Mùa trái xoay rừng chín rộ, bóc vỏ ăn cơm vàng chua chua, ngọt ngọt
Khi những chiếc lá vàng lác đác rơi cũng là lúc những cây xoay rừng xòe tán rộng, vươn mình thẳng đứng khoe từng chùm trái chín màu nâu nhung oằn cành chi chít, chen lẫn trong tán lá đung đưa giữa trời xanh. Một mùa xoay chín lại về!
Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, trong một đợt công tác dài ngày về xã Sơn Lang ( huyện Kbang, Gia Lai), tôi đã gặp những cây xoay trái rụng chật gốc. Những ngày rỗi, tôi thường theo chân anh Đinh Mah (khi ấy là Xã đội phó Sơn Lang) ra rừng hái xoay. Anh chia sẻ kinh nghiệm: Khi đi rừng mà gặp được cây mình muốn sở hữu, chỉ cần vạt một lớp vỏ sao cho lớp vỏ này vẫn còn dính vào thân cây và gác lên đó chiếc que ngang, như vậy cái cây đã là… của mình.
Một cây xoay còn sót lại trong rừng Kbang. Ảnh: An Sinh.
Muốn thu hoạch xoay, việc đầu tiên là đi thăm cây, xem trái chín đã bắt đầu rơi chưa, sau đó dọn sạch cây cỏ xung quanh gốc, diện tích phát dọn rộng theo vòng tròn tán lá. Tiếp đến là dùng lá kè non phơi khô, xếp đều xòe ra như cánh quạt dưới tán cây để hứng trái rụng. Qua một vài đêm, chỉ cần đến nhặt trái và đi thăm tiếp những cây khác.
Có những cây xoay nằm ở đoạn dốc nghiêng không thể lót lá thì phải trèo lên cây để hái. Vì đặc tính cây thẳng, cao nên phải làm thang bằng tre già, nhỏ cỡ cổ chân, chừa cành ngắn làm bậc thang, dùng đinh đóng dính vào thân, trèo lên đến đâu đóng thang tới đó.
Sau khi đã yên vị trên nhánh cây, người hái dùng que có cột lưỡi liềm móc, cắt từng nhánh nhỏ để hái. Nhưng cách hái này sẽ khiến cây mất sức nên năm sau có khi không cho trái. Với những cây khó leo trực tiếp, người ta thường chọn cách leo lên những cây xung quanh rồi tìm cách tiếp cận để hái.
Xoay thu hoạch xong thường được người dân bán cho thương lái hoặc mậu dịch ở xã để đổi lấy các nhu yếu phẩm như muối, bột ngọt, đường, gạo… để nuôi sống gia đình trong những ngày giáp hạt. Đó là món quà mà thiên nhiên ban tặng họ hàng năm.
Video đang HOT
Vào mùa xoay (từ giữa tháng 7 đến tháng 9 Âm lịch), từng nhóm thương lái từ An Khê đổ xô vào Kbang rồi tỏa ra các ngả đường đi về xã Sơn Lang, Kroong để đón mua những gùi xoay của đồng bào dân tộc thiểu số đem bán. Cứ vài ba ngày là gom lại được cả xe tải.
Cây xoay là loại thân gỗ cứng, mọc rải rác trong rừng, có cây to vài người ôm, khi trưởng thành thân cao vút thẳng đứng chừng 20-30 m, tán xòe rộng như một chiếc dù. Vào thu, chen trong lá là những chùm trái có hình bầu dục. Bên ngoài lớp vỏ trái xoay có màu nâu thẫm, hạt màu nâu đen rất cứng.
Khi ăn trái xoay chỉ cần dùng tay ấn nhẹ bóc lớp vỏ giòn bên ngoài để lộ ra lớp cơm bên trong. Cơm thường có màu vàng sậm, xốp và mềm. Khi ăn cảm giác đầu tiên là trái có vị chua chua, nhưng để lâu một chút ta sẽ thấy vị chua tan biến, còn đọng lại vị ngọt thanh rất riêng biệt, mang hương thơm đặc trưng của rừng núi Tây Nguyên.
Trái xoay có tên khoa học là Velvet tamarind, có nơi gọi là trái nhung vì bên ngoài lớp vỏ trái xoay có một lớp lông tơ mịn như nhung.
Xoay là quả ăn chơi, khi ngào đường đóng gói sẽ để dành ăn được lâu. Theo khoa học, trái xoay chứa lượng protein rất thấp, chất xơ dạng thô cao vừa phải nên có thể giúp giảm nồng độ cholesterol trong máu rất tốt. Loại quả này đến giờ vẫn là món được nhiều người ưa chuộng, song hiện nay việc khai thác ồ ạt đã khiến xoay rừng ngày càng cạn kiệt. Thay vì vừa thu hoạch vừa gìn giữ như người dân Bahnar trước kia, người ta sẵn sàng đốn hạ cả cây, tranh giành nhau để hái.
Nay về lại với Kbang, những cây xoay dọc đường đi công tác năm xưa đã không còn nữa. Và, những người dân một thời lấy quả xoay làm nguồn sống đã không còn nô nức, hăm hở sáng sáng đeo gùi luồn rừng nhặt quả xoay, để nghe tiếng chim hót và chờ đón những âm thanh rào rạt quen thuộc của những quả xoay rơi cái thời rừng còn là nguyên sinh. Nay tất cả chỉ còn là hoài niệm…
Theo An Sinh (Báo Gia Lai)
Phát hiện 14 cây cổ thụ bị "xẻ thịt" gần trạm kiểm soát cửa rừng
Qua kiểm tra, kiểm lâm phát hiện 14 gốc bị chặt, khối lượng gỗ hơn 26m3 tại 3 vị trí đều nằm trên địa giới hành chính xã Lơ Ku, thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lơ Ku.
Một cây gỗ bị đốn còn rất mới
Liên quan đến vụ gỗ khủng ở xã Lơ Ku (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) bị "xẻ thịt" mà báo SGGP đã phản ánh, đại diện Chi cục Kiểm lâm Gia Lai đã có buổi làm việc để cung cấp thông tin kiểm tra ban đầu.
Theo đó, qua kiểm tra phát hiện có 3 vị trí có cây gỗ bị cưa hạ đều nằm trên địa giới hành chính xã Lơ Ku, thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lơ Ku (gọi tắt là Công ty lâm nghiệp Kơ Ku).
Gỗ bị đốn hạ
Cụ thể, tại vị trí thứ nhất, phát hiện 7 gốc chủng loại bằng lăng, kháo (từ nhóm III đến nhóm VI) bị cưa hạ trái phép bằng cưa xăng, khối lượng gỗ là hơn 8,89m3, xác định thời gian cưa hạ từ cuối năm 2017.
Tại vị trí thứ 2 phát hiện 6 gốc chặt chủng loại bằng lăng, lim, trâm đỏ, sp5 (nhóm III đến nhóm V), khối lượng gỗ 9,1m3, xác định thời gian chặt vào tháng 5.
Ở vị trí thứ 3 phát hiện một gốc chặt chủng loại sp5 (nhóm V) , khối lượng gỗ 8,3m3 , xác định thời gian chặt hạ từ đầu năm 2017.
Trả lời về việc vụ việc có đủ cơ sở khởi tố về hành vi khai thác rừng trái phép hay không, đại diện Chi cục Kiểm lâm cho biết, theo quy định mới, nếu khai thác gỗ trái phép phải đủ từ 10m3 gỗ trở lên ngoài ra còn phải xác định vị trí khai thác cùng một chỗ, cùng một thời điểm và do một hay một nhóm người cùng thực hiện.
Tuy nhiên, 3 vụ khai thác trên diễn ra ở 2 tiểu khu là 141 và 143, lại ở nhiều thời điểm khác nhau. Thêm vào đó, một số vụ trước khi báo chí phản ánh thì hạt kiểm lâm đã đi kiểm tra, phát hiện và lập biên bản xử lý hành chính, một số vụ thì sau khi báo chí phản ánh mới phát hiện. Vì thế không đủ cơ sở để khởi tố hành vi khai thác rừng trái phép.
Cũng theo đại diện Chi cục Kiểm lâm, cả 3 vụ phá rừng nói trên vẫn chưa tìm ra đối tượng khai thác. Hiện Hạt Kiểm lâm huyện Kbang và chủ rừng vẫn đang tiếp tục điều tra, truy tìm đối tượng.
Như báo SGGP Online phản ánh, cách Trạm kiểm soát cửa rừng Lơ Ku (xã Lơ Ku) khoảng 1km theo hướng từ UBND xã Lơ Ku ra trung tâm huyện, rẽ trái đâm xuyên qua khu vực rừng keo lai khoảng 3km thì đến cửa rừng tự nhiên. Đi sâu vào các đường xương cá thì thấy la liệt hàng chục cây gỗ khủng bị đốn hạ. Có cây bị đốn hạ lá còn xanh um. Gỗ khai thác xong thì dùng trâu kéo về bãi tập kết trước khi bốc lên xe tẩu tán. Đây là lâm phần thuộc quản lý của Công ty lâm nghiệp Lơ Ku.
Cũng tại Công ty lâm nghiệp Lơ Ku, Báo SGGP cũng có loạt bài phản ánh việc những sai phạm trong việc trồng rừng tại đây. Chi cục kiểm lâm tỉnh đã kiểm tra và xác định có diện tích Công ty lâm nghiệp Lơ Ku thuê Công ty TNHH MTV Ngân Sơn trồng rừng nhưng khi trồng đã chặt cây rừng trên diện tích trồng rừng. Vụ việc đã được UBND huyện chỉ đạo điều tra, củng cố hồ sơ, xử lý nghiêm đối với diện tích vi phạm bị chặt hạ trái phép để trồng rừng.
HỮU PHÚC
Theo sggp
Sau va chạm với xe khách, 3 thanh niên đuổi chém tài xế Chuyến xe khách đi từ thị trấn Kbang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) về TPHCM, khi đến thị xã An Khê thì xảy ra va chạm với 3 thanh niên đi xe máy. Ngay sau đó, 3 thanh niên này lấy rựa mang theo sẵn xông lên xe chém tài xế khiến hàng chục hành khách hoảng loạn. Vào lúc 15h ngày 23/2,...