Mua ngân hàng giá 0 đồng: Lo khả năng thu hồi nợ
Với việc 3 ngân hàng được NHNN mua lại với giá 0 đồng, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) lo ngại sẽ ảnh hưởng tới ngân sách nhà nước, vì đây đều là những ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu cao.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng, cần lập một ban giám sát về vấn đề này.
Trong tiến trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, đến nay đã có 3 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, bao gồm Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu, Ngân hàng Xây dựng và Ngân hàng Đại Dương.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế – xã hội giai đoạn 2015 – 2016, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho biết, phương án này khiến nhiều cử tri lo ngại.
Theo đó, đây có thể là một biện pháp cấp bách xử lý các ngân hàng yếu kém, tuy nhiên theo ông Nghĩa “nếu mua ngân hàng 0 đồng tức là ngân sách nhà nước sẽ gánh khoản nợ đó”. Vị đại biểu này băn khoăn, liệu rằng có thể thu hồi được những khoản nợ này không, hay “sau 3-5 năm thì ngân sách lại phải gánh chịu?”.
Ông Nghĩa cho rằng, việc mua ngân hàng với giá 0 đồng sẽ khiến ngân sách nhà nước nặng nợ, và do vậy, đại biểu này đề xuất Quốc hội cần phải thành lập một ban để giám sát về vấn đề này.
Trước đó, qua thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, có ý kiến trong Ủy ban đề xuất cần phải công khai, minh bạch cơ chế, chính sách mua ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém với giá 0 đồng.
Video đang HOT
Hiện tại, với phương án tái cấu trúc theo hướng này của Ngân hàng Nhà nước đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Theo một số chuyên gia về tài chính, ngân hàng thì đây lại là một phương án phù hợp.
Thậm chí, theo TS. Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia thì việc Ngân hàng Trung ương mua lại một số ngân hàng thương mại với giá 0 đồng là “sáng kiến tuyệt vời”.
Còn TS. Nguyễn Đức Hưởng – Phó Chủ tịch thường trực LienVietPostBank bình luận, việc mua ngân hàng với giá 0 đồng “tức là đánh chuột nhưng không vỡ bình, đánh chính vào các hội đồng quản trị, cổ đông. Điều này đồng nghĩa với việc, tiền của dân không mất, quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm”.
Về nguồn ngân sách để xử lý khoản nợ xấu cao của các ngân hàng yếu kém này, riêng với Ngân hàng Xây dựng, Phó thống đốc Nguyễn Phước Thanh từng cho biết, để tái cấu trúc, Ngân hàng Nhà nước dự kiến đưa ra khoảng 40.000 tỷ đồng nhằm đảm bảo tổ chức này có thể hoạt động trở lại bình thường.
Theo báo cáo của Chính phủ lên Quốc hội, giai đoạn 2011-2015, hệ thống các tổ chức tín dụng đã giảm được 17 tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Trong đó có 1 NHTM Nhà nước sáp nhập vào 1 NHTM Nhà nước khác; 4 NHTMCP sáp nhập vào 4 NHTMCP khác; 3 NHTMCP hợp nhất thành 1 NHTMCP; 1 ngân hàng liên doanh sáp nhập vào 1 ngân hàng nước ngoài khác; 1 NHTMCP hợp nhất với 1 công ty tài chính.
Riêng trong năm 2015, NHNN đã chỉ đạo quyết liệt và hoàn thành việc sáp nhập NHTMCP Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long vào NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, NHTMCP Phát triển Mê Kông vào NHTMCP Hàng hải Việt Nam, NHTMCP Phương Nam sáp nhập vào NHTMCP Sài Gòn Thương tín; NHTMCP Xăng dầu Petrolimex sáp nhập vào NHTMCP Công thương Việt Nam.
Bích Diệp
Theo Dantri
11.000 tỷ đồng dự trữ thanh khoản cho 3 ngân hàng giá 0 đồng
"Dự trữ thanh khoản của Ngân hàng Xây dựng là 1.000 tỷ; GPBank là 3.000 tỷ và OceanBank là 7.000 tỷ. Đây là lực lượng sẵn sàng chi trả cho người dân", ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra NHNN tiết lộ.
Chia sẻ về việc mua lại ngân hàng với giá 0 đồng, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định: Mục đích NHNN mua lại ngân hàng mất hết vốn, đó là vì sự an toàn đối với tiền gửi của dân, tài sản của nhà nước. NHNN mua không vì mục tiêu lợi nhuận.
Vậy, nguồn vốn ở đâu để NHNN phục hồi các ngân hàng thương mại được mua lại 0 đồng? Theo đại diện NHNN, cơ quan này không dùng tiền thuế của dân, ngân sách để xử lý các ngân hàng yếu kém. Đó là nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng (TCTD), nguồn vốn của NHNN tái cấp vốn theo đúng quy định của luật tín dụng.
"Chúng tôi tin tưởng rằng, khi nhà nước đã sở hữu thì nguồn vốn sẽ gia tăng trở lại. NHNN chỉ lấy người của ngân hàng tham gia công tác quán trị điều hành, mọi vấn đề về tài chính rành mạch trên cơ sở của luật dân sự", ông Nghĩa nói.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra NHNN
Đối với việc mua lại 3 ngân hàng với giá 0 đồng (Ngân hàng Xây dựng, OceanBank, GPBank), đại diện NHNN khẳng định 3 ngân hàng này đều được thuê kiểm toán quốc tế. Khi định giá xong thì tài sản các ngân hàng đó âm hết vốn, tức giá trị cổ phiếu chẳng còn gì nữa trong trường hợp đã mất hết vốn chủ sở hữu thì mua 0 đồng là hợp lý.
Điều đáng nói, theo ông Nghĩa kể từ khi NHNN mua lại, dòng tiền gửi đã trở lại 3 ngân hàng trên rất tốt và thanh khoản hoàn toàn đảm bảo.
"Dự trữ thanh khoản của Ngân hàng Xây dựng là 1.000 tỷ; GPBank là 3.000 tỷ và OceanBank là 7.000 tỷ. Đây là lực lượng sẵn sàng chi trả cho người dân"- ông Nghĩa khẳng định.
Cũng theo chia sẻ từ ông Nghĩa, 4 năm tái cơ cấu là 4 năm vượt khó của hệ thống ngân hàng, đẩy lùi nguy cơ sụp đổ hệ thống. Qua đó, thanh khoản của hệ thống cải thiện rất tốt (20% - gấp đôi mức tối thiểu theo quy định của pháp luật). Huy động vốn từ 2011 đến nay tăng khoảng 90%. Tín dụng thời điểm hiện nay so với cuối tháng 12/2011 tăng 54%.
Về xử lý ngân hàng yếu kém, theo ông Nghĩa, chưa có giai đoạn nào việc hợp nhất, mua lại các TCTD lại diễn ra đồng bộ, tự nguyện như thời gian vừa qua. Điều đó cho thấy sự thay đổi tư duy, khắc phục những yếu kém từ chính bản thân, chuyển từ thế e ngại sang tích cực, chủ động.
TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Tài chính Ngân hàng - cho rằng: Ở Việt Nam, hầu như xử lý nợ được thực hiện qua việc thương thảo giữa người đi vay và cho vay, phần lớn phải đem nhau ra toà ròng rã bao nhiêu năm trời. Khi có phán quyết của tòa án thì tùy theo nhận định, sự hiểu biết của các đơn vị thi hành án.
"Có lẽ khung pháp lý của chúng ta cần thay đổi để các ngân hàng có cách giải quyết giữa các thành phần kinh tế với nhau mà không nhất thiết phải qua tòa án. Ngân hàng có quyền thế chấp, trường hợp anh không trả được nợ, tôi có quyền thế chấp tài sản đó", TS Hiếu khuyến nghị.
Nguyễn Hiền
Theo Dantri
Dàn lãnh đạo "chóp bu" Oceanbank bị bắt: Hậu quả của thời kỳ tăng trưởng nóng Nhìn nhận về việc cựu Chủ tịch PVN bị bắt mới đây do liên quan đến sai phạm tại Oceanbank, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây là hậu quả của thời gian phát triển quá nóng, trong đó có yếu tố liên quan tới việc các Tập đoàn của Nhà nước đầu tư ngoài ngành. Ông Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Chủ...