Mưa lớn gây ngập lụt cục bộ tại Ea Súp, Đắk Lắk
Từ đêm 15 đến sáng 16/10, trên địa bàn huyện biên giới Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk có mưa vừa, mưa to đến rất to khiến hàng chục nhà dân bị ngập sâu, nhiều người dân bị cô lập trong các chòi rẫy và gây chia cắt cục bộ tại một số địa phương.
Nhiều nhà dân ở xã Cư Kbang, huyện Ea Súp bị ngập do mưa lũ.
Tính đến 11h ngày 16/10, ghi nhận tại xã Cư Kbang tình trạng ngập lụt diễn ra phức tạp nhất, có 5 hộ nhà ngập sâu trong nước từ 1-3m và hàng chục hộ khác có nhà bị ngập. Lực lượng Công an và dân quân tự vệ xã đã di dời 21 hộ ở trong các chòi lán khu vực suối 31 và các khu vực ngập sâu trên địa bàn xã Cư Kbang về nơi an toàn.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Đảng ủy xã Cư Kbang, huyện Ea Súp cho biết: Ngoài 21 hộ dân được di rời trong sáng 16/10, xã cũng có 14 người bị cô lập trong các chòi rẫy khi đi sản xuất nông nghiệp. Địa phương đã huy động các lực lượng tại chỗ dùng ca nô chuyên dụng di chuyển đến các chòi rẫy có người dân bị cô lập để đưa ra khỏi vùng nguy hiểm.
Đến chiều cùng ngày, lực lực lượng công an đã ứng cứu 14 người dân đưa đến nơi an toàn. Hiện diễn biến mưa lũ được dự báo phức tạp nên khuyến cáo người dân canh tác xa nhà, ở trong các chòi rẫy thuộc khu vực trung, thấp phải chủ động nắm thông tin về tình hình thời tiết để chủ động ứng phó, tránh thiệt hại về người khi mưa lũ.
Nhiều nhà dân ở xã Cư Kbang, huyện Ea Súp bị ngập do mưa lũ.
“Diện tích lúa nước, hoa màu, cây công nghiệp bị ngập tương đối lớn, chủ yếu là cây lúa, cây sắn, cây đậu và cây bắp, trong đó có một số diện tích mới gieo sạ, một số đang thu hoạch. Trước mắt, xã đảm bảo đời sống cho người dân và các hộ gia đình bị ngập. Đồng thời, thống kê tài sản, vật chất của gia đình để báo cáo, trong khả năng của xã hỗ trợ kịp thời và đề nghị cấp trên hỗ trợ người dân đảm bảo đời sống, sản xuất”, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết thêm.
Video đang HOT
Là một trong những người bị cô lập trong chòi rẫy, anh Hoàng Văn Vinh, thôn 12, xã Cư Kbang, huyện Ea Súp cho biết, gia đình có 5 người ở trong chòi rẫy để canh tác cây đậu. Từ đêm 15 đến rạng sáng 16/10 mưa to liên tục, nước lũ dâng lên rất nhanh, đến sáng 16/10 chòi rẫy đã bị ngập gần 1 mét. Rất may mắn khi lực lượng công an đến ứng cứu kịp thời đưa cả gia đình về khu vực an toàn.
Ngoài ra, tại thị trấn Ea Súp cũng đã xảy ra ngập cục bộ nhiều vị trí, có khoảng 20 hộ dân bị ngập sâu và chia cắt phải di dời khẩn cấp.
Một số xã hiện đang bị ngập cục bộ ở các điểm dân cư như: Xã Ya Tờ Mốt, xã Cư Mlan, một số xã chưa bị ảnh hưởng. Tuy nhiên qua nắm bắt tình hình, mực nước đang lên nhanh tại các xã: Ea Rốk, Ia Rvê, Ia Lốp… người dân cần đề phòng lũ dâng lên trong đêm. Về sản xuất nông nghiệp, hiện tại các cánh đồng, ao nuôi cá ngập trắng trong nước lũ, nhiều công trình giao thông cũng bị ảnh hưởng nặng, hiện chính quyền địa phương đang thống kê thiệt hại.
Tuyến đường liên huyện Ea Súp đi huyện Ea Hleo bị ngập sâu khiến giao thông khó khăn.
Ông Phạm Công, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Ea Súp cho biết: Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, UBND huyện đã trực tiếp vào chỉ đạo ứng phó tại xã Cư Kbang, huy động các lực lượng tại chỗ tổ chức di dời người và tài sản của những hộ ngập sâu đến nơi an toàn. Dự báo mưa lũ trong những ngày tới còn hết sức phức tạp, nước đầu nguồn đổ về nguy cơ xảy ra lũ lụt rất cao. Các địa phương ở vùng trũng, thấp triển khai phương án ứng phó với mưa lũ, trong đó quán triệt tinh thần phải quyết liệt di dời người và tài sản của nhân dân đến nơi an toàn, nhất là người già, phụ nữ, trẻ em nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Dầm mình thu hoạch lúa 'chạy lũ'
Từ ngày 9/9 đến nay tại tỉnh Đắk Lắk có mưa lớn, gây ngập lụt cục bộ trên địa bàn một số huyện.
Tại huyện Lắk, tính đến ngày 11/9 đã có trên 230 ha lúa chuẩn bị thu hoạch bị ngập trong nước. Người dân tại đây đang nỗ lực thu hoạch lúa để tránh lụt, giảm bớt thiệt hại do thiên tai gây ra.
Người dân xã Đắk Liêng, huyện Lắk "chạy đua với thời gian" để thu hoạch lúa trước khi nước lũ dâng cao.
Ông Phạm Xuân Huế, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Buôn Tría, huyện Lắk, cho biết, địa phương có hơn 900 ha lúa đang vào kỳ thu hoạch. Những ngày qua, trên địa bàn có mưa nhiều, mực nước trên các sông, suối tràn bờ, khiến nhiều diện tích lúa hè thu chuẩn bị thu hoạch bị ngập trong nước.
Ngay trong đêm 10/9, khi nước ở các cánh đồng dâng cao, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã huy động người, phương tiện để thu hoạch chạy lũ nhằm bớt thiệt hại. Dù năng suất, sản lượng lúa gặt sớm sẽ giảm khoảng 50% nhưng với phương châm "xanh nhà hơn già đồng", chính quyền địa vận động nhân dân tranh thủ mọi nguồn lực, máy móc để triển khai thu hoạch lúa không kể ngày đêm.
Người dân xã Đắk Liêng, huyện Lắk đầm mình trong cánh đồng ngập nước để gặt lúa với hy vọng vớt vát một phần sản lượng.
Bà Nguyễn Thị Mến, xã Buôn Tría, cho biết, vụ Hè Thu năm nay, gia đình bà có 1 ha lúa nước, trong đó có 6 sào lúa còn khoảng 10 ngày nữa sẽ đến kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, khi thấy nước dần tràn vào các cách đồng, ngay trong đêm 10/9 gia đình đã huy động nhân lực, máy móc thu hoạch để vớt vát phần nào. Do lúa chưa chín nên ước tính thiệt hại là khoảng 50%, tuy nhiên gia đình chấp nhận vì khi nước ngập cánh đồng thì toàn bộ diện tích sẽ bị mất trắng.
Người dân xã Đắk Liêng, huyện Lắk "chạy đua với thời gian" để thu hoạch lúa trước khi nước lũ dâng cao.
Xã Đắk Liêng, huyện Lắk, là địa phương bị thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa lũ này. Theo thống kê sơ bộ, đã có hơn 130 ha lúa bị ngập sâu trong nước, diện tích này gần như mất trắng.
Người dân xã Đắk Liêng, huyện Lắk "chạy đua với thời gian" để thu hoạch lúa trước khi nước lũ dâng cao.
Ông Y Săn Kyang, xã Đắk Liêng, chia sẻ, gia đình ông có 6 sào lúa sắp thu hoạch, ước tính vụ này sẽ thu được khoảng 8 tấn lúa. Nhưng do diện tích lúa ở vùng trũng thấp nên hiện đã bị ngập sâu trong nước. Gia đình vẫn cố gắng thu hoạch ở diện tích lúa bị ngập với hy vọng khi thời tiết thuận lợi sẽ phơi thóc nhằm cứu vãn được một phần. Nếu mưa tiếp tục kéo dài, thóc ẩm sẽ được làm thức ăn cho gia súc.
"Hiện bà con đều phải gặt chạy lũ nên không thể thuê, nhờ nhân công, việc gặt thủ công trong điều kiện ngập nước cũng rất khó khăn, do đó cố cứu vớt được phần nào hay phần ấy", ông Y Săn Kyang chia sẻ.
Người dân xã Đắk Liêng, huyện Lắk vận chuyển lúa sau khi thu hoạch.
Ông Nguyễn Viết Quang, Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của huyện Lắk, khuyến cáo, trước tình hình thiệt hại do mưa lũ và dự báo thời tiết còn diễn biến phức tạp trong những ngày tới, bà con nên tranh thủ thu hoạch những diện tích lúa chín, tận thu những diện tích bị ngập lụt để giảm bớt thiệt hại. Chính quyền các địa phương cũng cần thống kê các diện tích bị thiệt hại để có phương án hỗ trợ người dân theo quy định.
Người dân xã Buôn Tría, huyện Lắk phải gặt lúa chưa chín để "chạy lũ".
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, trong những ngày qua, trên địa bàn một số huyện xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn, lốc xoáy, do đó người dân cần theo dõi dự báo, diễn biến của thời tiết để chủ động trong sản xuất, lao động nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Hòa Bình: Mưa lớn gây sạt lở tại nhiều nơi, một số tuyến đường bị ách tắc Ngày 16/10, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 8 và gió mùa Đông Bắc tăng cường gây mưa lớn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, tại một số điểm có mưa vừa, mưa to đến rất to đã làm sạt lở nghiêm trọng tại một số địa phương. Đặc biệt, trên tuyến đường 435, khu vực đầu tuyến thành phố Hòa...