Mưa giảm, TP.HCM nắng nóng trở lại
Từ nay đến 17/4, TP.HCM và Nam Bộ vẫn có mưa chuyển mùa nhưng giảm về lượng, nắng nóng tiếp tục duy trì. Đáng chú ý, xâm nhập mặn tăng từ nay đến 15/4.
Sau cơn mưa chuyển mùa hồi cuối tuần, hôm nay, nắng nóng trở lại TP.HCM và Nam Bộ. Trời ít mây, nắng mạnh về trưa và chiều. Nhiệt độ cao nhất phổ biến 33-36 độ C, thấp nhất dao động 24-27 độ C. Tuy nhiên, chiều tối mưa có thể xuất hiện tại Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, An Giang, Kiên Giang.
Thời tiết dễ gây bệnh
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết thời gian tới, thượng nguồn sông Mekong và khu vực Nam Bộ tiếp tục xuất hiện mưa dông chuyển mùa. Mưa tập trung vào 12/4 và 16-17/4. Lượng mưa phổ biến 15-30 mm, có nơi trên 50 mm.
Dự báo chỉ số UV cực đại tiềm năng tại Nam Bộ ngày 12-14/4 cho thấy tia cực tím vẫn ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao nhưng đã giảm so với các tuần trước. Cụ thể, hôm nay, chỉ số UV tại TP.HCM, Cần Thơ và Cà Mau đều là 10 đơn vị. Ngày 13-14/4, chỉ số này tại TP.HCM giảm còn 9 và 8 đơn vị, trong khi tại Cần Thơ và Cà Mau chỉ số UV dao động 7-8 đơn vị.
Video đang HOT
Chất lượng không khí tại TP.HCM theo ứng dụng PAMAir (ảnh trước) và IQAir (ảnh sau) lúc 6h sáng 12/4. Ảnh chụp màn hình.
Về chất lượng không khí, ứng dụng PAMAir lúc 6h cho thấy chỉ số AQI (theo cách tính của Việt Nam) tại hầu hết điểm quan trắc dưới 50 đơn vị, ngưỡng trong lành.
Cùng thời điểm, ứng dụng IQAir tính toán chỉ số AQI trung bình tại TP.HCM là 95 đơn vị – ngưỡng trung bình. Trong 5 ngày tới, ứng dụng IQAir dự báo chỉ số AQI trung bình tại TP.HCM ở ngưỡng trung bình, dao động 63-76 đơn vị.
Chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan cho biết thời điểm này, thời tiết đang chuyển mùa. Nguyên nhân là nắng nóng kéo dài kèm theo oi bức tạo lượng ẩm cao. Bên cạnh đó, trên vịnh Thái Lan bắt đầu có gió Tây Nam tầng thấp thổi ẩm từ biển vào gây ra mưa cho tỉnh, thành Nam Bộ.
Theo bà Lan, lượng mưa và mật độ mưa xuất hiện không đều, có nơi mưa, nơi không, sau cơn mưa thời tiết lại oi nóng trở lại. Mưa chuyển mùa sẽ còn xuất hiện vài ngày tới, trong cơn mưa có thể kèm theo dông sét, lốc xoáy.
“Chất ô nhiễm, độc tố trong không khí của những ngày khô được nước mưa rửa trôi, cuốn theo tạo thành mưa axit. Mặt khác, nhiệt độ ngoài trời đang cao, mưa khiến nhiệt độ giảm đột ngột 5-7 độ C nên rất dễ gây bệnh”, bà Lan khuyến cáo.
Về tình hình xâm nhập mặn, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết tuần này, mực nước ở thượng nguồn sông Mekong tiếp tục biến đổi chậm. Mực nước tại trạm Kratie (Campuchia) ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm 0,35-0,45 m và ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2020 từ 0,1 đến 0,15 m.
Những ngày đầu tuần, mực nước trên sông Tiền và sông Hậu lên chậm theo triều, sau đó biến đổi chậm. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,3 m, tại Châu Đốc 1,4 m, cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ 0,15-0,2 m.
Từ nay đến 20/4, xu thế xâm nhập mặn ở các sông Vàm Cỏ, sông Cửu Long tăng dần đến ngày 15/4, sau đó giảm. Riêng sông Cái Lớn xâm nhập mặn duy trì ở mức cao đến ngày 20/4. Độ mặn cao nhất tại các trạm sông Cửu Long thời kỳ này ở mức thấp hơn, các trạm trên sông Vàm Cỏ và Cái Lớn tương đương so với độ mặn cao nhất ngày 1-10/4.
Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến hoa màu của người dân. Ảnh: Lê Quân.
Cơ quan khí tượng đưa ra cảnh báo trong đợt mặn từ nay đến 15/4, các địa phương cần hạn chế tưới nước nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất. Đối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới cần kiểm tra nồng độ mặn. Các địa phương chủ động các biện pháp trữ nước và cấp nước phục vụ sinh hoạt thời kỳ này.
Từ nay đến cuối tháng 4, xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long tiếp tục giảm. Sông Vàm Cỏ và sông Cái Lớn vẫn duy trì ở mức cao.
Sang tháng 5, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long giảm dần. Tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và sẽ biến động thời gian tới. Các địa phương cần cập nhật kịp thời thông tin dự báo từ cơ quan khí tượng và có biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.
Nhiều diện tích nghêu bị chết thiệt hại hàng tỷ đồng
Bước vào cao điểm nắng nóng, độ mặn lên cao đã làm cho nhiều diện tích nghêu thương phẩm tại tỉnh Bến Tre và Tiền Giang bị chết, gây thiệt hại cho người nuôi.
Hầu hết các bãi nghêu ở tỉnh Bến Tre đều có tỉ lệ nghêu chết gia tăng. Nghiêm trọng nhất là tại Hợp tác xã Thủy sản Rạng Đông (huyện Bình Đại) và Hợp tác xã Thủy sản An Thủy (huyện Ba Tri) đã có gần 50 ha nghêu bị chết hàng loạt, thiệt hại hàng tỷ đồng. Qua kết quả xét nghiệm của cơ quan chuyên môn cho thấy, nguyên nhân nghêu chết hàng loạt là do nghêu phân bố tại các bãi có đáy bùn dày, thời gian phơi bãi vào ban ngày kéo dài; đồng thời thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài sinh ra lượng khí độc từ bùn, gây tình trạng thiếu oxy làm nghêu giảm sức đề kháng và chết.
Nhiều diện tích nghêu bị chết thiệt hại hàng tỷ đồng.
Tại bãi biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang cũng có nhiều khu vực xảy ra tình trạng nghêu chết cũng do các nguyên nhân trên. Ngoài ra, nghêu Tân Thành hiện đang bị thiệt hại do bị ốc hương ăn nghêu. Loài ốc hương phát triển rất nhanh, có mặt tại các ổ nghêu để ăn nghêu.
Trước tình trạng này, ngành chuyên môn khuyến cáo ngư dân và các hợp tác xã nên thu hoạch nghêu khi đã đạt kích cỡ, tổ chức vệ sinh bãi nghêu hoặc san thưa nghêu; thu gom vỏ nghêu chết, để giảm ô nhiễm vùng nuôi, khơi thông vùng đọng nước; tổ chức bắt ốc hương bảo vệ nghêu. Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi kiểm tra bãi nuôi, theo dõi chất lượng nước, độ mặn, nhiệt độ... để có hướng xử lý thích hợp khi xảy ra sự cố nghêu chết.
Giải pháp hạn chế tình trạng cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè Vừa đón cơn mưa trái mùa đầu tháng 4, giúp giảm nhiệt trong những ngày nắng nóng, người dân TP Hồ Chí Minh lại chứng kiến cảnh cá chết nổi trắng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và gây ô nhiễm nặng nề. Thực tế này, như một "điệp khúc" xảy ra mỗi khi thời tiết có mưa trái mùa hay vào đầu...