Mưa lũ ở Bắc bộ: Đảm bảo an toàn tuyệt đối hồ chứa và vùng hạ du
Tập đoàn Điện lực Việt Nam ( EVN) vừa có công điện thượng khẩn gửi các đơn vị trực thuộc về việc chủ động phòng chống, hạn chế thiệt hại do đợt mưa lớn kéo dài trên diện rộng đang diễn ra ở khu vực Bắc bộ.
Theo đó, EVN yêu cầu các đơn vị ngành điện khẩn trương triển khai phương án phòng chống để đối phó với mưa lũ, giông sét, xử lý kịp thời các tình huống, đảm bảo an toàn cung cấp điện, an toàn cho người, thiết bị, công trình và an toàn cho nhân dân, chuẩn bị đầy đủ người, phương tiện để khắc phục nhanh các sự cố do thiên tai gây ra.
Các đơn vị quản lý lưới điện tăng cường kiểm tra để sớm phát hiện khu vực có khả năng sạt lở đất, ảnh hưởng đến cột, trạm và có phương án xử lý kịp thời.
Các Tổng công ty Điện lực chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đảm bảo cung cấp điện an toàn và ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra, đảm bảo cấp điện an toàn cho các trạm bơm tiêu úng; phối hợp với BCH PCTT và TKCN tỉnh cung cấp điện dự phòng cho các phụ tải quan trọng khi mất nguồn điện lưới; chỉ đạo các Công ty cổ phần thủy điện trực thuộc rà soát kiểm tra công trình, nguồn điện dự phòng, theo dõi sát tình hình thuỷ văn, vận hành hồ chứa theo quy trình, phối hợp chặt chẽ với các địa phương liên quan, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị, công trình, hồ chứa và vùng hạ du.
Các Công ty thuỷ điện kiểm tra công trình, hồ, đập, nguồn điện dự phòng, theo dõi sát tình hình thuỷ văn, mưa lũ, lượng nước về hồ, vận hành hồ chứa theo quy trình, phối hợp chặt chẽ với các địa phương liên quan, thông báo tình hình vận hành hồ chứa cho các cơ quan chức năng theo đúng quy định, tăng cường cảnh báo cho nhân dân vùng hạ du khi vận hành phát điện và vận hành xả lũ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị, công trình, hồ chứa, vùng hạ du.
Các Ban Quản lý dự án kiểm tra công trường, theo dõi sát diễn biến mưa lũ, tổ chức phòng, chống, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị và công trình. Các đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h; tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống và xử lý ảnh hưởng của thiên tai; báo cáo các nội dung liên quan trên trang thông tin điện tử phục vụ công tác PCTT và TKCN EVN (phongchongthientai.evn.com.vn) trước 09h00 và 15h00 hàng ngày.
Trước đó, theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, số người thiệt mạng do mưa lũ ở miền Bắc đang tăng lên rất đáng lo ngại.
Video đang HOT
Cụ thể, theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lũ từ ngày 6 đến 12.7 khiến 13 người chết, một người mất tích, hàng trăm ngôi nhà hư hại, gần 200 m3 đất đá, sạt lở. Trong đó, Hà Giang là địa phương có nhiều người thiệt mạng nhất với 8 người, Thái Nguyên 4 người, các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Hòa Bình đều có người thiệt mạng.
Ngoài ra, mưa lũ còn nhấn chìm và cuốn trôi hàng trăm nhà cửa của người dân; thiệt hại nhiều diện tích lúa và hoa màu; nhiều công trình giao thông, cầu cống bị sạt lở, hư hỏng. Tổng thiệt hại vật chất ước tính 37 tỷ đồng.
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đánh giá, trước tình hình mưa lũ chưa lớn nhưng số người thiệt mạng liên tục tăng là có lý do chủ quan, bất cẩn. Nhiều trường hợp bị lũ cuốn khi đi qua ngầm tràn vẫn diễn ra.
Để giảm thiểu thiệt hại về người, Cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) yêu cầu các địa phương cử người canh gác tại các khu vực ngầm tràn, khu vực ngập sâu và đang cho triển khai thí điểm đèn hiệu cảnh báo khi có mưa lũ.
Đồng thời, các địa phương tiếp tục tổ chức tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi gia đình có người bị thiệt mạng, hỗ trợ dựng lại nhà cửa, ổn định đời sống người dân; khắc phục tạm thời các điểm sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt…
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, mưa lớn kèm theo dông lốc vẫn tiếp tục xảy ra ở các tỉnh Bắc Bộ từ nay (13.6) đến hết ngày 16.7. Các tỉnh vùng núi phía Bắc có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông; thời gian mưa tập trung vào đêm và sáng sớm. Các tỉnh Thái Nguyên, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình cần đặc biệt đề phòng lũ, lũ quét và sạt lở đất. Để chủ động ứng phó mưa, lũ diễn biến bất thường và hạn chế thiệt hại, Thủ tướng Chính phủ đã ra công điện khẩn yêu cầu các địa phương khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, tập trung tổ chức tìm kiếm người còn mất tích, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại; cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ bị mất nhà cửa, không để người dân bị đói; Tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất khi mưa lũ, cảnh báo cho chính quyền và các hộ dân biết, chủ động di dời đến nơi an toàn hoặc có phương án sơ tán khi xảy ra mưa lớn để bảo đảm an toàn tính mạng. Chủ động bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn tại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết khi có mưa lũ, nhất là tại các ngầm, tràn. Huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân dựng lại nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường, chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở sẵn sàng triển khai công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau khi lũ rút.
Theo Danviet
EVN xem khách hàng là trung tâm
Sự chuyển biến mạnh mẽ từ độc quyền sang dịch vụ chăm sóc khách hàng đã tạo ra những đổi thay lớn trong cách nhìn, cách nghĩ của người dân với ngành điện; quyết định sự phát triển bền vững của chính Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Thay đổi từ những con số...
Theo Tổng Giám đốc EVN Đặng Hoàng An, năm 2016, EVN đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu về kinh doanh và dịch vụ khách hàng (KD-DVKH). Cụ thể, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm đạt 11,21%, cao hơn 0,51% so với kế hoạch; tổn thất điện năng đạt 7,57%, giảm 0,13% so với kế hoạch; mức độ hài lòng của khách hàng đạt 7,69/10 điểm, tăng 0,42 điểm so với năm trước đó...
Ngành điện đã dần thay đổi cách tiếp cận, cách bán hàng, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ảnh: V.H
Với chủ đề "Đẩy mạnh khoa học công nghệ", năm nay, EVN sẽ tập trung đầu tư các ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác KD-DVKH như: Đến quý IV/2017 sẽ cung cấp trực tuyến 100% các dịch vụ điện lực; Ứng dụng 100% thiết bị điện tử (máy tính bảng, điện thoại di động...) và phần mềm vào các dịch vụ cấp điện mới, ghi chỉ số công tơ, kiểm tra hệ thống đo đếm, xử lý sự cố; Triển khai thanh toán tiền điện trực tuyến trên website chăm sóc khách hàng của các tổng công ty điện lực...
Làm một phép so sánh dễ dàng nhận thấy, nhiều năm trước tình trạng cắt điện luân phiên, cắt điện đột xuất không báo trước diễn ra thường xuyên... Nhưng hiện nay, trên cả nước hầu như không còn tình trạng cắt điện luân phiên. Mỗi lần cắt điện để sửa chữa, xử lý sự cố đều được thông báo trước. Các sự cố về điện cũng đã giảm nhiều. Việc ghi chỉ số công tơ cũng đã được nhắn tin với ngày ghi cụ thể để khách hàng cùng tham gia giám sát.
Với mục tiêu "cung cấp đủ điện với chất lượng ngày càng tốt hơn", ngành điện đang đầu tư rất lớn cho nguồn nhân lực chăm sóc và thực hiện dịch vụ khách hàng với những chỉ tiêu cụ thể và thường xuyên đào tạo, chấn chỉnh đội ngũ nhân viên trực tiếp giao dịch với khách hàng.
Đến nay, EVN đã đưa vào hoạt động 5 trung tâm chăm sóc khách hàng (CSKH) thuộc 5 tổng công ty điện lực và mở khoảng 900 phòng giao dịch khách hàng trên toàn quốc, giúp người dân dễ dàng tiếp cận tìm hiểu các dịch vụ cũng như trực tiếp kiến nghị khi có những thắc mắc, bất cập nảy sinh trong quá trình sử dụng điện.
Cũng trong năm qua, 5 tổng công ty điện lực đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng để cấp điện cho các khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo. Tính đến hết năm 2016, cả nước có 99,97% xã/phường/thị trấn với 99,12% số hộ dân được sử dụng điện, tăng gần 160.000 hộ dân được sử dụng điện so với năm 2015.
Còn nhiều khó khăn, thách thức
Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành cho biết, công tác KD-DVKH của Tập đoàn đã được cải thiện đáng kể. Kết quả về độ tin cậy cung cấp điện khá ấn tượng như SAIDI (tổng thời gian mất điện khách hàng bình quân) giảm 28,03%, SAIFI (tần suất mất điện kéo dài bình quân) giảm 21,25% so với năm 2015...
"Tại hội nghị tổng kết của EVN diễn ra đầu tháng 1 vừa qua, Tập đoàn cũng được Thủ tướng Chính phủ khen ngợi và đánh giá cao. Đó là sự nỗ lực rất lớn của toàn Tập đoàn, đặc biệt là từ năm 2013, khi EVN bắt đầu thực hiện đổi mới công tác KD-DVKH" - ông Thành chia sẻ.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng tiếp theo, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN cho biết, chỉ tiêu tiếp cận điện năng mặc dù đã tăng 5 bậc so với năm 2015, nhưng Việt Nam vẫn đang ở vị trí 96/190 nền kinh tế và đứng thứ 7 các nước ASEAN. Đáng nói, khoảng cách của Việt Nam so với quốc gia đứng thứ 6 trong các nước ASEAN vẫn còn rất xa (45 bậc). Do đó, nhiệm vụ trong thời gian tới của EVN còn rất nhiều khó khăn, thách thức.
Chia sẻ với báo chí, ông Dương Quang Thành cho biết, với phương châm "khách hàng là sự sống còn của doanh nghiệp", ngành điện đã dần thay đổi cách tiếp cận, cách bán hàng, phục vụ khách hàng. Sự chuyển biến mạnh mẽ từ tư tưởng độc quyền sang dịch vụ chăm sóc khách hàng đã tạo ra những đổi thay lớn trong cách nhìn, cách nghĩ của người dân với ngành điện, quyết định sự phát triển bền vững của EVN. Việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo quyền lợi và sự hài lòng của khách hàng đang trở thành một trong những nét văn hóa doanh nghiệp EVN.
Năm 2017, bên cạnh các chỉ tiêu về sản xuất, kinh doanh, chỉ số đo mức độ hài lòng của người dùng điện tiếp tục được coi là một trong những tiêu chí đánh giá quan trọng sự thành công của các đơn vị điện lực. Không chỉ mời tư vấn độc lập đánh giá sự hài lòng của khách hàng, EVN còn phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành "đo" sự hài lòng của khách hàng doanh nghiệp với ngành điện... Những động thái này rõ ràng cho thấy sự thay đổi lớn trong phương châm hoạt động của ngành điện: Lấy khách hàng là trung tâm của sự phát triển
Tổng Giám đốc Tập đoàn Đặng Hoàng An nhấn mạnh: "Chúng ta cần tiếp tục chuyển đổi nhận thức là đơn vị kinh doanh và xác định công tác KD-DVKH phải được đặt lên hàng đầu. Các đơn vị cần tiếp tục nâng cao độ tin cậy cung ứng điện, giảm thời gian mất điện. Nếu cắt điện sửa chữa phải thông báo trước; Phải trả điện đúng giờ đã thông báo với khách hàng; Quyết liệt thực hiện các giải pháp giảm thời gian tiếp cận điện năng; Nâng cao độ hài lòng của khách hàng".
Cũng theo lãnh đạo Tập đoàn: "Con đường phía trước còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Các đơn vị cần quyết tâm thực hiện thật tốt nhiệm vụ KD-DVKH trong năm 2017 cũng như những năm tới".
Theo Danviet
Tiền hiếu hỷ có thể được tính vào chi phí sản xuất của EVN Dự thảo Quy chế tài chính của Tập đoàn Điện lực đề xuất việc tính thêm các khoản chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo Nghị định ban hành Quy chế Quản lý tài chính của Tập đoàn Điện...