Mua đất bằng giấy viết tay, ra toà mất trắng
Nhà đất là những tài sản có giá trị lớn, tuy nhiên nhiều người dân vẫn chấp nhận việc mua bán trao tay và phải chịu mất trắng khi bị đối phương kiện ra tòa.
Sau nhiều năm dành dụm, vợ chồng anh Minh mua được một mảnh đất ở Mỹ Đình, Hà Nội. Mảnh đất này là của anh Tuấn, con trai trưởng trong gia đình họ Lê. Khi mua bán, hai bên chỉ làm giấy viết tay. Anh Tuấn không phải là người đứng tên trong sổ đỏ, nhưng theo thỏa thuận của các anh chị em trong gia đình, anh Tuấn được quyền tự quyết định đối với lô đất này.
Hơn một năm sau, bố đẻ anh Tuấn qua đời (mẹ anh Tuấn cũng đã mất trước đó). Giữa các anh chị em trong gia đình anh Tuấn xảy ra mâu thuẫn, trong đó có chuyện phân chia mảnh đất mà anh Tuấn đã bán. Không thoả thuận được, các anh chị em của anh Tuấn gửi đơn kiện anh ra tòa.
Tòa tuyên chia toàn bộ di sản thừa kế, trong đó bao gồm cả phần đất anh Tuấn đã bán cho vợ chồng anh Minh cho 4 anh chị em. Vì việc anh Tuấn bán đất không được sự đồng ý bằng văn bản của bố đẻ và các anh chị em khác trong gia đình, giấy mua bán giữa hai bên cũng không có công chứng, chứng thực…. Xét quan hệ mua bán trên là chưa tuân thủ đúng luật định, tòa tuyên anh Minh phải trả lại đất, anh Tuấn trả lại tiền.
Thời điểm anh Minh mua đất thì giá trị mảnh đất chỉ 500 triệu đồng, nay nếu nhận lại tiền anh chỉ mua được diện tích đất bằng 1/3 mảnh đất đó.
Giao dịch mua bán có công chứng sẽ an toàn hơn. Ảnh: Công lý
Tháng 4, gia đình ông Đặng (57 tuổi, quận Bình Thạnh, TP HCM) bị máy xúc đánh sập mà nguyên nhân ban đầu được cho là do mâu thuẫn trong việc mua bán đất với một người khác từ gần 10 năm về trước. Thời điểm ấy, ông Đặng và phía chủ bán đất chỉ thực hiện các giao dịch mua bán bằng giấy viết tay và các biên nhận, nhận tiền đặt cọc.
Video đang HOT
Ông Đặng đã trả 30 lượng vàng, 125 triệu đồng và thiếu lại 75 triệu. Do việc mua bán chỉ bằng giấy viết tay nên 75 triệu đồng còn lại sẽ được ông trả khi hoàn tất giấy tờ. Khi chuẩn bị đủ tiền để trả, ông Đặng nhiều lần hối thúc chủ đất nhanh chóng làm chủ quyền đất nhưng đợi mãi vợ chồng ông không nhận được hồi âm. Nghi ngờ người bán có điều gì đó mờ ám, vợ chồng ông Đặng làm đơn kiện ra toà án.
Đang chờ tòa giải quyết, bất ngờ vào tháng 4/2009, một công ty bất động sản đến bảo họ đã mua lại lô đất, trong đó có phần căn nhà vợ ông Đặng đang ở. Từ vị trí nguyên đơn trong vụ kiện chủ đất, vợ chồng ông Đặng trở thành bị đơn khi công ty bất động sản đâm đơn kiện ra toà. Khi được triệu tập, ông Đặng trình ra một số giấy tờ thì sau đó công ty này bất ngờ rút đơn kiện.
Vợ chồng ông Đặng đã làm đơn khởi kiện chủ đất và được tòa án cấp sơ thẩm thụ lý vụ án. Nhưng khi tòa án triệu tập nguyên đơn và bị đơn thì vợ chồng chủ đất đã “mất tích” khỏi nơi cư trú. Trong khi vụ việc đang chờ toà giải quyết có hai thanh niên bịt mặt xuất hiện rồi lái máy xúc ủi sập toàn bộ căn nhà của ông Đặng.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự, khi hợp đồng vô hiệu (vì không tuân thủ các quy định của pháp luật), hai bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Tuy nhiên, giá nhà đất ở thời điểm mua khác xa so với thời điểm xảy ra tranh chấp. Vì vậy, ngoài việc mỏi mệt với kiện tụng, nhiều khi người mua có thể bị mất trắng.
Những trường hợp như anh Minh hay ông Đặng không hiếm. Việc mua bán chỉ là trao tay thì khi ra tòa, người mua vẫn luôn ở thế yếu. Thực tế, nhiều vụ khi bản án đã có hiệu lực, người mua phải trả lại nhà đất nhưng nếu họ không tự nguyện còn bị cưỡng chế thi hành án và phải trả các khoản chi phí phục vụ cho việc cưỡng chế. Nhiều vụ người mua phải chờ người đã bán đất cho mình có điều kiện để thi hành án họ mới nhận lại được số tiền đã bỏ ra mua đất trước đây. Có trường hợp người mua phải trả tiền cho người chủ cũ mới lấy được tiền đền bù.
Hình thức mua bán trao tay, không qua công chứng chứng thực và rất khó kiểm soát vì đó là những giao dịch “ngầm”. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện. Không có công chứng, chứng thực tòa án sẽ không có căn cứ pháp lý để xem xét nội dung, tính xác thực của hợp đồng. Trong khi đó, hợp đồng công chứng có giá trị chứng cứ, không phải chứng minh. Khi tòa án xét xử những tranh chấp về hợp đồng của các bên, đối với những hợp đồng đã công chứng, việc xét xử sẽ thuận lợi hơn nhiều.
Nhiều ý kiến cho rằng, cải cách hành chính là cần thiết, nhưng đối với công chứng mà quy định là “theo nhu cầu” (tức là không bắt buộc) sẽ nguy hiểm. Với mặt bằng dân trí hiện nay, quy định bắt buộc chưa chắc người dân đã chấp hành, nói gì đến tự nguyện. Bên cạnh đó, lợi dụng sự ít hiểu biết, chủ quan của người dân thông qua mua bán trao tay mà hiện tượng lừa đảo diễn ra ngày càng nghiêm trọng như một mảnh đất, một ngôi nhà có thể bán cho nhiều người…
Hiện nay, quy định công chứng bắt buộc đối với các hợp đồng, giao dịch về nhà đất hiện đang được ghi nhận trong Luật Đất đai và Luật Nhà ở hiện hành. Do đó, các chuyên gia cho rằng, không có lý do gì để bỏ quy định này khi nó đang phát huy những tác dụng tích cực trong đời sống.
Theo VNE
Quyền sở hữu vật vô chủ
Trong khi đào bắt chuột, ông Nghĩa phát hiện 10 thỏi bạc cổ dưới đất. Ông cho rằng đây là bạc vô chủ nên quyền sở hữu thuộc về người tìm thấy. Theo quy định của pháp luật, việc này có đúng không?
Ảnh minh họa
Điều 187 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định, người phát hiện tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu. Nếu không biết ai là chủ sở hữu, phải thông báo hoặc giao nộp cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.
Người phát hiện tài sản được chiếm hữu tài sản đó từ thời điểm phát hiện đến thời điểm trả lại cho chủ sở hữu hoặc đến thời điểm giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nghị định 96/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 quy định, tổ chức, cá nhân phát hiện tài sản bị chôn giấu phải có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn và báo ngay cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau đây: cơ quan quân sự nơi gần nhất đối với tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm thuộc khu vực quân sự; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan công an nơi gần nhất đối với tài sản bị chôn giấu không thuộc khu vực quân sự...
Cơ quan nhà nước tiếp nhận thông tin có trách nhiệm: lập biên bản có đầy đủ chữ ký của đại diện tổ chức, cá nhân đã thông báo thông tin và đại diện cơ quan tiếp nhận thông tin; tổ chức, cá nhân thông báo thông tin giữ một bản để làm cơ sở giải quyết quyền lợi về sau; kiểm tra tính chính xác của thông tin đã tiếp nhận; báo cáo bằng văn bản với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cơ quan nhà nước tiếp nhận thông tin đóng trụ sở; tổ chức khoanh vùng, bảo vệ nguyên trạng khu vực có tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm; trường hợp tài sản bị chìm đắm ở vùng biển xa bờ thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) phối hợp với các cơ quan thuộc lực lượng quốc phòng, an ninh, cơ quan quản lý hàng hải để thực hiện.
Riêng đối với tài sản chìm đắm ở nội thủy, lãnh hải thì trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được thông báo có tài sản chìm đắm, cơ quan nhà nước tiếp nhận thông tin có trách nhiệm báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để thông báo 3 lần liên tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng trung ương hoặc địa phương để tìm chủ tài sản.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm: chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan tổ chức khoanh vùng, bảo vệ nguyên trạng khu vực có tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm; báo cáo cơ quan quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 6 Nghị định này quyết định việc lập phương án thăm dò, phương án khai quật, trục vớt.
Trường hợp tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm không thuộc địa bàn quản lý thì thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm.
Theo điều 240 Bộ luật Dân sự năm 2005, vật bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy mà không có hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu thì sau khi trừ chi phí tìm kiếm, bảo quản, quyền sở hữu đối với vật đó được xác định như sau:
1. Vật được tìm thấy là di tích lịch sử, văn hoá thì thuộc Nhà nước; người tìm thấy được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.
2. Vật được tìm thấy không phải là di tích lịch sử, văn hoá, mà có giá trị đến 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy. Nếu vật tìm thấy có giá trị lớn hơn 10 tháng lương thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng 10 tháng lương và 50% giá trị của phần vượt quá 10 tháng lương. Phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước.
Theo VNE
Nhiều bất cập trong việc cải tạo chung cư cũ ở thủ đô Vướng mắc GPMB, phải tăng diện tích nhà ở để đảm bảo giảm mật độ dân số, không thể thỏa thuận được với dân về giá nhà,... là những khó khăn trước mắt trong việc cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội. Dự án "rùa" Chung cư cũ Giảng Võ là dự án điển hình cho những bất cập của việc cải...