Mưa chưa dứt, áp thấp nhiệt đới lại xuất hiện
Ban chỉ đạo PCLB Trung ương cho biết, trong đêm 5-9 và ngày 6-9, các tỉnh miền Bắc tiếp tục có mưa to và rất to tại nhiều địa phương. Trong khi đó, giữa Biển Đông vừa xuất hiện áp thấp nhiệt đới hoạt động (ATNĐ).
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thăm hỏi, động viên các gia đình gặp nạn
tại Bản Khoang, huyện Sa Pa, Lào Cai
Áp thấp nhiệt đới tiếp tục gây mưa
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, sáng 6-9 vùng áp thấp giữa Biển Đông đã mạnh lên thành ATNĐ. Chiều cùng ngày, ATNĐ ở 16 độ Vĩ Bắc, 116 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa xấp xỉ 400km về phía Đông, cường độ cấp 6, giật cấp 7-8. Trong ngày 7-9, ATNĐ tiếp tục di chuyển hướng Tây Bắc, cắt ngang qua quần đảo Hoàng Sa, tiến vào ven biển các tỉnh khu IV và khu V. Tuy nhiên, theo ông Tăng, khả năng ATNĐ mạnh lên thành bão là rất thấp. Chiều nay 7-9, ATNĐ đạt cường độ mạnh nhất, nhưng khi tiếp cận đảo Hải Nam sẽ suy yếu thành vùng thấp, sau đó di chuyển vào bờ.
Do ảnh hưởng của ATNĐ, khu vực giữa Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa cần đề phòng gió giật từ đêm 6-9 kéo dài hết đêm nay. Ngoài ra, hoàn lưu của ATNĐ sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh ven biển khu IV và khu V trong ngày 8 và 9-9. Áp thấp nhiệt đới sẽ gây mưa, trong đó, mưa tập trung từ Nghệ An đến Thừa Thiên – Huế lượng mưa từ 100-150mm, khu vực khác lượng mưa dưới 50mm như ven biển Bắc bộ – Thanh Hóa và từ Đà Nẵng trở vào. Toàn bộ quá trình gió giật và mưa sẽ xảy ra đến hết ngày 8-9. Tuy nhiên, sang ngày 9-9, một vùng áp thấp ngoài khơi Philippines sẽ di chuyển vào Biển Đông.
Trong một diễn biến khác, mưa tại các tỉnh miền núi phía Bắc từ đêm 3-9 đến 6-9 đã đạt lượng phổ biến từ 100-200mm, một số nơi từ 200-300m, một số điểm xấp xỉ 400m. Ngày 6-9, mưa ở Bắc bộ đã giảm, trong ngày 7-9, mưa gần như chấm dứt tại khu vực này. Từ 5-7 ngày tới, khu vực miền núi chưa xảy ra mưa lớn.
Các hồ khu vực Bắc bộ hiện đã đầy nước, có 16 hồ đang xả lũ xuống hạ du, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến hồ núi Cốc và hồ Cấm Sơn. Hiện UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo chưa xả lũ để tránh ngập cho vùng hạ du.
Đề phòng lũ khu vực miền Trung
Video đang HOT
Báo cáo từ BCĐ PCLB Trung ương cho thấy, hiện trong vùng ảnh hưởng của ATNĐ có 45 tàu đang hoạt động. Cơ quan chức năng đã thông báo cho 45 tàu này biết vị trí của ANTĐ và di chuyển khỏi vùng nguy hiểm. Ngoài ra, theo Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, có 113 tàu/121 lao động, đang hoạt động ở khu vực phía Đông Nam đảo Hải Nam. Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã có công hàm gửi Cơ quan chức năng của Trung Quốc đề nghị cho số tàu cá này vào tránh trú tại đảo Hải Nam.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đề nghị, tại các tỉnh miền núi, lực lượng chức năng cần tập trung cứu nạn, giúp người dân ổn định đời sống, khôi phục sản xuất. “Theo dự báo, tôi thấy tình hình mưa ở miền Trung rất đáng lo ngại, mưa từ 100-150mm, nhưng có thể xuất hiện mưa cục bộ tại một số nơi. Vì vậy, cần hết sức đề phòng xuất hiện lũ trên một số sông lớn như sông Lam, sông La, sông Ngàn Sâu…”, ông Cao Đức Phát cảnh báo.
Tặng toàn bộ sách giáo khoa cho học sinh Bản Khoang
Sau khi nhận được tin tại Bản Khoang (huyện Sa Pa, Lào Cai) xảy ra lũ quét, sạt lở đất, cuốn trôi khu nhà tập thể giáo viên, ngay trong đêm 5-9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận dẫn đầu đoàn công tác đến vùng lũ Bản Khoang, trực tiếp nắm tình hình, kịp thời phối hợp với địa phương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình giáo viên và người dân gặp nạn.
Theo Phòng GD-ĐT huyện Sa Pa, toàn bộ 2 nhà riêng của giáo viên và 4 phòng ở công vụ giáo viên đã bị đổ sập hoàn toàn và bị lũ cuốn trôi, ước tính giá trị thiệt hại khoảng 650 triệu đồng.
Sáng 6-9, trước khi đến xã Bản Khoang, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đến Bệnh viện huyện Sa Pa thăm hỏi, tặng quà động viên các hộ gia đình, thầy cô giáo bị nạn. Thay mặt Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã trao quà tặng 200 bộ sách giáo khoa cho các trường. Bộ GD-ĐT cũng tặng quà cho tập thể các trường trung học, tiểu học, mầm non, mỗi trường 20 triệu đồng; tặng mỗi thầy cô mất nhà cửa 3 triệu đồng và một bộ máy tính, tặng mỗi thầy cô bị thương 5 triệu đồng, tặng mỗi gia đình có người thiệt mạng 3 triệu đồng…
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận mong muốn lãnh đạo tỉnh và huyện tiếp tục quan tâm, giúp đỡ người dân, thầy cô giáo và học sinh vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, sửa chữa trường, lớp học, để có thể tổ chức dạy và học sớm nhất.
Hạ Quỳnh
Theo ANTD
Hậu lũ quét: Nỗi đau chưa chịu nổ bùng
Bản Can Hồ (huyện Sa Pa, Lào Cai) giờ là một đống hoang tàn những bùn, đá và lòng người cũng đang tan hoang sau trận lũ quét kinh hoàng. Người ta ngơ ngác nhìn nhau như muốn hỏi: Sao lại thế, sao ông trời lại ác đến thế!
Nỗi đau đang thấm sâu hơn
Hơn ngày qua, Chảo Phìn Mẩy như một cái bóng, trận lũ quét kinh hoàng đêm 4/9 như nhát búa gõ vào đầu Mẩy, khiến cô trở thành ngơ ngẩn. Là con út trong nhà Mẩy luôn được bố mẹ và các anh chị cưng chiều, cô gái 19 tuổi đang học lớp 11 ôm ấp giấc mơ theo học ngành y. Trận lũ quét cướp của gia đình cô 3 người: bố mẹ và người cháu. Toàn bộ ngôi nhà của Mẩy bây giờ là lòng suối sâu hun hút.
Chị Tẩn Lở Mấy trong ngôi nhà bị phá tan hoang do lũ
Chiều 6/9 khi cùng mọi người kiểm tra lại đống đổ nát do dòng nước đẩy vào Mẩy tìm thấy bọc sách vở chuẩn bị cho năm học mới, hình như cô đã tỉnh khỏi cơn ác mộng, trân trân nhìn vào bọc sách để hiểu con đường đến trường của em đã bị trận lũ quét cắt ngang. Ngày mai Mẩy còn chưa biết mình sẽ ở nhà anh chị nào, khi chị lớn Chảo San Mẩy đi nhận hàng cứu trợ với đôi mắt đỏ hoe, nhà cô cũng mất hết, dằn vặt nhất là mẹ cô bà Phàn Tả Mẩy chết trong trận lũ đến hôm nay vẫn chưa tìm được thi thể. Mấy chục người trong gia đình, rồi hàng xóm, bộ đội, công an... cả trăm người suốt trong 2 ngày đi dọc suối mà vẫn chưa tìm được. Từ đêm 4/9 cô đã nhận nỗi đau mất mẹ, nỗi đau ấy giờ thành khủng khiếp khiến cô bật ra câu "nhìn người ta được chôn người thân mà thèm, giờ em chỉ ước tìm thấy mẹ để được chôn mẹ tử tế".
Chảo Phìn Mẩy tìm thấy bộ sách trong đống đổ nát
Qua cơn hoảng sợ, đến hôm nay nỗi đau hình như ngấm sâu hơn, hàng trăm con người bắt đầu nghĩ: Ngày mai sống bằng cái gì?
Tẩn Lở Mẩy 45 tuổi, gia đình 9 người, mất hết, chị đứng nhìn ngôi nhà cũ mà gần như không nói được gì. Ngô thóc gần 6 tấn, lợn, gà... và ngôi nhà nữa, bao giờ dựng lại được "Bắt đầu yếu rồi, không làm nhiều được nữa đâu, lấy gì mà ăn, mà nuôi con, cháu, chúng nó còn đi học nữa", người phụ nữ trung niên ấy run rẩy nói.
Một cháu bé đi qua khu nhà bị lũ tàn phá
Với vợ chồng thầy Sơn cô Thúy không biết khi rời khỏi giường bệnh họ có thể chở lại ngôi trường có gần 10 năm gắn bó hay không? Khó nói trước được. Họ đã có những năm tháng thật đẹp khi mang tuổi thanh xuân cõng chữ lên vùng cao và quyết định gắn bó lâu dài với mảnh đất này. Trận lũ cướp đi của họ tất cả: Ngôi nhà ấm cúng được chắt chiu từ tiền lương dành dụm của hai vợ chồng và đau đớn nhất là mất đứa con trai 3 tuổi. Cô Thúy rồi đây sẽ còn phải "làm bạn" với bệnh viện dài ngày, ngoài điều trị chấn thương cô còn phải cấy da bị bong tróc khi lũ cuốn.
Vào viện đa khoa huyện Sa Pa thăm những nạn nhân của trận lũ, ngại nhất là gặp Chảo Rào Niềm. Nhà Niềm mất 5 người trong đêm kinh hoàng ấy. Niềm nói chuyện không đầu, không cuối, cũng giống như Chảo Phìn Mẩy, ánh mắt anh dài dại, nỗi đau như chưa chịu nổ bùng ra để cho anh khóc mà tỉnh.
Những tấm lòng đến sớm
Tính đến trưa 6/9 tại điểm nhận hàng cứu trợ cho người dân Can Hồ đặt ngay tại UBND xã đã nhận được lượng hàng cứu trợ trị giá hơn 300 triệu đồng, trong đó có cá nhân gửi 10 triệu đồng ủng hộ người bị nạn.
Bộ đội, công an giúp trường TH Bản Khoang 1 dọn dẹp bùn đất sau trận lũ
Ngay sáng 5/9 hơn 200 bộ đội, công an đã vượt rừng vào với người dân, kịp thời bố trí nơi ăn nghỉ cho những gia đình mất nhà. Thiên tai quá bất thường nhưng 100% người dân không bị mất bữa.
Chiều 6/9, đại diện UBND huyện đã cùng cán bộ xã, thôn và các gia đình đi chọn đất chuẩn bị dựng nhà mới. Ông Hầu A Lềnh, bí thư huyện ủy Sa Pa cho biết: "Cố gắng trong 1 tháng sẽ hoàn thành việc dựng nhà cho các gia đình". Cũng trong buổi chiều 6/9, gạo hỗ trợ đột xuất cho các nạn nhân ở Can Hồ đã đến tay người dân, hệ thống nước sinh hoạt cũng được khôi phục. Bên cạnh nỗ lực tìm nốt thi thể 2 người mất tích, lực lượng bộ đội, công an đang dồn sức hỗ trợ nhà trường để sang thứ 2 (9/9) các trường học ở Bản Khoang sẽ đón học sinh đến học buổi đầu tiên.
Cô giáo Lê Thị Hoàn, hiệu phó nhà trường cho biết: "Ngay từ hôm 5/9 đã nhận được nhiều cuộc điện thoại từ các đồng nghiệp, mọi người dân khắp nơi hỏi thăm và đề nghị giúp đỡ". Chị khẳng định: "Trận lũ gây thiệt hại khủng khiếp cho nhà trường nhưng nhất định việc dạy và học sẽ khôi phục nhanh nhất".
Theo Xuân Trường (Dân Việt)
Hơn 23 người chết, mất tích do mưa lũ Sáng 6/9, Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư cho biết do mưa lớn gây lũ quét kéo dai mấy ngày qua ở các tỉnh miền núi phía Bắc, làm 23 người chết mất tích. Trong dó, Lào Cai bị nặng nhất tới 11 người chết, mất tích (2 người mất tích); Lai Châu 3 người chết, Thái Nguyên 3 người, Điện Biên 2 người,...