp vào mùa Xuân.
Video đang HOT
Mùa lúa, La Pán Tẩn vốn đã ít chỗ ở cũng hết phòng. Chỗ chúng tôi ở là một homestay khá đẹp, chủ nhân nguyên là cán bộ nông nghiệp tại đây xây dựng. Tất nhiên có wifi và nước nóng là tốt rồi, phòng ngủ đa phần là hai giường cho bốn người hoặc phòng tập thể có thể ở một lúc 30 người. La Pán Tẩn có hai tộc người sinh sống là người Thái và H Mông, nhưng người Thái làm lúa nước dưới thung lũng, còn người H Mông thì tạo ra ruộng bậc thang.
Đặt ăn ở homestay là sự chọn lựa tốt nhất, theo lời giới thiệu của ông chủ thì chỉ 150 ngàn đồng/ người nhưng được ăn tới 7 món. Đó là một bữa ăn đặc sắc với cá nướng, măng rừng kho thịt heo rừng, măng chua, thịt gà kho sả, canh và món cào cào ram. Món cào cào với những con cào cào bé tí, bỏ vào miệng dòn rụm là món ăn lạ, ngon, khác với các món ăn côn trùng ở Campuchia.
Dù lượn ở Mù Cang Chải.
Mờ sáng, các anh xe thồ đã đợi trước khách sạn, những thanh niên H Mông không hiểu hết tiếng Việt, trao đổi với nhau bằng tiếng bản địa, cứ gật đầu khi nghe chúng tôi nói dẫu “ngôn ngữ bất đồng”. Và cuộc hành trình quả thật là một cảm giác thót tim. Con đường lượn theo núi, có khi chúi xuống thung lũng, xoay một vòng cua góc 45 độ. Chiếc xe lên dốc vào số một thì chồm lên, còn thả dốc giống như đang lao. Anh xe thồ giải thích là bây giờ con đường đã đổ xi-măng rộng hơn một mét cho nên dễ đi, còn ngày xưa thì chỉ là đường đất, còn đáng sợ hơn nữa. Cái cảm giác khi nhìn thấy Đồi Mâm xôi hiện ra, bãi giữ xe bên trên là cảm giác rất an toàn, thở phào nhẹ nhõm vì đã tới đích. Và khi đó, trước mắt là Đồi Mâm xôi và rất nhiều người đã tới trước tạo cho cảm giác cuộc hành trình thật xứng đáng.
Việc tạo dựng ra những thửa ruộng bậc thang ở La Pán Tẩn thực sự làm mê đắm lòng người, nhất là vào mùa lúa chín hoặc mùa nước đổ. Trên con đường khi dừng ở các thửa ruộng ở La Pán Tẩn, đã chộn rộn muốn dừng chân, chỉ để nhìn ngắm. Rồi theo chân những người đi trước, leo xuống lũng, đi qua những thửa ruộng tam giác mạch do người dân trồng, bán vé chụp hình 10 ngàn đồng/ người- thuê chiếc gùi có trong đó những bông hoa dại giá 10 ngàn đồng và bộ đồ thổ cẩm 30 ngàn đồng là đã có thể hóa thân thành người dân tộc H Mông để tận chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Đồi Mâm xôi và bạt ngàn ruộng lúa.
Tôi đã đi Sa Pa, đã len lỏi cùng khắp thung lũng Mường Hoa để ngắm nhìn những ruộng lúa bậc thang ở đây. Khi đó, tôi đã thực sự choáng ngợp trước vẻ đẹp của nơi ấy. Và lần này, sự choáng ngợp càng tăng lên khi chính từ bàn tay của con người với những dụng cụ thô sơ họ đã tạo ra những kiệt tác thật sự: Ruộng bậc thang. Đồi Mâm xôi huyền thoại đang óng ả bởi vào mùa lúa chín đã ở phía trước, và tất nhiên khi đã đi là đi tới tận cùng, tôi lên tận cái “mâm xôi” đó và lưu lại những hình ảnh đẹp. Bên cạnh du khách, có những người chủ của các thửa ruộng, dặn dò xin đừng đạp lúa, vì niềm vui của người này chính là cuộc mưu sinh của người kia.
Trở về trên cung đường cũ, giờ thì con đường leo dốc cho nên không có cảm giác lo sợ, tôi đi qua vòng cung của núi, và bao quanh tôi là những thửa ruộng bậc thang đã được chọn là di sản văn hóa.
Trong sóng vàng Mù Cang Chải
Cách TP Hà Nội hơn 350 km về phía bắc, Mù Cang Chải (Yên Bái) là một trong những địa điểm 'phải đi' bởi bạt ngàn sóng lúa chín vàng rực rỡ.
Kỳ vĩ cùng những hình ảnh bình dị của đồng bào địa phương tạo nên bức tranh sống động, giàu bản sắc văn hóa.
Khi đất trời "vắt nửa mình sang thu" cũng là lúc sắc vàng chảy dài khắp các sườn đồi Mù Cang Chải. Vẻ đẹp rực rỡ, óng ả của địa điểm đã lọt vào bình chọn 10 ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới thôi thúc những người đam mê chinh phục khám phá thiên nhiên, và chưa làm bất cứ ai thất vọng.
Là thị trấn nhỏ ở phía tây tỉnh Yên Bái, Mù Cang Chải có 2.200 ha ruộng bậc thang, trong đó 47% thuộc xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình. Khu ruộng bậc thang độc đáo bậc nhất này đã được công nhận là Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia năm 2019.
Khám phá, du lịch Mù Cang Chải mùa này, bạn sẽ được đắm chìm trong sắc vàng của nắng và lúa. Từ xa xa thấp thoáng những mầu váy áo thổ cẩm giữa bạt ngàn đợt sóng sắc vàng đang cuồn cuộn tỏa hương giữa đất trời bao la. Ở Hà Nội, nếu muốn du lịch theo kiểu dạng phượt, bạn có thể đi bằng xe máy theo hướng từ Sơn Tây, cầu Trung Hà, huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ, dọc bờ sông Hồng ngược đến cầu Văn Phú, Yên Bái hoặc đi theo hướng Quốc lộ 2 qua Phúc Yên, Việt Trì, Đoan Hùng, thẳng Quốc lộ 70 là đến Yên Bái. Bạn cũng có thể đi xe từ bến xe Mỹ Đình đi Mù Cang Chải...
Từ TP Yên Bái, du khách muốn trải nghiệm có thể thuê xe máy chạy lên Trạm Tấu, rồi từ Trạm Tấu đến đèo Khau Phạ gần 90 km, đường khá đẹp nên chỉ hết hơn hai giờ di chuyển là đến địa điểm tổ chức lễ hội dù lượn hằng năm với tên gọi "Bay trên mùa vàng". Tại đây, phi công và du khách sẽ có trải nghiệm ngắm nhìn toàn cảnh thung lũng Lìm Mông từ trên cao khi mùa lúa chín vàng rực. Nếu yêu thích cảm giác mạnh du khách có thể đặt tour trước để có suất nhảy dù mãn nhãn trên thung lũng Tú Lệ kiều diễm. Từ trên cao, nếu bay đúng vào thời điểm trước bình minh thì du khách có dịp tận hưởng hương thơm của lúa, đất và hoa cỏ dại hòa trộn vào không khí trong lành, thỏa mình đắm say giữa thiên nhiên ngút ngàn gió thổi.
Thung lũng Lìm Mông, Lìm Thái với những thửa ruộng chín vàng, bản làng yên bình vào mùa gặt, bên những dòng suối mát lạnh là điểm không thể bỏ qua với mỗi ai đến săn ảnh vào dịp mùa vàng, bởi nơi đây là điểm có nhiều ruộng bậc thang nhất ở Mù Cang Chải, với 700 ha ruộng bậc thang gối đầu trải rộng. Chạy xe trên những con đường dốc, du khách có cơ hội ngắm nhìn những "mâm xôi vàng", thưởng thức bức tranh tuyệt đẹp khi hoàng hôn. Có tận mắt nhìn La Pán Tẩn vào mùa lúa chín từ trên cao, người ta mới có thể mở hết tầm mắt, cảm nhận hết cái gọi "sóng vàng trên non cao".
Thời tiết Mù Cang Chải ban ngày nắng, nhưng đêm xuống lại se se lạnh. Tới Mù Cang Chải, du khách đừng quên các món ngon như xôi nếp nương, nhộng ong rừng, măng đắng xào, thịt lợn xiên nướng, cá suối nướng (pa pỉnh tộp), cá hồi, cá tầm...
Kinh nghiệm ngắm lúa chín miền Bắc Thời điểm tháng 9-10, những cánh đồng ruộng bậc thang đổ màu vàng rực, trở thành điểm đến hút du khách tới ngắm cảnh, chụp hình. Tháng 9-10 là thời điểm đẹp nhất để bạn ghé các tỉnh vùng cao miền Bắc, chiêm ngưỡng vẻ hùng vĩ mà nên thơ trong mùa lúa chín. Mù Cang Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai),...