Mùa tựu trường muộn do Covid-19 của học sinh Ấn Độ và câu chuyện bất bình đẳng
Lần đầu tiên sau gần 18 tháng phải đóng cửa vì đại dịch Covid-19, các trường phổ thông và đại học tại ít nhất 6 bang của Ấn Độ bắt đầu đón học sinh, sinh viên trở lại từ đầu tháng 9.
Tuy nhiên, bước đi này diễn ra khá thận trọng bởi chính quyền và người dân vẫn đang lo sợ làn sóng Covid-19 thứ 3 sẽ trở lại bất cứ lúc nào.
Học sinh một trường tại thủ đô New Delhi tập trung hôm 1/9 trong ngày các trường cấp 2 mở cửa trở lại. Ảnh: ANI.
Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên các trường học tại Ấn Độ đón học sinh trở lại các lớp học trực tiếp kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện tại đất nước này. Giai đoạn tháng 3 và tháng 4, một số bang đã cho phép học sinh tới trường học tập khi mà số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 xuống mức thấp nhất. Tuy nhiên, giai đoạn triển khai việc dạy học trực tiếp này rất ngắn. Ngay sau đó, từ đầu tháng 4, làn sóng lây nhiễm thứ 2 bùng phát, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho Ấn Độ. Việc dạy và học của học sinh trên khắp Ấn Độ đa phần vẫn diễn ra trên các nền tảng công nghệ trực tuyến.
Sáu địa phương bắt đầu đón học sinh tới lớp học trực tiếp từ cuối tháng 8, đầu tháng 9 gồm New Delhi, Uttar Pradesh, Rajasthan, Bihar, Karnataka, Gujarat. Việc mở cửa đón học sinh trở lại lần này diễn ra khi mà số ca nhiễm mới trong ngày tại Ấn Độ có các diễn biến ổn định trong 3 tháng qua. Số ca nhiễm mới trung bình ngày tại nước này dao động từ 30.000- 45.000. Ấn Độ có thể nói đã kiểm soát được dịch trong ngưỡng cho phép. Tốc độ tiêm chủng theo ngày duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh vẫn được duy trì ở mức cao. Tại thủ đô New Delhi, tất cả các giáo viên và nhân viên tại trường học đều phải tiêm vaccine. Lớp học chỉ nhận 50% số học sinh. Chỗ ngồi được sắp xếp so le nhau và phải được vệ sinh khử khuẩn trước đó. Tới thời điểm này, chính quyền New Delhi mới chỉ cho phép học sinh khối 9, 10, 11 và 12 được học trực tiếp từ ngày 1/9, và khối 8 từ ngày 8/9. Việc có mở rộng tới các khối lớp khác hay không còn tùy thuộc vào diễn biến tình hình dịch. Tuy nhiên, việc lựa chọn cho con trẻ tới trường hoàn toàn không bắt buộc và tùy thuộc vào cân nhắc của phụ huynh. Nhiều vị phụ huynh vẫn tỏ ra lo sợ sau những mất mát vì Covid-19 trong hơn 1 năm qua.
“Cuộc sống vẫn đang tiếp diễn”
Dù những vết thương do làn sóng Covid-19 thứ hai gây ra vẫn còn đó, dù nỗi sợ hãi về đợt bùng phát mới vẫn khiến người dân do dự cho con em mình tới trường, cuộc sống tại Ấn Độ vẫn từng bước trở lại với nhịp điệu bình thường. Bốn tháng sau khi năm học mới bắt đầu, học sinh mới có người ngày tựu trường đúng nghĩa.
So với đỉnh dịch hồi tháng 5, khi số ca nhiễm 1 ngày lập kỷ lục hơn 415.000, mức độ lây nhiễm hiện tại chỉ bằng 1/10. Nhưng con số này chưa phải là ổn định. Nó cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi về việc có nên đón học sinh tới lớp vào lúc này hay không? Không ít người còn cảnh báo, nếu thực sự làn sóng thứ 3 đang tới, trẻ em sẽ là đối tượng nhiều tác động lớn nhất. Nhưng nhiều người vẫn bảo vệ quan điểm này. Họ cho rằng nguy cơ mắc Covid-19 của trẻ em là thấp. Mở cửa trường học là cấp thiết vào lúc này, đặc biệt với những học sinh nhà nghèo, không có điều kiện tiếp cận với internet và việc học tập trực tuyến là không thể.
“Câu trả lời đơn giản ở đây là: không bao giờ là phù hợp để làm bất cứ điều gì suốt giai đoạn dịch bệnh này”, Jacob John, giáo sư về y học cộng đồng tại trường Cao đẳng Y tế Công giáo, thành phố Vellore, bang Tamil Nadu nói. “Rủi ro là có, nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn và chúng ta không thể sống mà không có trường học.”
Học sinh một trường công tại quận Prayagraj, bang Uttar Pradesh hôm 2/9 trong ngày đầu trở lại lớp học. Ảnh: ANI.
Video đang HOT
Đừng để một thế hệ bị đánh mất cơ hội học tập
18 tháng đã trôi qua kể từ ngày virus SARS-CoV-2 xuất hiện buộc hệ thống giáo dục Ấn Độ phải thay đổi, dạy và học trực tuyến vẫn là một đặc quyền tại quốc gia 1,3 tỷ dân này. Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, cứ 4 trẻ em Ấn Độ thì chỉ có 1 em là được tiếp cận với internet và các thiết bị kỹ thuật số. Ấn Độ vẫn đang nằm trong số ít các quốc gia, nơi mà các trường học phải chịu cảnh đóng cửa dài nhất thế giới. Tới cuối tháng 7/2021, khoảng 175 quốc gia đã cho phép học sinh tới trường. Nhiều nước như Pháp, Đan Mạch, Bồ Đào Nha và Hà Lan, hầu hết các trường học, kể cả trường tiểu học vẫn nhận học sinh tới lớp dù vẫn ở đỉnh dịch. Thời gian phải gián đoạn giảng dạy rất ngắn.
Các lớp học trên online, dù là biện pháp duy nhất phù hợp, lại càng làm sâu sắc hơn sự bất bình đẳng này. Và điều đó khiến cho các ý kiến ủng hộ việc đón học sinh tới trường đang lớn hơn những quan điểm phản đối.
“Trong khi những đứa trẻ được cha mẹ trang bị cho điện thoại thông minh và máy tính xách tay tiếp tục được học mà không có bất kỳ sự gián đoạn nào, những em kém may mắn hơn đã mất toàn bộ năm học đã qua”, Shaveta-Kukreja, thuộc Quỹ Central Square – một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận, nói.
Một nghiên cứu hồi tháng 1 của Đại học Azim Premji, bang Karnataka với hơn 16.000 trẻ em đã cho thấy bức tranh thất học đáng báo động. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 92% trẻ em đã đánh mất các kỹ năng ngôn ngữ cơ bản như việc vẽ 1 bức tranh hay viết các câu đơn giản. Ngoài ra, 82% trẻ em được khảo sát còn thiếu kỹ năng làm toán cơ bản mà các em từng được học 1 năm trước đó.
Còn Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học Liên Hợp Quốc (UNESCO) ước tính cứ mỗi tháng không được tới trường sẽ gây ra hậu quả là 2 tháng thất học với trẻ em. Còn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chỉ ra rằng cứ mỗi năm thất học tương đương với việc đánh mất 9,7% thu nhập khi trưởng thành.
Điều đó có nghĩa, hơn 1 năm sau khi đại dịch xuất hiện, các thành quả giáo dục xây dựng được trước đó đã bị xói mòn rất nhiều. Đó là chưa kể nhưng dư chấn về tâm lý và cảm xúc của trẻ trong môi trường không có trường học. Và nếu trẻ em không được tới trường, chúng ta có thể sẽ chứng kiến một thế hệ bị đánh mất cơ hội học tập và cả tương lai./.
Cập nhật Covid-19 ngày 4/9: Cuba tiêm chủng cho học sinh; Nga lên án chính trị hóa điều tra nguồn gốc virus; Canada có thể lên 15.000 ca/ngày
Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 220,6 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có gần 4,57 triệu trường hợp tử vong và hơn 197,1 triệu bệnh nhân bình phục.
Canadacó nguy cơ chứng kiến 15.000 ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày vào đầu tháng 10 nếu tốc độ lây nhiễm vẫn như hiện nay.
* Tại châu Mỹ
Mỹ đứng đầu khu vực và thế giới về số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19, với số ca nhiễm gần bằng 1/5 thế giới (hơn 40,7 triệu ca) và số ca tử vong tương đương gần 1/7 thế giới (hơn gần 665 nghìn ca).
Trong khi đó, Canada có nguy cơ chứng kiến 15.000 ca nhiễm mới/ngày vào đầu tháng 10 nếu tốc độ lây nhiễm vẫn như hiện nay.
Theo các số liệu thống kê, so với những người đã tiêm vaccine Covid-19, những người chưa tiêm có nguy cơ nhiễm bệnh cao gấp 12 lần và nhập viện cao gấp 36 lần nếu bị nhiễm virus.
Hiện nhiều khu vực của Canada đang đối mặt với làn sóng dịch thứ 4 do sự lây lan nhanh của biến thể Delta.
Tổng số ca nhiễm Covid-19 tại Canada đã lên tới trên 1,5 triệu, trong đó hơn 27.000 người đã tử vong.
Trong khi đó, Cuba đã khởi động chiến dịch tiêm phòng quốc gia cho trẻ em trong độ tuổi từ 2 - 18 nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em trước thềm khai giảng năm học mới vào đầu tuần tới.
Tuy nhiên, các em vẫn sẽ học trực tuyến cho đến khi tất cả trẻ đủ điều kiện được tiêm phòng vaccine. Dự kiến, việc học trực tiếp tại trường sẽ được nối lại vào tháng 10.
* Tại châu Á
Ấn Độ là nước bị ảnh hưởng nhất khu vực và đứng thứ hai thế giới. Số ca nhiễm tại nước này hiện là 32.944.691 ca, trong khi số ca tử vong đã lên tới 440.256 ca.
Tại Đông Nam Á, Indonesia có nhiều ca nhiễm nhất, hiện đã lên tới hơn 4,1 triệu ca, trong khi Philippines đứng thứ hai với hơn 2 triệu ca. Ở vị trí thứ ba khu vực là Malaysia với hơn 1,8 triệu ca nhiễm, theo sau là Thái Lan (1,2 triệu ca).
* Tại châu Âu
Nga và Anh bị ảnh hưởng nhất, hiện mỗi nước đều đã ghi nhận hơn 6,9 triệu ca nhiễm. Đây cũng là hai nước có số ca tử vong vì Covid-9 cao nhất châu lục, lần lượt là 185.611 ca và 133.000 ca.
Pháp đứng thứ ba với hơn 6,8 triệu ca nhiễm và 114.773 ca tử vong. Tây Ban Nha và Italy đã có hơn 4,5 triệu ca nhiễm trong khi con số này của Đức là hơn 3,99 triệu ca.
Các nước tiếp theo trong top 10 nước bị ảnh hưởng nhất còn có Ba Lan (2,8 triệu ca), Ukraine (2,2 triệu ca), Hà Lan và Czech đều đã hơn 1,6 triệu ca nhiễm.
Tại Anh , Ủy ban Hỗn hợp về Tiêm chủng (JCVI) khuyến nghị chỉ tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em trong độ tuổi 12-15 nếu các em có vấn đề về sức khỏe và hiện "chưa đủ bằng chứng" để thực hiện tiêm đại trà cho nhóm tuổi này.
Giáo sư Wei Shen Lim, Chủ tịch phụ trách tiêm vaccine Covid-19 của JCVI cho biết, Ủy ban này đang thực hiện "một cách tiếp cận thận trọng và sẽ tiếp tục xem xét dữ liệu về an toàn của vaccine".
Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết đã yêu cầu Giám đốc Y tế của 4 vùng xem xét việc tiêm chủng cho tất cả trẻ em 12-15 tuổi "từ góc độ rộng hơn", và sẽ sớm đưa ra quyết định dựa trên tư vấn của JCVI cũng như khuyến nghị từ các vùng.
Ngày 3/9, Liên minh châu Âu (EU) và tập đoàn dược phẩm khổng lồ của Anh AstraZeneca thông báo đã đạt được một thỏa hiệp kết thúc tranh cãi về thiếu hụt nguồn cung vaccine.
Theo thỏa thuận, AstraZeneca sẽ phân phối 300 triệu liều vaccine còn lại như đã cam kết theo các hợp đồng ký với EU trước tháng 4/2022 và kết thúc vụ kiện tụng tại tòa án ở Bỉ.
Liên quan đến việc điều tra nguồn gốc Covid-19 , tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) lần thứ 6 diễn ra vào ngày 3/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định, việc chính trị hóa nguồn gốc Covid-19 sẽ chỉ dẫn tới những kết luận không đáng tin cậy.
Theo ông Putin, các cuộc điều tra về nguồn gốc Covid-19 phải dựa trên những sự thật khách quan và mọi người cần đoàn kết trong cuộc chiến chống lại đại dịch và những hậu quả của nó.
* Tại châu Phi
Nam Phi là nước có nhiều ca nhiễm và tử vong nhất châu lục, với hơn 7,9 triệu ca nhiễm và 198.799 ca tử vong.
Đứng thứ hai là Morocco với 876.732 ca nhiễm. Tunisia đứng thứ ba về số ca nhiễm (670.027 ca) nhưng đứng thứ hai về số ca tử vong (23.710 ca).
Bộ Y tế Niger cho biết nước này đã phát hiện các trường hợp đầu tiên của biến thể Delta vào tháng 8 vừa qua, những người này đều chưa được tiêm chủng. Đây vốn là nước được xem tương đối ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Sét đánh chết hơn 50 người Ấn Độ Giới chức Ấn Độ cho biết hơn 50 người đã thiệt mạng do sét đánh ở một số bang, trong đó 11 người chết tại một pháo đài lịch sử. Các quan chức Ấn Độ hôm nay cho biết cuối tuần qua, 52 người đã thiệt mạng vì sét đánh, bao gồm 10 người ở bang Rajasthan và ít nhất 42 người ở...