Mưa đá tiếp tục dội xuống Lâm Đồng, phá hỏng hơn 100 nhà dân
Chiều 21/4, một trận mưa đá lại tiếp tục dội xuống TP Đà Lạt và huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Trong khi đó, hậu quả do trận mưa đá gây ra vào chiều ngày 20/4 vẫn chưa được khắc phục xong.
Cơn mưa đá kèm lốc xoáy chỉ kéo dài trong khoảng 10 phút đã trút xuống địa bàn phường 9, 11 và 12, TP Đà Lạt. Hậu quả hơn 10 căn nhà ở bị tốc mái, hàng chục hecta rau xanh các loại tiếp tục bị dập, nhiều nhà kính – nhà lưới bị rách nát và sập đổ, hư hỏng.
Nhiều ngôi nhà bị hỏng mái.
Cùng ngày, vào lúc 15h, mưa đá dữ dội kéo dài hơn 15 phút kèm gió lốc mạnh xảy ra trên địa bàn thị trấn Mađaguôi và xã Mađaguôi của huyện Đạ Huoai, khiến hơn 100 nhà ở và hai trường học trên địa bàn bị tốc mái.
Ít nhất hơn 100 căn nhà ở của người dân trên địa bàn bị tốc mái, trong đó có gần 1/3 căn nhà bị sập và hư hại hoàn toàn. Trường tiểu học Trần Quốc Toản và Trường trung học cơ sở thị trấn Mađaguôi bị tốc mái, đổ tường; các thiết bị dạy học, máy tính bị ướt và hư hỏng. Ngoài ra một số cơ quan làm việc ở thị trấn Mađaguôi cũng chung tình trạng trên.
Mưa đá tàn phá hơn 100 nhà dân tại huyện Đạ Huoai
Lốc xoáy cũng gây đổ một số trụ điện hạ thế trong khu vực, gây tình trạng kẹt xe và mất điện cục bộ trong nhiều giờ liền. Rất may không có thiệt hại về người.
Anh Khúc Tường Giao, ở khu phố 3, thị trấn Mađaguôi chưa hết bàng hoàng cho biết: “Tôi đang ngồi trong nhà thì giàn tôn chiều ngang khoảng 5 mét, dài 10 mét gắn gỗ và đinh bị hất tung, bay lơ lửng. Cả nhà không ai dám ra ngoài, nước dội vào nhà khiến tủ lạnh và các vật dụng khác bị ướt hết”.
Chính quyền địa phương huyện Đạ Huoai đã huy động mọi lực lượng giúp người dân khắc phục hậu quả.
Theo ông Hà Mạnh Hoan, Chánh Văn phòng UBND huyện Đạ Huoai, đến 18 giờ chiều, sự cố mất điện mới được khắc phục. Lực lượng chức năng tiếp tục khảo sát và thống kê thiệt hại để kịp thời xây dượng phương án hỗ trợ cho người dân.
Video đang HOT
Huyện đã điều tất cả các lực lượng dân quân, du kích, huyện đội, huyện đoàn… tập trung khắc phục hậu quả thiên tai. Hôm nay 22/4, bắt đầu hỗ trợ dân làm lại nhà và thống kê thiệt hại.
Trước đó, một trận mưa đá dữ dội cũng đã trút xuống Đà Lạt vào chiều ngày 20/4. Cùng thời điểm, huyện Đơn Dương cách TP Đà Lạt 40km cũng rơi vào cảnh tương tự.
Theo báo cáo của huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), trận mưa đá diễn ra chỉ vỏn vẹn 30 phút vào chiều ngày 20/4 đã làm 69 căn nhà bị tốc mái, trên 300 hecta rau màu bị thiệt hại nghiêm trọng và hơn 10 ha nhà kính – nhà lưới hư hỏng nặng.
Hoa màu sắp thu hoạch bị phá nát.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, cán bộ UBND huyện Đơn Dương đã trực tiếp đến các địa phương thống kê thiệt hại và chỉ đạo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Đơn Dương nhanh chóng tiếp cận cơ sở để nắm bắt tình hình và hỗ trợ khắc phục hậu quả.
Theo ông Lê Hữu Túc – Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương, đối với những hộ có nhà ở bị tốc mái, chính quyền điạ phương đã bước đầu hỗ trợ 3- 7 triệu đồng/hộ để ổn định cuộc sống trước mắt; đồng thời huy động các lực lượng và người dân trên địa bàn tập trung khẩn trương khắc phục hậu quả. Đến thời điểm này các hộ có nhà ở bị hư hỏng cơ bản đã khắc phục xong.
Trước nữa, như Dân trí đã thông tin, ngày 2/4, tại TP Đà Lạt mưa đá kèm lốc xoáy đã gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.
Trong vòng chưa đầy 1 tháng, Lâm Đồng hứng 3 trận mưa đá, chịu thiệt hại nặng nề về tài sản.
Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, Lâm Đồng liên tiếp hứng chịu 3 trận mưa đá gây thiệt hại nặng nề về tài sản. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Lâm Đồng, trong những ngày tới, mưa rào và gió lốc có thể tiếp tục xảy ra trên diện rộng tại nhiều địa bàn trong tỉnh.
Người dân cần chú ý đề phòng, chủ động các biện pháp bảo vệ hoa màu, cây trồng, vật nuôi, gia cố lại các công trình nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ngọc Hà
Theo Dantri
Thủy điện miền Trung, Tây Nguyên xả nước chống hạn
iện tất cả các nhà máy thủy điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên đều tham gia xả nước chống hạn, phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân vùng hạ du.
Mực nước tại các hồ thủy điện xuống rất thấp, trong khi lưu lượng nước về hồ đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: VGP/Toàn Thắng
Hồ thủy điện thiếu nước trầm trọng
Qua chuyến đi thực tế tại các hồ thủy điện miền Trung - Tây Nguyên, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ ghi nhận từ đầu năm đến nay, lưu lượng nước về các hồ đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Mực nước xuống thấp, tất cả các hồ đều trong tình trạng thiếu nước.
Nguyên nhân cơ bản được xác định là do mưa ít, thời tiết nắng nóng và khô hạn kéo dài trên diện rộng.
Tại tỉnh Lâm Đồng, lưu lượng nước bình quân về hồ Thủy điện Đại Ninh (huyện Đức Trọng) trong 3 tháng mùa khô 2015 vừa qua chỉ đạt 2,29 m3/s, thấp nhất trong lịch sử 8 năm vận hành của nhà máy. Mực nước hồ tính đến ngày 9/4 chỉ đạt 867,08 m, thấp hơn cùng kỳ năm trước gần 5 m.
Mực nước tại các hồ chứa trong khu vực như Đơn Dương, Hàm Thuận cũng xuống rất thấp. Tính đến ngày 13/4 mực nước hồ chứa Đơn Dương đạt 1.031,3m, thấp hơn mực nước dâng bình thường gần 11 m; mực nước tại hồ chứa Hàm Thuận đạt 591,8m, thấp hơn thông thường gần 9 m.
Tại Quảng Nam, mực nước hồ thủy điện A Vương trong 3 tháng đầu năm 2015 chỉ đạt 370,3m, thiếu hụt gần 10 m so với mực nước dâng bình thường và cùng kỳ năm 2014. Hồ thủy điện sông Bung 4 có mực nước đạt 217,38 m, tương ứng dung tích hữu ích 157 triệu m3, đạt khoảng 67,1% dung tích hữu ích theo thiết kế.
Ưu tiên cấp nước cho hạ du
Trên thực tế, nhiều công ty thủy điện của EVN được xây dựng tại Lâm Đồng như Đại Ninh, Đơn Dương, Đa Nhim... nhưng vùng hạ du của các hồ thủy điện này lại nằm ở nhiều huyện của tỉnh Bình Thuận như Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Đức Linh và một phần của tỉnh Ninh Thuận. Đây là những địa phương đang xảy ra tình trạng khô hạn nhất cả nước.
Nhờ các hồ thủy điện xả nước, những trạm bơm như trạm Tà Pao, huyện Tánh Linh, Bình Thuận đã có nước để bơm vào hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất. Ảnh: VGP/Toàn Thắng
Ông Trương Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh, Bình Thuận cho biết, hằng năm các hồ thủy điện của EVN đã làm tốt công tác cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó góp phần tăng vụ, nâng cao năng suất cho người dân.
Năm 2015, tình hình thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, nắng nóng khô hạn kéo dài nên xảy ra tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. "Trước tình hình này, chúng tôi cũng đã báo cáo với UBND tỉnh Bình Thuận, làm việc với các hồ thủy điện xây dựng phương án, điều tiết nguồn nước và thống nhất lịch xả nước qua phát điện nhằm chống hạn cho dân", ông Thưởng cho biết.
Ông Võ Tăng Lý, Giám đốc Công ty Thủy điện Đại Ninh cho biết ngoài nhiệm vụ phát điện, thủy điện này còn có nhiệm vụ điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất cho khoảng 20.000 ha đất nông nghiệp chủ yếu trồng lúa và cây thanh long thuộc 2 huyện Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.
"Mặc dù gặp nhiều khó khăn về nguồn nước nhưng công ty đã liên tục điều tiết nước cho hạ du. Từ ngày 17/3, Đại Ninh đã bị đưa ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh nhằm đáp ứng nhu cầu xả nước liên tục, phục vụ công tác chống hạn của địa phương", ông Lý nói.
Ông Lý chia sẻ, "khi ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh thì giá mua bán điện của nhà máy được tính theo hợp đồng nên doanh thu sụt giảm đáng kể. Tuy nhiên, các nhà máy thủy điện của EVN sẽ nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và "hy sinh lợi ích" để cung cấp nước phục sản xuất, sinh hoạt cho vùng hạ du".
Ông Nguyễn Trọng Oánh, Tổng Giám đốc Công ty thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi cho biết: "Một công ty cổ phần thủy điện như chúng tôi thì phải thực hiện 3 nhiệm vụ chính gồm phát điện phục vụ phát triển kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng; điều tiết nước sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân vùng hạ du và đảm bảo công ty có lợi nhuận".
"Tuy nhiên, trong thời điểm này, chúng tôi ưu tiên cho việc xả nước chống hạn cho vùng hạ du, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ", ông Oánh khẳng định.
Theo đó, các hồ chứa đã thống nhất sẽ xả nước từ 1/4-31/5 với thời gian tối thiểu là 12h/ngày. Từ tháng 6 tới 31/8 sẽ vận hành điều tiết phù hợp với nhu cầu, tùy thuộc vào nguồn nước.
Để tận dụng hiệu quả, tránh lãng phí nguồn tài nguyên nước từ các hồ thủy điện, ông Oánh đề xuất các địa phương nên đầu tư thêm hệ thống hồ chứa, kênh mương, trạm bơm.
Toàn Thắng
Theo_Báo Chính Phủ
Đêm nay miền Bắc xuất hiện không khí lạnh Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, bộ phận không khí lạnh đang tiếp tục di chuyển xuống phía Nam. Dự báo đêm nay và sáng mai (21/4), miền Bắc sẽ xuất hiện không khí lạnh. Dự báo miền Bắc sẽ đón không khí lạnh tăng cường Theo đó, dự báo khoảng đêm nay và sáng sớm mai (21/4),...