Mưa dữ dội, nguy cơ lũ lớn khắp miền Trung
Hôm nay, mưa lớn tiếp tục trút xuống Quảng Bình, sau đó lan rộng tới Quảng Ngãi và sẽ tiếp diễn trong 3-4 ngày tới.
Do tác động của nhiễu động đới gió đông hoạt động mạnh nên trong hôm nay, mưa vừa, mưa to tiếp tục xảy ra diện rộng tại miền Trung.
Vùng có mưa to sẽ tiếp tục mở rộng vào đến các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Ngãi, Bình Định.
Dự báo đợt mưa này sẽ kéo dài hết ngày 4/11, với tổng lượng mưa từ 200-400mm.
Quảng Bình đang phải đối mặt với tình trạng lũ chồng lũ
Mưa dồn dập sẽ khiến hầu khắp các sông lớn tại miền Trung đồng loạt lên mức BĐ2, xấp xỉ BĐ3.
Cảnh báo từ nay đến 5/11, trên các sông từ Nghệ An đến Khánh Hòa sẽ xuất hiện lũ.
Hiện lũ trên sông Ngàn Sâu tiếp tục lên, trong sáng nay, mực nước tại Chu Lễ sẽ lên mức 13,5m, ở mức BĐ3; tại Hòa Duyệt lên mức 8,5m, dưới BĐ2 0,5m; lũ trên sông Gianh tại Mai Hóa lên lại ở mức 5,5m, trên BĐ2 0,5m; sông Kiến Giang dao động ở mức BĐ1-BĐ2.
Ngoài ra, cần đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ tại vùng trũng, thấp tại: Hương Khê, Đức Thọ (Hà Tĩnh); Minh Hóa, Tuyên Hóa (Quảng Bình); Hướng Hóa, Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh (Quảng Trị); Tây Trà, Sơn Hà, Sơn Tây (Quảng Ngãi).
Video đang HOT
Miền Bắc đón không khí lạnh tăng cường
Trong khi đó tại miền Bắc, trưa chiều nay sẽ tiếp tục đón một đợt không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ đêm giảm xuống mức 18-20 độ, vùng núi 13-17 độ C.
Nhiệt độ cao nhất tại thủ đô Hà Nội và các tỉnh Đông Bắc Bộ hôm nay không vượt quá 22-25 độ, các tỉnh Tây Bắc Bộ không qua 25-28.
Khí lạnh tràn xuống bao phủ toàn vùng sẽ khiến trời tạnh ráo, quang mây hơn.
Đợt lạnh này được dự báo sẽ kéo dài đến khoảng ngày 4/11, sau đó sẽ duy trì lạnh về đêm và sáng sớm. Ban ngày nhiệt độ sẽ nhích lên 26-29 độ, riêng phía Tây Bắc Bộ ở mức 29-32 độ.
Tại Nam Bộ, do ảnh hưởng của áp cao cận nhiệt nên hôm nay sẽ có mưa diện rộng. Trong mưa cần đề phòng gió giật mạnh, sét đánh. Nhiệt độ cao nhất ban ngày ở mức 30-33 độ C.
Theo Vietnamnet
"Nó chèo thuyền đi cứu hàng xóm rồi đi mãi không về..."
Trong cơn mưa lũ xối xả, nghe tiếng kêu cứu của người hàng xóm, anh Trung không chút do dự chèo thuyền sang cứu hộ. Nhưng sau chuyến đi đó anh không bao giờ trở về.
Hơn 10 ngày trôi qua, nhưng nỗi đau đớn vẫn hiển hiện trên gương mặt của những người thân, bạn bè, làng xóm bởi sự ra đi của anh Trần Văn Trung (31 tuổi), trú xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lúc đi ứng cứu hàng xóm bị lũ lụt.
Sự ra đi của anh Trung đã để lại nỗi đau đớn tột cùng cho những người thân, bạn bè và láng xóm
Bà Nguyễn Thị Nhuấn (mẹ anh Trung) nghẹn ngào kể: Tối ngày 14/10, trời mưa rất to, nước bắt đầu lên nhanh. Chỉ trong phút chốc, 13 hộ dân sinh sống cạnh đập nước Đá Hàn, thuộc thôn 5, xã Cẩm Quan bị bủa vây trong dòng nước lũ, cô lập hoàn toàn.
Nghe thấy tiếng kêu cứu hỗn loạn của ông Hạnh nhờ vào bưng lúa và đồ đạc, 3 cha con anh Trần Văn Trung đã khẩn trương lấy thuyền đi vào cứu ứng. Bố và em trai đi trước, còn anh Trung chèo thuyền đi sau.
Vì tình thế khẩn cấp nên anh Trung chỉ kịp cầm theo chiếc đèn pin rồi nhanh chóng lên chiếc thuyền gỗ vội vàng đến nhà hàng xóm ứng cứu.
Dường như chẳng ai dám tin đó là sự thật
Sau khi giúp đỡ đưa tài sản, đồ đạc của gia đình ông Thọ lên nơi an toàn, anh Trung tiếp tục chèo thuyền đến nhà ông Hạnh để hỗ trợ cùng bố và em. Tuy nhiên, đang trên đường đi, thuyền của anh Trung đã rơi vào vùng nước xoáy nên đã bị lật và bị lũ cuốn trôi.
"Lúc đầu không thấy con về nên cứ nghĩ nó đang tiếp tục đi giúp dân. Nhưng một tiếng, hai tiếng rồi ba tiếng sau vẫn không thấy nó trở về, lúc đó chúng tôi bắt đầu lo lắng và có linh tính chẳng tốt", bà Nhuấn nghẹn ngào.
Đến sáng hôm sau (15/10), khi nước bắt đầu rút cả gia đình, hàng xóm bàng hoàng, đau đớn khi phát hiện thi thể anh Trung nằm ngay ở đầu cổng trang trại vào nhà ông Hạnh.
"Tối đó, sau khi Trung đến trại nhà ông Thọ dọn và kê đồ xong, thấy nước lũ dâng nhanh, nên nó tiếp tục chèo thuyền đến nhà ông Hạnh để cùng hỗ trợ em và bố đang ở đó. Thế mà, nó mãi không về nữa...", bà Nhuấn như bật khóc khi kể lại sự việc.
Ông Diện biết rằng mình đã mãi mãi mất đi đứa con
Sự ra đi của Trung đã để lại nỗi đau đớn tột cùng cho người thân, bạn bè và những người hàng xóm. Ai cũng khen anh Trung người hiền lành, tốt tính. Được biết anh Trung sinh ra trong gia đình nông dân nghèo khó có 5 anh em, anh là con đầu, phải gánh nhiều trọng trách.
Ngồi lặng lẽ bên một góc nhà, ánh mắt xa xăm nặng trĩu nỗi buồn, ông Trần Văn Diện, bố của anh Trung chẳng dám tin đó là sự thật. "Nó hiền lắm, nó còn chưa kịp lấy vợ nữa...", ông Diện chỉ mếu máo nói được đôi lời như vậy. Bởi trong lòng người cha đang đau đớn vô cùng.
Đập nước Đá Hàn, nơi có 13 hộ dân sinh sống xung quanh
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch UBND xã Cẩm Quan cho biết: "Gia cảnh của anh Trung rất khó khăn. Trung là con cả trong nhà nên rất trọng trách, gánh vác mọi chuyện trong gia đình. Sự ra đi của anh Trung không chỉ là nỗi đau của riêng gia đình mà còn là sự mất mát rất lớn đối với địa phương".
"Lúc biết được sự việc, chính quyền địa phương, rồi huyện cũng đã xuống động viên chia sẻ và có hỗ trợ cho gia đình. Một số đoàn cứu trợ lúc biết được câu chuyện cũng rất xúc động và có đến chia sẻ động viên", ông Trung cho biết thêm.
Xuân Sinh
Theo Dantri
Thôn đã xin lỗi và trả lại tiền cứu trợ cho người dân Sau khi người dân nhận tiền cứu trợ từ tay các đoàn hảo tâm trao tặng, ngay lập tức cán bộ ở một số thôn tại tỉnh Quảng Bình đến tận nhà người dân để thu lại số tiền trên với lý do... chia lại cho các hộ dân khác trong thôn. Theo phản ánh của nhiều hộ dân ở thôn Trung Thôn...