Mùa giải V.League kỳ lạ đang thức tỉnh những vì sao mới
Thể thức mới của V.League đang tạo cơ hội cho hàng loạt ngôi sao trẻ như Nguyễn Hai Long, Đặng Văn Lắm hay Bùi Hoàng Việt Anh bước ra ánh sáng.
Nhiều CLB đã giới thiệu được những gương mặt mới từ đầu mùa. Đội đương kim vô địch Hà Nội giới thiệu cả dàn sao trẻ mới trở về từ Hà Tĩnh gồm Lê Văn Xuân, Bùi Hoàng Việt Anh, Lê Xuân Tú, trao thêm cơ hội cho Trương Văn Thái Quý, Đậu Văn Toàn.
Hai Long đang nổi lên như là ngôi sao trẻ nổi bật nhất của V.League 2020. Ảnh: Minh Chiến.
SLNA có phân nửa đội hình lần đầu đá chính ở V.League. Đội hình của họ trẻ trung tới mức nhiều phóng viên thể thao cũng chưa thể nhớ mặt, biết tên như Đặng Văn Lắm, Bùi Đình Châu, Trần Đình Tiến, Thái Bá Sang.
Cái tên thú vị nhất tới lúc này của V.League có lẽ là Nguyễn Hai Long. Mầm non của CLB Quảng Ninh đang mang tới luồng gió mát lành bằng thứ bóng đá chất chứa cảm xúc và sự tự tin của tuổi trẻ. 2 bàn sau 6 trận từ đầu mùa trong đó có siêu phẩm vào lưới Nam Định ở vòng gần nhất chứng minh chàng trai sinh năm 2000 đủ sức trụ lại tại hạng đấu cao nhất Việt Nam. Trước Hai Long, cầu thủ 20 tuổi gần nhất đá chính và tỏa sáng tại V.League là Quang Hải.
Một HLV kỹ tính như Phan Thanh Hùng cũng đã phải khen Hai Long “có những tố chất đặc biệt mà huấn luyện không thể tạo nên, như Công Phượng hay Quang Hải”.
Điểm chung của những tài năng trẻ ở trên là họ đều xuất hiện tại các CLB đang khủng hoảng nhân sự hoặc tổn thất lực lượng sau mùa chuyển nhượng.
Cuộc khủng hoảng chấn thương ở CLB Hà Nội đang tạo cơ hội hiếm có cho những tài năng trẻ từ lò đào tạo này. Ảnh: Minh Chiến.
Tại Hà Nội, cuộc khủng hoảng diện rộng ở hàng thủ giúp Việt Anh, Văn Xuân, Văn Toàn được vào sân. Không có nhiều cơ hội như vậy trong bối cảnh bình thường ở đội đương kim vô địch. Tuy nhiên, hoàn cảnh đặc biệt mà thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm đang trải qua đã tạo cơ hội “có một không hai” cho những cầu thủ này. Hồi đầu mùa, cả ba chỉ là những phương án dự bị của đội bóng, 2 người đầu tiên được gọi về từ Hà Tĩnh cho đủ quân số.
Tương tự như vậy, Hai Long cũng chỉ có cơ hội thực sự khi Nguyễn Hải Huy dính chấn thương nặng. Từ vị trí kép phụ, tài năng sinh năm 2000 giờ là niềm cảm hứng cho hàng công Quảng Ninh.
Video đang HOT
Khác với hai đội ở trên, SLNA không có nhiều chấn thương. Nhưng việc các trụ cột chia tay buộc họ phải đôn lên V.League nhiều cầu thủ trẻ hoặc gọi về các tài năng (như Thái Bá Sang từ Phố Hiến). Đội hình trẻ trung ấy từng là điểm sáng của V.League khi vươn lên đầu bảng sau 5 vòng, giữ sạch lưới 5 trận.
Các đội bóng khác không ở vào tình trạng khó khăn như vậy. Nhưng lịch thi đấu khốc liệt, dày đặc của thể thức mới buộc họ phải có những bổ sung nhân sự, liên tục xoay tua đội hình, qua đó, trao nhiều cơ hội hơn tới những tài năng trẻ.
Tiêu Ê Xal, cầu thủ gốc Pháp mới lên U22 Việt Nam, đã được gọi lên đội một khi TP.HCM hướng tới một mùa giải nhiều mặt trận. Martin Lo đá dự bị ở hạng Nhất mùa trước nhưng năm nay vẫn ra sân liên tục tại Hải Phòng. Tương tự như vậy, Thiện Đức tại Bình Dương, Nguyễn Vũ Tín ở CLB Sài Gòn hay Bảo Toàn ở HAGL cũng có những cơ hội tương tự.
Phân nửa đội hình SLNA mới có mùa giải đá chính đầu tiên tại V.League. Ảnh: Minh Chiến.
Nếu V.League vẫn giữ thể thức và thời gian như cũ, sẽ có rất ít cơ hội cho nhóm cầu thủ này, những người mà trình độ chưa thể vượt khỏi băng ghế dự bị, nhưng thời thế đã thay đổi.
V.League 2020 đang trao cho những mầm non điều mà họ cần nhất vào lúc này: Được thi đấu.
Đó là khía cạnh tích cực mà thể thức mới đang mang tới cho V.League. Với HLV Park Hang-seo, đây cũng là đợt “hà hơi thổi ngạt” mà ông kỳ vọng bởi U22 Việt Nam không còn giải đấu lớn nào từ nay tới cuối năm. Nghĩa là V.League trở thành chiếc phao tốt nhất, thậm chí duy nhất cho cuộc săn tìm tài năng trước thềm SEA Games.
Đây có thể là lối thoát cho bóng đá Việt Nam sau những dấu hiệu thiếu hụt nhân sự tuyến trẻ thời kỳ hậu Quang Hải, Tiến Linh.
Tuyển Việt Nam hưởng lợi khi V.League không còn thế độc tôn
Cục diện V.League sau 6 vòng báo hiệu cuộc đua vô địch năm nay sẽ kịch tính, và tuyển Việt Nam hưởng lợi nhiều khi giải đấu không còn là chuyện riêng của một hay 2 đội bóng.
Sau 6 vòng, đội đứng đầu bảng V.League là CLB TP.HCM, với 1 điểm nhiều hơn SLNA - đội đứng hạng 7 mùa trước. Còn nhà vô địch mùa trước là CLB Hà Nội đang đứng thứ 3 với khoảng cách sít sao với đội xếp dưới. Hai cái tên giàu tham vọng là CLB Viettel và Quảng Ninh thậm chí nằm ngoài top 5.
Mùa giải mới đi qua một phần tư chặng đường. Khoảng cách từ đội nhì bảng xuống nhóm giữa cũng chỉ bằng một trận thắng. Cách biệt sít sao ấy có thể được khỏa lấp sau một vài vòng, nhưng thể hiện của các đội tính đến lúc này đang mở ra viễn cảnh đua vô địch kịch tính, thay vì mới qua 2/3 giải đấu đã biết tên nhà vua.
CLB Hà Nội rời xa ngôi đầu bảng suốt 5 vòng đã qua. Sau 6 vòng, CLB này thua 2 trận, trong khi thời điểm mùa trước vẫn còn giữ thành tích bất bại. Ảnh: Minh Chiến.
Nhà vô địch và á quân khởi đầu chậm
CLB Hà Nội mới có 10 điểm sau 6 trận, kém cùng kỳ mùa 2019 đến 4 điểm và thua nhiều hơn 2 trận. Con số trung bình 1,66 điểm/trận của đội bóng thủ đô cũng ở mức thấp so với những mùa giải khởi đầu tốt gần đây. CLB Hà Nội chỉ đứng ở ngôi đầu vòng một, trước khi lần lượt tụt sâu và mới trở lại vị trí thứ 3 sau vòng này.
CLB TP.HCM khá hơn với 13 điểm và vị trí dẫn đầu, nhưng đội bóng của HLV Chung Hae-seong vẫn kém chính họ ở mùa giải trước. Hai trận hòa không bàn thắng trước CLB Hải Phòng và Đà Nẵng cho thấy vấn đề trong khâu tấn công của TP.HCM. Nếu CLB Hà Nội gặp trục trặc vì thiếu nhân sự giỏi ở hàng thủ, TP.HCM lại chưa định hình được bản sắc như HLV Chung Hae-seong mong muốn, khi vẫn giỏi phản công hơn là tấn công.
CLB Quảng Ninh hay Viettel càng mong manh hơn khi một đội đá thất thường, trận được trận dở, một đội đang loay hoay lắp ghép những nhân tố cũ và mới. Khi những đội được đầu tư lực lượng kỹ lưỡng nhất còn gặp khó khăn, V.League 2020 khó tìm được "minh chủ".
Phẩm chất chính yếu tạo nên sức mạnh cho các đội lớn ở V.League đã không còn. CLB Hà Nội là đội duy nhất ở V.League có lối chơi nhuần nhuyễn, nhưng việc mất 3 trung vệ, hậu vệ giỏi tại hàng thủ đã vượt quá sức chịu đựng. CLB TP.HCM có lực lượng tốt, song không còn tính bất ngờ. CLB Quảng Ninh lực mỏng, nay mất nhạc trưởng Nguyễn Hải Huy, còn Viettel đang rơi tự do.
Dù thua CLB TP.HCM 1-3, SLNA có thể trở thành hiện tượng thú vị với lối chơi khó chịu cùng những cầu thủ trẻ giàu khát khao. Ảnh: Minh Chiến.
Xu hướng của V.League 2020 hiện là phòng ngự. 4 trong 5 đội dẫn đầu bảng đang sở hữu hàng phòng ngự tốt nhất, đều nhận 4 bàn thua trở xuống sau 6 trận. SLNA cần ghi 3 bàn sau 6 trận, trung bình 0,5 bàn/trận để xếp nhì V.League, điều hiếm có trong lịch sử.
Có 2 yếu tố đằng sau con số này. Thứ nhất, hầu hết đội đá thận trọng, chắc chắn, thậm chí xấu xí là vì họ đều chưa định hình được phong cách tấn công. Phòng ngự là lựa chọn an toàn. Thứ hai, rất khó vươn cao ở nếu các đội chỉ có nền tảng là phòng ngự. CLB Hà Nội lập cú đúp vô địch V.League nhờ hàng công mạnh hơn hẳn phần còn lại. Quảng Nam đăng quang mùa 2017 với thành tích ghi bàn xếp thứ hai. Chỉ tấn công mới tạo ra bàn thắng và chiến thắng.
Nhiều mùa gần đây, V.League không còn chứng kiến những nhà vô địch nhờ lối chơi rình rập. Cách chơi "lấy thủ bù công" cũng mạo hiểm, khi không nhiều đội V.League có hậu vệ giỏi. Cộng với thể thức mới, V.League năm nay có thể chứng kiến cuộc đua kịch tính nhất trong vài năm trở lại đây.
Quế Ngọc Hải mắc sai lầm trong trận đấu HLV Park Hang-seo dự khán. Có 3 tuyển thủ, U23 trong đội hình phòng ngự, CLB Viettel lại đang thủng lưới nhiều thứ 3 ở V.League. Ảnh: Minh Chiến.
Tuyển Việt Nam hưởng lợi?
Sự thống trị của CLB Hà Nội trong 2 năm qua song hành với đà thăng hoa của tuyển Việt Nam, trong đó có vai trò quan trọng của dàn tuyển thủ Đỗ Duy Mạnh, Trần Đình Trọng, Nguyễn Quang Hải, Đỗ Hùng Dũng. Khi đội chủ sân Hàng Đẫy đá tốt, vươn ra sân chơi châu Á, điều đó cho thấy đẳng cấp của học trò HLV Park Hang-seo đã được xây nền, đắp móng vững chắc.
Tuy nhiên, tuyển Việt Nam không thể cứ sống mãi với một lứa cầu thủ. Mặt trái của sự phụ thuộc là khi HLV Park Hang-seo cần nhân tố mới, ít người có thể đáp ứng yêu cầu của ông. Chia sẻ với Zing, một thành viên ban huấn luyện đội tuyển khẳng định HLV Park Hang-seo cũng nhìn thấy giới hạn của học trò. Ông thầy người Hàn Quốc muốn nâng cấp chiến thuật, mà phải "có bột mới gột nên hồ".
Tuyển Việt Nam trong 2 năm qua chủ yếu dựa vào nhóm cầu thủ thuộc CLB Hà Nội, Viettel và HAGL. Nếu CLB Hà Nội tiếp tục thống trị, đàn áp cuộc đua vô địch, danh sách triệu tập tới đây của ông Park khó thay đổi. Thế nhưng, sự nổi lên của SLNA, Bình Dương, CLB Sài Gòn cho thấy sức cạnh tranh cần thiết.
Sau 6 trận bất bại, SLNA đã giới thiệu gương mặt "mới mà cũ" tiềm năng là thủ môn Nguyễn Văn Hoàng hay "hiện tượng" Đặng Văn Lắm. Trong màu áo Bình Dương, Hồ Tấn Tài ngày càng chứng minh được giá trị. Võ Huy Toàn chơi ngày một tốt trong màu áo CLB TP.HCM và đã sẵn sàng lên tuyển.
Quan trọng hơn cả, khi V.League không có đội thống trị, sức cạnh tranh giữa các đội sẽ được đảm bảo đến cuối. Những gương mặt mới không chỉ cho HLV Park Hang-seo thêm lựa chọn, mà còn thúc đẩy dàn cầu thủ cũ chứng minh năng lực. Đặng Văn Lâm, Quế Ngọc Hải, Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Quang Hải đang sa sút và có thể mất vị trí bất cứ lúc nào.
V.League 2020, vì thế, có thể giúp tuyển Việt Nam tái tạo động lực cho chặng thi đấu căng thẳng cuối năm.
GĐKT người Nhật Bản có thể giúp gì cho bóng đá Việt Nam Việc không sở hữu lý lịch hoành tráng chẳng phải bất lợi của ông Yusuke Adachi, người được cho là sẽ ngồi vào ghế giám đốc kỹ thuật của VFF để thay thế Juergen Gede. Thông tin về ông Yusuke Adachi không nhiều vào lúc này. Tất cả đều biết vị GĐKT tương lai của LĐBĐ Việt Nam từng có thời gian làm...