Mùa khoe bảng điểm lung linh của con lại về khiến dân mạng “bội thực”, 1 ông bố ở TP.HCM mệt mỏi đến mức phải ra thông báo cực rắn như này
Sau mùa thi là mùa… khoe điểm. Việc phụ huynh khoe điểm số, giấy khen của con lên mạng xã hội năm nào cũng gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Ngay sau khi đi họp phụ huynh về, có điểm tổng kết của con, chị H.L, phụ huynh một trường THCS ở TP. HCM đã nhanh tay đăng bảng điểm lung linh của con lên trang cá nhân. Đây là việc thường niên, định kỳ của chị mỗi năm 2 lần, sau mỗi đợt thi của con.
Facebook của chị nhận được những lời chúc mừng, khen ngợi, trầm trồ. Người mẹ “khiêm tốn” nói, con mình cũng vừa vừa thôi, vẫn chưa đạt… như kế hoạch.
Những điểm số lung linh khiến phụ huynh không “kìm lòng” được và khoe lên mạng xã hội.
Một người mẹ khác có con học THPT ở quận 3 lại khoe điểm con ở một tâm trạng khác. Con chị ở nhóm học sinh có điểm tổng kết học kỳ cao nhất. Chị cầm bảng điểm nhưng lăn tăn mãi có nên đăng không vì bản thân cũng khá ngại chuyện một số người móc mỉa mình khoe con.
Nhưng với chị, đây chỉ là cảm xúc của người mẹ, khoe con mình chứ không khoe con người khác. Khi đăng bảng xếp hạng, chị cũng tế nhị che hết tên tất cả các học sinh khác. Với tâm thế chia vui là chính, dường như chia sẻ của chị nhận được khá nhiều đồng cảm.
Những bảng điểm vẫn có sức thu hút lạ kỳ với mọi người.
Những ngày qua, bảng điểm của con trẻ lại được nhiều phụ huynh khoe lên mạng xã hội. Dù nhiều người cho rằng mình không quan tâm đến thành tích, điểm số và chuyện điểm 9, 10 đã như là điểm “phổ cập toàn dân” nhưng những bảng điểm vẫn có sức thu hút lạ kỳ với mọi người. Tâm trạng của nhiều phụ huynh vẫn luẩn quẩn quanh chuyện điểm số của con.
Video đang HOT
Rất nhiều người bình luận vào chia sẻ, khen ngợi, đánh giá… mà ẩn đằng sau đó không ít nỗi niềm. Rõ nhất là nhiều phụ huynh không thoát ra được tâm lý so bì con mình với con nhà người khác dù có thể không cố ý.
“Bây giờ khoe điểm cũng hài hài. Có người họ cũng vào hưởng ứng, khen này nọ nhưng thật ra họ cười trong bụng. Còn người nào không thích việc khoe điểm thì họ sẽ rất dị ứng, khó chịu” , một phụ huynh bình luận.
Đừng tạo thêm áp lực cho con
Từ tháng 6/2017, Luật Trẻ em có hiệu lực và vấn đề bố mẹ đưa bảng điểm của con lên mạng đã được đặt ra. Theo đó, cha mẹ muốn đưa thông tin cá nhân, trong đó có điểm số của con trẻ lên mạng, phải hỏi ý kiến của trẻ, nếu không sẽ phạm luật. Điều này không chỉ bảo vệ thông tin cá nhân của trẻ mà còn nhằm đảm bảo an toàn cho các em.
Nhiều phụ huynh không biết rằng việc đưa thông tin, kết quả học tập của học sinh lên mạng có 2 mặt. Về mặt tích cực, trẻ tự hào vì được người lớn khen. Nhưng phần lớn chỉ là học sinh bậc tiểu học. Từ bậc trung học trở lên, do thay đổi tâm sinh lý, các em không muốn khoe điều này.
Ở khía cạnh tiêu cực, việc đưa kết quả của con lên mạng vô hình trung tạo áp lực học tập, năm sau phải cố gắng. Nếu không đạt, trẻ thường tìm mọi lý do để che giấu, nói dối, hậu quả khôn lường.
Điểm số của con trẻ có thể là niềm tự hào của cha mẹ này nhưng cũng có thể là nỗi tủi hổ của bố mẹ khác. Vì con khiến họ không ngẩng đầu lên được hoặc bố mẹ hiểu rằng, con không giỏi đến mức ấy nhưng do thành tích nhà trường mà con được “cân nhắc” cho điểm cao hơn.
Mới đây, trong mùa tổng kết năm học, mùa thi, một ông bố ở TP. HCM thông báo, sẽ “chặn” bất kỳ bạn nào trên Facebook của mình mà khoe giấy khen, điểm số của con.
Anh này cho biết, sau khi tổng kết năm học, các em học sinh trải qua một số kỳ thi như vào lớp 6, thi lớp 10, thi lớp 12. Như mọi năm, anh thấy nhiều bố mẹ từ khoe thành tích, giấy khen, xếp hạng, lại bắt đầu khoe điểm thi, trường thi của con.
Ông bố ở TP. HCM thông báo, sẽ “chặn” bất kỳ bạn nào trên Facebook của mình mà khoe giấy khen, điểm số của con.
“Bố mẹ khoe về bản thân thoải mái. Nhưng khoe giấy khen, điểm số của con mình thấy phản cảm, như thể đứa con là “trang sức” của họ vậy. Con học giỏi, điểm tốt ai cũng vui nhưng đó là việc của con, chưa kể qua một kỳ thi, còn rất nhiều trẻ chưa đạt được kết quả tốt, cần sự tế nhị” , anh chia sẻ.
Không chỉ vị phụ huynh này, trên mạng xã hội, một số người tuyên bố chặn những người khoe giấy khen, điểm số của con. Họ cho rằng, bố mẹ khoe điểm của con trước hết là thiếu tôn trọng quyền riêng tư của con, rồi có thể làm tổn thương những đứa trẻ khác.
Những đứa trẻ đạt điểm số cao khi đang đi học chưa chắc là những đứa trẻ thành công trong cuộc đời. (Ảnh minh họa)
Trên thực tế, không phải học sinh kém mà những đứa bé học giỏi, sớm có nhiều thành tích lại là những trẻ gánh nhiều áp lực nhất. Các em bị áp lực thành tích sau phải cao hơn trước, áp lực từ sự kỳ vọng của bố mẹ, áp lực không được quyền thua cuộc, thất bại… Cha mẹ nên cho con hiểu, thành tích con đạt được sẽ “nhân thêm niềm vui” cho cha mẹ chứ không phải vì không đạt thành tích sẽ làm cho cha mẹ buồn.
Những đứa trẻ đạt điểm số cao khi đang đi học chưa chắc là những đứa trẻ thành công trong cuộc đời. Điều này, đòi hỏi phụ huynh phải biết cân bằng giữa việc học kiến thức với trau dồi các giá trị sống, kỹ năng sống.
Nhà văn Hoàng Anh Tú: "Hãy nhìn nhận thành thật với nhau rằng việc một đứa trẻ không có giấy khen là một vấn đề!"
"Ở một góc độ nào đó, chúng ta cần phải thừa nhận rằng con chúng ta đang dốt nhất lớp, lười nhất lớp và không quan tâm đến việc học hành. Vậy đó có thể là vì điều gì?", nhà văn Hoàng Anh Tú bày tỏ.
Mới đây, bức ảnh chụp tại một lớp học đã vô tình làm nổ ra một cuộc tranh cãi gay gắt trong cộng đồng mạng. Theo đó trong khi cả lớp đều nhận được giấy khen thì chỉ riêng một cậu bé không có và ngồi tiu nghỉu, lạc lõng bên cạnh các bạn. Nhiều người thương cảm cho cậu học trò nhỏ này. Không chỉ vậy, một bộ phận cư dân mạng còn cho rằng: Những đứa trẻ nhận giấy khen đều là "gà công nghiệp" và có thể cậu bé không được phần thưởng kia lại chính là "sếp tương lai đang ngồi chọn lựa nhân viên".
Sau nhiều tranh cãi của cộng đồng mạng, cả tích cực và tiêu cực thì mới đây, nhà văn Hoàng Anh Tú đã có một bài viết bày tỏ quan điểm của mình trên trang cá nhân. Chia sẻ của anh Chánh Văn nhận được nhiều lời đồng tình bởi nói lên hiện trạng xã hội một cách chân thực:
"Mùa họp phụ huynh đến rồi, xin gửi tặng các cha mẹ có con giống như cậu bé trong ảnh: Không có giấy khen!
Ở cái thời chúng ta đi học, số bạn có giấy khen luôn ít hơn số bạn không có giấy khen. Nhưng ở thời này, cũng phải chục năm nay rồi, giấy khen đã được phổ cập, không có lưu ban và mọi đứa trẻ đều hoàn thành nhiệm vụ đến hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nên nếu con ta không có giấy khen, thật sự là cú shock với nhiều cha mẹ. Thôi, đừng nói an ủi nhau rằng "đời bố cũng không được giấy khen nên con không có cũng không sao". Cũng đừng nói kiểu "sau này thằng không có giấy khen sẽ làm sếp của lũ có giấy khen". Tôi nghĩ những lời an ủi đó chả vui chút nào.
Tôi vẫn nghĩ chúng ta cần phải nhìn nhận một cách thành thật với nhau rằng việc một đứa trẻ không có giấy khen là một vấn đề. Nghiêm trọng hay không là tuỳ từng cha mẹ. Tôi biết nhiều cha mẹ có thể shock nhưng không biến nó thành nghiêm trọng. Có những cha mẹ sẽ đau đầu vật vã. Là tôi chắc tôi cũng sẽ shock dù tôi vẫn nói tôi không quan trọng thành tích học tập của con. Tôi sẽ buồn vì tôi biết con mình đang rất đau khổ.
Lũ trẻ không vô tư khi chỉ mình mình không có giấy khen đâu. Tôi sẽ không nói với con kiểu: "Ồ không sao cả!". Tôi thấy nếu tôi nói thế, con tôi sẽ chẳng bớt buồn. Tôi sẽ nói với con về thất bại và quyền được thất bại của con. Chúng tôi sẽ cùng nhau tìm giải pháp để bằng chúng bằng bạn trong năm kế tiếp. Tôi có thể chuyển lớp cho con nếu như việc này có dấu hiệu ám ảnh con.
Tôi không mấy tin tưởng vào giáo dục phổ thông của chúng ta nhưng đó không phải là lý do để con tôi trở thành đứa trẻ duy nhất không đạt mức phổ cập. (Nếu coi giấy khen như xác nhận con hoàn thành mốc phổ cập). Ở đây, đó là trách nhiệm. Là con chúng ta đã không hoàn thành trách nhiệm của chúng. Tấm giấy khen phổ cập là trách nhiệm mà con phải hoàn thành. Chứ không phải có giấy khen đó cho mặt mũi, sĩ diện của bố mẹ.
Ở một góc độ nào đó, chúng ta cần phải thừa nhận rằng con chúng ta đang dốt nhất lớp, lười nhất lớp và không quan tâm đến việc học hành. Vậy đó có thể là vì điều gì? Vì không học được hay không muốn học? Vì cô giáo không quan tâm hay vì đứa trẻ đang không quan tâm? Vì chúng ta bỏ mặc con hay vì con đã bỏ mặc việc học hành? Là gì thì chúng ta hãy cứ phải đi tìm cho ra lý do thay vì chửi bới nền giáo dục này. Hơn 20 triệu học sinh sinh viên vẫn đang tham gia nền giáo dục này kia mà?
Tôi phản đối việc nhiều cha mẹ đặt nặng thành tích của con cái thành sĩ diện của bản thân. Nhưng tôi cũng không ủng hộ việc cha mẹ coi nhẹ việc học hành của con, coi chuyện học hành của con sao cũng được miễn con là kẻ tử tế. Giáo dục và kiến thức góp phần giúp con bạn trở thành người tử tế đấy. Kiến thức nhà trường dù thế nào thì nó cũng có những giá trị nhất định. Như những điểm 10 giúp con ham học hơn. Như những điểm 1 khiến con chán nản đi. Điểm số cũng có những tác động đến tinh thần học tập của con. Một đứa trẻ ham học hỏi vẫn tốt hơn một đứa trẻ lười học hỏi. Mà giấy khen ở mức độ phổ cập thế này thì việc con bạn trở thành đứa trẻ chán học vì chẳng có giấy khen là rất dễ xảy ra.
Mùa họp phụ huynh đã tới. Tôi vẫn hào hứng đợi kết quả học tập của con mình. Không phải để tự hào vì chúng đạt học sinh giỏi mà là để chung vui với thành công bước đầu của con. Không phải để giận dữ nếu con học kém, không có giấy khen, mà là để chia sẻ cùng con về thất bại đầu đời. Là gì thì con tôi cũng là trung tâm của CHÍNH CHÚNG. Chứ không phải học cho bố mẹ.
Phải! Tôi may mắn khi cả 3 đứa nhà mình đều thuộc về 99% những đứa trẻ có giấy khen. Nên thật khó để khuyên nhủ những bậc cha mẹ có con học lực trung bình hay không có giấy khen. Chỉ là mong lắm một cái ôm cha mẹ hãy dành tặng con mình sau cuộc họp phụ huynh thay vì vẻ mặt hầm hầm. Con mình, dù thế nào, vẫn mãi là con mình mà, phải không?".
Bức ảnh "bạn có tình yêu, tôi có giấy khen" siêu cà khịa, điều đáng nói ai cũng phải liên tưởng đến một trường hợp đối nghịch khác Cả đội F.A cùng cầm trên tay "bảo bối" chứng minh đi 1 mình, kết quả học tập mĩ mãn hơn. Thế nhưng... Bạn có tình yêu, còn tôi có... giấy khen và chúng tôi được quyền ngồi đây ôm tờ giấy khen này để "chống mắt lên" xem các bạn hạnh phúc kiểu gì? Bức ảnh với thông điệp rõ ràng như...