Mùa đồng xã lũ, bắt thứ trứng nước như “lộc trời”, kiếm 500 ngàn/ngày
Không ai rõ trứng nước từ đâu ra, chúng “sinh sôi, nảy nở” như thế nào, chỉ biết rằng, những chỗ có nước như: đồng ruộng, hầm cá bỏ trống… vài ngày kéo một mẻ là có trứng nước đầy ắp và kiếm được số tiền kha khá.
Suốt 2 tháng qua, người dân nông thôn ở nhiều nơi đã tận dụng nguồn “lộc trời cho” rủ nhau khai thác luân phiên trên những cánh đồng để mưu sinh.
Trứng nước hay còn gọi là con đỏ, là loài giáp xác nước ngọt có kích cỡ rất nhỏ, đến mức không nhìn rõ hình dáng. Mỗi mẻ trứng nước vớt lên trông mịn như cát, có màu vàng hoặc xanh nhạt được sử dụng làm thức ăn cho cá bột hoặc cá cảnh.
Nghề kéo trứng nước không phải đầu tư nhiều vốn mà vẫn có thu nhập trên chục triệu đồng mỗi tháng. Vợ chồng bà Võ Thị Sự (ngụ thị trấn Phú Mỹ, Phú Tân) là một trong nhiều hộ dân đang theo nghề này. Dù giá trứng nước hiện nay đã giảm so với thời gian lũ chưa về, nhưng mỗi ngày gia đình bà vẫn kiếm được trên 500.000 đồng.
Khai thác trứng nước trên đồng xả lũ.
Bà Sự cho biết, theo nghề cào trứng nước 7 năm nay, từ tháng 8, vợ chồng bà kéo trứng nước ngoài đồng, đến khi nước cạn thì khai thác trong các hầm bỏ trống. Bình quân 1 ngày kéo được 300kg, nhờ số lượng nhiều nên cũng kiếm được bộn tiền.
Vào thời điểm xả lũ, các cánh đồng ngập nước, hàng chục hộ nghèo ở các địa phương chia thành những nhóm nhỏ tập trung khai thác trứng nước, thay cho những việc làm thuê khác. Tuy chi phí đầu tư để trang bị dụng cụ thấp, nhưng việc kiếm tiền đòi hỏi sự vất vả và đặc biệt là phải có sức khỏe.
Muốn kéo càng đậm số lượng trứng nước, người dân phải trầm mình trong nước suốt nhiều giờ liền, thậm chí không kể giờ giấc, có những nhóm người khỏe mạnh chuyên đi kéo trứng nước từ khuya đến tờ mờ sáng.
Video đang HOT
Hàng chục nhóm người phân tán trên cánh đồng mênh mông ra sức kéo chiếc màng rộng đến hàng chục mét, cố dồn nước về cuối mảnh vải và nhanh tay đổ vào thùng. Một hình ảnh đặc trưng và thật đẹp trong ánh bình minh, nhưng phía sau đó cũng lắm nỗi gian lao của người lao động!
Trước nhu cầu thu mua trứng nước ngày một tăng, mà thời gian lũ về có hạn, nhiều hộ có điều kiện nghĩ ra cách nuôi trứng nước để bán. Nói là nuôi nhưng thực chất chỉ cần đào hầm bơm nước vào, cách 2 ngày kéo 1 lần, số lượng được vài trăm kg mà không cần bỏ công làm gì thêm.
Đa số các hộ nuôi trứng nước là những người dân chuyên nuôi cá, tập trung nhiều tại xã Phú Bình, xã Hòa Lạc (Phú Tân). Họ vừa sử dụng nguồn trứng nước làm thức ăn cho các loài cá nhỏ, vừa bán cho những người có nhu cầu để tạo thêm nguồn thu nhập phụ.
Trứng nước được nuôi trong hầm sẽ bán có giá cao hơn trứng nước khai thác tự nhiên, trung bình 6.000-10.000 đồng/kg. Việc kéo trứng nước cũng khỏe hơn nhiều so với lao động nghèo, bởi hộ nuôi đầu tư máy mô-tơ, chỉ khởi động cho máy vòng quanh hầm là thu hoạch trứng nước lên bờ.
Theo kinh nghiệm của người nuôi, sau khi bơm nước vào, nếu trời trong, nắng tốt thì trứng nước sẽ phát triển rất mạnh, thu hoạch được nhiều, ngày hôm sau chỉ cần kéo hơn 2 tiếng đồng hồ là xong. Anh Nguyễn Trung Hữu (thương lái mua trứng nước tại xã Phú Thành) chia sẻ, sở dĩ trứng nước nuôi có giá cao vì một số hộ nuôi cá thương phẩm lo ngại đồng ruộng có phân bón, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên trứng nước nuôi sẽ sạch hơn, cho cá ăn an toàn, dễ tiêu hóa.
Bình quân 1 ngày anh Hữu đi thu mua từ 3-4 tấn trứng nước, chỉ cần ngoài đồng còn nước là còn trứng nước để khai thác. Thị trường tiêu thụ trứng nước hiện nay khá tốt vì xu hướng nuôi cá giống tăng dần. Ngoài cung cấp cho hộ nuôi trong tỉnh, các thương lái còn trữ lạnh vận chuyển đi nhiều tỉnh, thành phố khác để bán với giá thành cao hơn.
Với những hộ có điều kiện, cách kiếm tiền này là một kiểu “làm” kinh tế đang được lan rộng. Còn với những hộ nghèo, nhờ vào con nước lũ, mỗi năm họ có thêm nguồn thu nhập khá nhờ tận dụng điều kiện có sẵn từ thiên nhiên ban tặng.
Theo Mỹ Hạnh (Báo An Giang)
An Giang: Trồng thứ chanh không hạt, sai trĩu quả, rủng rỉnh tiền
Thử nghiệm trồng chanh không hạt với mục đích cải tạo đất vườn tạp kém hiệu quả, sau 2 năm, ông Nguyễn Văn Lệ (xã Phú Bình, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) đang có thu nhập đều đặn từ vườn chanh năng suất mà không phải bỏ nhiều công chăm sóc...
Ông Nguyễn Văn Lệ cho biết, trồng chanh không hạt chỉ nghề phụ của mình, bởi không muốn bỏ phí đất vườn.
Tìm hiểu trên mạng internet, ông Lệ chọn trồng chanh không hạt vì ưu điểm không có gai, ít sâu bệnh, ra trái quanh năm.
Vườn chanh không hạt cho trái trĩu quả khiến ai vào tham quan cũng trầm trồ, tưởng chừng chăm sóc rất công phu, nhưng theo ông Lệ, hầu như cây phát triển tự nhiên, chỉ xuất hiện ít bệnh thông thường và khắc phục rất dễ.
Đến việc tưới tiêu cho vườn chanh không hạt cũng được ông Lệ đầu tư hệ thống tự động toàn bộ.
Sau 18-20 tháng trồng, 2 công chanh không hạt bắt đầu cho thu hoạch, cứ 10 ngày hái 1 đợt được bình quân 70kg chanh quả, ông Lệ thu về 600.000 - 700.000 đồng.
Theo ông Lệ, chanh không hạt đạt "chuẩn" để bán cho thương lái là loại trái vừa lòng bàn tay. Trái to quá hoặc nhỏ hơn sẽ vào hàng... "chanh dạt", bởi bảo quản được ít ngày.
Hiện, ông Lệ đang mở rộng diện tích thêm 13 công đất, để trồng chanh không hạt kết hợp xen canh một số cây ăn trái lâu năm.
"Ở vùng này, người ta trồng bưởi, mãng cầu na, xoài... chỉ mỗi mình tui trồng chanh không hạt, nên thu hoạch bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, không phải lo đầu ra. Giá chanh không hạt dao động từ 10.000 - 27.000 đồng/kg, nhưng với giá chỉ chừng 10.000 đồng/kg là tui sống khỏe, bởi "bỏ túi" trọn số tiền kiếm được", ông Lệ chia sẻ.
Theo Mỹ Hạnh (Báo An Giang)
An Giang: Đặc sản mùa nước nổi-trái cà na bán chạy như tôm tươi Mùa nước nổi ở tỉnh An Giang, cà na trở thành một trong những món đặc sản thu hút người mua. Nhờ vậy nhiều hộ trồng và bán cà na thành phẩm có nguồn thu nhập khá ... Đều đặn mỗi ngày, chị Hiền, ở xã Phú Bình (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) kiếm được bình quân 1,5 triệu đồng từ trái...