Mùa mưa và nỗi lo hồ đập
Ngày 17/8, Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập”.
Đây là vấn đề nhận được sự quan tâm của xã hội không chỉ trước mắt mà còn rất lâu dài.
Vỡ đập Đầm Thìn ở Phú Thọ, cuối tháng 5/2018. Ảnh: Tạ Toàn/TTXVN.
Qua 2 đợt khảo sát về nội dung này tại 14 tỉnh, thành phố từ Bắc tới Nam, ông Nguyễn Vinh Hà- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho biết: Tại các tỉnh, thành phố Đoàn đến khảo sát thì chất lượng nước mặt, nước ngầm tương đối tốt, trữ lượng dồi dào.
Tuy nhiên, nguồn nước này đang có nguy cơ ô nhiễm từ hoạt động xả thải, đặc biệt với các sông chảy qua đô thị. Hiện ở một số địa phương, chất lượng nước bị suy giảm đáng báo động do ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt thải trực tiếp ra nguồn nước, chất thải từ các khu công nghiệp nhiễm mặn và ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng nên hiện tượng xâm mặn vào sâu qua các cửa sông, làm ảnh hưởng tới chất lượng nước ngọt của các địa phương. Tình trạng này là hiện tượng phổ biến đối với các tỉnh duyên hải từ tỉnh Thanh Hóa tới tỉnh Kiên Giang.
Ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng
Theo ông Nguyễn Vinh Hà, trong khoảng 20-30 năm tới, nhiều tỉnh sẽ thiếu nước nghiêm trọng, đặc biệt là cho sản xuất nông nghiệp. Ví dụ như tại tỉnh Nghệ An, hiện có 1.061 hồ chứa lớn, nhỏ với tổng dung tích 537 triệu m3 nhưng mới chỉ đảm nhiệm được 55% diện tích tưới. Tại tỉnh Thanh Hóa có 610 hồ chứa thủy lợi, trong đó có hồ chứa lớn như Cửa Đạt, dung tích 793,7 triệu m3 nhưng chỉ đáp ứng được 70% diện tích tưới; hoặc tại tỉnh Hà Tĩnh với hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi-Cẩm Trang mới đưa vào hoạt động, cấp nước tưới cho trên 32 ngàn ha cũng có kế hoạch mở rộng hệ thống kênh dẫn để tăng cường diện cấp nước.
Video đang HOT
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, chất lượng nước trên các lưu vực sông đang bị suy giảm và trở thành vấn đề nóng tại nhiều địa phương. Việc gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa thời gian qua đã và đang gây sức ép đến chất lượng nước trong các lưu vực sông. Ở một số đoạn sông, nước sông bị ô nhiễm với mức độ cao, xu hướng ngày càng tăng đã ảnh hưởng đến khả năng sử dụng nước sông để cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt, có thể gây ra những hiểm họa khôn lường.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, môi trường các lưu vực sông là vấn đề cốt yếu quan trọng. Mức độ ô nhiễm chung trên các lưu vực sông lớn tại thượng nguồn do chịu tác động của phát triển kinh tế – xã hội đến nay đang được kiểm soát, nhưng ô nhiễm chủ yếu là ở hạ nguồn, hạ lưu, trung lưu nơi có các đô thị, khu công nghiệp.
Đề cập đến việc xử lý nước thải sông Tô Lịch, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, các biện pháp công nghệ vi sinh của Nhật Bản nếu áp dụng đối với khu vực lòng sông không còn nguồn nước thải thì sẽ được xử lý căn bản, kể cả trầm tích đáy. Còn khi còn nguồn thải thì giải pháp công nghệ của Nhật Bản không hiệu quả. Những công nghệ Nhật Bản áp dụng ở sông Tô Lịch chỉ phù hợp với khu vực, các nguồn nước không có lượng chất thải bổ sung, phù hợp ở các sông hồ kín. Còn sông Tô Lịch có lượng nước thải bổ sung hàng ngày lớn nên giải pháp hiệu quả là kiểm soát toàn bộ các loại nguồn thải ra.
Gần 1.200 hồ chứa nước bị hư hỏng, thiếu năng lực chống lũ
Đáng lo ngại, qua khảo sát tại 14 tỉnh, thành phố, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, nhiều đập, hồ chứa nước vừa và nhỏ có nguy cơ mất an toàn cao do bị hư hỏng, xuống cấp. “Nhiều hồ, đập được xây dựng cách đây 30-50 năm điều kiện thiết kế, thi công còn hạn chế, chủ yếu là đập đất nên khả năng mất an toàn cao. Nhiều hồ, đập không có quy trình vận hành khi thiết kế, không được kiểm định trước mùa mưa lũ, không có trang thiết bị quan trắc, giám sát an toàn. Mặc dù các tỉnh đều quan tâm bố trí nguồn vốn để duy tu bảo dưỡng công trình nhưng do số lượng hồ, đập bị hư hỏng lớn nên vẫn có một số lượng hồ đập lớn hư hỏng nghiêm trọng chưa được sửa chữa, không bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ”, ông Hà nói đồng thời đưa ra dẫn chứng: “Ví dụ, ở Thanh Hóa còn 50% hồ xuống cấp cần phải tu sửa, trong đó có 90 hồ trong tình trạng hư hỏng nặng, 78 hồ chứa mất an toàn; Hà Tĩnh có 90 hồ hư hỏng, xuống cấp, 57 hồ có nguy cơ mất an toàn cao; Hòa Bình 544 hồ chứa có 192 hồ hư hỏng xuống cấp”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hệ thống công trình thủy lợi được xây dựng từ lâu, thiết kế trước đây chủ yếu tập trung cho sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, phục vụ cho cây lúa. Vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi xảy ra thường xuyên, tính đến ngày 31/12/2019, cả nước đã phát hiện 66.266 vụ vi phạm, trong đó 14 tỉnh có trên 1.000 vi phạm.
Kết quả xử lý các vi phạm còn hạn chế đã và đang ảnh hưởng đến công tác vận hành, chất lượng nước và an toàn công trình công trình. Bên cạnh đó, hiện cả nước còn khoảng 1.200 hồ chứa nước bị hư hỏng và thiếu năng lực chống lũ chưa có nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp; trong đó có 200 hồ hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, đe doạ đến tài sản, tính mạng của người dân vùng hạ du, cần đặc biệt quan tâm và xử lý cấp bách.
Nguyên nhân của tình trạng trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường là do ảnh hưởng của mưa, lũ dòng chảy về hồ vượt tần suất thiết kế, công trình đầu mối bị hư hỏng, xuống cấp. Chủ đầu tư, các nhà thầu tư vấn thiết kế, đơn vị thi công thiếu kinh nghiệm, chủ quan không lường hết được các tình huống thiên tai khi thi công. Năng lực của đơn vị quản lý chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là các hồ nhỏ được giao cho UBND cấp huyện, xã quản lý. Công tác kiểm định định kỳ an toàn đập hầu hết chưa được thực hiện, việc kiểm tra hồ đập bằng trực quan nên chưa phát hiện được ẩn họa, hư hỏng trong thân đập.
Giải trình thêm, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết: Vận hành an toàn các hồ chứa thủy điện có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu vận hành tốt sẽ giúp cắt giảm lũ trong mùa lũ, còn mùa hạn giúp đảm bảo an ninh nguồn nước. Nếu khai thác vận hành không tốt sẽ tiềm ẩn rủi ro an toàn cho hạ du.
“Dù thời gian qua có quan tâm song vẫn còn một số hồ thủy điện xả nước trong mùa lũ gây ngập lụt ở hạ du. Do mưa lớn buộc phải xả lũ nên trong một số trường hợp phải chấp nhận. Sự cố tại các công trình thủy điện chủ yếu xảy ra tại các công trình thủy điện vừa và nhỏ thuộc trách nhiệm quản lý của các địa phương”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chỉ ra nguyên nhân.
Việt Nam chịu rủi ro lớn về nguồn nước
Rủi ro rất lớn từ các quốc gia thượng nguồn, đối ngoại về an ninh nguồn nước chưa đạt yêu cầu; nước thải sinh hoạt "đầu độc" các dòng sông, nước ngọt đang dần khan hiếm...là những thách thức không nhỏ đe dọa an ninh nguồn nước trong cả hiện tại và tương lai.
Người dân chung cư HH Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội, chờ lấy nước sạch vào ngày 17/10/2019 sau vụ nguồn nước sông Đà bị ô nhiễm. Ảnh: Như Ý
Ngày 17/8, Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về an ninh nguồn nước. Theo kết quả khảo sát tại 14 tỉnh, thành, tuy Việt Nam có 3.500 sông, suối có chiều dài từ 10 km trở lên, với 13 lưu vực sông diện tích lớn hơn 10.000 km2, nhưng có 7 lưu vực sông liên quốc gia, phần lưu vực ở nước ngoài chiếm tới 71% khu vực đầu nguồn.
"ại hồng thủy xảy ra thì làm thế nào?"
"Chúng ta chịu rủi ro rất lớn do các quốc gia thượng nguồn gia tăng các hoạt động thủy điện trên dòng chính sông Hồng, sông Mekong, làm thay đổi lớn chế độ dòng chảy, lượng nước phù sa", Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT Nguyễn Vinh Hà nói.
Trước lo ngại trên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến chất vấn hai bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT: Việc hợp tác quốc tế của chúng ta đã đủ tích cực, chủ động chưa? Việc tham gia các điều ước quốc tế đã góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước chưa?
Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng "công tác đối ngoại về an ninh nguồn nước chưa được". "Nếu không có sự chia sẻ về số liệu giữa các nước, đại hồng thủy xảy ra thì làm thế nào", ông Cường đặt vấn đề và cho rằng phải tiếp tục đấu tranh, kiến nghị, có giải pháp ngoại giao để Việt Nam được thông tin theo đúng thông lệ quốc tế.
Cũng tại phiên giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường bày tỏ lo ngại khi nguồn nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ, từ các quốc gia thượng nguồn lưu vực sông rất lớn. Lượng nước này hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước tại các quốc gia thượng nguồn. Thượng nguồn sông Đà, sông Thao, sông Lô thuộc lãnh thổ nước ngoài đã xây dựng nhiều bậc thang thủy điện, hiện đã đưa vào vận hành nhiều công trình, tác động đến dòng chảy ở nước ta. Đây một thách thức lớn đối với an ninh nguồn nước quốc gia.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cũng cho rằng, các thỏa thuận pháp lý còn hết sức lỏng lẻo. Thỏa thuận sông Mekong không mang tính đồng thuận, không mang tính pháp lý. "Đây là vấn đề rất khó. Bây giờ thay đổi chắc chắn xu hướng còn tồi tệ hơn. Với Ủy hội sông Mekong, hai nước quan trọng nhất là Trung Quốc và Myanmar lại không tham gia", ông Hà nói, đồng thời đề nghị, ngoài tham vấn các bên, đặc biệt là dựa vào sự ủng hộ của các tổ chức, các nước liên quan, về lâu dài, cần có lộ trình để đàm phán, tìm ra các vấn đề cùng quan tâm như cơ sở dữ liệu, quan trắc, các hoạt động chia sẻ.
Cần coi nước là hàng hóa đặc biệt
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói, nước ngọt đang ngày càng khan hiếm, chất lượng nước trên các lưu vực sông đang bị suy giảm, trở thành vấn đề nóng tại nhiều địa phương. Sự gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa đã và đang gây sức ép đến chất lượng nước trong các lưu vực sông. Các hồ và kênh mương đô thị đang trở thành nơi chứa và dẫn nước thải. Ở một số đoạn sông, nước sông bị ô nhiễm mức độ cao, xu hướng ngày càng tăng.
"Nguồn nước bị ô nhiễm đang là nguyên nhân chính khiến nước trong hệ thống thủy lợi không thể quay vòng, tái sử dụng. Sự gia tăng nhu cầu sử dụng nguồn nước, cùng vấn đề ô nhiễm nguồn nước làm phát sinh các mâu thuẫn, xung đột trong xã hội", Bộ trưởng Cường nói. Giải pháp được nêu ra là đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, đầu tư xây dựng hồ chứa nước lớn phục vụ đa mục tiêu.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, kinh tế phát triển, tốc độ đô thị hoá cao, dân số tăng nhanh làm gia tăng tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Khảo sát cho thấy, chỉ có 12,5% nước thải sinh hoạt của các đô thị loại 4 được xử lý, số còn lại đều xả ra nguồn nước. Khu vực nội thành Hà Nội mỗi ngày xả 500.000 m3, trong đó có 100.000 m3 thải ra từ các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và bệnh viện. Ba con sông của Hà Nội là sông Nhuệ, sông Đáy và sông Tô Lịch đều ô nhiễm nặng... "Những vấn đề trên đã trở thành thách thức lớn đối với an ninh nguồn nước cả hiện tại và tương lai", ông Hiển nói.
Trước nhiều thách thức đặt ra, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị đổi mới tư duy trong hoạch định, tổ chức và kiểm soát an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập. Theo ông Hiển, cần coi nước là loại "hàng hóa đặc biệt", thực hiện nguyên tắc thị trường, từng bước tính đúng, tính đủ giá dịch vụ nước sản xuất và sinh hoạt. Cùng với đó, cần ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào quản lý nguồn nước và tăng cường quan hệ quốc tế. "Cần khẳng định rằng, chỉ có tăng cường hợp tác quốc tế chúng ta mới có thể đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập", ông Hiển nói.
Việt Nam ứng phó với vấn đề an ninh nguồn nước Việt Nam chịu rủi ro về lượng nước, chất lượng nước do các quốc gia thượng nguồn gia tăng các hoạt động thủy điện trên dòng chính sông Hồng, sông Mê Kông... Sáng 17-8, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH, CN&MT) của Quốc hội tổ chức hội nghị giải trình về vấn đề an ninh nguồn nước phục vụ...