Mưa sao băng kép hiếm gặp đạt đỉnh 3 ngày đầu tuần
Trái Đất vừa “cắt đuôi” cùng lúc hai sao chổi, dẫn đến 2 trận mưa sao băng chồng chéo lên nhau, lần lượt đạt cực đại trong vài ngày tới.
Theo Live Science, những người yêu thích thiên văn sắp được chứng kiến trận mưa sao băng “kép” khi cả Southern Delta Aquariids và Alpha Capricornids đều đạt cực đại vào tuần tới.
Một trận mưa sao băng – Ảnh: NASA
Mưa sao băng Southern Delta Aquariids như tuôn ra từ chòm sao Bảo Bình (Aquarius), đã rơi nhẹ từ giữa tháng 7 và chỉ chấm dứt vào giữa tháng 8.
Tuy vậy, nó sẽ đẹp nhất trong thời điểm cực đại rơi vào ngày 29 hoặc 30-7 năm nay, tùy theo múi giờ của đất nước bạn.
Trong khi đó, mưa sao băng Alpha Capricornids đã bắt đầu rơi nhẹ từ đầu tháng 7 và tiếp tục cho đến ngày 15-8, nhưng sẽ đạt đỉnh vào ngày 30 hoặc 31-7.
Trận mưa sao băng này phát ra ở điểm khá gần tâm điểm của Southern Delta Aquariids, ở vị trí cạnh chòm sao Ma Kết (Capricorn).
Video đang HOT
Vị trí phát ra 2 trận mưa sao băng dược đánh dấu bằng màu xanh lá cây – Ảnh: THE WEATHER NETWORK
Southern Delta Aquariids và Alpha Capricornids lần lượt được tạo ra khi Trái Đất bay cắt qua chiếc đuôi đầy đá bụi của hai sao chổi 96P/Machholz và169P/NEAT.
Nhà thiên văn Nicholas Moskovitz từ Đài quan sát Lowell ở Arizona – Mỹ nói với Live Science rằng sự kiện kép này là một sự trùng hợp đáng kinh ngạc khi quỹ đạo các vật thể vô tình cắt qua nhau vào đúng vị trí, đúng thời điểm.
Mỗi trận mưa sao băng sẽ chỉ thắp lên trên bầu trời Trái Đất vài chục ngôi sao băng mỗi giờ trong đêm cực đại, tuy nhiên vì xuất hiện cùng nhau nên chúng ta vẫn sẽ thấy một màn trình diễn ngoạn mục.
Nếu bạn bỏ lỡ những đêm ngoạn mục nhất, việc quan sát trước hoặc sau đó đôi ngày vẫn đủ để thưởng ngoạn khá nhiều ngôi sao băng.
Vị trí quan sát thuận lợi nhất dành cho hai trận mưa sao băng này là Nam bán cầu. Tuy nhiên một số quốc gia Bắc bán cầu vẫn trông thấy dễ dàng nếu có tầm nhìn tốt về chân trời phía Nam.
Núi lửa nuốt nhau: Cận cảnh nơi khủng khiếp nhất hệ Mặt Trời
Kính thiên văn Large Binocular trên núi Graham ở Arizona (Mỹ) đã giúp nhân loại có cái nhìn rõ ràng nhất về "mặt trăng núi lửa" Io.
Dù mang tên nữ thần Io xinh đẹp trong thần thoại Hy Lạp, mặt trăng Io của Sao Mộc lại là "hỏa ngục" khủng khiếp nhất trong hệ Mặt Trời với hàng trăm ngọn núi lửa liên tục phun trào.
Những hình ảnh mới từ Large Binocular cho thấy thế giới này thậm chí còn đáng sợ hơn tưởng tượng, khi ghi lại cận cảnh một sự kiện tái tạo bề mặt lớn xung quanh Pele, một trong những ngọn núi lửa nổi bật nhất của mặt trăng.
"Mặt trăng núi lửa" Io của Sao Mộc - Ảnh: LARGE BINOCULAR TELESCOPE OBSERVATORY
Theo Sci-News, Io lớn hơn một chút so với Mặt Trăng - vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất.
Nó là vệ tinh trong cùng trong nhóm "mặt trăng Galilean" của Sao Mộc - ngoài Io còn có Europa, Ganymede và Callisto - do nhà bác học Galileo Galilei phát hiện đầu thế kỷ XVII
Mặt trăng này bị quá nhiều tương tác hấp dẫn giằng co: Từ Sao Mộc, Europa cho đến mặt trăng Ganymede lớn hơn cả Sao Thủy.
Vì vậy, Io liên tục bị nén dẫn đến sự tích tụ nhiệt do ma sát bên trong nó, được cho là nguyên nhân khiến núi lửa hoạt động liên tục và lan rộng.
Những hình ảnh mà thiết bị SHARK-VIS từ Large Binocular chụp được cho thấy sự kiện tái tạo bề mặt lớn trong đó lớp trầm tích xung quanh núi lửa Pele đang bị bao phủ bởi các trầm tích phun trào từ Pillan Patera, một ngọn núi lửa lân cận.
Trong đó, 2 siêu núi lửa trông như cố nuốt chửng lấy nhau khi trầm tích dung nham sẫm màu và các lớp trầm tích sulfur dioxide màu trắng của Pillan Patera bao phủ một phần lớp trầm tích màu đỏ, giàu lưu huỳnh của Pele.
GS Imke de Pater từ Đại học California ở Berkeley (Mỹ) cho biết sự kiện gây ra ánh sáng khả kiến đáng kinh ngạc.
Không chỉ Pillan Patera đang cố bao bọc lấy Pele bằng dung nham, mà Pele cũng phun trào liên tục, phóng ra những luồng khí núi lửa cao tới 300 km.
Chỉ cần Pillan Patera tạm ngừng phun trào, trầm tích từ nó sẽ nhanh chóng bị trầm tích đỏ của Pele bao trùm ngược lại.
Bằng cách theo dõi các vụ phun trào trên bề mặt Io, các nhà khoa học hành tinh hy vọng sẽ hiểu rõ hơn về chuyển động do nhiệt của vật chất bên dưới bề mặt mặt trăng, cấu trúc bên trong của nó và cuối cùng là cơ chế làm nóng thủy triều gây ra hoạt động núi lửa dữ dội.
Theo TS Al Conrad từ Đài quan sát Kính viễn vọng Large Binocular, điều này có thể giúp hiểu thêm về những hoạt động núi lửa mạnh mẽ đã giúp hình thành bề mặt của Trái Đất và Mặt Trăng thuở sơ khai. Bởi lẽ, cả địa cầu và vệ tinh của nó từng khởi đầu như những quả cầu lửa, hoạt động núi lửa liên tục, trước khi dần nguội đi.
"Hành tinh kim cương" lộ diện ngay trong hệ Mặt Trời Tín hiệu cực sốc về một lớp kim cương dày tới 15 km đã được các nhà khoa học xác định từ một hành tinh rất gần Trái Đất. Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications cho thấy một lớp kim cương dày tới 15 km ẩn trong Sao Thủy có thể giúp giải quyết những bí ẩn...