Mua hàng online, thanh toán tiền mặt: Thu thuế bằng cách nào?
Thất thu thuế khu vực thương mại điện tử (TMĐT), trong đó có bán hàng qua mạng là câu chuyện được đề cập đến rất nhiều trong thời gian qua. Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã đưa ra quy định tăng cường phối hợp với các ngân hàng để xác định doanh thu đối với hình thức kinh doanh này. Tuy nhiên, làm thế nào để xác định doanh thu chính xác là câu hỏi đang được nhiều người đặt ra.
Ảnh minh họa
Xung quanh vấn đề này, Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với bà Tạ Thị Phương Lan – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DNNVV và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế).
Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sẽ giúp ngành thuế quản lý với những đối tượng kinh doanh online ra sao, thưa bà?
- Ngày 13/6/2019, Luật quản lý thuế (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Luật sẽ tạo cơ sở pháp lý cho quản lý thuế hiện đại, tiếp cận tới những chuẩn mực, thông lệ quốc tế, tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào công tác quản lý thuế, trong đó có việc áp dụng rộng rãi phổ biến quản lý thuế điện tử. Đặc biệt, Luật sẽ tạo cơ sở để quản lý thuế đối với các hoạt động kinh tế mới phát sinh, phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, như kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số…
Chúng tôi rất kỳ vọng Luật được đi vào cuộc sống để có thể thay đổi cách quản lý với hình thức kinh doanh online. Để làm được điều này không chỉ mình ngành Thuế mà còn cần sự phối hợp chặt chẽ của các các ngân hàng thương mại, Bộ TT&TT, các DN, tổ chức… Để triển khai việc này còn khó khăn, ví dụ như ngành ngân hàng phải thay đổi quy trình quản lý để cung cấp thông tin cho ngành thuế. Điều này cần phải tiếp tục được triển khai trong thời gian tới.
Với những người nộp thuế trong nước phát sinh thu nhập được chi trả từ Google, Facebook… Luật sẽ quản lý thuế như thế nào, thưa bà?
- Luật đã gắn trách nhiệm các ngân hàng thương mại, các tổ chức như Facebook, Goolge… nếu đặt chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam. Hiện tại, chính thức thì những đơn vị này không có chi nhánh, văn phòng nhưng rõ ràng, họ thông qua các tổ chức, DN để điều hành. Đó là điều chúng ta đã biết và sẽ có giải pháp để khấu trừ thuế qua việc phối hợp giữa ngân hàng và ngành thuế.
Tuy nhiên, vẫn có lo lắng là việc thanh toán tiền mặt trong mua bán online khiến việc quản lý thuế rất khó khăn. Bà có thể thông tin các giải pháp mà ngành thuế quản lý với vấn đề này?
- Không chỉ quản lý các cá nhân kinh doanh online, ngay cả với các DN, cơ quan thuế vẫn phải đối mặt với việc mua bán bằng tiền mặt, không xuất hóa đơn. Tuy nhiên, với các trường hợp này, cơ quan chức năng quản lý theo hình thức dòng tiền, nguồn tiền và các thông tin liên quan để xác định quy mô, hình thức kinh doanh và ấn định thuế. Tức là, ta không thể đi theo quản lý từng đồng chi tiêu nhưng ta có cách quản lý. Cơ quan thuế hiện có cơ sở dữ liệu, ví dụ những người kinh doanh online họ vẫn có “gì đó” bên ngoài như kho hàng, địa điểm kinh doanh… Với nhiều trường hợp, kinh doanh online chỉ là một trong các kênh bán hàng. Chúng tôi vẫn đang quản lý với những đối tượng như vậy. Họ không phải vô hình trên mạng. Ngoài ra, hiện tại cơ quan chức năng đang triển khai hóa đơn điện tử. Đó cũng là một kênh để quản lý. Vì thế, không phải họ cứ dùng tiền mặt là ta không quản lý được.
Trân trọng cảm ơn bà!
5 tháng đầu năm, Tổng cục Thuế tiếp tục triển khai các giải pháp cải cách thủ tục hành chính thuế; triển khai theo đúng tiến độ các dự án công nghệ thông tin; Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ triển khai và mở rộng thực hiện khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử; hóa đơn điện tử, hoàn thuế điện tử. Theo đó, tính đến ngày 31/5/2019, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, TP; 99,98% DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; 99,93% DN đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử. Về hoàn thuế điện tử, tổng số DN tham gia hoàn thuế điện tử đạt 94,73% trên tổng số DN hoàn thuế và đạt 96,14% số hồ sơ đề nghị hoàn thuế.
Video đang HOT
Theo kinhtedothi.vn
Bộ Tài chính bỏ đề xuất ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản cho cơ quan thuế
Nội dung gây nhiều tranh cãi tại dự thảo trước đó là việc cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng của khách hàng cho cơ quan thuế đã được lược bỏ tại dự thảo mới nhất của Bộ Tài chính.
Đề xuất ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế từng gây nhiều tranh cãi trước đó.
Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi).
Tại văn bản này, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về ý kiến liên quan đến một số nội dung của dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi), Bộ Tài chính đã nghiên cứu báo cáo của Văn phòng Trung ương nêu ý kiến liên quan đến việc cung cấp thông tin tài khoản khách hàng của ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế, tránh lộ thông tin khách hàng.
Theo đó, Bộ Tài chính đã hoàn thiện lại khoản 2 Điều 27 như sau: Ngân hàng thương mại "cung cấp thông tin về số hiệu tài khoản theo mã số thuế của người nộp thuế khi mở tài khoản" lược bỏ nội dung: "Cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế bao gồm: thông tin về mở tài khoản, số tài khoản cùng với mã số thuế của người nộp thuế; đồng thời cung cấp thông tin của người nộp thuế theo quy định tại khoản 2 điều 98 của Luật này"; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết điều này để đảm bảo quy trình thực hiện được rõ ràng, chặt chẽ.
Như vậy, nội dung gây nhiều tranh cãi tại dự thảo trước đó là việc cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng của khách hàng cho cơ quan thuế đã được lược bỏ.
Trước đó, tại dự thảo Luật Quản lý thuế đang lấy ý kiến có đưa ra quy định ngân hàng thương mại cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản của người nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế, gồm nội dung giao dịch tài khoản, số dư tài khoản người nộp thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan quản lý thuế.
Liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin của người nộp thuế, đại diện Tổng cục Thuế, ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách cho biết, việc quy định cung cấp thông tin về số tài khoản của người nộp thuế là nhằm giảm thiểu thủ tục cho người nộp thuế, chia sẻ thông tin giữa cơ quan quản lý thuế và các bên liên quan theo cơ chế tự động. Hiện nay đã có 51 ngân hàng ký kết với cơ quan thuế về việc chia sẻ thông tin, trong đó có 49 ngân hàng đã triển khai.
"Với thực tế quản lý như nêu trên của cơ quan thuế. Hiện cơ quan thuế đang quản lý cơ sở dữ liệu về tài khoản của hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhưng chưa phát sinh trường hợp có ảnh hưởng đến việc bảo mật thông tin của ngân hàng", ông Huy cho biết.
Ngoài ra, theo ông Huy, tham khảo kinh nghiệm quốc tế như: mẫu Luật quản lý thuế của IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế); Luật quản lý thuế của Hungary và báo cáo của OECD về cải thiện quyền truy cập vào thông tin ngân hàng cho mục đích thuế, đa số các nước đều quy định các ngân hàng và tổ chức tài chính tín dụng có nghĩa vụ thông báo cho cơ quan thuế biết về việc mở các tài khoản của người nộp thuế cùng mã số thuế do cơ quan thuế cấp.
"Thậm chí một số nước còn yêu cầu việc báo cáo tự động đối với việc đóng mở tài khoản, số dư tài khoản tại thời điểm cuối năm cũng như tiền lãi trên tài khoản của người nộp thuế cho cơ quan thuế", ông Huy nói.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quy định này chưa phù hợp. Thảo luận về vấn đề này trên Nghị trường Quốc hội, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho rằng, cần có sự hài hòa giữa hai quy định để không làm ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động của ngân hàng, để tránh lạm dụng trong việc yêu cầu cung cấp thông tin dẫn đến ngân hàng vi phạm pháp luật.
"Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định rõ các trường hợp cung cấp thông tin, thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin và đặc biệt là theo quy định chặt chẽ việc khấu trừ tiền trong tài khoản để nộp thuế để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của công dân", bà Trang phát biểu.
Còn theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI), quy định này là chưa bảo đảm tính minh bạch ở chỗ không rõ trong các trường hợp nào thì cơ quan quản lý thuế có quyền yêu cầu NHTM cung cấp các thông tin này và căn cứ vào nhu cầu quản lý nhà nước cụ thể là gì.
"Nếu quy định mở như hiện nay thì có khả năng hiểu theo nhiều cách khác nhau, việc áp dụng có thể rất tùy tiện trên thực tế "VCCI đánh giá.
Một số ý kiến cũng lo ngại, quan hệ giữa NHTM và người nộp thuế là quan hệ dân sự. Khi ký kết hợp đồng NHTM cần phải cho khách hàng của mình biết các trường hợp thông tin của họ sẽ được cung cấp cho bên thứ ba. Các trường hợp này cần phải hợp lý và rõ ràng để bảo đảm quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức và bảo đảm NHTM không phải chịu gánh nặng tuân thủ yêu cầu này của cơ quan quản lý thuế.
Phương Dung
Theo Dân trí
Ngành Thuế: Chưa phát sinh trường hợp liên quan đến bảo mật thông tin của ngân hàng Khi dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi được trình Quốc hội xem xét, có ý kiến đề nghị xem xét quy định Ngân hàng thương mại cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản của người nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế để tránh ảnh hưởng đến hoạt động của Ngân hàng, liên quan đến bảo mật thông...