Mua ngân hàng giá 0 đồng: Tại sao không phải là 1 đồng?
Tại sao lại mua ngân hàng giá 0 đồng mà không phải là 1 đồng, theo lý giải của các chuyên gia là nhằm “chấm dứt những trò mặc cả, chây ì, coi thường quá trình phục hồi kinh tế của toàn quốc gia”.
Tại sao mua ngân hàng giá 0 đồng?
Đánh giá về công cuộc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, TS.Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính ngân hàng nhớ lại thời điểm năm 2011: Khi đó, bối cảnh nền kinh tế lạm phát lên tới 20%, giá vàng một ngày có thể tăng giá đến 20 lần. Các ngân hàng lao vào kinh doanh vàng. Kinh doanh vàng được cho là “con gà đẻ trứng vàng”.
Theo ông Nghĩa, thời điểm đó, việc người dân, ngân hàng, doanh nghiệp đổ xô vào kinh doanh vàng, buôn lậu vàng khiến cho dự trữ ngoại tệ giảm từ 23 tỷ USD xuống 7 tỷ USD. Còn lãi suất thì tăng cao, thanh khoản bất ổn khiến các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất.
“Thậm chí, đến bà xã tôi ngày nào cũng đi rút tiền ra rồi gửi vào ngân hàng khác để ăn chênh lãi suất. Còn Ngân hàng Nhà nước phải đi xe máy để kiểm tra xem ngân hàng nào vi phạm huy động lãi suất. Hệ thống ngân hàng rơi vào tình trạng nguy hiểm thật sự, đặc biệt là những ngân hàng có những ông chủ là các tay buôn bất động sản.
Có thể nói thời 2008 – 2009, chưa bao giờ hệ thống ngân hàng lại tồi tệ đến thế, nhiều lãnh đạo ngân hàng rơi vào vòng lao lý. Nhưng hiện giờ, chúng ta đã vượt qua thời điểm gai góc trên trong vòng một thời gian khá ngắn là 3 năm”, ông Nghĩa nhớ lại.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, mua ngân hàng với giá 0 đồng thực sự là phương sách vững chắc về mặt pháp lý (ảnh minh hoạ).
Trong một quá trình đầy cam go như vậy, nhiều người đặt ra các nghi vấn: Tại sao độc quyền vàng? Tại sao “đuổi vàng” ra khỏi Ngân hàng Nhà nước ( NHNN)? Tại sao mua ngân hàng với giá 0 đồng?
“Mua ngân hàng với giá 0 đồng thực sự là phương sách vững chắc về mặt pháp lý. Điều 149 Luật Các tổ chức tín dụng nêu rõ, NHNN có quyền trực tiếp mua hoặc chỉ định tổ chức tín dụng khác mua lại ngân hàng yếu kém, những ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, nếu ngân hàng đó không thực hiện được việc tăng vốn, không thực hiện phương án tăng vốn theo quy định của NHNN”, ông Nghĩa lý giải.
Các ngân hàng đã có thể thở bằng chính “bình ô xi” của mình
Video đang HOT
Giải thích tại sao lại là 0 đồng, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết: NHNN đã mời các công ty định giá độc lập đến định giá ngân hàng, khi nợ xấu vượt 2, 3 lần vốn tự có, thì ngân hàng này không còn giá trị.
Tại sao lại phải là NHNN mua, sao không để ngân hàng ngoại thương mua? Theo ông Nghĩa: Vì NHNN đã có kinh nghiệm. Những ngân hàng bệnh tật không chỉ mập mờ trong bảng báo cáo chất lượng tài sản, mà họ cũng rất “tự kiêu”, cho rằng tài sản của mình đáng giá ngàn vàng.
Hơn nữa, tất cả các ngân hàng bị mua đều đã được cho thời hạn khắc phục trong hai năm, nhưng họ cũng không gượng dậy được.
“Lúc này, cần phải NHNN ra tay, chấm dứt những trò mặc cả, chây ì, coi thường quá trình phục hồi kinh tế của toàn quốc gia”, ông Nghĩa thẳng thắn nói.
Vậy NHNN lấy đâu ra tiền mà mua?, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, thực ra NHNN không tốn đồng nào. Họ mua không phải là “xòe tiền” ra mua lại tài sản, mà mua là để chấn chỉnh lại hệ thống của ngân hàng đó, sau đó bán lại cho một ngân hàng khỏe mạnh hơn
Còn theo đánh giá của ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, hiện nay, các ngân hàng đã có thể thở bằng chính bình ô xi của mình.
Ông Phước cho biết, các ngân hàng trong diện tái cơ cấu đã có nhiều thành tựu, vốn chủ sở hữu đã tăng lên 18%, vốn huy động đã tăng 147%, tín dụng tăng 87%, dự phòng rủi ro tăng 146%. Chứng tỏ rằng các ngân hàng đã hoạt động tốt lên rất nhiều.
Tuy nhiên, theo ý kiến của ông Phước, khái niệm 0 đồng mà chúng ta đưa ra là quá vắn tắt, thị trường không hiểu. Hệ thống văn bản pháp luật của chúng ta chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định rõ khái niệm “0 đồng”. Việc NHNN mua lại toàn bộ cổ phiếu hiện hữu của các cổ đông vì âm vốn chủ sở hữu chứ không phải là mua lại ngân hàng.
“Việc phục hồi các ngân hàng 0 đồng là trong tầm tay. Các ngân hàng trong diện 0 đồng lỗ mấy chục nghìn tỷ là sai. Việc có thông tin ấy là lỗi của NHNN khi đưa thông tin không rõ ràng. Thực tế, giá trị của tài sản bảo đảm đã không được nhìn nhận trên cơ sở của tính sở hữu hợp pháp tài sản đó”, ông Phước phê bình.
Nguyễn Hiền
Theo Dantri
TS. Trần Du Lịch: Ngân hàng Nhà nước phải đi "đánh du kích"
Đánh giá về sáng kiến xử lý nợ xấu theo kiểu "tay không bắt giặc" khi thành lập VAMC, TS.Trần Du Lịch cho rằng, "đây là làm cách của riêng Việt Nam, không đánh chính quy được thì phải đánh du kích. Và Ngân hàng Nhà nước phải chịu đi đánh du kích".
Giải một phương trình với nhiều ẩn số
Chia sẻ tại hội thảo "Định vị hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu" diễn ra sáng nay 23/10, TS.Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, 4 năm qua, tái cấu trúc hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam bất ổn vĩ mô, nguy cơ lạm phát phi mã.
Thời điểm ấy, chúng ta đang thực hiện theo Nghị quyết 11 của Chính phủ là siết chặt công chi, tín dụng; giảm tổng cầu để chống lạm phát. Đó là một bối cảnh thực hiện chính sách tài chính tiền tệ ưu tiên chống lạm phát.
Năm 2012, tín dụng giảm; tác dụng của các biện pháp kiềm chế lạm phát làm cho tổng cầu giảm, tình trạng kinh tế bắt đầu giảm tốc độ tăng trưởng. Khi ấy, sức mua thị trường giảm, doanh nghiệp giảm sản xuất, nhiều doanh nghiệp không còn khả năng trả nợ đáo hạn. Giữa năm 2012, tình trạng nợ xấu xuất hiện rất mạnh, rất nhanh.
TS.Trần Du Lịch: Ngành ngân hàng đã phải giải một phương trình với nhiều ẩn số mâu thuẫn nhau, giống như không có tiền nhưng phải đi bằng máy bay để kịp thời gian
"Nền kinh tế rơi vào luẩn quẩn. Tái cấu trúc tổ chức tín dụng trong tình thế phải giải quyết một phương trình quá nhiều ẩn số, mà những ẩn số mâu thuẫn nhau: vừa phải chống lạm phát, vừa phải hạ lãi suất, vừa phải tăng tín dụng, vừa phải giảm nợ xấu, vừa phải ổn định tỷ giá VND", ông Lịch cho biết.
Do đó, "vấn đề tái cấu trúc ngân hàng là bài toán phải thực hiện đồng thời nhiệm vụ chống lạm phát, hạ lãi suất, giảm nợ xấu, lại phải tăng tín dụng, ổn định tỷ giá VND. Ngành ngân hàng đã phải giải một phương trình với nhiều ẩn số mâu thuẫn nhau, giống như không có tiền nhưng phải đi bằng máy bay để kịp thời gian", ông bình luận.
Ông Lịch cũng đánh giá, nếu ngân hàng không tiếp tục cho doanh nghiệp vay thì không cứu họ được. Doanh nghiệp chết thì ngân hàng cũng mất tiền. Mối quan hệ doanh nghiệp và ngân hàng là mối quan hệ cùng thành, cùng bại.
Từ tháng 7/2012, mô hình "nối kết doanh nghiệp" được triển khai tại TP.HCM. Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cùng ngồi lại để giải quyết từng trường hợp xử lý cấp tín dụng cho những doanh nghiệp mà theo tiêu chuẩn nợ xấu không thể vay được.
"Tôi cho rằng đây là làm cách của riêng Việt Nam, không đánh chính quy được thì phải đánh du kích. Và Ngân hàng Nhà nước phải chịu đi đánh du kích", ông Lịch nhấn mạnh. Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra sáng kiến xử lý theo kiểu "tay không bắt giặc" khi thành lập Công ty mua bán nợ VAMC nhằm giải quyết nợ xấu bằng cơ chế, chứ không giải quyết bằng nguồn lực vật chất là "tiền tươi thóc thật".
Theo chia sẻ của ông Lịch, thời điểm ấy, tại TPHCM, 33% doanh nghiệp vẫn làm ăn tốt, đóng được thuế, vẫn được vay ngân hàng với mức lãi suất bình thường. 33% các doanh nghiệp đang đợi vay ngân hàng. Còn lại doanh nghiệp mà theo tiêu chuẩn nợ xấu không thể vay được.
Kiến nghị giảm lãi suất cho vay về 7%/năm
Với chương trình "kết nối doanh nghiệp", sau hơn 3 năm thực hiện, hơn 5.000 doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM được hưởng ưu đãi vay tín dụng. Số tiền vay lũy kế lên đến vài trăm ngàn tỷ đồng. Quan trọng là các doanh nghiệp này đều không vướng nợ xấu mới.
"Tổ chức tín dụng vừa giải quyết được nợ xấu cũ, vừa thu được nợ mới đúng hạn. Đây là điểm khá đặc biệt để cho thấy trong quản lý kinh tế "mọi lý thuyết chỉ là màu xám, chính cây đời mới mãi mãi xanh tươi". Sáng tạo "đánh du kích" đã giải quyết vấn đề", ông Lịch đánh giá.
Tuy nhiên, ông Lịch cũng nhấn mạnh phần lớn nợ xấu được loại bỏ khỏi bảng cân đối kế toán của các tổ chức tín dụng sau khi bán cho Công ty mua bán nợ VAMC. Chúng ta đã tạm gói được cái cũ, để tạo ra cái mới. Nhưng nếu không giải quyết ngay, gói tài sản này bất động vài năm lại quay lại thương mại, cái cũ trở về, tình hình sẽ phức tạp.
Qua số liệu đến hết tháng 9/2015, tăng trưởng kinh tế đạt yêu cầu đề ra, đóng góp nội địa tăng 6,5% (mục tiêu là 6,2%), CPI đạt 0,6%, tín dụng đạt trên 10%, tỉ lệ nợ xấu giảm xuống mức 2,9%. Ngân hàng Nhà nước đã đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu ổn định vĩ mô.
Từ đó có thể thấy, mối quan hệ giữa ngân hang và doanh nghiệp là "mối quan hệ đồng hành, đồng trách nhiệm. Tôi có lợi, anh có lợi, tức là cùng thắng hoặc cùng bại, không có người thắng, người bại".
Và theo ông Lịch nhận định: "Lượng tín dụng tăng được như hiện nay, chúng ta có một tín hiệu để hi vọng quan hệ tín dụng giữa tổ chức tín dụng và doanh nghiệp trở lại một cách bình thường vào năm 2016, chứ không tiếp tục "đi đánh du kích" mãi nữa".
Cũng theo vị đại biểu này, hiện nay, mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp lớn nhất là vấn đề lãi suất. Do đó, ông Lịch kiến nghị "Ngân hàng Nhà nước, trong bối cảnh hiện nay, từ đầu năm 2016 có thể giảm lãi suất được không? Với lạm phát dưới 2% mà phải vay trung dài dạn 9 - 10% thì liệu có thể giảm khoảng 2% xuống 7% được không?"
Nguyễn Hiền
Theo Dantri
Xử lý nợ xấu: Đổ cả máu và nước mắt Bà Lê Thị Thanh Tâm, Chủ nhiệm bộ môn Ngân hàng thương mại (NHTM), Viện Ngân hàng tài chính, ĐH Kinh tế Quốc dân so sánh như vậy về quá trình phối hợp xử lý nợ xấu của các ngân hàng. Chưa khi nào "người ngân hàng" bị bắt nhiều thế Tại hội thảo về xử lý nợ xấu ngày 6/10, Phó Thống...