Mùa trăng về ăn cá đục nướng
Chiều muộn trong khu ký túc xá, thằng bạn khoa văn của tôi vừa nhặt rau vừa ngâm nga: “Ông lão quăng chài bủa trăng vào lưới”. Nó hỏi hay không? Tôi nói ông thi sĩ ơi, rằng hay thì thật là hay nhưng nồi canh của tụi mình đang trong trạng thái “toàn quốc” đây này. Bủa một mớ cá đục thì hay hơn, bủa trăng thì… ăn cái gì?
Ảnh: Trần Cao Duyên
Nói thì nói vậy chứ câu thơ đầy lãng mạn của nó xui tôi nhớ quắt quay về làng chài đang mùa cá đục. Giờ này ở quê, trên vùng biển êm như hồ thu, trăng đã nhô lên rồi. Những chiếc xuồng thong thả, lặng lờ bơi xa bờ một quãng ngắn. Người cầm chèo dọc điều khiển cho xuồng quay ngang, một người khác tung chài. Bóng trăng lồng bóng lưới có thể làm say lòng những mặc khách tao nhân. Còn ngư dân chỉ say lòng khi chài được kéo lên với vài chục con cá đục vảy ngời ánh bạc. Tiếng cá quẫy rột rẹt trong lưới, lách chách trong giỏ nghe thật vui tai.
Video đang HOT
Trong kia, cách những thuyền chài không xa, bãi cát vàng mơ điểm vài ba đám lửa nhỏ cháy bập bùng đón đợi. Đó là những cái bếp gạch lộ thiên được nhóm lên từ mấy ngư dân trẻ ưa “sinh sự”: lai rai một chút trong cảnh trăng thanh gió mát. Họ đang chờ xuồng vào. Mấy lão ngư thường chép miệng nói gió nồm hiu hiu như vầy, con trăng giữa tháng sáng như vầy, cá đục ngon và béo tới mức… ngậm mà nghe.
Trăng lên độ một cây sào là lúc những xuồng chài cập bờ. Dưới trăng, những rổ cá đục tươi ròng, vảy ngời lấp lánh. Những bóng người chạy ùa xuống, đồng thanh “hò dô ta nào” kéo xuồng lên bãi. Vì là người cùng xóm nên chuyện mua bán cứ nhẹ nhàng như không. “Chú Tư ơi, bác Sáu à, cháu lấy mớ cá này nghen. Mai, nhà cháu gửi tiền”. Vậy là “ôm” cá đi một hơi lên bãi.
Cá chưa chạm đất, tươi ròng chất biển thì mắc mớ gì phải rửa? Cứ để nguyên thế xếp lên vỉ, cời than cho đượm, trở cá cho đều. Cô bạn ngồi nhìn những tàn lửa vu vơ, hát bâng quơ mấy khúc ca về biển đảo. Bài hát chưa xong, mùi cá chín đã dậy lên ngào ngạt. Vậy là cả nhóm lục đục trải chiếu, bày muối ớt, rau răm, có cả xị rượu gạo nút lá chuối và một cái ly nhỏ xíu.
Phải dùng tay bóc lớp thịt còn nóng hổi và nhai từng chút một mới “hiểu” hết cái vị ngọt thơm của cá đục nướng. Ta chỉ nghe “tiếng nói” trọn vẹn nhất của cá đục là ở món này. “Mang tiếng” là cá đục mà thịt trắng ngần từ đầu đến đuôi, mùi thơm dậy lên từ thớ cá làm khứu giác mặc sức mà hân hoan…
Theo ihay
Lai rai 'tắc kè biển'
Sở dĩ loại cá này có tên tắc kè biển vì phần đầu và thân nó giống như con tắc kè sống trên rừng. Cái đầu cá vuông gồ ghề, hai mắt trong suốt lồi ra như hai cái đèn pin.
Tắc kè biển nướng lửa than - Ảnh: Tấn Trực
Thêm nữa, bộ da của nó còn khoác một lớp vảy màu hồng pha những vệt đen vằn vện xù xì như chiếc áo tơi lá nên đã giống tắc kè lại càng giống hơn. Thân tắc kè biển thon tròn, không dài, trên lưng và hai bên có những chiếc vi dài, khi bơi những chiếc vi này xòe ra như đôi cánh dơi. Mỗi con tắc kè biển to nhất cũng chỉ vài ba lạng.
Tắc kè biển bán tại biển giá không cao nhưng thuộc loại hải sản hiếm, vì thế khi vào đến các quán, nhà hàng nó trở thành món đặc sản, có khi người ta "bơm" nó lên đến vài trăm ngàn đồng/kg. Riêng dùng tại nhà, tại bờ biển nó vừa tươi ngon lại rẻ vừa trông bụi bặm phong trần mới càng hấp dẫn hơn. Tuyệt nhiên những món canh chua, nấu lẩu hoàn toàn không làm cho khách hài lòng mà chỉ có món nướng mới réo rắt được tâm hồn ăn uống của bạn hữu gần xa.
Cái lạ của "anh" tắc kè biển là trước khi "hoàn hỏa" không cần đánh vảy hay sơ chế chi cả, chỉ cần rửa sạch rong cát, để nguyên cả ruột rà, vảy mang bỏ lên trên lò than. Khi lửa nóng lên, lớp da hồng hào chuyển thành màu nâu xám rồi khô dần. Người ngồi canh nướng đến khi lớp vảy khô vàng, mỡ trên lớp vảy tươm ra, chảy xuống than xèo xèo thì cá chín.
Tắc kè biển nướng nhất thiết phải có chén muối ớt giã nhuyễn, vắt thêm ít chanh tươi, ăn kèm rau răm lá é trắng với vài lát dưa leo. Cái riêng khi ăn món này là phải dùng tay chứ không đũa chén. Thịt của tắc kè biển khô, trắng tinh, kết thành từng sớ như thịt đùi gà, ăn dai, ngọt và thơm. Mỗi người cầm một con bẻ đôi rồi cứ thế gỡ từng thớ thịt trắng tinh chấm muối mà ăn. Dư vị của thịt muối chanh rau hòa quyện làm cho người ăn có cảm giác kích thích thèm ăn, ăn ngon.
Thịt ngon đã đành nhưng nếu người ăn ngại ngùng bỏ đi bộ lòng và lớp da bên ngoài là một thiếu sót lớn. Lòng có độ béo bùi nhân nhẫn, da giòn giòn thơm lừng. Hết thảy các phần từ thịt, lòng, da đã tạo nên cái ngon nhứt xứ của loại hải sản vừa dân dã vừa sang trọng ở xứ biển miền Trung này.
Theo ihay
[Chế biến] - Cá lăng nướng muối ớt Cá lăng sau khi nướng có màu vàng đều, vẫn giữ được vị ngọt và không bị khô, quyện trong mùi thơm của các loại gia vị đặc trưng. Cá lăng thuộc họ da trơn. Cá thường ăn mồi sống, tôm tép, cá con và phù du, khi ẩn mình trong hang thường nhẩn nha nhấm nháp rêu bám trên vách đá. Đó...