Mùa nước nổi người dân Đồng Tháp nhử cá đồng bằng cách nào?
Người nông dân “vùng rốn lũ” Đồng Tháp tận dùng lợi thế mùa nước nổi để thực hiện mô hình sinh kế dẫn dụ và nuôi trữ cá đồng.
Ở miền Tây, hằng năm, mùa nước nổi kéo dài khoảng 3 tháng, từ tháng 8 đến tháng 11. Vào thời gian này, ruộng đồng được bồi lắng phù sa, kèm theo đó là con nước đổ còn mang lại nguồn lợi thủy sản đáng kể.
Cá linh non bày bán tại chợ Cả Sách, ấp Bình Hòa Thượng, xã Thường Thới Hậu A, tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, nguồn lợi thủy sản mùa nước nổi ngày càng vơi dần. Để cải thiện nguồn thu nhập, một số nông dân “vùng rốn lũ” Đồng Tháp đã tận dùng lợi thế mùa nước nổi để thực hiện mô hình sinh kế dẫn dụ và nuôi trữ cá đồng.
Khan hiếm dần nguồn cá tự nhiên
Nằm giữa vùng Đồng Tháp Mười, chợ đầu mối Trường Xuân thuộc xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp nổi tiếng là vựa cá đồng nổi tiếng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trước đây, mỗi khi con nước tràn đồng, chợ Trường Xuân mỗi ngày thu gom hàng tấn cá tôm phân phối đi khắp các chợ lẻ. Thế nhưng năm nay, vựa cá nơi đây trở nên đìu hiu vì lượng nguồn đặc sản cá đồng đã giảm đi rất nhiều.
Ngồi bên thau cua vừa mua được từ những người dân đi đặt lọp ở Tam Nông về, chị Nguyễn Thị Kim Nga – tiểu thương mặt hàng cua hơn 10 năm tại chợ Trường Xuân cho biết, mùa lũ năm nay, trung bình mỗi ngày chỉ mua được khoảng 5 – 7 kg cua để giao lại cho các thương lái, giảm gần 50% so với năm 2018.
Mặc dù số lượng ít nhưng giá cua vẫn giữ mức ổn định khoảng 25.000 đồng/kg. Giá càng cua loại 1 dao động từ 150 – 200 ngàn đồng/kg.
Không chỉ sản lượng cua đồng giảm, các loại cá đồng như cá lóc, cá rô, cá linh, lươn, ếch…, cũng trở nên khan hiếm. Anh Nguyễn Hữu Tài – thương lái cá ở chợ Vĩnh Long cho hay, anh là “bạn hàng cá” với các vựa cá ở đây đã rất nhiều năm, nhưng chưa có năm nào cá ít như năm nay.
Là một trong tiểu thương có thâm niên hơn 13 năm thu mua cá đồng tại chợ Trường Xuân, chị Đặng Kim Vàng – chủ vựa cá Kim Vàng cho biết, chợ hoạt động quanh năm, nhưng thời điểm đông đúc nhất là khi mùa nước nổi, tấp nập người mua kẻ bán từ 3 – 7 giờ sáng rồi thưa dần, sau đó đến khoảng 14 giờ lại họp chợ đến 18 giờ.
Video đang HOT
Theo chị Vàng, thời vàng son của khu chợ này là khoảng 10 năm trở về trước, với khoảng 15 – 20 vựa cá vào mùa cao điểm, thu mua từ 7 – 10 tấn cá, tôm vận chuyển đến TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền tây lân cận. Nhưng hiện tại, chợ chỉ còn khoảng 10 vựa thu mua.
Nguyên nhân là do sản lượng cá đồng giảm, đơn cử như năm nay, lượng cá giảm từ 30 – 40% so với năm trước. Riêng tại vựa Kim Vàng, thời điểm lũ chính vụ, trung bình mỗi ngày cũng chỉ thu mua được chừng vài ký đến khoảng 100 kg cá các loại để phân phối cho lái tại các chợ.
Do lượng cá tự nhiên ít nên dạo quanh cả khu chợ cá đồng Trường Xuân lúc 17 giờ (giờ cao điểm họp chợ), chỉ có vài chiếc xuồng đục khoang mang cá đến cân. Theo đó, giá cá cũng tăng khoảng 20 – 30% so với các năm trước. Cụ thể, hiện giá cá lóc đồng loại 1 từ 120.000 – 150.000 đồng/kg, loại 2 từ 80.000 – 100.000 đồng/kg, cá rô 60.000 – 80.000 đồng/kg, cá linh 40.000 – 45.000 đồng, lươn 160 – 200.000 đồng/kg.
Nuôi trữ cá trên đồng
Trước việc nguồn lợi thủy sản mùa lũ đang kiệt quệ dần, tận dụng nguồn nước ngập đồng, một số nông dân ở Đồng Tháp đã triển khai các mô hình sinh kế nuôi trữ cá đồng để khai thác sau khi lũ rút, từ đó tạo nguồn thu nhập, nâng cao sinh kế cho người dân vùng lũ.
Gia đình chị Hồng Thị Hường, xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, thu hoạch được hơn 90 kg cá mồi và hơn 6 kg cá linh non.
Sinh sống tại ấp Bình Chánh, xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, bà Lê Thị Huệ cho biết, sống ở vùng ngập nước, nhưng thay vì dùng các dụng cụ để đánh bắt nguồn lợi thủy sản ngay từ đầu mùa lũ, bà đã dùng lưới để rào xung quanh mặt ruộng khoảng 3 ha và bố trí hom để cá bơi vào nhưng không ra được.
Đồng thời, người dân sử dụng cám, thức ăn thủy sản để dẫn dụ cá vào lưới. Xem nguồn cá tự nhiên như là cá giống nhưng không tốn tiền, chỉ cần cho ăn hằng ngày đến khi nước rút đến mặt đê thì thu hoạch.
Bà Huệ chia sẻ, bà thực hiện cách làm này đã hơn 10 năm qua, chỉ riêng trong mùa lũ năm 2018, bà đã giữ được trên 3 tấn cá đồng các loại như cá mè dinh, cá chày, cá chốt, cá lăng, cá leo… Sau khi thu hoạch, trừ đi các khoảng chi phí, bà còn lãi gần 30 triệu đồng. Năm nay, lũ về muộn, thấp hơn trung bình nhiều năm và lại rút nhanh sẽ ảnh hưởng đến sản lượng cá, song vẫn mang lại nguồn thu cho nông dân sau những tháng nông nhàn.
Theo Chương Đài (Báo Tin tức)
An Giang: Hết tháng 8 rồi lũ về ít quá, cá đồng giá cao chưa từng thấy
Đã cuối tháng 8 dương lịch nhưng nước từ thượng nguồn đổ về hạ lưu rất ít, lượng tôm, cá cũng ít dần, từ đó không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Hiện, các mặt hàng cá đồng như: cá lóc, cá rô, cá trê trắng, tôm sông ở tỉnh An Giang đã "lên ngôi", vì được nhiều người tìm mua với giá cao.
Mực nước thấp
Những ngày gần đây, ở các chợ từ biên giới đến nội địa, mặt hàng cá đồng (hay còn gọi là cá thiên nhiên) như: cá lóc, cá rô, cá trê trắng, cá chốt, cá trèn bầu, cá leo, cá kết... trở nên khan hiếm, từ đó giá tăng kỷ lục so với những năm trước đây.
Cụ thể, cá lóc đồng loại 300 - 500gr, có thời điểm người tiêu dùng phải bỏ ra 180.000 đồng mới mua được 1kg cá lóc. Riêng mặt hàng cá leo sông (loại 7 - 10 kg) có giá từ 230.000 - 250.000 đồng/kg.
Không chỉ vậy, các loại cá khác như: cá hột mít, cá rô biển, cá chốt, cá sặc điệp cũng có giá từ 130.000 đồng/kg trở lên.
Bình quân mỗi ngày, anh Nguyễn Văn Cường (xã Nhơn Hưng, Tịnh Biên) bắt được 10kg cá lóc đồng, thu nhập từ 1,2 triệu đồng/ngày.
"Cá đồng giá cao nhưng tìm mua mặt hàng đúng là cá lóc đồng không dễ. Để có cá ngon, tôi thường phải đặt trước người bán cá ngoài chợ. Khi có cá ngon, người ấy gọi điện cho hay, ra cân mang về chứ không phải muốn mua, chạy ra là có..." - chị Trần Thị Kiều (phường Long Thạnh, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) chia sẻ.
Cá đồng khan hiếm, "lên ngôi", một mặt do nhu cầu tìm ăn các loại cá thiên nhiên ngày càng tăng cao, mặt khác năm 2019 lũ trên sông Tiền, sông Hậu ở mức thấp so cùng kỳ nhiều năm nên cá đồng rất ít và trở nên khan hiếm.
Theo kết quả quan trắc của các cơ quan chuyên môn, mực nước lũ ở ĐBSCL năm nay đang ở mức thấp so với trung bình nhiều năm (TBNN) và thấp hơn nhiều so với các năm gần đây. Lưu vực hạ lưu sông Mekong ít mưa, thủy triều ở mức trung bình.
Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, những tháng vừa qua như tháng 6, tháng 7-2019, tổng lượng dòng chảy trên các trạm thượng nguồn sông Mekong ở mức thấp hơn so với TBNN từ 10 - 20%. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long ở mức xấp xỉ và thấp hơn TBNN từ 0,1 - 0,2m.
Vì vậy mùa lũ 2019, vùng đầu nguồn ít có khả năng xuất hiện lũ sớm, từ đó cá sẽ không có nhiều như những năm trước.
"Lũ không có, ngoài việc cá đồng khan hiếm, còn ảnh hưởng đến sinh kế của hàng chục ngàn hộ dân chuyên sống với nghề chài lưới. Một tháng trở lại đây, lũ không có, số hộ dân đã chuẩn bị sẵn phương tiện đánh bắt cá trở nên thất nghiệp. Một số hộ vẫn đang tiếp tục chờ lũ về, số còn lại đành gác lại việc câu lưới, lên đường đi Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh làm thuê kiếm sống. Riêng những hộ chuyên trồng rẫy trong lũ (để bán giá cao) cũng thất vọng, vì lũ thấp, các mặt hàng đồ rẫy sẽ không có giá" - ông Lê Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lộc (TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) thông tin.
Nhu cầu tăng
Trước nhu cầu tăng cao trong tiêu thụ cá thiên nhiên của người tiêu dùng trong tỉnh An Giang, cư dân dọc biên giới Việt Nam - Campuchia tại các địa phương như: Tân Châu, An Phú, Châu Đốc, Tịnh Biên đã nghĩ ra nhiều hình thức khai thác cá đồng để mang ra chợ bán cho những người có nhu cầu.
"Chúng tôi chuyên đi mua cá đồng mang về phân phối cho các nhà hàng, quán ăn, các chợ huyện, thị xã, thành phố đến chợ vùng nông thôn. Tổ chức một mạng lưới thu gom cá như thời những năm 1980 nhà nước tổ chức thu mua lương thực vậy. Mỗi địa bàn, chúng tôi đều có điểm thu mua. Ngư dân đánh bắt được cá đồng là mang đến để chúng tôi cân với giá sỉ, sau đó phân loại và mang đi giao cho mối...", ông Nguyễn Văn Thanh (xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên) thông tin.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, năm nay không có lũ nên lượng cá đồng giảm đáng kể, từ đó cá đồng có giá rất cao. Cá sặc điệp, cá trê trắng, các nhà hàng mua để kho sả, nấu canh khoai ngọt, phục vụ thực khách đã lên đến 150.000 đồng/kg.
Ông Thanh cho biết, nếu năm 2017 - 2018, vào thời điểm này, bình quân mỗi ngày ông thu mua được từ 300 - 500kg cá đồng thì nay con số này chỉ còn 1/3. Lượng cá đồng đánh bắt được ít, trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao nên cá đồng năm nay "lên ngôi".
Chẳng những cá đồng mà các loại cá nuôi như: cá sặc bổi (84.000 đồng/kg), cá lóc (52.000 đồng/kg), cá điêu hồng (40.000 đồng/kg), cá he (60.000 đồng/kg), giá cũng tăng cao.
"Năm nay, bệnh dịch tả heo Châu Phi xuất hiện ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, người tiêu dùng đa phần chuyển sang ăn các loại cá nuôi, còn người khá giả thì ăn cá đồng, vì vậy các mặt hàng từ cá nuôi đến cá thiên nhiên đều có giá" - bà Nguyễn Thị Huệ, bạn hàng cá chợ Mỹ Bình (TP. Long Xuyên) chia sẻ.
"Năm nay, ĐBSCL không có lũ nên cá đồng trở nên khan hiếm, khó đánh bắt. Nhiều mặt hàng cá sông như cá rô biển có giá gấp đôi năm rồi nhưng vẫn có người tìm mua..." - chị Phan Thị Lành, bạn hàng cá chợ Tân Châu (TX. Tân Châu) thông tin.
Theo Minh Hiển (Báo An Giang)
Lũ mãi không về miền Tây: Khan hiếm cá đồng, cá linh non giá đắt đỏ Do nước lũ trên thượng nguồn chưa đổ về, nguồn cá đồng khan hiếm đã đẩy giá các loại cá đặc sản miền Tây tăng cao. Cụ thể, giá cá lóc đồng bán tại chợ TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp) từ 120.000-150.000 đồng/kg; cá trê vàng 120.000 đồng/kg, cá rô đồng hơn 150.000 đồng/kg, riêng đặc sản cá linh non giá lên tới 200.000...