Mùa mưa, ăn món ấm bụng kiểu miền Tây
Thời điểm này, miền Tây có nhiều đặc sản “té nước theo mưa” vào mùa rộ. Thưởng thức các món ăn này vào những ngày trời rả rích, âm u, lành lạnh thì ngon không gì bằng.
Nấm mối chỉ có vào mùa mưa
Nấm mối là đặc sản đáng mong đợi nhất của người miền Tây trong mùa mưa, thường mọc vào đầu mùa mưa, kéo dài đến khoảng tháng 7 âm lịch. Nấm mọc ở vườn, ở những ụ đất cao mà phải tinh mắt lắm mới phát hiện ra vì màu nấm khá tiệp màu đất. Nấm ngon là khi nấm còn búp, chân nấm to mập, ăn vừa giòn vừa ngọt.
Nấm có thể được chế biến rất nhiều món như hấp cơm, chiên hột vịt, xào khổ qua, xào măng, nấu cháo, nấu lẩu, kho nhưng ngon nhất phải kể đến là đổ bánh xèo. Nhiều đứa con xa quê dù bận bịu cách mấy, hễ nghe rủ rê về ăn bánh xèo nấm mối là cách gì cũng thu xếp được. Ăn bánh xèo vào ngày nắng nóng thì có khi ngán nhưng ăn vào ngày mưa thì rất đã nên số bánh vơi đi cũng nhiều hơn hẳn.
Ếch đồng kho sả
Video đang HOT
Ếch kho sả ngày mưa ăn rất “bắt cơm”
Mưa đầu mùa, ếch bắt đầu ra khỏi hang, sinh sôi. Người ta thường đi soi ếch vào ban tối, ở những cánh đồng ruộng chỉ còn trơ rạ và “đánh hơi” chúng bằng những tiếng kêu ộp oạp vọng lại từ xa. Nghe tiếng kêu phát ra ở đâu thì rọi đèn ở đó, thấy ếch thì chụp, cột thành xâu. Ếch đồng thon dài chứ không “ú nu” như ếch nuôi, da có đốm vàng, đen, xanh rất rõ rệt, thịt dai, chắc, ngọt và không tanh.
Ếch có thể làm nhiều món nhưng để ngày mưa ăn cho “ấm” thì đem kho sả hay kho tiêu. Thịt ếch sau khi kho sẽ “sắc” lại, thấm gia vị, dai ngon lạ lùng. Lúc này chỉ cần xới một tô cơm đầy rồi chỉ ăn với ếch thôi, vừa ăn vừa xuýt xoa.
Cháo cá
Mưa xuống là mùa của cá đồng
Mưa xuống cũng là mùa của cá lóc, cá rô đồng. Vì cá tự nhiên nên thịt ngọt, chắc, không tanh hay hôi cỏ như cá nuôi. Nếu có con cá lóc to cỡ nửa ký thì nấu cháo hết sẩy. Cá rô thì chọn những con mập mạp, có mỡ béo. Nồi cháo cá có thêm nấm rơm, gừng xắt sợi, ăn kèm với rau đắng đất, ngon tỉ tê. Ngày mưa ăn cháo cá rất hợp bụng, vừa lành vừa ấm, thấy rất ưng.
Ốc nhồi thịt hấp
Ốc nhồi thịt có vị thơm của ốc, vị cay của tiêu ăn rất ngon
Mưa xuống, ốc bươu, ốc lác cũng có nhiều. Bình thường nếu ăn đơn giản thì có thể đem xào cay hoặc hấp sả nhưng nếu muốn ngon lành hơn thì làm món ốc nhồi. Ốc được luộc chín trước, sau đó gỡ lấy thịt, bỏ phần dơ, ướp với gia vị vừa ăn, thêm ít trứng gà rồi nhồi trở lại trong vỏ ốc cùng với tiêu xanh và đem hấp. Ốc hấp xong rất thơm, đặc biệt có vị cay cay của tiêu nên ăn rất đã.
Tép rang dừa là món ăn nổi tiếng Bến Tre
Món tép rang nổi tiếng của Bến Tre có thêm nước cốt dừa thơm béo vô cùng hấp dẫn. Mưa xuống, tép đất – loại tép sông to cỡ ngón tay, có màu nâu đất, thịt dai ngọt cũng rộ hơn. Ngoài ra còn có tép bạc – loại tép nhỏ hơn tép đất, có màu trắng, nấu chín thường không đỏ như tép đất nhưng vỏ mềm, dễ ăn. Hai loại này đem rang với nước cốt dừa cho sắc lại, ăn với cơm nguội thì ngon lắm. Khi ăn, ăn cả phần tép và “quết” luôn phần nước cốt dừa dính ở nồi. Thường thì nếu không có tép sông tự nhiên, người ta thay bằng tép nuôi nhưng tép nuôi vỏ dai, thịt teo, không dẻ nên không ngon bằng.
Những đặc sản tự nhiên kể trên miền Tây nay tuy vẫn còn nhưng không nhiều như xưa. Thế cho nên, lúc nào được thưởng thức cũng thấy ngon, thấy quý.
Theo PNO
Bún giò heo 3 miền
Trong nhiều món bún được ưa thích, bún giò heo là loại bún có mặt ở khắp ba miền với nhiều biến tấu hấp dẫn.
Suốt từ Bắc chí Nam, có rất nhiều loại bún với cách chế biến và hương vị khác biệt. Ngoài thành phần bún với đủ kích cỡ, nguyên liệu nấu bún cũng phong phú không kém. Chỉ từ nguyên liệu giò heo đơn giản, mỗi miền lại có các kiểu phối hợp phong phú, tạo ra nhiều món bún đặc sắc, thể hiện rõ tính cách ẩm thực vùng miền.
Ở miền Bắc, có một món ăn dân dã luôn được nhắc đến là bún giả cầy. Để nấu một nồi giả cầy đúng kiểu Bắc, ngoài nguyên liệu chính là chân giò, không thể thiếu những gia vị độc đáo như riềng, mẻ, sả, mắm tôm và bột nghệ. Chân giò làm sạch xong đem thui rơm hoặc nướng sém bì. Đây là công đoạn quan trọng để thịt thơm, bì cứng giòn và khi nấu xong, bì phải giòn như thịt chó (giả cầy là vì thế) chứ không mềm nhão. Sau khi chặt giò heo thui làm sạch thành miếng, đem tẩm ướp với các gia vị riềng, mẻ, sả, mắm tôm và bột nghệ. Bí quyết để món chân giò giả cầy ngon là ở khâu tẩm ướp, sao cho các mùi vị này được cân bằng, không lân at mui lân nhau, đó chính là sự tinh tế của món ăn miền Bắc. Thời gian ướp càng lâu thì thịt càng đậm đà. Nấu giả cầy phải canh cho lượng nước vừa phải, sền sệt như nhựa mận, chân giò vừa đủ mềm và giòn, chứ để thịt nát rời là hỏng. Tô bún giả cầy bưng ra, xộc lên mũi những mùi gia vị vừa thơm vừa đậm, rất khó cầm lòng.
Bún giò heo ở các tỉnh miền Nam Trung bộ như Phú Yên, Nha Trang thì lại khác, không gia vị đậm nồng, không màu mè hấp dẫn, nguyên liệu cũng đơn giản, vậy mà vẫn thu hút người ăn. Giống như tên gọi, nguyên liệu chính chỉ là giò heo, được hầm mềm trong nồi nước lửa liu riu, vớt bọt thường xuyên cho thịt trắng hồng và nước dùng trong. Cách chế biến tuy đơn giản nhưng vị nước dùng ngọt thanh và miếng giò heo "bự tổ chảng" che gần kín tô bún, tuy mềm nhưng không bở nát, khiến người ăn mê mệt. Vừa nhìn tưởng ngán, nhưng càng ăn càng thấm vị do thời gian hầm lâu, đặc biệt là hầm giò phải trên bếp than. Có nơi khi hầm bỏ ít miếng thơm cho nước có vị ngọt dịu, nhưng hầu như không nơi nào thiếu gia vị đặc trưng. Đó là dùng nước mắm nguyên chất - là gia vị chính để nêm nước dùng và làm nước chấm, rất giản dị nhưng ngon miệng. Dĩ nhiên không thể thiếu vị cay nồng của ớt, đúng khẩu vị miền Trung. Có lẽ món bún giò heo miền Trung hấp dẫn bởi vị ngọt kín đáo và đơn giản.
Các món ăn miền Tây Nam bộ thường có vị chua ngọt và "đông đúc" nguyên liệu, vì vậy món bún giò heo khoái khẩu ở xứ này cũng không ngoại lệ. Để nấu nước dùng, ngoài giò heo còn có củ cải trắng và cà rốt cắt khúc, nên nước có vị ngọt thanh và đậm đà. Trước khi nấu, giò heo được xào sơ qua với dầu điều, vừa tạo màu đẹp mắt, vừa giúp thịt không bị nát khi nấu mềm. Lạ miệng nhất là vị chua chua ngọt ngọt rất hài hòa của nước dùng, được nêm từ giấm và đường, làm nên nét đặc trưng cho món bún. Nước dùng nấu xong, thêm vài múi cà chua và huyết cắt cục thả vào, món bún trở nên thanh đạm hơn mà vẫn không kém phần hấp dẫn. Thêm sự góp mặt của những đĩa rau ghém đủ loại, tô bún giò heo nấu giấm đem đến cảm giác nhẹ bụng, dù ăn liền hai tô cũng không thấy ngán.
Những món bún trên khá phổ biến ở TP.HCM và rất dễ gặp ở những hàng quán bình dân. Muốn thưởng thức bún giả cầy có thể chọn các quán bán món ăn Bắc hay tại 48 Hồ Thị Kỷ, Q.10. Bún giò heo ở 401 Trường Chinh, Q.Tân Bình.
Theo TPO
[Chế biến] - Cháo cá mú đậu xanh Bạn hãy trổ tài làm món cháo cá mú đậu xanh thơm ngon, bổ dưỡng này cho cả nhà thưởng thức nhé! Nguyên liệu: - 1kg cá mú - 1/2 lon gạo - 50g đậu đỏ, 10ml rượu vang trắng, 1 cái lòng đỏ trứng gà, 5g hành lá, 1 củ gừng, 10g đường phèn, 1/2 thìa cà phê muối, 1/2 thìa cà...