Mưa lũ kéo dài, khiến hơn 2.000 ha lúa ở Gia Lai nằm dài thườn thượt, thối bông, mất gần 20 tỷ đồng
Do ảnh hưởng của vùng áp thấp nhiệt đới, tại huyện Phú Thiện ( Gia Lai) đã xảy ra mưa lớn kéo dài khiến hơn 2.000 ha lúa chuẩn bị thu hoạch đổ rạp, thối bông.
Thậm chí những ruộng lúa mới trổ bông đang còn xanh cũng bị đổ la liệt, thiệt hại lên đến gần 20 tỷ đồng.
Để ghi nhận thực tế, PV báo điện tử Dân Việt đã ngược về nơi được mệnh danh là vựa lúa lớn nhất tỉnh Gia Lai, nơi đây cũng là thương hiệu gạo nổi tiếng. Trái với không khí nhộn nhịp, phấn khởi vì được mùa, chúng tôi chỉ thấy những tiếng thở dài ngao ngán của nông dân. Theo quan sát của PV, hầu hết những ruộng lúa chưa kịp thu hoạch đều đổ rạp, chờ thối.
Gần 2000 ha lúa ở Phú Thiện bị đổ rạp do mưa lũ kéo dài
Thở dài ngao ngán trước 5 sào lúa đổ chưa thể thu hoạch, 5 ngày nay ông Nguyễn Văn Thắng (thôn Thắng Lợi 2, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) đang phải thuê công đi tháo nước và dựng lúa lên để tránh việc thối bông vì diện tích lúa này còn xanh chưa thể thu hoạch.
Lúa đổ rạp không thể gặt máy, người dân đành thuê người gặt tay
“Cũng vì mưa lớn kéo dài khiến lúa đổ như vậy, những năm trước thu hoạch đóng bao xong xuôi hết mới mưa. Với diện tích 5 sào này, vụ mùa trước gia đình tôi đã thu về gần 6 tấn, vụ này không biết có được 4 tấn không. Mấy ngày nay đã mất mấy công đi dựng lúa lên, vì lúa còn xanh sợ thối, đen hết bông lại bị ép giá thì khổ. Nếu thời tiết tiếp tục mưa lớn kéo dài như vậy, xanh cũng phải thu vì dựng lên lúa sẽ đổ tiếp…Nói chung năm nay thời tiết chán lắm, trồng cây gì, con gì cũng bị thất thu”, ông Thắng buồn rầu nói.
Lúa đổ từ khi còn xanh, đến khi chín đã bị thối hết bông
Video đang HOT
Theo thông tin từ phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phú Thiện cho biết, những ngày qua do ảnh hưởng vùng áp thấp nhiệt đới, mưa lũ kéo dài đã khiến 2.107 ha chín và sắp chín bị ngã đổ. Trong đó, có hơn 1.900 ha lúa thiệt hại trên 30% năng suất và 116,2 ha bị thiệt hại dưới 30% năng suất
Một số ít đã mọc mầm vì không thu hoạch kịp
Cùng chung tâm trạng lo lắng vì lúa đổ nhưng chưa thu hoạch được, anh Tống Văn Trường (xã Ia Sol) bị thiệt hại nặng hơn do lúa đổ khá lâu, một số ít đã lên mầm. Hiện tại, anh không thể thu hoạch bằng máy vì lúa đã đổ ẹp. Mấy ngày nay cả gia đình anh Trường cùng 3 người làm thuê phải ra đồng từ sớm để gặt tay những diện tích lúa đổ.
Nhiều nông dân bất lực nhìn lúa ngã đổ
Trò chuyện chúng tôi, anh Trường thở dài nói: “Giờ cũng phải thu hoạch thôi, chả lẽ bỏ ở đồng người ta cười. Chí ít vớt vát được đồng nào hay đồng đó, nông dân mà. Vụ mùa này được 1 nửa so với vụ trước, cũng may có 3 sào thu hoạch trước mới được 4 tấn/ha. Vụ trước đạt 8 tấn/ha, gấp đôi vụ này. Giờ lúa đổ công gặt, công tuốt… đủ thứ tiền…”.
Vụ mùa này hầu hết đều bị giảm năng suất và chất lượng
Hầu hết vụ mùa này, hộ dân nào cũng bị giảm năng suất và chất lượng do mưa lũ kéo dài khi trổ bông và chuẩn bị thu hoạch. Những ngày này, người dân đang gấp rút thu hoạch những diện tích lúa bao gồm cả xanh và chín. Một số hộ may mắn hơn lúa mới đổ thì vẫn có thể gặt bằng máy nhưng một số hộ lúa đổ lâu phải thuê công gặt tay.
Hiện người dân đang gấp rút thu hoạch những diện tích còn lại
Các tỉnh miền Trung thiệt hại nặng nề do mưa lũ kéo dài
Tính đến 17h30 ngày 12/10, mưa lũ kéo dài tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã khiến 23 người chết và còn 18 người đang mất tích, nhiều tài sản và hoa màu của người dân bị lũ cuốn trôi, theo số liệu của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn.
Lực lượng cứu hộ tỉnh Quảng Trị tập trung đưa người dân ra khỏi vùng ngập. Ảnh: Báo Quảng Trị
Quảng Bình còn hơn 2.000 ngôi nhà bị ngập
Thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh cho biết, đến ngày 12/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn còn 2.721 nhà đang bị ngập trong nước lũ.
Thống kê bước đầu, mưa lũ đã khiến 15.197 nhà bị ngập, hư hỏng; có 8 tàu thuyền đánh cá bị chìm, trôi dẫn đến hư hỏng; 977 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại (Tuyên Hóa 17ha, Ba Đồn 123ha, Đồng Hới 359ha, Quảng Ninh 194ha, Lệ Thủy 284ha); 807 ha rau màu bị thiệt hại (Tuyên Hóa 13ha, Ba Đồn 150ha, Quảng Ninh 408ha, Lệ Thủy 235ha); 9.249 con gia súc, gia cầm bị chết hoặc bị cuốn trôi (Lệ Thủy 8.478 con, Quảng Ninh 768 con); nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng nặng chưa thể đánh giá cụ thể về giá trị thiệt hại.
Chính quyền Quảng Bình liên tục cung ứng lương thực, thực phẩm, nước uống... đến tận nhà cho người dân vùng ngập lũ. Ảnh: Báo Quảng Bình
Trên địa bàn huyện Quảng Ninh hiện còn 1.221 nhà bị ngập nước (ở các xã vạn Ninh, Tân Ninh, Gia Ninh, Duy Ninh, Hàm Ninh, Võ Ninh và thị trấn Quán Hàu); huyện Lệ Thủy còn 1.500 nhà bị ngập nước (tại các xã Liên Thủy, Xuân Thủy, An Thủy, thị trấn Kiến Giang, Lộc Thủy, Phú Thủy, Mỹ Thủy, Hồng Thủy).
Trên địa bàn huyện Minh Hóa hiện còn 4 bản; huyện Quảng Ninh có 4 bản và 9 thôn bị chia cắt giao thông do nước lũ hoặc đường bị sạt lở, không lưu thông được.
Quảng Trị có 7 người chết
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, tính đến chiều 12/10, mực nước lũ trên địa bàn vẫn đang dâng cao đã khiến gần 41.000 nhà dân bị ngập sâu trong nước.
Mưa lũ cũng đã khiến 7 người chết, 6 người mất tích, 3 người bị thương. Để kịp thời hỗ trợ, sẻ chia với bà con người dân vùng lũ, chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh đã huy động tối đa phương tiện, lực lượng đến những khu vực chia cắt bởi nước lũ để cung cấp mỳ tôm, nước uống, thuốc men cho bà con.
Sạt lở đất kinh hoàng trên tuyến QL9 đoạn qua huyện Đakrông. Ảnh: Báo Thanh Niên
Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Phan Văn Giải cho biết: trên địa bàn có hơn 2.000 nhà dân bị ngập, nhiều ngôi làng bị cô lập không tiếp cận được. Mất nước, mất điện, đời sống người dân vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Trước tình hình trên, huyện đã tổ chức đưa các đoàn về những địa bàn vùng khó khăn để hỗ trợ người dân lương thực, thực phẩm với quyết tâm không để người dân nào bị đói, rét trong trận lũ này.
Lũ trên sông Thạch Hãn vẫn đang lên, nguy cơ lũ đợt 3 rất nguy hiểm, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Triệu Phong vẫn đang cắt cử lực lượng di dời người dân ở vùng xung yếu đến nơi an toàn...
Thừa Thiên-Huế di dời hơn 35.000 người
Tính đến 16 giờ ngày 12/10, toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có 5 người chết, 1 người mất tích, 7 người bị thương do mưa lũ gây ra.
Trong đợt mưa lũ này, đã có gần 63.000 ngôi nhà bị ngập; trong đó, những địa phương có nhiều nhà bị ngập như: huyện Phong Điền (13.003 nhà), huyện Quảng Điền (16.228 nhà), thị xã Hương Trà (11.279 nhà). Đến nay, toàn tỉnh có 332 ha hoa màu,150 ha sắn, 1 ha cây ăn quả, 10 ha đất trồng hoa và 10.000 chậu hoa các loại bị thiệt hại.
Tính đến chiều 12/10, toàn tỉnh đã di dời 11.608 hộ với 35.435 khẩu do ngập lụt; nguy cơ sạt lở đất.
UBND tỉnh đã chỉ đạo xuất cấp mỳ tôm từ dự trữ lương thực phòng chống thiên tai cấp tỉnh để cứu trợ khẩn cấp cho hộ di dời phòng tránh mưa lũ trên địa bàn các huyện và thị xã với tổng số 25.000 thùng mỳ tôm.
Thừa Thiên Huế: Đặc biệt quan tâm đến người già, trẻ nhỏ và người bệnh tật Trước diễn biến phức tạp của đợt mưa lũ kéo dài, ngày 12/10, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức họp trực tuyến với các sở, ban, ngành, địa phương về công tác ứng phó lũ lụt trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo Thừa Thiên Huế yêu cầu đặc biệt quan tâm đến người già, trẻ em, người bệnh tật...