Mùa nước nổi về miền Tây thưởng thức cá heo kho tộ
Loài cá da trơn ở Đồng bằng sông Cửu Long này có tên gọi như thế vì khi lặn dưới nước, hoặc bắt cá đem lên bờ, ta nghe âm thanh “ùng ục… eng éc” tương tự như tiếng heo kêu.
Cá heo nước ngọt thường xuất hiện vào mùa nước nổi (tháng 7-10 âm lịch) nơi có dòng nước chảy mạnh. Cá heo mình dẹp, to nhất cỡ 3 ngón tay người lớn, dài độ chừng một tấc, da láng, màu xanh nhạt không vảy. Đuôi, vây, kỳ cá heo màu đỏ cam rất đẹp. Khi vào mùa, người dân nơi đây thường dùng các phương tiện như: đặt dớn, đặt lợp, giăng lưới để đánh bắt. Thịt cá heo béo, thơm ngon (nhất là da) được các bà nội trợ nơi đây rất ưa chuộng nên có giá trị kinh tế cao.
Do sự khai thác bừa bãi, nguồn cá trong thiên nhiên ít, nên cung không đủ cầu. Gần đây, Đại học Cần Thơ kết hợp với Trung tâm Giống Thủy sản tỉnh An Giang đã thành công trong việc cho cá heo nước ngọt sinh sản nhân tạo và bán con giống cho ngư dân nuôi trong bè.
Cá heo được chế biến nhiều món ăn ngon như: cá heo kho sả ớt, cá heo nướng muối ớt, cá heo nấu lẩu cơm mẻ, cá heo kho mẳn (kho ngót) với lá me non.v..v… nhưng món ăn gây ấn tượng nhất là: Cá heo kho tộ .
Trước tiên lựa cá còn tươi, cắt đầu, đuôi, vây, móc sạch ruột. Cho cá vào thau với một ít giấm chua (hoặc nước cốt chanh tươi), và dùng tay chà nhẹ cho cá hết nhớt và bớt tanh. Rửa với nước lạnh vài lần cho sạch, để ráo.
Video đang HOT
Cho cá vào tộ, ướp gia vị (nước màu dừa, đường, nước mắm, tiêu giã giập, ớt xắt lát…) vừa khẩu vị, để cá có mùi thơm và màu sắc hấp dẫn. Sau cùng, bắc tộ lên bếp với ngọn lửa liu riu cho đến khi nước rút vào cá sền sệt, thịt cá mềm, nhắc xuống.
Muốn cho nước cá kho có độ sánh hấp dẫn (nước cá kho sệt, dùng đũa quẹt lên có chỉ), ta nên thêm một muỗng nước cơm vào nữa .Và sau rốt, cho tóp mỡ (hoặc dầu ăn), rắc một ít tiêu xay vào, múc ra đĩa là xong.
Bữa ăn đã sẵn sàng. Cơm nóng bới ra chén. Chỉ cần gắp một con cá heo cho vào miệng nhai từ từ để cảm nhận vị béo của da, ngọt, thơm ngon của thịt cá thấm dần và lan tỏa mọi giác quan…Thêm một miếng cơm nóng gạo mới dẻo thơm vào nữa, thật tuyệt vời.
Bài và ảnh Hữu Tưởng
Theo VNE
Cá chốt món ngon đặc sản vùng sơn cước trước nguy cơ tận diệt
Cá chốt thuộc họ cá da trơn, thịt có màu vàng óng hoặc trắng, chỉ sống ở những khe đá tại khu vực nước chảy xiết, mực nước sâu từ 7 đến 7,5 m quanh lưu vực sông Ba và sông Ayun thuộc vùng đất phía Nam tỉnh Gia Lai.
Do đặc tính thích bơi ngược dòng nên thịt cá chốt vừa chắc, vừa dai lại thơm. Đặc biệt là phần da rất dai, vị béo ngậy.
Nhiều người cho rằng đây là loài cá chình sống ở các sông suối dọc miền Trung, nhưng cũng có người lại bảo là cá tra, cá basa của vùng Tây Nguyên vì hình dáng khá giống. Đầu cũng bè, bẹt có râu loe hoe da trơn và đặc biệt là phần bụng cũng có mỡ vàng ươm. Chỉ có điều cá chốt nhỏ hơn, con lớn nhất cũng chỉ nặng tối đa một kg.
Cá chốt vừa được đánh bắt trên sông Ba. Ảnh: Tùy Phong.
Thưởng thức món cá chốt ngon nhất là vào khoảng tháng 8, tháng 9 âm lịch. Lúc này Tây Nguyên vào mùa lũ, nước chảy xiết nên cá chốt thường bơi ngược dòng. Món canh chua cá chốt rất ngọt, người dân cho rằng không loài cá nào sánh kịp. Để ăn với cơm, người ta thường kho tộ với mắm, tiêu (tiêu hạt xanh càng tốt), ớt, hành... Món này ăn với loại gạo dẻo của đồng bào J'rai bản địa thì chẳng còn chỗ nào để chê, nhất là trong những ngày giá rét.
Thế nhưng ngon nhất phải kể đến món cá chốt nướng. Chế biến món này người ta làm sạch vây, râu, ruột... rồi bỏ lên bếp than nướng. Bếp than phải thật đỏ nhưng không được quá đượm để khỏi cháy nhanh làn da cá, phải để cá chín từ từ mới ngon. Ăn kèm với cá chốt nướng là các loại rau sống, rau gia vị, bánh tráng và đặc biệt phải có muối é (một loại muối gồm ớt hiểm còn xanh, lá é, muối hạt sống được giã chung) hoặc muối kiến cỏ (ớt hiểm xanh, muối hạt sống, con kiến vàng, hạt một loại cỏ thơm do người đồng bào tìm ra), còn không thì cần muối kiến.
Vị cay ngọt, thơm của muối, cộng với thịt cá nướng béo ngậy bên cạnh ly rượu nồng khiến nhiều thực khách cho rằng mình đang được thưởng thức món ăn "tiến vua" khi xưa.
Cá chốt nướng, đặc sản vùng sơn cước. Ảnh: Tùy Phong.
Ông Lê Đình Trọng chủ một quán ăn ở Gia Lai nhớ lại, khoảng gần 10 năm trước, trung bình mỗi ngày ông tiêu thụ vài chục kg cá chốt là chuyện bình thường, giá bán ra chưa đến 100.000 đồng một kg. Bây giờ giá đã lên đến gần 200.000 đồng một kg nhưng không có đủ để đáp ứng nhu cầu vì cá ngày một hiếm. Hiện tại, khó tìm được cá chốt có trọng lượng đến 1 kg mà chủ yếu từ 1,5-7 gr, thậm chí nhỏ hơn.
Để bắt được cá chốt, trước đây người ta chỉ thả câu, thả lưới, còn bây giờ dùng bình điện lạnh, xung điện gây hủy diệt trường. Mùa sinh sản vào khoảng tháng 11-12 âm lịch, cá chốt nổi lên mặt nước để tìm chỗ đẻ trứng. Lúc này, quanh lưu vực sông Ba, người đánh bắt cá chốt nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm, có người đánh được cả yến cá chỉ trong vài tiếng đồng hồ.
Vợ chồng anh Cư, chị Hương (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, Gia Lai) chuyên thu mua cá chốt cho biết: Trước đây mỗi ngày anh thu mua được khoảng trên 20 kg cá nhưng hiện tại một ngày chỉ mua được chừng 3 kg và có ngày chẳng có con nào.
Anh Cư cho biết thêm, chỉ có cá chốt do người đồng bào thả câu mới còn sống và bảo quản được lâu, bán giá cao. Còn hầu hết cá dính xung điện đều chết rất nhanh và rất khó bảo quản, phải bán ngay trong ngày.
Những năm trở lại đây, nhiều công trình chặn dòng để làm thủy điện lớn nhỏ phía thượng nguồn sông Ba cũng làm cho loài cá này biến mất dần vì bị thay đổi môi trường sống tự nhiên.
Theo vietbao
Cá chốt - đặc sản vùng sơn cước trước nguy cơ tận diệt Cá chốt thuộc họ cá da trơn, thịt có màu vàng óng hoặc trắng, chỉ sống ở những khe đá tại khu vực nước chảy xiết, mực nước sâu từ 7 đến 7,5 m quanh lưu vực sông Ba và sông Ayun thuộc vùng đất phía Nam tỉnh Gia Lai. Do đặc tính thích bơi ngược dòng nên thịt cá chốt vừa chắc,...