Mưa lũ tàn phá các tỉnh miền Bắc
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai các tỉnh, hôm qua trời mưa to đã làm nhiều vùng ở miền Bắc ngập trong biển nước, người dân chịu nhiều thiệt hại. Có 2 nạn nhân ở Lai Châu bị đất đá vùi chết.
Nước lũ cuốn trôi xe máy, đồ đạc người dân trên đường phố tại thị trấn Tuần Giáo (Điện Biên) – Ảnh: Điện Biên
Tại Điện Biên, đến sáng 1.8, sau trận mưa lớn kéo dài liên tục 7 tiếng đồng hồ trên địa bàn H.Tuần Giáo, đập Huổi Củ ở khối 1, TT.Tuần Giáo đã bị vỡ gây ra lũ quét tại địa phương. Hậu quả là hơn 100 hộ gia đình đã bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, nhiều hộ bị cuốn trôi toàn bộ tài sản, hoa màu. Nước lũ đã tràn qua một cửa hàng kinh doanh xe máy tại TT.Tuần Giáo, làm hư hỏng hơn 50 xe máy và xe đạp điện.
Tại tỉnh Yên Bái, mưa lũ đã làm sạt lở ta luy dương ở khu vực 6 gia đình thuộc 3 xã Mỏ Dề, Púng Luông và Khao Mang thuộc H.Mù Cang Chải. Còn ở Bắc Giang, nhiều hoa màu bị chìm trong nước lũ. Tại xã Đồng Tiến, H.Yên Thế có 45 ngôi nhà bị chìm trong nước. Tại H.Sơn Động, H.Hiệp Hòa có hàng chục héc ta lúa và hoa màu ngập nặng. Một số đoạn đê sông Thương bao chắn các huyện Tân Yên, Việt Yên và TP.Bắc Giang cũng bị sạt lở trong khi mưa lũ vẫn đang diễn biến phức tạp. Hiện, các lực lượng cứu hộ đang khẩn trương gia cố để hộ đê an toàn.
Tại tỉnh Lai Châu, theo Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, sáng 1.8, mưa lớn kéo dài khiến đất ở H.Nậm Nhùn sạt lở làm 2 người chết. Nạn nhân là chị Mùa Thị Khua (19 tuổi) và con trai là Mùa A Dũng (2 tuổi) ở bản Huổi Đanh, xã Nậm Hàng bị đất, đá vùi lấp khi đi làm nương. Đến 16 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng địa phương đã tìm thấy thi thể các nạn nhân, bàn giao cho gia đình mai táng.
Tại H.Mường Tè, đường tỉnh lộ 127 đi các xã Mường Mô, Nậm Chà, Can Hồ đất đá sạt từ ta luy dương xuống lấp nhiều đoạn đường gây tắc nghẽn cục bộ. Tuyến đường giao thông từ thị trấn đi các xã Mường Tè, Vàng San, Pa Vệ Sủ sạt lở một số điểm gây ách tắc giao thông.
Video đang HOT
Tại Tuyên Quang, có 15 công trình thủy lợi bị sạt lở, hư hại. Trong đó có một số công trình bị hư hỏng nặng như: công trình thủy lợi thôn Bản Thác, xã Yên Hoa, H.Na Hang toàn bộ thân đập bằng rồng thép bị lũ cuốn trôi hoàn toàn; công trình thủy lợi thôn Dằm, xã Yên Thuận, H.Hàm Yên bị lũ cuốn trôi đập đầu mối; công trình thủy lợi Ninh Kiệm, xã Minh Hương, H.Hàm Yên bị đất vùi lấp hết đầu cống và kênh mương dẫn nước…
Thủ đô Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng và Thái Bình… cũng đã có mưa rất lớn khiến nhiều tuyến phố bị ngập úng, ách tắc giao thông. Tại vùng trung tâm Hà Nội, mưa lớn kéo dài đã khiến một số tuyến phố như Mạc Thị Bưởi, Quan Nhân, Vũ Trọng Phụng, Phạm Văn Đồng… bị ngập.
Đặc biệt, tại TP.Hải Phòng, nhiều khu dân cư ở xã Việt Hải, H.Cát Hải vốn là ốc đảo và toàn bộ 137 ha đất sản xuất, ngập sâu từ 0,5 – 2,5 m, trong đó có 30 hộ tại thôn 2 bị ngập từ 1,5 – 2,5 m. UBND H.Cát Hải, TP.Hải Phòng đã huy động nhiều lực lượng để khắc phục ngập lụt, tuy nhiên do trên địa bàn vẫn tiếp tục có mưa, ngoài ra do triều cường và nước từ các suối tiếp tục đổ về nên việc tiêu thoát nước chậm, các khu vực nói trên vẫn đang bị ngập úng.
Đan Hạ – Phan Hậu
Theo Thanhnien
Dốc sức cứu hầm lò
Trong khi hàng ngàn công nhân đang làm việc không kể ngày đêm giải cứu các khai trường, hầm mỏ thì dự báo Quảng Ninh tiếp tục đón mưa lớn trong những ngày tới.
Công nhân vận chuyển đường ống bơm nước, cây gỗ để giải cứu và gia cố hầm lò - Ảnh: P.Hậu
Gần một tuần sau trận mưa lớn, khung cảnh tan hoang vẫn bao trùm lên toàn bộ khai trường khai thác than của Công ty CP than Cọc Sáu (P.Cẩm Phú, TP.Cẩm Phả, Quảng Ninh).
Moong than chìm trong biển nước
Anh Nguyễn Khoa Bằng, Bí thư Đoàn thanh niên Công ty CP than Cọc Sáu, nói với giọng buồn bã: "Ngày 1.8 hằng năm luôn là ngày vui trọng đại của toàn thể công ty. Theo kế hoạch năm nay, công nhân được phát tiền và dự liên hoan mừng sinh nhật 55 năm ngày thành lập công ty. Trận mưa lớn đã phá hỏng tất cả khiến không còn ai tâm trí nhắc đến bữa tiệc vui vẻ ấy nữa, thay vào đó là sự lo lắng hoang mang. Bởi khi khai trường chưa thể hoạt động đồng nghĩa công nhân không có việc làm, thu nhập".
Xe chở chúng tôi dừng lại ở mạn phía bắc của moong than, nhìn xuống toàn cảnh khai trường chìm trong biển nước. Phía xung quanh, gần như toàn bộ hệ thống đường sá bị mưa lũ phá hủy. Đoạn bị cuốn trôi, đoạn bị xói lở, đứt gãy. Còn ở những đoạn kiên cố thì bùn đất chảy thành dòng bít lối đi khiến xe không thể vượt qua. Nhiều máy móc bị bùn đất đẩy trôi, nằm chênh vênh bên mép đường chỉ chực chờ rơi xuống biển nước dưới moong than.
Anh Nguyễn Văn Linh, Phó trưởng phòng Kỹ thuật khai thác, cho biết mưa lũ khiến toàn bộ hệ thống phà bơm thoát nước, bơm chuyển tiếp bị hỏng hóc, không thể vận hành. Trong khi đó, đường xuống khu vực đặt phà bơm, bùn đất lấp đầy. Chưa thể khôi phục sản xuất, toàn bộ máy móc thiết bị được trưng dụng làm việc hết công suất để san gạt mở đường, mục tiêu đầu tiên là sửa chữa khôi phục hệ thống phà bơm. "Đáng lo nhất là moong than ở khai trường bị ngập sâu trong nước, hiện mực nước đang ở mức -130 m, theo ước tính tương đương 4,5 triệu m3 nước và phải mất hàng tháng bơm liên tục mới tiêu thoát hết số nước này, đưa các hoạt động khai thác trở lại bình thường", anh Linh nói.
Xe goòng chứa bao tải cát liên tục được chuyển xuống đường hầm để đắp đập ngăn nước
Phải mất hàng tháng mới khôi phục được hầm lò
Theo báo cáo thiệt hại của Công ty CP than Mông Dương, mưa lũ khiến hàng chục tấn máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ hiện đại phục vụ khai thác than vẫn chìm nghỉm trong các đường hầm và trên 3.000 m đường lò cần phải xử lý khắc phục... Ước tính thiệt hại sơ bộ đã lên tới 670 tỉ đồng.
Trực tiếp chỉ huy công nhân làm việc khắc phục hậu quả mưa lũ, anh Vũ Văn Nam, Phó quản đốc Công trường khai thác 8, Công ty CP than Mông Dương, cho hay dù đã kiểm soát được tình hình phía dưới các hầm lò nhưng cũng không thể chủ quan, vì nước trên bề mặt vẫn chảy xuống đường hầm trong khi dự báo vẫn còn mưa lớn trong những ngày tới.
Dốc sức giải cứu các hầm lò, anh em công nhân chia ca làm việc liên tục, không kể ngày đêm với quyết tâm khắc phục thiệt hại với tiến độ nhanh nhất. Nhưng trên thực tế, lượng nước trong hầm lò ngập sâu từ vị trí -250 m đến vị trí -155 m tương đương với độ sâu khoảng 100 m nước. "Dù công nhân đã làm việc cật lực không kể ngày đêm nhưng cũng phải mất hàng tháng để sửa chữa, khôi phục lại hoạt động", anh Linh nói.
Phan Hậu
Theo Thanhnien
Tất cả du khách mắc kẹt ở Cô Tô đã vào đất liền Tranh thủ thời tiết thuận lợi, hôm nay cả tàu hải quân và tàu cao tốc cùng được huy động để chuyên chở nốt số khách bị mắc kẹt ở Cô Tô (Quảng Ninh). Tổng cộng có 3.400 du khách và người dân đã vào đất liền sau một tuần mắc kẹt trong mưa lũ. Ông Hoàng Bá Nam, Bí thư kiêm Chủ...